Dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: "Ba đột phá chiến lược do Đại hội lần thứ XI, XII của Đảng xác định có ý nghĩa, giá trị lâu dài, vẫn còn nguyên giá trị và sẽ được cụ thể hóa phù hợp với từng giai đoạn phát triển".
Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, xác định ba đột phá chiến lược: 1. Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập, trọng tâm là thị trường các yếu tố sản xuất, nhất là thị trường quyền sử dụng đất, khoa học, công nghệ; 2. Tiếp tục phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam; 3. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông, năng lượng, công nghệ thông tin, đô thị lớn, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nhằm phát huy những thành tựu đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm trong thực hiện ba đột phá nhiệm kỳ 2015-2020, để thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược được xác định trong dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng, tôi đề xuất Đảng, Nhà nước cần tập trung thực hiện tốt ba vấn đề sau:
Thứ nhất, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Tiếp tục hoàn thiện thể chế về sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp theo hướng: Thể chế hóa quyền tài sản của Nhà nước, tổ chức, cá nhân được quy định trong Hiến pháp. Bảo đảm quyền quản lý, thu lợi của Nhà nước đối với tài sản công và quyền bình đẳng trong việc tiếp cận tài sản công của mọi chủ thể trong nền kinh tế. Đồng thời, bảo đảm mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đều phải hoạt động theo cơ chế thị trường, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật; có cơ chế chính sách, phát triển các doanh nghiệp Việt Nam thật sự trở thành lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước. Quan tâm tạo điều kiện, cơ chế phù hợp để khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân nhằm phát huy, tối ưu hóa, nâng cao hiệu quả thực hiện của các thành phần kinh tế trong xã hội. Chú trọng trong công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, đầu tư phát triển, chuyển giao dây chuyền khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh.
Thứ hai, phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; gắn kết phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ; đẩy mạnh xã hội hóa phát triển nhân lực. Tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, hội nhập quốc tế, trong đó tập trung đổi mới chương trình, nội dung theo hướng phát triển toàn diện năng lực, thể chất, nhân cách, đạo đức, lối sống, ý thức tôn trọng pháp luật và trách nhiệm công dân. Đổi mới hình thức thi, kiểm tra nhằm đánh giá thực chất kết quả giáo dục và đào tạo ở các bậc học. Đặc biệt coi trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm việc giáo dục và đào tạo gắn với thực tế. Chú trọng chất lượng công tác cán bộ, từng bước chuẩn hóa chất lượng cán bộ từ Trung ương đến cơ sở nhằm đáp ứng kịp thời với xu thế phát triển chung của xã hội trong thực hiện.
Thứ ba, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại, tập trung phát triển hệ thống kết cấu trọng yếu; phát triển kết cấu hạ tầng ở địa bàn đô thị và những địa bàn trọng yếu chiến lược; huy động các nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng. Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, bảo đảm hiệu quả tổng hợp và tính hệ thống. Từng bước hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường, nhất là ở các đô thị lớn. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát huy các thành phần kinh tế, thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng. Chú trọng xây dựng hệ thống kết cấu cơ sở hạ tầng tại các vùng địa bàn chiến lược về quốc phòng, an ninh, nhất là khu vực biên giới, hải đảo và các vị trí có tầm quan trọng đặc biệt trong chiến lược phòng thủ bảo vệ Tổ quốc, vùng chiến lược trọng yếu.
Thực hiện ba đột phá chiến lược là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng. Cần nhận thức sâu sắc rằng, việc thực hiện nhiệm vụ này gặp nhiều khó khăn, phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, không chỉ đòi hỏi sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị, trong xã hội và sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tổ chức thực hiện, mà còn đòi hỏi sự chi phí, sử dụng tiết kiệm, hợp lý các nguồn lực của đất nước.
Đại tá TRẦN MẠNH HÙNG (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Quốc phòng)