1. Tại phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo xây dựng QHCB cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Dứt khoát không đưa vào quy hoạch những người có biểu hiện suy thoái, biến chất, rơi vào “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; nhất là “các anh” cơ hội chính trị như con lươn, con chạch...”. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu, nếu đã "nhỡ" để lọt vào quy hoạch những cán bộ không đủ tiêu chuẩn thì phải nghiêm túc đánh giá lại cho đúng, để công tác quy hoạch phải thực sự "có vào, có ra", bảo đảm chất lượng tốt nhất. Tinh thần đó được HNTƯ 12 khóa XII khẳng định lại với quan điểm nhất quán: Vấn đề quan trọng hiện nay là phải đánh giá lại chất lượng cán bộ được quy hoạch để chủ động, kịp thời hoàn thiện, tối ưu hóa chất lượng QHCB cho nhiệm kỳ mới.

Sở dĩ Trung ương chủ trương như vậy là bởi những đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn công tác cán bộ. Chúng ta biết rằng, đến nay, công tác quy hoạch nguồn cán bộ cho Đại hội XIII của Đảng và đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 đã được cấp ủy, tổ chức đảng các cấp chuẩn bị chu đáo từ nhiều nhiệm kỳ trước và nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng. Tại HNTƯ 12 khóa XII, BCH Trung ương cũng đã thống nhất chủ trương về công tác nhân sự Trung ương và hiện đang cẩn trọng xem xét danh sách giới thiệu dự bầu Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII do tổ chức đảng các cấp, các ban, ngành Trung ương và các địa phương giới thiệu. Tuy vậy, công tác cán bộ là việc gốc của Đảng; đánh giá cán bộ được quy hoạch phải là việc làm thường xuyên, liên tục của cấp ủy đảng; đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng răn dạy: "Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân".

Thực tiễn công tác QHCB ở Đại hội XII và nhiều nhiệm kỳ trước cho thấy: Có những cán bộ, ở thời điểm được tổ chức phát hiện, giới thiệu quy hoạch nhân sự thì hoàn toàn là những cán bộ tốt, có uy tín. Nhưng trải qua thời gian, kinh qua các vị trí công tác khác nhau, thậm chí có người phát triển lên vị trí rất cao, giữ cương vị trọng yếu, chủ chốt thì mới nảy sinh tiêu cực, rơi vào khuyết điểm. Thực tế đó có nguyên nhân chủ yếu và trước hết từ phía cán bộ, nhưng ít nhiều cũng do hiệu quả công tác đánh giá và đánh giá lại cán bộ của các cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị còn những mặt hạn chế, yếu kém, còn biểu hiện buông lỏng.

2. Thực tiễn đó đòi hỏi hơn lúc nào hết, Trung ương và các cấp ủy cần đẩy mạnh hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, rà soát, đánh giá và đánh giá lại cán bộ được quy hoạch. Việc đánh giá không chỉ đơn thuần tiến hành ở thời điểm trước khi đưa vào quy hoạch mà phải xem xét cả quá trình công tác lâu dài, liên tục, xuyên suốt của cán bộ. Có nghĩa, phải nhìn nhận, đánh giá lại thật kỹ để tránh các hiện tượng như: Cán bộ đang trong quy hoạch nhưng ở thời điểm trước, khóa trước từng có vi phạm kỷ luật, có biểu hiện suy thoái, tham nhũng, tiêu cực mà tổ chức, tập thể chưa phát hiện và xử lý kịp thời. Có những cán bộ trước khi được đưa vào quy hoạch thì tốt, nhưng chuyển biến, tha hóa ngay sau thời điểm được tổ chức tin tưởng, đưa vào diện quy hoạch... Thậm chí, không ít cán bộ được quy hoạch là người khôn khéo, "biến hình tinh ranh" để lừa gạt tổ chức và đồng chí, quần chúng. Lại có những cán bộ khi được vào diện quy hoạch lại sinh ra thỏa mãn, dừng lại, hoặc hống hách, ra oai với đồng chí và quần chúng... Tất cả những biểu hiện dù nhỏ nhất nêu trên cũng cần được nhìn nhận nghiêm túc, đánh giá đúng mức độ để làm căn cứ xem xét, đánh giá cán bộ một cách kỹ càng hơn.

