 |
Ông Phạm Quang Vinh (phải) trả lời phỏng vấn Báo Quân đội nhân dân Điện tử. |
Cần phối hợp đồng bộ giữa các kênh đối ngoại
PV: Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng có đề cập đến việc triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Theo ông, chủ trương trên có điểm gì mới hoặc điểm nhấn về nội hàm so với các kỳ Đại hội Đảng trước?
Ông Phạm Quang Vinh: Dự thảo tiếp tục khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục kiên định với đường lối độc lập, tự chủ, đa phương hóa đa dạng hóa và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, chúng ta cần nhấn mạnh tới yếu tố “đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả và hội nhập toàn diện, sâu rộng hơn”. Chúng ta tiếp tục nâng tầm chất lượng trong tham gia quan hệ quốc tế tương xứng với khát vọng Việt Nam hùng cường và định hướng phát triển đất nước ở một mức cao hơn, tầm nhìn hướng tới năm 2030 và 2045. Vì vậy, chúng ta phải phối hợp rất đồng bộ giữa các kênh đối ngoại. Trong bối cảnh quan hệ quốc tế phức tạp, đặc biệt là cạnh tranh nước lớn, các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống phức tạp hiện nay, Việt Nam phải vận dụng đường lối đối ngoại một cách rất sáng tạo và hiệu quả.
Đặc biệt, cạnh tranh nước lớn đặt ra nhiều thách thức cho các nước khác và cho cả khu vực. Chúng ta tranh thủ các nước lớn nhưng không được rơi vào “bẫy” cạnh tranh. Chúng ta tăng cường hợp tác với cả hai bên nhưng đồng thời không đứng về bên này chống người bên kia và phải đứng về lẽ phải và luật pháp quốc tế. Vì vậy, chúng ta phải dựa trên lợi ích quốc gia, lợi ích chung của khu vực và của nhân loại, và dựa trên luật pháp quốc tế. Điều này đòi hỏi ngành ngoại giao phải đưa tầm đối ngoại lên mức cao hơn và chất lượng cao hơn, nhất là trong quá trình triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng và hội nhập quốc tế thời gian tới.
Ngoại giao là một bộ phận rất quan trọng trong triển khai công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước, coi ngoại giao là một lĩnh vực tiên phong. Trước hết, ngoại giao phải tham gia cùng với các lực lượng khác, hợp thành một bộ phận đối ngoại tổng thể của hệ thống chính trị để xây dựng và củng cố môi trường hòa bình, phát triển. Thứ hai, chúng ta phải tạo ra được động lực để hỗ trợ để phát triển đất nước trong giai đoạn mới thông qua hội nhập quốc tế một cách chủ động, tích cực. Thứ ba, chúng ta không chỉ tham gia vào hội nhập quốc tế để phục vụ sự nghiệp phát triển của mình mà mình còn tham gia vào hoạt động song phương, đa phương ở cấp khu vực và quốc tế cũng như vào việc định hình các luật chơi quốc tế. Trong đó, định hình luật chơi quốc tế cần dựa trên luật pháp quốc tế, dựa trên lợi ích quốc gia, dựa trên lợi ích song trùng của khu vực và của nhân loại, nhằm củng cố môi trường hòa bình, phát triển tốt hơn và dựa trên luật pháp quốc tế nhiều hơn.
Nội dung “đồng bộ, sáng tạo và hiệu quả” có nghĩa là chúng ta phải phối hợp tất cả các kênh đối ngoại của Đảng, Nhà nước và nhân dân, phối hợp các bộ, ngành với nhau, phối hợp trên các lĩnh vực khác nhau, từ kinh tế, chính trị, đến an ninh quốc phòng, đến khoa học công nghệ và tất cả các lĩnh vực khác. Chủ động hội nhập quốc tế vẫn tiếp tục là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước trong tham gia mở rộng quan hệ quốc tế. Muốn phát huy được vai trò và nâng cao uy tín của Việt Nam, chúng ta phải tham gia nhiều hơn vào các tiến trình hợp tác quốc tế, cả cấp độ song phương, khu vực và toàn cầu.
