Đánh thức mọi tiềm năng

“Nậm Nghẹp là bản xa nhất, cao nhất của xã Ngọc Chiến nhưng là bản có cảnh sắc thiên nhiên đẹp nhất. Điển hình như, rừng cây Sơn Tra cả nghìn ha. Vào mùa hoa phủ trắng núi đồi. Thế nhưng, trước năm 2016, vì chưa có đường xe, nên Nậm Nghẹp cứ như một “nàng công chúa ngủ trong rừng”. Giờ đây, chúng tôi đã thành công đánh thức “nàng công chúa” dậy để trao ấm no cho mảnh đất và con người Nậm Nghẹp”, đồng chí Vũ Đức Thuận, Bí thư Huyện ủy Mường La, tỉnh Sơn La chia sẻ với chúng tôi trên đường đến rừng hoa Đỗ quyên trên đỉnh Tà Tao-theo truyền thuyết là nơi đất trời hòa quyện, và những linh vật huyền bí đã cứu loài người khỏi cơn đại hồng thủy. Trên đỉnh Tà Tao, bạn sẽ cảm nhận được sự giao hòa giữa thiên nhiên và vũ trụ, giữa sự hùng vĩ của đất trời... Đây cũng thuộc địa bàn nhằm nghiên cứu để hoạch định đề án xây dựng phát triển Lễ hội hoa Đỗ quyên cấp huyện, tỉnh và tiến tới là cấp toàn quốc.

Du khách tham quan bản Nậm Nghẹp, xã Ngọc Chiến trong lễ hội hoa Sơn Tra 

Nậm Nghẹp là bản 100% dân tộc Mông sinh sống. Trước năm 2016, từ Nậm Nghẹp đến trung tâm Ngọc Chiến chỉ khoảng 12km nhưng đồng bào phải mất cả ngày đi bộ vượt dốc, băng rừng theo đường mòn, lối mở; sau đó, đồng bào mở được con đường đất nhỏ hẹp đủ để vừa đi, vừa đẩy chiếc xe máy… Giao thông khó khăn là sợi xích trói buộc cuộc sống đồng bào Mông ở Nậm Nghẹp vào đói nghèo trong những nếp nhà xiêu vẹo bằng cây lá mà nhìn từ xa giống như mấy chiếc lá khô dán vào sườn núi.

Nhận thấy lợi thế của Nậm Nghẹp về du lịch, thực hiện chủ trương của Huyện ủy, Đảng ủy, UBND xã Ngọc Chiến tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân mở đường lên Nậm Nghẹp. Đồng chí Lò Văn Sây, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã nhớ lại: Bên cạnh sự hỗ trợ kinh phí của trên giúp sức cho những đoạn đường ở khu vực chính yếu; xã chủ trương đường lên Nậm Nghẹp trên địa bàn bản nào thì bản đó phải thực hiện theo hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm – xã vận động xã hội hóa xi-măng giao về cho bản; bản vận động nhân dân hiến đất, tham gia công sức lấy đá, sỏi cát ở các lòng suối và trực tiếp làm đường… Đến nay, con đường 12km đến Nậm Nghẹp đã được thành hình; đổ bê tông được hơn 50%; xe ô tô lên được đến bản.

 Vui tươi ngày lễ hội hoa Sơn Tra trên đỉnh Nậm Nghẹp.

Song song với thúc đẩy tiến độ làm đường, xã thành lập tổ công tác đến bám, nắm Nậm Nghẹp để hướng dẫn bà con cách ăn ở vệ sinh; vận động đưa gia súc, gia cầm ra khỏi khu dân cư; làm nhà vệ sinh tự hoại; làm đường bê tông đến tận nhà để nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ môi trường; xóa bỏ nền nhà đất cứng hóa nền nhà hoặc lát gạch nền nhà… để chuẩn bị phát triển du lịch.