Trong đánh giá và đánh giá lại cán bộ được quy hoạch cần cẩn trọng xem xét, rà soát kỹ lại bằng cấp, học hàm, học vị; chú ý đánh giá đúng trình độ, năng lực những cán bộ xuất thân là con em cán bộ cấp cao; đánh giá lại nơi cán bộ công tác là nơi dễ nảy sinh tư tưởng, tâm lý cục bộ dòng họ, bè cánh trong công tác nhân sự; tăng cường kiểm tra, giám sát ở những cơ quan, tổ chức, địa phương có dấu hiệu mất đoàn kết, vi phạm nguyên tắc, thực hiện chưa đúng quy định, quy trình giới thiệu nhân sự... để có hướng xử lý, giải quyết triệt để. Đặc biệt, ở thời điểm hiện tại, dư luận rất mong đợi ủy ban kiểm tra các cấp và cơ quan chức năng tăng cường các nội dung kiểm tra, giám sát chuyên đề về công tác cán bộ; chú trọng kiểm tra, giám sát ở những nơi từng có khuyết điểm về công tác cán bộ, ở những nơi có thông tin khác nhau được truyền thông, báo chí, dư luận và quần chúng nhân dân phản ánh.

Để việc đánh giá cán bộ được kỹ hơn, sâu hơn, đúng hơn, từng cấp ủy đảng, hệ thống chính trị, nhất là các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị-xã hội, quần chúng nhân dân phải coi trọng và phát huy cao nhất chức năng, nhiệm vụ trong thẩm định, đánh giá, phát hiện cán bộ không đáp ứng tiêu chuẩn, tiêu chí quy hoạch được xác định ở mỗi cấp. Cần kết hợp giữa thẩm định, tìm ra hạn chế, khuyết điểm của cán bộ được quy hoạch với tìm kiếm, phát hiện nhân tố mới, cán bộ tốt để đề nghị xem xét bổ sung quy hoạch. Quá trình đánh giá lại cán bộ quy hoạch, thẩm định, rà soát quy trình giới thiệu QHCB, các cấp ủy, tổ chức đảng chú trọng mở rộng dân chủ, phát huy vai trò giám sát của Quốc hội, HĐND; vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội; phát huy vai trò của nhân dân trong tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ.

Cũng trong quá trình đó, các cấp ủy, chính quyền và đội ngũ cán bộ cần nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng; chú trọng phát hiện, nhận diện, đấu tranh hiệu quả với mọi âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch và các ý đồ kích động, gây "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" nội bộ; ngăn chặn tình trạng đơn thư tố cáo nặc danh hòng hạ bệ uy tín và thanh danh cán bộ tốt của Đảng.

3. Để thuận lợi cho việc đánh giá lại cán bộ quy hoạch, nhiều ý kiến cho rằng: Việc thẩm định, lựa chọn và công khai danh sách Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII tiếp tục tham gia Trung ương khóa XIII cần được tiến hành sớm; xác định rõ số lượng, chất lượng gắn với quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt, thường vụ cấp ủy, BCH các cấp để lựa chọn được các đồng chí xứng đáng nhất, thực sự có đức, có tài, trong đó lấy đức làm gốc. Đây cũng là cơ sở để lựa chọn số lượng, tỷ lệ, thành phần, độ tuổi, năng lực, sở trường đối với các đồng chí quy hoạch lần đầu tham gia Ủy viên BCH Trung ương. Đặc biệt, khi các thông tin về QHCB chiến lược và từng cán bộ chiến lược được công khai sẽ giúp công tác cán bộ trở nên minh bạch hơn; nhất là giúp cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân thuận lợi trong quá trình theo dõi, giám sát, tham gia giới thiệu, đóng góp ý kiến để lựa chọn cán bộ tốt nhất trên cơ sở bảo đảm tính dân chủ, khách quan; đồng thời giúp tránh được những điều tiếng, những vấn đề nảy sinh không cần thiết về sau.

Theo một số chuyên gia tâm lý xã hội: Trước đây, nhiều ý kiến cho rằng, nếu công khai danh sách quy hoạch thì cán bộ sẽ bị “lộ”, quy hoạch dễ bị hỏng. Thực tế cho thấy, việc công khai quy hoạch là đúng đắn, có nhiều ưu điểm hơn so với việc không công khai, bởi nó động viên tinh thần và tạo cơ sở có tính pháp lý để cán bộ, công chức cố gắng phấn đấu, trưởng thành.

