Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội: Nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng

Trong suốt quá trình cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn coi trọng công tác tư tưởng, xác định đây là một trong những nhiệm vụ cơ bản của công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã khẳng định: “Giáo dục tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng là việc quan trọng nhất của Đảng, phải kiên quyết chống cái thói xem nhẹ tư tưởng”.

Đồng chí Nguyễn Văn Phong, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả thực hiện công tác giáo dục chính trị tư tưởng gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, công chức Thủ đô hướng tới xây dựng Đảng bộ TP Hà Nội thực sự là đảng bộ gương mẫu, tiêu biểu của cả nước, cùng với thực hiện tốt các giải pháp như đã nêu trong dự thảo Báo cáo chính trị, tôi xin được nhấn mạnh thêm một số nội dung. Trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu cần nêu cao tính tiên phong, gương mẫu về bản lĩnh chính trị, về trí tuệ, về đạo đức, lối sống, đặt lợi ích của Tổ quốc, nhân dân, của tổ chức, tập thể lên trên lợi ích gia đình và cá nhân. Sự tiên phong, gương mẫu phải bắt đầu từ trách nhiệm tham gia sinh hoạt Đảng thường xuyên của mỗi đảng viên; từ sự nêu gương giữa đời thường; từ ý thức tự giác, tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; từ thái độ kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI, XII), nâng cao ý thức, gương mẫu của tổ chức đảng và đảng viên trong việc chấp hành Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước, Quy định về những điều đảng viên không được làm, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp; đồng thời cần tiếp tục xây dựng văn hóa trong Đảng, trong hệ thống chính trị và trong mọi mặt của đời sống xã hội Thủ đô; phát huy vai trò giám sát, đóng góp ý kiến của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, của quần chúng nhân dân về phẩm chất đạo đức, lối sống của từng cán bộ, đảng viên.

Nhìn lại những kết quả to lớn của Đảng bộ Thành phố đạt được trong 5 năm qua, trong đó có kết quả về công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức với những điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chúng ta tự hào và cùng lan tỏa niềm tin sâu sắc rằng, trong chặng đường phát triển sắp tới, dù khó khăn đến mấy, Đảng bộ và Nhân dân Hà Nội vẫn vững vàng vượt qua thử thách, gương mẫu đi đầu trong xây dựng Đảng bộ Thủ đô trong sạch, vững mạnh, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

----------

Đồng chí Nguyễn Doãn Toản, Thành ủy viên, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội: Huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững

Trong 5 năm qua, Hà Nội đã vượt qua các khó khăn, thách thức, tận dụng lợi thế và huy động các lực lượng, đã đạt được những kết quả quan trọng. Kinh tế liên tục tăng trưởng và đạt mức khá trong cả nhiệm kỳ. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2021-2025, Đảng bộ thành phố cần lãnh đạo tập trung huy động tất cả các nguồn lực, từ doanh nghiệp trong và ngoài nước, từ dân cư, từ đầu tư trực tiếp nước ngoài, kêu gọi vốn ODA...

Để thực hiện tốt nhiệm vụ nêu trên, Đảng bộ thành phố cần lãnh đạo đẩy mạnh cải cách hành chính; chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế chính sách theo hướng minh bạch, thông thoáng, phù hợp các luật, nghị định mới ban hành. Đồng thời đơn giản các quy trình hồ sơ, thủ tục liên quan đến đầu tư phát triển; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chính quyền điện tử; hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý điều hành về đất đai trên địa bàn thành phố; nâng cao chất lượng dịch vụ công nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn doanh nghiệp và người dân. Cùng với đó, nâng cao chất lượng hiệu quả đầu tư công giai đoạn 2021-2025; đầu tư có trọng tâm trọng điểm, không dàn trải; bảo đảm tiến độ thực hiện, giải ngân nhanh và kiểm soát chặt chẽ, sớm đưa dự án vào hoạt động phát huy hiệu quả, bảo đảm chất lượng công trình. Thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường quản lý thu ngân sách, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước khai thác hiệu quả quỹ đất nông nghiệp của thành phố.

Đồng chí Nguyễn Doãn Toản, Thành ủy viên, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.

Hà Nội cần đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách vào các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, thương mại, du lịch khách sạn, nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản, y tế, giáo dục; đẩy mạnh bảo vệ môi trường, xử lý nước thải, chất thải; giải quyết căn bản ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường; thực hiện tốt đề án hỗ trợ doanh nghiệp. Cần chuẩn bị tốt các điều kiện đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, tạo điều kiện tốt nhất để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các tổ chức tài chính quốc tế. Chú trọng phát huy yếu tố văn hóa trong phát triển kinh tế và nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước để huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn cho đầu tư phát triển nhanh, bền vững.

