Ông Nguyễn Thế Kỷ hiện là Ủy viên Trung ương Đảng (khóa XII), Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương. Ông Nguyễn Thế Kỷ trưởng thành từ phóng viên, có gần 40 năm gắn bó liên tục với nghề báo, nghiệp văn; là cán bộ nghiên cứu, giảng dạy báo chí có uy tín; là người làm văn học, nghệ thuật trong vai trò chỉ đạo, quản lý; nghiên cứu, phê bình, sáng tác. Ông đã sáng tác và dàn dựng nhiều kịch bản sân khấu, sáng tác thơ, tiểu thuyết.

Ông Nguyễn Thế Kỷ.

PV: Được biết, ông đã vinh dự ba lần được giao trọng trách cùng các cộng sự lãnh đạo, quản lý và điều hành Trung tâm Báo chí của ba kỳ đại hội liên tiếp. Xin ông cho biết có gì khác nhau trong ba lần thực hiện nhiệm vụ quan trọng đó?

Ông Nguyễn Thế Kỷ: Đại hội X của Đảng diễn ra từ ngày 18 đến ngày 25-4-2006 tại Hội trường Ba Đình. Lúc đó, ông Đào Duy Quát là Phó trưởng ban Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương được giao làm Giám đốc Trung tâm Báo chí Đại hội X; tôi là Vụ trưởng Vụ Báo chí của Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương được cấp trên được giao làm Phó giám đốc Trung tâm Báo chí Đại hội X. Trung tâm Báo chí còn mấy Phó giám đốc, nhưng việc của tôi có vẻ “nặng”, thường xuyên, cả khó khăn nữa. Đến Đại hội XI của Đảng, tôi đã được bổ nhiệm làm Phó trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương, được Trưởng ban giao phụ trách công tác báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, do đó được cấp trên giao làm Giám đốc Trung tâm Báo chí của Đại hội XII. Nếu tính cả ba đại hội, đó là cả một vinh dự, tự hào, trọng trách lớn với nhiều kỷ niệm khó quên.

Có nhiều điều giống nhau và cũng không ít điều khác nhau trong ba lần thực hiện nhiệm vụ, kể cả những khó khăn, thách thức.

Những điều giống nhau là: Trung tâm Báo chí của các đại hội Đảng toàn quốc là một đơn vị được lập ra trong một thời gian nhất định để vừa lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động báo chí, chỉ đạo nội dung thông tin, điều hành hoạt động của hàng trăm phóng viên, kỹ thuật viên, nhân viên báo chí, truyền thông trong và ngoài nước; mặt khác và quan trọng không kém, là để phục vụ các cơ quan báo chí, phóng viên báo chí cả về tác nghiệp, về máy móc, thiết bị, đường truyền, cả về việc ăn uống, giải khát, sức khỏe, an ninh, an toàn thông tin...

Trung tâm Báo chí Đại hội Đảng toàn quốc được đặt dưới sự chỉ đạo sát sao, thường xuyên của Đại hội, trực tiếp là Đoàn Chủ tịch Đại hội. Ngoài cán bộ lãnh đạo của Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương (Đại hội X), Ban Tuyên giáo Trung ương (Đại hội XI, XII), Trung tâm báo chí còn có các thành viên của Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Báo Nhân Dân, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN, Cục Bưu điện Trung ương...

Hoạt động của Trung tâm Báo chí Đại hội Đảng toàn quốc các nhiệm kỳ rất khẩn trương, nhộn nhịp. Phóng viên phải có tin mới, tin “nóng”, tin quan trọng, kể cả tin “bên lề Đại hội”. Vì thế, họ được lãnh đạo cơ quan báo chí của mình giao nhiệm vụ cạnh tranh với các đồng nghiệp khác về thông tin ở từng phút, từng giờ. Vất vả nhất là cánh phóng viên phát thanh, truyền hình, ảnh báo chí… vì họ phải làm sao có mặt trong Hội trường Đại hội nhiều hơn, chỗ tác nghiệp thuận lợi hơn thì mới mới ghi âm, ghi hình tốt được. Trung tâm Báo chí Đại hội Đảng có Phòng họp báo lớn dành cho cả phóng viên trong và ngoài nước; có Phòng họp báo dành riêng cho phóng viên ngoài nước; có phòng họp báo chuyên đề; có cả khu kỹ thuật hiện đại.