Đầu năm 2023, khi hoa Sơn Tra nở trắng núi rừng, đồng bào Mông ở Nậm Nghẹp lần đầu tiên đón khoảng 30.000 du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng Lễ hội hoa Sơn Tra và hòa mình vào không gian văn hóa của các đồng bào ở Ngọc Chiến: Ca hát, múa; tham gia các trò chơi dân gian, các môn thể thao dân tộc gồm đánh tu lu, bắn nỏ, đẩy gậy, ném pao, bịt mắt bắt dê, chọi dê, tô sáp ong trên vải và bay biểu diễn dù trên khu vực xã Ngọc Chiến... Năm 2024, lễ hội hoa Sơn Tra tiếp tục đón thêm trên 50.000 lượt du khách. Ngoài thu nhập từ làm dịch vụ du lịch, các nông, lâm, thổ sản của Nậm Nghẹp cũng lên đời. Nhờ vậy, từ một bản tỷ lệ hộ nghèo rất cao, gần 80% (năm 2019), hiện còn khoảng 8%. Từ bản hiếm thấy chiếc xe máy, nay nhiều hộ dân đã mua được ô tô và nhiều đồ dùng sinh hoạt hiện đại.

Trẻ em bản Nậm Nghẹp, xã Ngọc Chiến vui chơi.

Tại Nậm Nghẹp, chúng tôi gặp anh Kháng A Nhạ, đang hớn hở vận chuyển quả Sơn Tra lên xe ô tô giao cho thương lái, vui vẻ nói: Trước không có đường, quả Sơn Tra rụng đầy gốc cây không có lợi ích kinh tế gì. Dân bản chúng tôi nhiều khi còn chặt hạ, đốt để đất cho cỏ mọc để chăn nuôi gia súc. Giờ đây, nhờ có đường, Sơn Tra là cây xóa đói giảm nghèo của đồng bào, vừa để làm du lịch, vừa cho thu hoạch quả; cây mọc hoàn toàn tự nhiên, không mất công chăm sóc. Dân Nậm Nghẹp giờ lại tổ chức trồng Sơn Tra phủ xanh núi rừng.

Nhìn những quả Sơn Tra, anh Thuận thoáng trầm ngâm rồi chỉ đạo các thành viên trong đoàn: "Quả Sơn Tra trước giờ chỉ dùng ngâm rượu nên hiệu quả chưa cao vì tiêu thụ chậm. Các đồng chí tập trung nghiên cứu chế biến các sản phẩm từ quả Sơn Tra như làm mứt, ô mai... để du khách nào khi đến Nậm Nghẹp nói riêng và Ngọc Chiến nói chung đều có thể mua về làm quà, giúp tăng sức tiêu thụ nâng cao mức sống cho đồng bào".

Đồng chí Vũ Đức Thuận, Bí thư Huyện ủy Mường La (người ở giữa) trồng cây trên đỉnh núi Tà Tao, bản Nậm Nghẹp, xã Ngọc Chiến. 

Chỉ đạo xong, đoàn bắt đầu hành trình gần 3 tiếng đồng hồ men theo đường mòn, lối mở từ Nậm Nghẹp lên đỉnh Tà Tao, trước mắt chúng tôi hiện ra một rừng cây bạt ngàn hoa Đỗ quyên với đủ các màu sắc: Vàng, đỏ, cam, trắng… Để đặt chân đến cõi bồng lai, tiên cảnh này, dù tiết trời vùng cao lạnh giá, nhưng quần áo của các thành viên trong đoàn đều ướt sũng mồ hôi. Đồng chí Vũ Đức Thuận, chia sẻ: "Rừng hoa Đỗ quyên là một trong điểm nhấn quan trọng để thu hút du lịch. Nhưng để tránh phát triển nóng gây ra những tổn thương cho rừng, cho môi trường, huyện giao xã thực hiện chủ trương mở đường gắn với công tác hướng dẫn, giao trách nhiệm cho người dân thực hiện du lịch gắn với chăm lo, bảo vệ rừng…".