Ba thành tố của ngoại giao hiện đại
PV: Trong Mục XI của Dự thảo có đề cập: “Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân”. Xin ông nói rõ hơn về khái niệm, nội hàm “nền ngoại giao hiện đại”?
Ông Phạm Quang Vinh: Chúng ta triển khai hoạt động đối ngoại, ngoại giao để phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Rõ ràng hơn bao giờ hết là phải phối hợp các kênh ngoại giao Đảng, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân. Ngoài ra, mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và chủ trương về hội nhập đòi hỏi chúng ta phối hợp đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, đối ngoại cho đến kinh tế, an ninh, quốc phòng...
Theo tôi, “nền ngoại giao hiện đại” bao gồm ba thành tố lớn. Thứ nhất là chúng ta dựa vào truyền thống ngoại giao của dân tộc Việt Nam qua nhiều giai đoạn lịch sử, đặc biệt là truyền thống về hòa hiếu, về làm bạn và về “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Đây là câu chuyện độc lập, tự chủ để có thể thể hiện quan điểm hòa bình của Việt Nam, thể hiện mong muốn hợp tác với các nước và thể hiện ứng xử linh hoạt dựa trên lợi ích quốc gia. Thứ hai là thời đại Hồ Chí Minh đã tạo ra một nền ngoại giao Hồ Chí Minh, lấy độc lập dân tộc, lợi ích quốc gia nhưng đồng thời tranh thủ kết hợp sức mạnh dân tộc, sức mạnh thời đại, hợp tác quốc tế nhằm xử lý các vấn đề thách thức trên thế giới, nhấn mạnh hòa bình và luật pháp quốc tế. Thứ ba là nâng tầm ngoại giao lên hiện đại. Hiện nay, thế giới đang vận động rất nhanh, đặt ra rất nhiều vấn đề thách thức của thời đại mới, như cạnh tranh nước lớn, an ninh truyền thống và phi truyền thống mang tính thời đại, chẳng hạn như biến đổi khí hậu hay dịch bệnh; trong khi đó, xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, thời đại số phụ thuộc và đan xen vào nhau. Những điều này đem lại cho chúng ta cả những cơ hội và thách thức mới mình.
Trong “nền ngoại giao hiện đại”, chúng ta phải có tư duy hiện đại để có thể cập nhật được những vấn đề đang đặt ra với thế giới. Chúng ta không thể chỉ tăng cường nội lực của mình mà bỏ qua các yếu tố bên ngoài. Hiện nay, toàn cầu hóa làm cho lợi ích các nước đan xen với nhau. Vì vậy, chúng ta cần phải có tư duy dân tộc nhưng cũng phải cập nhật xu thế toàn cầu hóa đó. Rất nhiều mối quan hệ quốc tế đang chuyển động phức tạp, đan xen; cạnh tranh nước lớn gia tăng; trật tự thế giới và các luật chơi quốc tế thay đổi đòi hỏi chúng ta cũng phải có tư duy mới. Ngoài ra, các vấn đề toàn cầu đặt ra những thách thức buộc không một nước nào có thể tự giải quyết được mà phải hợp tác. Bên cạnh đó, ngoại giao hiện đại là phải sử dụng được các công cụ của thời kỳ hiện đại, đặc biệt là công nghệ số và truyền thông số. Cuối cùng, ngoại giao hiện đại đòi hỏi người cán bộ làm công tác đối ngoại phải cập nhật những kiến thức, kỹ năng và sử dụng những phương tiện của thời kỳ hiện đại.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, ngoại giao hiện đại vẫn phải dựa trên tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, dựa trên truyền thống ngoại giao của dân tộc và đường lối ngoại giao đã được cập nhật qua các kỳ Đại hội của Đảng, trong đó nhấn mạnh yếu tố độc lập, tự chủ, hòa bình và đa dạng hóa, đa phương hóa, làm bạn với các nước, phục vụ cho lợi ích quốc gia và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trên thực tế, ngoại giao hiện đại thừa kế những vấn đề đó nhưng bổ sung thêm tư duy mới, đội ngũ cán bộ mới và có sử dụng các phương tiện mới.
Hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng nhưng có lựa chọn
PV: Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng đề xuất nâng tầm hội nhập quốc tế lên mức cao hơn, với việc bổ sung nội dung “toàn diện, sâu rộng”. Ông đánh giá thế nào về chủ trương hội nhập quốc tế “toàn diện, sâu rộng” được nêu trong Dự thảo?
Ông Phạm Quang Vinh: Về hội nhập quốc tế, Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương tham gia từng bước. Chúng ta từ hội nhập về kinh tế, rồi lấy kinh tế làm chủ chốt và mở rộng ra các lĩnh vực khác, rồi chủ động, tích cực hội nhập toàn diện. Xuất phát từ yếu tố khách quan của thế giới và nhu cầu phát triển của đất nước khi tiến hành công cuộc đổi mới và mở cửa, chúng ta vừa muốn phát huy nội lực quốc gia, vừa muốn tranh thủ nguồn lực quốc tế nên Việt Nam tham gia hội nhập quốc tế để tranh thủ cao nhất nguồn lực phục vụ cho mục tiêu phát triển đất nước.
Khi đã xây dựng nền kinh tế đất nước phát triển đến mức độ nhất định, chúng ta có thể hội nhập được nhiều hơn. Chúng ta tham gia vào hội nhập không chỉ vì nguồn lực quốc tế, dù nó vẫn là yếu tố rất quan trọng, nhưng còn tranh thủ những thứ nhiều hơn nguồn lực đó, chẳng hạn như các chuỗi cung ứng hay các hiệp định thương mại tự do (FTA) ở chất lượng cao hơn. Trong công cuộc phát triển đất nước, chúng ta cũng muốn tham gia vào định hình, tác động vào luật chơi quốc tế nhằm tạo thuận lợi phát triển cho Việt Nam và cũng như cho khu vực và thế giới dựa trên luật pháp quốc tế.
Chủ động hội nhập quốc tế là câu chuyện nhất quán trong hơn 30 năm đổi mới của Việt Nam. Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng lần này có nói đến “hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng”. Theo đó, chúng ta hội nhập trên nhiều lĩnh vực khác nhau và phối hợp đồng bộ tham gia đối ngoại và hội nhập của các bộ, ngành và các kênh. Toàn diện và sâu rộng là chúng ta tham gia vào tất cả các lĩnh vực, sâu hơn, tích cực, chủ động hơn để tranh thủ nguồn lực quốc tế tốt hơn. Chúng ta tham gia vào phân khúc chuỗi cung ứng chất lượng cao hơn và cũng tạo ra vị thế tốt hơn.
Tuy nhiên, toàn diện và sâu rộng nhưng có lựa chọn. Lựa chọn ở đây dựa trên điều tiên quyết là phục vụ tốt nhất cho lợi ích quốc gia, tham gia những lĩnh vực chúng ta có khả năng tham gia sâu rộng nhất mà không ảnh hưởng đến chương trình phát triển đất nước, tham gia sâu rộng ở những lĩnh vực có thể xây dựng các chuẩn mực và định hình các luật chơi để đem đến thuận lợi nhất, và cuối cùng là vừa tham gia sâu rộng, toàn diện vừa phát huy được vai trò và vị thế, uy tín của mình.
Thế giới có nhiều tiến trình hội nhập khác nhau, nhiều vấn đề cần phải tham gia hợp tác quốc tế ở những phân khúc khác nhau, từ toàn cầu đến liên khu vực và khu vực. Chúng ta chủ động hội nhập một cách tích cực, vừa toàn diện vừa sâu rộng nhưng kinh tế vẫn là một lĩnh vực chủ chốt, cùng song hành với chính trị, đối ngoại, an ninh, quốc phòng, khoa học công nghệ. Chúng ta cũng tham gia rất nhiều những diễn đàn khác nhau, trong đó ASEAN và Liên hợp quốc (LHQ) là hai cơ chế quan trọng nhất ở cấp độ khu vực và cấp độ toàn cầu nhằm đem lại môi trường hòa bình, ổn định, phục vụ cho phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế và tham gia vào định hình luật chơi. Cho nên, hội nhập toàn diện và sâu rộng không phải tham gia một cách đồng đều, mà chúng ta có sự lựa chọn, ưu tiên phục vụ cho lợi ích quốc gia.
