Góp ý vào dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng
Nắm vững quan điểm Chủ nghĩa Mác-Lênin về vị trí, vai trò của quần chúng nhân dân trong quá trình phát triển của mỗi cộng đồng quốc gia-dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, dân chủ có nghĩa là “dân là chủ” và “dân làm chủ”. Dân là chủ chỉ rõ vị thế của dân, dân làm chủ chỉ rõ trách nhiệm của dân trong đời sống xã hội. Vị thế, trách nhiệm của nhân dân đã được đưa vào Hiến pháp và hệ thống pháp luật của Nhà nước ta và được bảo vệ, bảo đảm thực thi trong thực tế. Tiếp cận dưới góc độ quyền con người thì dân chủ là một thuộc tính quyền con người trong xã hội, là khát vọng ngàn đời của con người. Xây dựng, củng cố và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là để đáp ứng khát vọng của nhân dân, đồng thời phản ánh bản chất của chế độ chính trị ở Việt Nam.
 |
Ảnh minh họa / tuyengiao.vn |
Trên cơ sở đánh giá tổng quát kết quả củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân; đồng thời, bám sát Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), để thực hiện định hướng về thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, tôi đề xuất một số vấn đề sau:
1. Tiếp tục cụ thể hóa, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ theo tinh thần Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Hiến pháp năm 2013. Hình thức dân chủ đại diện là hình thức phổ biến ở nước ta, có trong cơ chế vận hành hoạt động của hệ thống chính trị các cấp, nhất là đối với chính quyền Nhà nước; còn hình thức dân chủ trực tiếp được thể hiện nhiều ở cấp cơ sở. Do vậy, việc cụ thể hóa vấn đề dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện và dân chủ cơ sở theo Cương lĩnh chính trị của Đảng và Hiến pháp năm 2013 là hết sức cần thiết. Đối với cấp cơ sở, vấn đề dân chủ đã được Đảng và Nhà nước ta chú ý từ rất sớm, ngày 18-2-1998, Bộ Chính trị (khóa VIII) đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở; ngày 20-4-2007, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XI) ban hành Pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn... Kết quả thực hiện trên thực tế những năm qua đã hạn chế được tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực ở cơ sở, tập hợp và khơi dậy sức dân, củng cố và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc, quyền làm chủ của người dân ngày càng được phát huy. Kết quả xây dựng cuộc sống ở cơ sở trong những năm qua là biểu hiện sinh động của việc thể chế hóa và thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; trở thành động lực để tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc và huy động sức mạnh tổng hợp, sức sáng tạo trong nhân dân, góp phần quan trọng vào thực hiện đổi mới hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay.
2. Các tổ chức trong hệ thống chính trị, đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức phải nêu gương thực hành dân chủ, tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức. Dân chủ phải được thể hiện bằng thể chế và thực hành trong thực tế. Điều đó đòi hỏi dân chủ phải được thể hiện, thể chế hóa trong Hiến pháp và hệ thống pháp luật của Việt Nam. Đối với cấp cơ sở, đó là những quy định đúng đắn, phù hợp trong nội bộ nhân dân ở các cộng đồng dân cư. Trong điều kiện Đảng cầm quyền hiện nay, yêu cầu xây dựng, củng cố và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, trước tiên phải bắt đầu từ dân chủ trong Đảng, còn nếu dân chủ trong Đảng không được bảo đảm thì không thể phát huy dân chủ trong xã hội. Do vậy, mọi quyết sách, đường lối, chủ trương của Đảng phải phù hợp với tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân. Nhà nước ta với bản chất là nhà nước của dân, do dân, vì dân thì việc thực hành dân chủ thông qua chức năng quản lý, quản trị, phục vụ nhân dân. Chính phủ với vị trí, vai trò là cơ quan hành chính cao nhất trong quyền lực Nhà nước, phải trở thành Chính phủ kiến tạo, đề ra và tổ chức thực hiện thắng lợi chính sách quốc gia trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng và nghị quyết của Quốc hội. Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa còn phụ thuộc vào sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, của thành viên trong tất cả các tổ chức của hệ thống chính trị; trong đó, cán bộ chủ chốt phải khẳng định được trên thực tế bằng hành động nêu gương của mình. Không để xảy ra hiện tượng xa dân, quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng; đồng thời, chống thái độ mị dân, lừa dân, dọa nạt dân, chạy theo lợi ích tầm thường, song cũng không theo đuôi quần chúng.
3. Đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức. Nhân dân là người chủ đất nước, giữ vị trí trung tâm của quyền lực, mọi quyền lực tối cao đều thuộc về nhân dân. Do đó, cần vận động nhân dân tham gia xây dựng hệ thống chính trị, các thiết chế bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Điều này được thể hiện trong Hiến pháp, pháp luật, chỉ thị, nghị quyết của Đảng và quy định của các tổ chức chính trị-xã hội. Vì vậy, cần tiếp tục rà soát, cụ thể hóa để nhân dân ngày càng phát huy tính tích cực trong tham gia hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật, các quy định quản lý của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội. Mọi hoạt động của đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức cần đặt dưới sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của nhân dân; cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia công việc quan trọng này. Sức mạnh của các tổ chức trong hệ thống chính trị, sự trong sạch, vững mạnh của đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức chính là lấy từ sức mạnh của nhân dân; mọi thái độ coi thường dân, hời hợt trong công tác dân vận, cũng như thiếu tinh thần trách nhiệm đối với nhân dân sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường. Về điều này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Phải dựa vào dân, lắng nghe dân, cái gì mà quần chúng nhân dân hoan nghênh, ủng hộ thì chúng ta phải quyết tâm làm và làm cho bằng được; ngược lại, cái gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì chúng ta phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm” và “ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả”.
4. Xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ gây rối nội bộ, làm mất ổn định chính trị-xã hội, làm phương hại quyền làm chủ của nhân dân. Phải bảo đảm quyền làm chủ thực sự của người dân trên mọi phương diện, cả về chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội; đồng thời, dân chủ phải đi liền với kỷ cương. Điều đó có nghĩa là dân chủ không phải là tự do tuyệt đối, mà phải trong khuôn khổ nhất định, phù hợp với quy luật của xã hội, suy nghĩ và hành động theo đúng quy luật khách quan. Cần phê phán nhận thức và biểu hiện của “tự do vô chính phủ”, “tự do vô kỷ luật”. Hiện nay, khi dân chủ được mở rộng, bảo đảm và phát huy, với sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội tác động không nhỏ tới hình thức thể hiện tự do dân chủ, nhất là trên không gian mạng cả mặt tích cực và tiêu cực; các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lợi dụng tự do dân chủ để lôi kéo, kích động người dân chống phá Đảng, chế độ. Do đó, cùng với phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, cần phải gắn với kỷ cương, pháp luật, không cho phép ai lợi dụng dân chủ để phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Quyền dân chủ, quyền tự do ngôn luận bao giờ cũng đi liền với trách nhiệm, nghĩa vụ công dân...
Thiếu tướng, TS ĐỖ HỒNG LÂM, Tổng biên tập Tạp chí Quốc phòng toàn dân