Miền quê đáng sống

Tranh thủ lúc nghỉ ngơi, đồng chí Vũ Đức Thuận, Bí thư Huyện ủy Mường La cho biết: Huyện đã đề xuất với UBND tỉnh Sơn La phê duyệt Đề án quy hoạch chung đô thị mới Ngọc Chiến dần trở thành đô thị loại V. Định hướng đến năm 2045 quy hoạch sử dụng đất tại xã Ngọc Chiến thành đô thị du lịch hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, hài hòa giữa phát triển du lịch với bảo tồn, bảo vệ rừng, cảnh quan thiên nhiên, phát huy các giá trị tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên văn hóa để xây dựng sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc dân tộc như: Du lịch cộng đồng; du lịch tắm khoáng nóng kết hợp với nghỉ dưỡng; du lịch văn hóa và tâm linh; du lịch trải nghiệm sinh thái với 5 tiểu khu vực: Khu vực phát triển đô thị - dịch vụ du lịch; khu vực phát triển du lịch cộng đồng; khu vực du lịch lòng hồ thủy điện Nậm Chiến; khu vực du lịch trải nghiệm cảnh sắc và leo núi; khu vực bảo vệ cảnh quan tự nhiên, kết hợp dịch vụ du lịch trải nghiệm, phù hợp với chủ trương, định hướng phát triển du lịch tỉnh Sơn La nói chung và huyện Mường La nói riêng; đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của khu vực. Đồng thời, triển khai kết nối du lịch theo các tuyến “Yên Bái - Mù Cang Chải - Ngọc Chiến”; “Sơn La - Mường La - Ngọc Chiến” và “Ngọc Chiến - Mù Cang Chải - Lai Châu - Sa Pa - Lào Cai - Hà Nội”.

Đồng bào xã Ngọc Chiến chung sức đồng lòng xây dựng quê hương. 

Dứt lời, anh Thuận đề nghị cán bộ xã trong đoàn đến báo cáo tình hình của Ngọc Chiến. Tuy không có văn bản chuẩn bị, nhưng đồng chí Lò Văn Sây vẫn báo cáo vanh vách những kết quả nổi bật của toàn xã Ngọc Chiến trong tháo gỡ khó khăn xây dựng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; khai thác có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế. Nổi bật là, 82 chủ trương, việc làm cụ thể tạo sức mạnh đột phá quan trọng, như: Chủ trương phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống vật chất của nhân dân; chủ trương làm đường giao thông nông thôn; chủ trương ngày thứ 7 về với dân; chủ trương thắp sáng đường quê; chủ trương trồng cây, trồng hoa; chủ trương củng cố xây dựng các khu du lịch tâm linh; chủ trương phát triển du lịch cộng đồng...

Tất cả chủ trương xã Ngọc Chiến đã và đang thực hiện đều xuất phát từ nguyện vọng của nhân dân. Bởi, trước khi quyết định ban hành và thực hiện các nhiệm vụ đều được triển khai theo quy trình các hội nghị: Thường trực, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, hội nghị cán bộ chủ chốt xã, hội nghị già làng trưởng bản, người có uy tín; hội nghị toàn dân ở tất cả các bản. Trên cơ sở định hướng của xã tổ chức các hội nghị của nhân dân tập trung theo ý kiến, mong muốn, nguyện vọng, góp ý cũng như ý chí quyết tâm của nhân dân vào từng công việc cụ thể, thể hiện rõ phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin; óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Tại các hội nghị, các ý kiến của nhân dân đều được tôn trọng, tiếp thu triệt để và tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả.

Đồng chí Lò Văn Thoa, Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến (đứng giữa) chia sẻ chủ trương phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với cán bộ thôn Nậm Nghẹp, xã Ngọc Chiến.

