1. Kinh tế tập thể là những cơ sở kinh tế do các thành viên tự nguyện góp vốn, tài sản, tư liệu sản xuất hoặc/và góp sức; cùng sản xuất, kinh doanh (SXKD); cùng quản lý theo nguyên tắc dân chủ, bình đẳng; phân phối theo vốn góp, lao động hoặc theo mức độ tham gia dịch vụ; thành viên kinh tế tập thể khi tự nguyện chấm dứt tư cách thành viên thì được tổ chức kinh tế tập thể trả lại phần vốn, tài sản, tư liệu lao động đã đóng góp. Kinh tế tập thể tồn tại dưới nhiều hình thức, phổ biến hơn cả là HTX, liên hiệp (LH) HTX, tổ hợp tác... Trong đó, HTX được coi là loại hình nòng cốt của kinh tế tập thể.
Kinh tế tập thể mang tính xã hội và nhân văn sâu sắc, bởi bên cạnh việc lấy lợi ích kinh tế làm mục tiêu chính, kinh tế tập thể còn coi trọng lợi ích xã hội của thành viên; coi trọng sự hợp tác mang tính liên kết, bổ trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên; góp phần xóa đói, giảm nghèo, tiến tới làm giàu cho các thành viên, phát triển cộng đồng. Với những đặc điểm ưu việt, kinh tế tập thể là mô hình được người dân ở nhiều nước trên thế giới ưa chuộng. Ví dụ, Hà Lan hiện có hơn 2.500 HTX hoạt động với 30 triệu thành viên (trong khi dân số Hà Lan chỉ có 17 triệu người, nghĩa là trung bình mỗi người dân Hà Lan là thành viên của gần 2 HTX), đóng góp 18% GDP của Hà Lan, thu nhập bình quân của thành viên đạt 600.000 euro/năm.
Ở Việt Nam, với mục tiêu xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, kinh tế tập thể càng được coi là một thành phần quan trọng, được coi là nền tảng của nền kinh tế quốc dân. Vì đặc điểm của kinh tế tập thể rất phù hợp với bản chất chế độ XHCN nên Đảng và Nhà nước ta luôn khuyến khích phát triển thành phần kinh tế này.
2. Theo báo cáo của Liên minh HTX Việt Nam, tính đến tháng 6-2020, cả nước có 25.282 HTX (trong đó có 16.012 HTX nông nghiệp, 8.087 HTX phi nông nghiệp, 1.183 quỹ tín dụng nhân dân), tăng 2002 HTX so với cùng kỳ năm trước; 91 LH HTX và 120.811 tổ hợp tác. Tổng vốn điều lệ đạt hơn 36,6 nghìn tỷ đồng, trung bình 1,434 tỷ đồng/HTX; tổng giá trị tài sản đạt trên 181,74 nghìn tỷ đồng (tăng khoảng 2% so với năm 2019); doanh thu bình quân đạt 1,7 tỷ đồng; thu nhập thành viên, người lao động đạt trung bình 2,7 triệu đồng/người/tháng. Số HTX SXKD có hiệu quả đạt 58% tổng số HTX đang hoạt động. Các tổ hợp tác có vốn góp ước đạt 22.000 tỷ đồng (trung bình 182 triệu đồng/ tổ hợp tác); doanh thu bình quân đạt 232 triệu đồng/tổ hợp tác; thu nhập bình quân người lao động đạt 2,4 triệu đồng/người/tháng. Cả nước có trên 1.700 HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị, công nghiệp cao (tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2019), trong đó có 1.147 HTX nông nghiệp phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nhằm nâng cao giá trị nông sản, phát triển kinh tế hộ thành viên.
Mới đây, làm việc với Liên minh HTX Việt Nam, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã đánh giá, thời gian qua, kinh tế tập thể, HTX có những đổi mới hết sức quan trọng không chỉ trong phát triển kinh tế, mang lại lợi ích cho các thành viên tham gia, người nông dân, nâng cao đời sống, bộ mặt của nông thôn và người dân mà còn mang tính chính trị, xã hội, đưa những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với người dân. Bên cạnh đó, xây dựng nông thôn mới đồng hành, phụ thuộc vào sự phát triển của kinh tế nông thôn, trong đó có vai trò quan trọng của kinh tế tập thể, HTX.
Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể; kiện toàn tổ chức và hoạt động quản lý nhà nước với kinh tế tập thể. HTX phát triển đa dạng trong các lĩnh vực, xuất hiện nhiều mô hình HTX hoạt động hiệu quả; tổ hợp tác hoạt động từng bước có hiệu quả, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên và người lao động; có đóng góp cho ngân sách nhà nước và góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Theo đánh giá của Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo, kinh tế hợp tác, HTX ngày càng phát triển rộng khắp, dần trở thành phương thức tổ chức hoạt động kinh tế, đời sống của xã hội văn minh, phù hợp với xu hướng phát triển của kinh tế bao trùm, kinh tế chia sẻ, các thành viên trong xã hội đều hưởng lợi, không ai bị bỏ lại phía sau. Với lợi thế, ưu việt và những đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội, kinh tế hợp tác, HTX đóng vai trò ngày càng quan trọng và đang trở thành một trong những trụ cột của nền kinh tế Việt Nam.
3. Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan, khu vực kinh tế tập thể ở nước ta vẫn còn hạn chế, bất cập; phát triển chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, lợi thế cũng như vị trí, vai trò của kinh tế tập thể mà Đảng, Nhà nước ta đã xác định.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tập thể còn thấp so với các khu vực kinh tế khác, tỷ lệ đóng góp vào GDP chưa đáp ứng được yêu cầu. Thời kỳ trước, HTX đóng góp trên 7% vào GDP, sau đó giảm dần. Đến năm 2012, khi Luật HTX ra đời, đóng góp vào GDP của HTX chỉ còn khoảng 4%, sau đó giảm chậm và hiện nay chỉ còn đóng góp khoảng 3,7%. Nhìn toàn diện, con số tuyệt đối mà kinh tế tập thể đóng góp vào GDP vẫn tăng, nhưng tỷ trọng đóng góp vào GDP giảm chứng tỏ tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tập thể thấp hơn nhiều so với các khu vực kinh tế khác. Điều đó có nghĩa là các cơ chế, chính sách thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển vẫn chưa phát huy hiệu quả và các đơn vị kinh tế tập thể vẫn chưa thể tự nâng tầm của mình thành các đơn vị kinh tế mạnh.
Kết luận số 70-KL/TW, ngày 9-3-2020 của Bộ Chính trị nêu rõ: “Phần lớn tổ chức kinh tế tập thể, HTX có quy mô nhỏ, phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Số lượng HTX tuy tăng, nhưng số lượng thành viên có xu hướng giảm. Việc thực hiện chuyển đổi HTX theo Luật HTX năm 2012 còn nhiều vướng mắc. Sự liên kết, hợp tác giữa các tổ chức kinh tế tập thể, HTX với nhau và các loại hình kinh tế khác còn yếu. Công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, HTX còn nhiều bất cập; sự phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội, hội quần chúng trong phát triển kinh tế tập thể, HTX còn thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả, đặc biệt là ở các cấp địa phương”.
4. Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII nêu đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, trong đó có đánh giá về kinh tế tập thể như sau: “Kinh tế tập thể từng bước đổi mới gắn với cơ chế thị trường” và “Kinh tế hợp tác phát triển yếu, kinh tế tập thể chưa làm tốt vai trò liên kết, hỗ trợ kinh tế hộ”.
Dự thảo Báo cáo Tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược Phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 cũng chỉ rõ: “Khu vực kinh tế tập thể, HTX có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng; xuất hiện nhiều mô hình mới, hiệu quả” và “Tổ chức kinh tế tập thể, HTX phần lớn có quy mô nhỏ, năng lực nội tại còn yếu”.
Dự thảo Báo cáo Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 cũng đánh giá: “Các chỉ tiêu phát triển kinh tế tập thể, HTX cơ bản tăng nhanh, đạt được mục tiêu kế hoạch; xuất hiện nhiều mô hình mới, hiệu quả”. Dự thảo văn kiện này nêu số liệu dẫn chứng, dự kiến đến năm 2020, cả nước có hơn 26.000 HTX; có gần 1,2 nghìn quỹ tín dụng nhân dân, phần lớn hoạt động có hiệu quả; có 95 LH HTX; có khoảng 115.000 tổ hợp tác đăng ký hoạt động.
Như vậy, cách đánh giá kinh tế hợp tác “phát triển yếu” với “có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng”, các chỉ tiêu “cơ bản tăng nhanh, đạt được mục tiêu kế hoạch” ở 3 dự thảo văn kiện chưa thực sự thống nhất. Chúng tôi cho rằng, cách đánh giá “kinh tế hợp tác phát triển yếu” như dự thảo Báo cáo Chính trị ở mức khái quát quá cao, dẫn tới chưa phản ánh hết thực trạng phát triển của HTX. Từ dẫn chứng thực tế và bằng những phân tích nêu trên, chúng tôi đề nghị sửa đổi đánh giá về kinh tế hợp tác trong dự thảo Báo cáo Chính trị như sau: “Kinh tế hợp tác tăng nhanh về số lượng, nhưng chất lượng còn yếu; kinh tế tập thể chưa làm tốt vai trò liên kết, hỗ trợ kinh tế hộ”.
Để kinh tế tập thể phát triển như kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và đuổi kịp sự phát triển của mô hình HTX tiên tiến trên thế giới, Đại hội XIII của Đảng sắp tới cần có đánh giá đúng vai trò và thực tiễn phát triển kinh tế tập thể để đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp quyết liệt hơn. Trên cơ sở đó, các cấp, các ngành sẽ triển khai những nhiệm vụ cụ thể, từ hoàn thiện cơ chế, chính sách; năng lực quản lý nhà nước về kinh tế tập thể cho tới những giải pháp hỗ trợ cụ thể, thiết thực tạo động lực phát triển các đơn vị kinh tế tập thể cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.
NGUYỄN CHIẾN THẮNG