PV: Tại mục I của Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII có nêu: “Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế có mặt, có lúc chưa theo kịp diễn biến của tình hình, chưa lường hết những tác động bất lợi. Chưa khai thác tốt và phát huy hiệu quả các quan hệ lợi ích đan xen với các đối tác quan trọng. Sự phối hợp giữa các ngành, các địa phương trong công tác đối ngoại chưa chặt chẽ, thường xuyên”. Là một người từng chủ trì nhiều nội dung công việc quan trọng của ngoại giao nước nhà, theo ông, trong nhiệm kỳ tới chúng ta cần có những giải pháp như thế nào để khắc phục hạn chế nêu trên?
Ông Phạm Quang Vinh: Nếu nhìn lại hơn ba thập kỷ đổi mới của đất nước, chúng ta có thể thấy Việt Nam đã vươn lên và đạt được rất nhiều kết quả và thành tích, kể cả trong ứng phó với những thách thức, kể cả trong tăng cường khuôn khổ quan hệ song phương, đa phương và đan xen lợi ích, ứng xử với cạnh tranh nước lớn, cũng như trong phối hợp giữa các bộ, ngành Trung ương và địa phương, qua đó tạo dựng và nâng cao uy tín, vị thế của đất nước.
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng có những lúc chúng ta chưa làm tốt trong phối hợp giữa Trung ương và địa phương hay chúng ta chưa xử lý một cách nhuần nhuyễn nhất vấn đề đan xen lợi ích. Tôi cho rằng, trong quá trình triển khai, chúng ta gặp phải những khó khăn khách quan như cạnh tranh nước lớn, quan hệ quốc tế chuyển biến quá nhanh, quá sâu rộng. Có những lúc chúng ta chưa dự báo kịp; những vấn đề quốc tế cũng phức tạp hơn rất nhiều. Ví dụ, không ai lường trước được rằng năm 2020, cả thế giới lại chìm trong đại dịch Covid-19. Thế giới đã từng ứng phó với nhiều loại dịch bệnh, tuy nhiên đại dịch Covid-19 là một ngoại lệ bởi nó lây lan quá nhanh, cùng một lúc, tại cùng một thời điểm. Cả thế giới phải đóng cửa để phòng, chống dịch bệnh, làm ngắt quãng các quan hệ tương tác, chuỗi cung ứng.
Sắp tới, tôi đề nghị chúng ta cần phải nâng tầm dự báo. Tiếp theo, trong bối cảnh cục diện quốc tế đang thay đổi, cạnh tranh nước lớn gia tăng, chúng ta cần lấy lợi ích quốc gia, dựa trên luật pháp quốc tế và lợi ích song trùng lợi ích giữa các nước. Ngoài ra, khi có những lợi ích khác biệt nhau, ở cả cấp khu vực lẫn quốc tế, chúng ta phải thúc đẩy hơn nữa chủ nghĩa đa phương và tuân thủ luật pháp quốc tế. Chính công cuộc cải cách và đổi mới đất nước đang được tiếp tục nâng lên trong tầm nhìn 2030 và 2045, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng kinh tế, bình ổn vĩ mô, sử dụng nhiều hơn khoa học công nghệ và chất xám cho phát triển đất nước. Từ đó, các bộ, ngành, địa phương phải cụ thể hóa hiệu quả chủ trương hội nhập quốc tế, đồng thời nâng cao năng lực cán bộ làm công tác đối ngoại.
(còn nữa)
VĂN DUYÊN-VĂN HIẾU (thực hiện)