Chính nhờ chủ trương đúng, bước đi phù hợp tất cả vì người dân và cộng đồng, bức tranh kinh tế đến thời điểm hiện tại của Ngọc Chiến đã có nhiều khởi sắc theo hướng, vừa gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống; đồng thời, tạo nên những sản phẩm du lịch đặc biệt, khác biệt và đạt được nhiều kết quả quan trọng, như: Trong phát triển kinh tế đã tích cực vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; sản xuất nông nghiệp cũng từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa. Đến nay tổng diện tích gieo trồng toàn xã đạt hơn 1.920ha; tổng đàn gia súc, gia cầm đạt hơn 70.000 con; công tác phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ có bước phát triển mới, nhiều hộ dân tập trung phát triển diện tích cây thảo quả để xóa đói giảm nghèo, chuyển đổi diện tích nương sang diện tích lúa ruộng để phát triển kinh tế và làm du lịch. Năm 2023 thu nhập bình quân đầu người của xã ước tính đạt 43 triệu đồng/người.

Về Ngọc Chiến bây giờ không còn cảnh “lầy lội” về mùa mưa, bụi khuất tầm nhìn vào mùa khô như trước. Đến nay toàn xã đã làm được 133 tuyến đường bằng bê tông với chiều dài hơn 93km. Cùng với mở rộng và đổ bê tông các tuyến đường nội bản và các tuyến đường vào vùng kinh tế thì tất cả các tuyến đường vào từng hộ gia đình cũng được thực hiện với tổng trị giá khoảng 200 tỷ đồng. Hiện nay toàn xã có 2.230 cột điện thắp sáng làng quê phủ khắp toàn bộ 15 bản.

 "Sống lưng khủng long" - đường lên bản Nậm Nghẹp, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La.

Với thế mạnh về đồi rừng với hơn 300ha đồi thông bon sai tự nhiên; hơn 2,650ha cây Sơn Tra; hơn 400ha chè cổ thụ, rừng nguyên sinh và gần 800ha rừng hoa Đỗ quyên…, Đảng bộ, chính quyền xã Ngọc Chiến đã xác định 3 trụ cột trong phát triển kinh tế đó là: Xây dựng phát triển nông nghiệp xanh, phát triển du lịch và bảo tồn phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Hướng tới phát triển Ngọc Chiến trở thành khu du lịch cấp tỉnh giai đoạn 2030. Theo đó, Ngọc Chiến đang chủ trương tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp, phát triển các mô hình du lịch cộng đồng, Homestay, du lịch sinh thái. Đồng thời khai thác hiệu quả các địa danh của địa phương gắn với các câu chuyện truyền thuyết là điểm đến tham quan yêu thích của du khách như: Nhà thờ tổ Đon Hó bản Mường Chiến, Nhà thờ cây Sa mu bản Nà Tâu, Nhà thờ Xủ Công bản Lướt, Nhà thờ Cốc Núa Xí Tu bản Phày, không gian văn hóa dân tộc La Ha bản Kẻ, suối khoáng nóng bản Lướt, tham quan cây di sản Việt Nam... Bên cạnh đó duy trì và phát huy các giá trị phi vật thể; các lễ hội thường niên như: Lễ hội mừng cơm mới, ngày hội hoa Sơn Tra và các phong tục, nghi thức, văn hóa truyền thống như hát Then, múa Then, cúng vía trâu và các làn điệu dân ca dân tộc Thái, Mông...

Đồng chí Lò Văn Sây trao đổi thêm: Ngoài những vẻ đẹp tự nhiên, Đảng ủy, chính quyền Ngọc Chiến đang tích cực giáo dục, động viên toàn dân đoàn kết giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng thái độ tôn trọng, yêu thương du khách… Để mỗi du khách đến với Ngọc Chiến không phải chỉ để tham quan thưởng thức vẻ đẹp của Ngọc Chiến mà còn có cảm giác được trở về ngôi nhà của chính mình với những tình cảm nồng ấm của người dân địa phương trao tặng. Tình người Ngọc Chiến sẽ là suối nguồn sức mạnh bất tận góp phần chắp cánh cho Ngọc Chiến bay cao, bay xa với những chuyển biến tích cực để trở thành một miền quê cổ tích, đáng sống giữa miền Tây Bắc.

Bài và ảnh: VIỆT HÀ – DUY ĐÔNG – PHÚ SƠN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.