Ban lãnh đạo Trung tâm Báo chí Đại hội phải rất tận tụy, năng động, thạo việc, nhất là phải rất chủ động, sáng tạo mới hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Các thành viên của Trung tâm phải túc trực ở đó gần như 24/24 giờ trong một ngày, luôn phải đến sớm về muộn. Tất cả cán bộ, nhân viên Trung tâm Báo chí và các phóng viên, biên tập viên, nhân viên kỹ thuật khi vào, ra nơi này chịu sự kiểm soát an ninh chặt chẽ.

Những điều không giống nhau là: Đại hội X của Đảng tổ chức tại Hội trường Ba Đình, Trung tâm Báo chí Đại hội X đặt tại 19C, phố Hoàng Diệu, cách Hội trường Ba Đình một quãng đủ xa, điều này tạo ra những khó khăn nhất định khi bố trí các nhóm phóng viên từ Trung tâm Báo chí vào Hội trường Ba Đình tác nghiệp. Ngoài Thẻ Báo chí dùng chung, những người vào Hội trường Đại hội phải có Thẻ sự kiện, có khoảng 4 loại Thẻ sự kiện khác nhau. Đến Đại hội XI và Đại hội XII của Đảng, nơi tổ chức Đại hội là Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình. Theo đó, Trung tâm Báo chí của cả hai Đại hội này (và cả Đại hội XIII đang diễn ra) được bố trí ở toàn bộ tầng 3, bên phải Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình (nhìn từ sảnh trước). Việc đi lại, tác nghiệp của phóng viên, kỹ thuật viên thuận tiện hơn rất nhiều. Ở Đại hội XI, Đại hội XII, số lượng phóng viên trong và ngoài nước tăng mạnh, xấp xỉ 700 người/mỗi đại hội; phóng viên các báo, đài, kênh truyền hình của bà con Việt kiều về dự cũng đông đảo hơn. Trung tâm Báo chí Đại hội XI và XII được bố trí với diện tích hơn 1.000m2, 170 máy tính cố định, nhiều màn hình lớn, phóng viên được mang theo máy tính xách tay.

Cùng với Thông cáo báo chí từng ngày làm việc của Đại hội, Trung tâm báo chí còn tổ chức các buổi họp báo chuyên đề quan trọng, cần thiết.

PV: Xin ông chia sẻ một vài kỷ niệm, sự việc hay những tình huống khó quên?

Ông Nguyễn Thế Kỷ: Hơn 15 năm, ba kỳ đại hội, quả thật có nhiều kỷ niệm, sự việc và cả bài học nữa. Để các đồng chí lãnh đạo cấp trên trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài thuận lợi, tôi đã đề nghị cấp trên cho phép việc này diễn ra bởi tất cả đều dựa trên nội quy, quy chế của Trung tâm Báo chí, cao hơn là quy chế của Đại hội của Đảng. Nếu làm tốt điều này, cánh báo chí nước ngoài sẽ có cảm tình với ta hơn, thấy rõ hơn “tự do báo chí” của ta, cao hơn là sự chủ động, tự tin của báo chí nước chủ nhà.