4. Đánh giá lại cán bộ phải kết hợp với đánh giá lại, kiểm tra lại tất cả các khâu, các bước của quy trình tiến hành công tác cán bộ, giới thiệu nhân sự cấp ủy khóa mới ở những nơi có thông tin nhạy cảm, dư luận bức xúc, hoặc có phản ánh từ cơ sở. Phải tiến hành một cách quyết liệt như khẳng định của đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương: “Chỗ nào làm sai, có vấn đề thì chấn chỉnh, xử lý kịp thời, nghiêm khắc; đồng thời phải có cơ chế cấp trên lắng nghe cấp dưới để không ngừng bổ sung, hoàn thiện quy hoạch”.

Khi đánh giá lại chất lượng QHCB, cần xem lại, đánh giá thêm cả cán bộ giới thiệu nhân sự quy hoạch. Trên thực tế, người giới thiệu có tâm, có đức, biết cống hiến vì tập thể thì họ sẽ đề cử, tiến cử đúng "hiền tài" và ngược lại. Cũng bởi thế, khi đã đánh giá lại thì nội dung đánh giá cả người giới thiệu cán bộ là việc thiết yếu nên tiến hành với thái độ quyết liệt, nghiêm khắc. Nhiều ý kiến cho rằng, trong phần việc này, cần đẩy mạnh công tác rà soát, thanh tra, kiểm tra gắn với công tác thi đua-khen thưởng một cách thực chất. Tổ chức nào, cán bộ chủ trì nào nếu lựa chọn đúng, giới thiệu được nhân sự có tài năng và đạo đức vào vị trí chiến lược thì cần được ghi nhận, khen thưởng; ngược lại sẽ bị xử lý kỷ luật nghiêm khắc.

Theo một số thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng QHCB cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026, việc gắn trách nhiệm cơ sở và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị với công tác QHCB không phải để răn đe mà thực chất là để khơi dậy, nhân lên trách nhiệm của cơ sở khi thực hiện công việc chung rất quan trọng của Đảng. Trách nhiệm này không chỉ thể hiện ở giai đoạn lựa chọn, giới thiệu nhân sự cụ thể mà phải được khẳng định xuyên suốt trong quá trình làm công tác nhân sự nói chung. Sau khi đã giới thiệu nhân sự về Trung ương, cấp ủy, tổ chức đảng có trách nhiệm tiếp tục rà soát, đánh giá lại, đánh giá thêm và theo dõi cán bộ đã giới thiệu; không ngừng quan tâm, bồi dưỡng, tạo điều kiện về mọi mặt; khi cần thiết có thể luân chuyển hợp lý để rèn luyện, thử thách. Mặt khác, cấp ủy, tổ chức đảng phải theo sát diễn biến tình hình tư tưởng, đạo đức của cán bộ để kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tư tưởng ỷ lại, trông chờ bổ nhiệm vị trí đã được quy hoạch; hoặc các hiện tượng suy thoái, biến chất về đạo đức, lối sống... Đối với một số trường hợp cần thiết, tổ chức cơ sở đảng có thể báo cáo lên trên để thay đổi nguồn quy hoạch, hoặc đưa ra khỏi quy hoạch. Cơ sở cũng phải tiếp tục phát hiện cán bộ nguồn, đề xuất nhân tố mới, bổ sung quy hoạch theo đúng chủ trương, quy định.

Cũng liên quan đến công tác đánh giá lại cán bộ quy hoạch, nhiều ý kiến của các chuyên gia xã hội học cho rằng, Trung ương cần phát động một cuộc sinh hoạt chính trị rộng khắp vào các dịp trước, trong và sau khi tiến hành công tác QHCB các cấp nói chung, QHCB cấp chiến lược nói riêng; giáo dục nâng cao nhận thức, chú trọng khắc phục tình trạng thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; kịp thời phát hiện, mạnh mẽ đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực; bảo vệ nhân tố mới, tích cực trong tổ chức, cơ quan, đơn vị mình.

NGUYỄN TẤN TUÂN