Tôi tin tưởng, TP Hà Nội sẽ xây dựng các kế hoạch thực hiện một cách bài bản, khoa học, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế để đẩy mạnh sự nghiệp CNH-HĐH, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

----------

Đồng chí Trần Đức Hải, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng: Xây dựng nông thôn mới vẫn là nhiệm vụ trọng tâm

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội, năm 2015, Đan Phượng vinh dự là huyện đầu tiên của TP Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, huyện xác định, khi chưa trở thành quận thì mục tiêu xây dựng nông thôn mới chưa có điểm dừng. Vì vậy, mặc dù chưa có hướng dẫn của Trung ương, thành phố về xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, huyện Đan Phượng đã chủ động tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các xã thực hiện duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Đồng chí Trần Đức Hải, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng.

Trong giai đoạn 2021-2025, huyện Đan Phượng xác định xây dựng nông thôn mới vẫn là mục tiêu trọng tâm, là tiền đề để phát triển, xây dựng huyện Đan Phượng trở thành quận. Vì vậy, trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, huyện tiếp tục tập trung chỉ đạo xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu của Thủ đô gắn với các tiêu chí đô thị.

-----------

Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội: Khoa học công nghệ phải trở thành nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết

Để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, xây dựng Thủ đô đến năm 2025 trở thành thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; đến năm 2030 thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”, phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; đến năm 2045 là thành phố có chất lượng cuộc sống cao, kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, tôi cho rằng, một trong những khâu đột phá quan trọng được xác định là phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội. Hà Nội cần phát triển thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ hàng đầu cả nước, tiến tới là trung tâm của khu vực Đông Nam Á trong một số lĩnh vực.

Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội.

Theo đó, để thực hiện mục tiêu, định hướng phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và người dân Thủ đô. Khoa học công nghệ phải trở thành nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, bắt buộc trong mọi ngành, lĩnh vực, trong đời sống kinh tế - xã hội của Thành phố Hà Nội. Mọi cấp, ngành cần xác định rõ các chỉ tiêu, nhiệm vụ, đề án cụ thể về ứng dụng, phát triển nhanh khoa học công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của mình.

----------

Đồng chí Vũ Thu Hà, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội: Thực hiện bài bản, quyết liệt và thận trọng trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy

Tôi nhận thức sâu sắc rằng, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị là đòi hỏi khách quan, là chủ trương đúng của Đảng và hết sức cần thiết với thực tiễn Thủ đô. Thành ủy đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện công việc bài bản, quyết liệt, thận trọng. Đến nay, có thể nói, Hà Nội là một trong địa phương đầu tiên hoàn thành công tác sắp xếp tổ chức bộ máy theo hai nghị quyết trên, được Trung ương và dư luận đánh giá cao. 

Qua sắp xếp, thành phố đã giảm 1 cơ quan hành chính cấp sở, 2 chi cục, 3 phòng chuyên môn cấp huyện; giảm 65 phòng thuộc sở; giảm 290 đơn vị sự nghiệp công lập; hoàn thành sắp xếp 70 ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành 5 ban quản lý dự án chuyên ngành trực thuộc UBND thành phố, 3 ban quản lý duy tu thuộc sở, 3 ban quản lý dự án đặc thù và 30 ban quản lý dự án khu vực thuộc quận, huyện, thị xã; giảm 5 đơn vị hành chính cấp xã; giảm 2.708 thôn, tổ dân phố; giảm 65 trưởng phòng, 116 phó trưởng phòng cơ quan hành chính, 290 thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập; giảm 18.403 biên chế công chức, viên chức; giải quyết nghỉ tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP cho 1.172 đối tượng.

Đồng chí Vũ Thu Hà, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội.

Kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc thành phố đã đạt được một số kết quả nổi bật là tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế; quy định lại chức năng, nhiệm vụ của các sở, phòng chuyên môn cấp huyện và toàn bộ đơn vị sự nghiệp công lập theo đúng quy định; khắc phục sự chồng chéo, bỏ sót nhiệm vụ, phù hợp với điều kiện tự nhiên, dân số, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố...

HỒNG SÁNG - HỒNG THẠNH (thực hiện)