Thời gian qua, tình hình an ninh chính trị thế giới, khu vực nhanh chóng, phức tạp, khó lường, nhất là những thách thức an ninh phi truyền thống như thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu; tranh chấp chủ quyền, biển, đảo và sử dụng nguồn nước sông Mê Kông; các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, phản động trong và ngoài nước tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thực hiện âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội.
Nhưng dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước, nước ta đã tập trung xây dựng QĐND, CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng đã tiến lên hiện đại làm nòng cốt xây dựng nâng cao chất lượng hoạt động của khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố và phòng thủ quân khu vững chắc. Nhờ đó, đã đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Là cơ sở sức mạnh tổng hợp cho thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
 |
Đại tá Tô Quang Hanh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Sơn La. |
Bên cạnh kết quả đạt được, Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng đã mạnh dạn nêu lên một số mặt bất cập trong lĩnh vực QPAN như: Việc quán triệt, tổ chức, triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về QPAN, bảo vệ Tổ quốc có lúc, có nơi hiệu quả chưa cao. Công tác nắm tình hình, dự báo chiến lược về QPAN có lúc chưa thật chủ động. An ninh trên một số địa bàn, lĩnh vực chưa thật vững chắc, còn tiềm ẩn phức tạp, nhất là an ninh mạng, an ninh trong đầu tư nước ngoài; nhiều yếu tố ảnh hưởng đến an ninh, an toàn con người chưa được quan tâm giải quyết triệt để... Đây chính là những yếu tố tác động trực tiếp làm giảm vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với QPAN và LLVT, cần có những giải pháp cụ thể để nhanh chóng khắc phục.
Để tiếp tục giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với LLVT nhân dân, tôi đề nghị các cấp, các ngành theo thẩm quyền, chức năng nhiệm vụ cần tích cực tham mưu cho Đảng, Nhà nước các chủ trương sớm xem xét, quyết định sửa đổi, ban hành một số luật, văn bản quy phạm pháp luật nhằm tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về lĩnh vực quân sự, quốc phòng như: Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Quản lý các công trình quốc phòng, Luật Biên phòng, Luật Động viên công nghiệp quốc phòng... Qua đó, tạo cơ sở pháp lý vững chắc trong thực hiện sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với QPAN và LLVT.
Đồng thời tích cực thể chế hóa sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Qua đó để phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong xây dựng tiềm lực, lực lượng, thế trận quốc phòng, chuẩn bị các tiềm lực quốc gia; nâng cao tính bền vững và khả năng huy động đáp ứng yêu cầu trong các tình huống quốc phòng bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển kinh tế xã hội, tạo điều kiện để thực thắng lợi mục tiêu phát triển: Phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
ĐẠI TÁ TÔ QUANG HANH - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Sơn La