Phóng viên (PV) Báo Quân đội nhân dân (QĐND) Điện tử tiếp tục có cuộc trao đổi với ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam (2007-2014), Đại sứ Việt Nam tại Mỹ (2014-2018), về vai trò và đóng góp của công tác đối ngoại quốc phòng trong thời gian qua.
 |
Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh. |
PV: Công tác đối ngoại quốc phòng đã có nhiều đóng góp vào thành tựu chung của nền ngoại giao nước nhà, góp phần quan trọng nâng cao vị thế, uy tín của đất nước, quân đội trên trường quốc tế, thực hiện kế sách “Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa” của Đảng. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
Ông Phạm Quang Vinh: Trước hết, chủ trương quốc phòng của Việt Nam là bảo vệ Tổ quốc, là hòa bình, độc lập, tự chủ và hợp tác quốc tế. Chính chủ trương này, cộng với chủ trương đối ngoại chung của Đảng và Nhà nước đã tạo thế cho kênh đối ngoại quốc phòng. Có thể nói, kênh quốc phòng đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong đường lối đối ngoại của chúng ta ngày nay.
Đơn cử, Đông Nam Á và châu Á-Thái Bình Dương là những khu vực có rất nhiều vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống phức tạp nảy sinh. Đối ngoại quốc phòng của Việt Nam trong thời gian qua đã thể hiện được vai trò quan trọng trong bối cảnh đó. Đầu tiên, chúng ta chủ động tham gia vào hợp tác ở khu vực và quốc tế, trên cả bình diện song phương, đa phương. Thứ hai, khi tham gia hợp tác quốc tế nói chung, chúng ta vừa thể hiện được các chính sách đối ngoại hòa bình của Việt Nam và của quốc phòng Việt Nam nhưng quan trọng hơn là tạo dựng lòng tin. Thứ ba, các khu vực trên có rất nhiều tiến trình đa phương, đặc biệt là những tiến trình liên quan đến ASEAN. Vì vậy, việc chúng ta tham gia sâu rộng vào ASEAN đã giúp hình thành những cơ chế hợp tác về mặt quốc phòng để đóng góp xây dựng cấu trúc khu vực.
Năm 2010, với tư cách là Chủ tịch ASEAN, chúng ta đã khởi xướng và tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ nhất. Dưới sự dẫn dắt của Việt Nam, các nước nhận thấy rằng việc thành lập cơ chế ADMM+ sẽ góp phần củng cố hòa bình, ổn định, tăng cường hiểu biết và xây dựng lòng tin, giao lưu giữa các quân đội, hợp tác ứng phó với những vấn đề cùng quan tâm, kể cả thách thức truyền thống lẫn phi truyền thống. Nhìn lại, các quốc gia đều đồng tình rằng ADMM+ đã trở thành một bộ phận rất quan trọng của cấu trúc an ninh khu vực.
Ở bình diện quan hệ quốc phòng song phương, kênh quốc phòng cũng tiếp tục thực hiện hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Nếu trước đây chúng ta chỉ chú trọng hợp tác với những bạn bè truyền thống như Lào, Campuchia hoặc một số nước châu Á thì hiện nay chúng ta đã mở rộng hợp tác với hầu hết các nước, trong đó có cả 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, qua đó góp phần nâng cao vị thế cho Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong những năm gần đây, chúng ta đã triển khai tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình (GGHB) LHQ. Từ đó, vị thế, ảnh hưởng và uy tín của Việt Nam được nâng lên rất nhiều. Đặc biệt là hình ảnh các cán bộ, chiến sĩ mũ nồi xanh của Việt Nam vừa thực hiện nhiệm vụ GGHB LHQ, vừa góp phần phòng, chống đại dịch Covid-19 tại nước sở tại đã để lại những ấn tượng khó quên trong cộng đồng quốc tế.
 |
Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 triển khai đến Nam Sudan tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Ảnh: Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam. |
Có thể thấy rõ ràng là đối ngoại quốc phòng của Việt Nam đã tham gia sâu rộng hơn vào hội nhập quốc tế, đồng thời thể hiện chủ trương hòa bình, tự vệ và hợp tác quốc tế của Việt Nam. Chúng ta tham gia tăng cường xây dựng lòng tin, cùng các nước xử lý những vấn đề thách thức chung, tham gia vào định hình và xây dựng các tiến trình của khu vực.
PV: Thời gian qua, Báo Quân đội nhân dân (QĐND) đã tổ chức tốt công tác tuyên truyền đối ngoại. Bám sát chỉ đạo của Đảng “thúc đẩy quan hệ với các nước đối tác chiến lược, các nước ASEAN, nước láng giềng, bạn bè truyền thống”, Báo QĐND đã mở một số chuyên trang báo tiếng nước ngoài như tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Lào, tiếng Khmer và sắp tới có thể là phiên bản tiếng Nga và tiếng Pháp. Từng là một nhà quản lý của ngành ngoại giao, trực tiếp công tác tại nước ngoài, với kinh nghiệm của mình ông đánh giá thế nào về định hướng trên của Báo QĐND trong tuyên truyền đối ngoại?
Ông Phạm Quang Vinh: Đối ngoại nhà nước thời gian qua được triển khai mạnh mẽ. Trong đó, đối ngoại quốc phòng là một phần của đối ngoại nhà nước. Thời gian qua, Báo QĐND - cơ quan ngôn luận của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, tiếng nói của lực lượng vũ trang và nhân dân Việt Nam - cũng tham gia tích cực vào công tác này thông qua việc đăng tải hoạt động hợp tác quốc phòng với các quốc gia, tổ chức quốc tế, cũng như giúp bạn đọc trong và ngoài nước hiểu hơn về đất nước Việt Nam, nền quốc phòng Việt Nam và đặc biệt là QĐND Việt Nam.
Báo QĐND là một tờ báo lớn, kênh thông tin chính thống, có nhiều thế mạnh. Ở trong nước, Báo QĐND đã góp phần tăng cường sự hiểu biết, tạo dựng được niềm tin trong lòng độc giả, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, cần phát huy thế mạnh đó ra bên ngoài. Để tăng cường kết nối với độc giả bên ngoài thì ngôn ngữ là việc vô cùng quan trọng, do vậy việc phát huy các ấn phẩm báo điện tử với nhiều ngoại ngữ khác nhau là điều cần thiết. Báo QĐND cần tiếp tục phản ánh đa chiều, toàn diện hơn nữa các mặt hoạt động của quân đội.
Đơn cử như kinh nghiệm Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Cần phải làm cho thế giới thấy được đó là một kinh nghiệm mang tính phổ quát, đứng trên góc độ nhân đạo. Bên cạnh đó, Báo QĐND cũng cần tận dụng sự phát triển của khoa học công nghệ, truyền thông số để đưa thông tin nhanh chóng, kịp thời, chính xác đến với độc giả trong và ngoài nước.
PV: Xin cảm ơn ông!
VĂN DUYÊN-VĂN HIẾU (thực hiện)