Một câu chuyện khác, trước khi Đại hội XI diễn ra, ngay tại Trung tâm Báo chí của Đại hội, có mấy hãng phát thanh, truyền hình nước ngoài đề nghị được tác nghiệp và truyền sóng trực tiếp trên đường phố Hà Nội. Điều này chưa có tiền lệ (tức là ghi âm, ghi hình và phát trực tiếp về nước họ và ra toàn thế giới). Tôi xin ý kiến và chủ trương của người và cấp có thẩm quyền. Câu trả lời là không nên, vì nếu họ thiếu thiện chí, thậm chí họ đưa tin xuyên tạc, bôi nhọ ta thì hậu quả khó lường. Tôi đề nghị để tiến hành việc này bảo đảm các yêu cầu về nội dung thông tin, an ninh và an toàn thông tin, điều kiện tác nghiệp, Trung tâm Báo chí sẽ cử một số cán bộ, nhân viên thông thạo ngoại ngữ đi cùng họ để “phối hợp” hoạt động. Nếu họ vi phạm, ta lên tiếng và yêu cầu họ thực hiện quy định của ta, Luật Báo chí của ta. Rất vui là mọi sự diễn ra suôn sẻ, tốt đẹp. Đến Đại hội XII của Đảng, công việc này đã trở nên “quen tay, thạo việc” hơn rất nhiều.

PV: Ông vừa nói đến hoạt động báo chí tại Đại hội Đảng ta của cộng đồng người Việt ở nước ngoài, ông có thể nói cụ thể hơn?

Ông Nguyễn Thế Kỷ: Theo tôi, dù là nhà báo ở đâu, nước nào, kể cả một số tờ báo chưa thiện chí với ta, nhưng ta tiếp và làm việc với họi với tư cách đàng hoàng, thân thiện, nghiêm túc và cả sự cởi mở nữa thì họ ít khi “phụ” ta, và nếu họ có “phụ”, ta cũng bình tĩnh, kiên trì đối thoại, thuyết phục, kể cả đấu tranh.

Ở Đại hội XII, phóng viên của BBC Việt ngữ, ông Nguyễn Hoàng hỏi tôi: Trước khi khai mạc Đại hội, ông có nói về thông tin “xấu độc” và các luồng tin không chính thống liên quan tới lãnh đạo cao cấp của Đảng. Vậy Việt Nam có kế hoạch gì để điều tra các nguồn tin "xấu độc" này?

Tôi trả lời: Thực ra thông tin không chính thống hay ngay cả những thông tin không đúng, sai sự thật cũng phải chia ra nhiều dạng. Có những dạng, người không hiểu biết nghe thông tin đồn thổi trên mạng xã hội và họ đưa lên trang cá nhân. Điều này cũng cho thấy thông tin, truyền thông ở Việt Nam hiện nay rất tự do, thoải mái và…khá “hồn nhiên”. Mặt khác, những thông tin được coi là “xấu độc” là nhằm “xuyên tạc”, “bôi nhọ” có chủ đích, có dụng ý xấu. Ví dụ, họ cho rằng trong Đảng Cộng sản Việt Nam "mất đoàn kết nội bộ, thậm chí “tranh giành quyền lực”, “tranh giành ghế của nhau”, “đấu đá đang đến hồi gay cấn” thì tôi cho rằng nói như thế thì không đúng, là xuyên tạc.

PV: Xin ông cho biết một số bài học mà ông rút ra sau ba lần đứng đầu Trung tâm Báo chí Đại hội X, XI, XII của Đảng?

Ông Nguyễn Thế Kỷ: Tôi chưa có dịp tổng kết một các bài bản, thấu đáo, có tính hệ thống. Nhưng đại loại thế này: Điều đầu tiên là tuân thủ nghiêm túc, trách nhiệm sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng của cấp trên. Thứ hai là bản thân mình cũng cần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Thứ ba, cần thấu hiểu mong muốn, yêu cầu, khó khăn, vất vả của các nhà báo. Với các hãng báo chí, thông tấn, phát thanh, truyền hình nên hiểu rõ họ, cả mặt hợp tác, cộng tác và cả mặt cần trao đổi, cần thiết thì đấu tranh có lý có tình. Điều thứ năm, cần có mối quan hệ phối hợp công tác với các cơ quan báo chí và các nhà báo để công việc trôi chảy, đồng thuận và hiệu quả.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

 
 

BÌNH NGUYÊN (thực hiện)