Phát biểu khai mạc, TS Đào Văn Hội cho rằng, việc lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhằm tập hợp và phát huy trí tuệ, quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia đóng góp với Đảng việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và 2045, góp phần nâng cao chất lượng dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Việc lấy ý kiến của nhân dân vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng cũng sẽ góp phần tạo sự thống nhất cao về nhận thức, hành động và ý chí quyết tâm trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Phát biểu đề dẫn, ông Nguyễn Kim Tinh ghi nhận, biểu dương Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức tọa đàm với thành phần đại biểu tham dự là những chuyên gia đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau của đất nước.

Nhắc lại những điểm chính trong 4 dự thảo báo cáo trình Đại hội XIII của Đảng, ông Nguyễn Kim Tinh nhấn mạnh, dự thảo văn kiện đã được Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII thảo luận, cho ý kiến rất kỹ lưỡng, đặc biệt là ở Hội nghị lần thứ 13. Tuy nhiên, Đảng ta vẫn tổ chức lấy ý kiến góp ý của nhân dân để huy động sức mạnh trí tuệ của toàn dân, từ đó hoàn thiện dự thảo văn kiện.

Quang cảnh tọa đàm.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đánh giá cao điểm mới trong dự thảo văn kiện Đại hội XIII khi nêu yêu cầu tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, không phải chỉ đề cập tới chỉnh đốn Đảng như trước đây. Việc chỉnh đốn cả hệ thống chính trị là cần thiết để ngăn chặn tham nhũng, tránh tình trạng “chạy chức, chạy quyền vào những vị trí tốt”.

Ông Trần Đức Mậu, nguyên Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại, Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Đức phân tích, việc góp ý vào dự thảo văn kiện cũng là một cách tìm hiểu về dự thảo văn kiện, để khi văn kiện được thông qua sẽ đi vào cuộc sống hiệu quả hơn. Ông Trần Đức Mậu đề nghị, dự thảo văn kiện cần nhấn mạnh hơn rằng nước ta đã có thế và lực thuận lợi hơn trước rất nhiều. Thành công trong ứng phó với đại dịch Covid-19 mà rất ít nước trên thế giới đạt được cho thấy rõ vị thế của nước ta, thể hiện rõ tính ưu việt của thể chế chính trị ở nước ta. Từ đó, cần xác định mục tiêu cao hơn để phấn đấu thực hiện.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, GS, TS Hoàng Thế Liên nêu quan điểm, đặt mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phải dựa vào thế mạnh của Việt Nam. Thế mạnh của Việt Nam là nông nghiệp. Do vậy, cần đặt trọng tâm công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào nông nghiệp để ngành nông nghiệp Việt Nam không còn tình trạng canh tác manh mún, phương thức sản xuất lạc hậu, bán nông sản thô, góp phần đưa đất nước phát triển bền vững hơn.

Về Nhà nước pháp quyền, ông Hoàng Thế Liên nêu rõ, tư tưởng về nhà nước pháp quyền đã xuất hiện trên thế giới từ xa xưa; là điểm cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước, pháp luật; đã được đề cập trong văn kiện Đại hội VI của Đảng và trong Hiến pháp 1992, Hiến pháp 2013 của nước ta. Tư tưởng về nhà nước pháp quyền có giá trị phổ biến và giá trị đặc thù. Không có mô hình nhà nước pháp quyền nào cho tất cả các nước trên thế giới. Cần có cách xử lý phù hợp để tạo thành hệ nguyên tắc về nhà nước pháp quyền ở Việt Nam có “sự ăn khớp” giữa giá trị phổ biến trên thế giới và giá trị đặc thù ở nước ta.

PGS, TS Phan Hữu Tích (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) đề nghị, dự thảo văn kiện cần bảo đảm tính cân đối, phù hợp hơn giữa đánh giá ưu điểm, thành tựu với đánh giá về hạn chế, thiếu sót. Đánh giá về xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN trong dự thảo Báo cáo Chính trị có phần nghiêng về ưu điểm, thành tựu nhiều hơn về hạn chế, thiếu sót. “Tôi thấy rằng, nội dung về xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam cần được rà soát, bổ sung để nêu rõ hơn, thể hiện đầy đủ hơn. Dự thảo cũng chưa nêu rõ hoạt động của Nhà nước trong thể chế hóa chủ trương của Đảng thành cơ chế, chính sách pháp luật - một trong những hoạt động rất cơ bản của nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam do Đảng lãnh đạo” - PGS, TS Phan Hữu Tích nói.

Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), TS Nguyễn Văn Cương sau khi so sánh dự thảo văn kiện Đại hội XIII với văn kiện Đại hội XII của Đảng đã phát hiện, phần viết về nền tư pháp còn thiếu một trong những nội dung quan trọng hàng đầu trong nguyên tắc tổ chức và vận hành nền tư pháp, đó là bảo đảm sự độc lập trong hoạt động xét xử của tòa án cũng như yêu cầu bảo đảm an toàn pháp lý cho người dân và doanh nghiệp. Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng nên kế thừa nội dung văn kiện Đại hội XII, bổ sung nội dung “bảo đảm nguyên tắc độc lập, nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự”.

Chủ tịch Hiệp hội Công chứng Việt Nam Tuấn Đạo Thanh nêu ý kiến, dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh nhiều tới vai trò của hoạt động bổ trợ tư pháp trong hoạt động tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. Tuy nhiên, dự thảo văn kiện chưa nêu rõ đường hướng phát triển tiếp theo của hoạt động bổ trợ tư pháp sau khi tổng kết Nghị quyết số 48 về Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 49 về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 của Bộ Chính trị.

CHIẾN THẮNG