Bừng sáng quyết tâm
Đầu giờ làm việc buổi sáng, trụ sở Đảng ủy, UBND xã Ngọc Chiến vẫn im ắng lạ thường. Theo quan sát của chúng tôi, ngoài các bộ phận trực tiếp xử lý các nhiệm vụ trực tiếp với nhân dân như: Tiếp dân, văn phòng, tư pháp, địa chính, chính sách là mở cửa, còn các phòng, ban chức năng khác thì vẫn cửa kín then cài.
 |
Lực lượng vũ trang và đồng bào các dân tộc xã Ngọc Chiến chung sức xây dựng quê hương.
|
Đón tiếp chúng tôi, đồng chí Lò Văn Thoa, Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến giải thích: "Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, Ngọc Chiến cũng bị thiệt hại về cơ sở vật chất. Vì thế, những căn phòng đang đóng cửa kia là vì cán bộ, đảng viên trong xã đều đã đi thôn, bản để cùng với thôn bản để cùng tháo gỡ khó khăn, kết hợp kiểm tra, triển khai tiến độ thực hiện các chủ trương, mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Chỉ kịp giải thích sơ vài câu, chiếc điện thoại của anh Thoa liên tục có tin nhắn và cuộc gọi. Hóa ra, cuộc gọi và tin nhắn là những báo cáo hình ảnh của đội ngũ cán bộ xã đang ở các bản gửi về nhóm zalo chung của xã để báo cáo tình hình, anh Thoa mỉm cười: “Nếu ví Ngọc Chiến như một công trường đang thi công cuộc sống ấm no, thì các cán bộ, đảng viên chính là những công nhân thực thụ của công trường đấy”.
Nghe anh nói xong, nhìn anh không mang trang phục công sở sạch, đẹp, gọn gàng mà đang đi đôi giầy thể thao cũ và mặc chiếc áo của lực lượng dân quân, chúng tôi chợt hiểu chắc anh cũng chuẩn bị đi cơ sở. “Anh chuẩn bị đi bản nào?”, chúng tôi hỏi.
“Sáng tôi có kế hoạch đến bản Lướt kiểm tra tiến độ thi công cầu treo và đến một số bản khác để xem tiến độ khắc phục thiệt hại của bão số 3”, anh Thoa trả lời.
Để không làm mất thời gian của đồng chí Chủ tịch UBND xã, chúng tôi đề nghị anh cho chúng tôi cùng đi với anh về các bản. Trên đường đi, qua trò chuyện, chúng tôi được biết: Cán bộ xã cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào thôn, bản đã trở thành nét đẹp văn hóa của Ngọc Chiến. Trở lại câu chuyện của thời gian từ năm 2019 trở về trước, đời sống bà con nhân dân ở xã Ngọc Chiến còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức trên 23%; hệ thống đường nội bản chủ yếu ở dạng đường mòn lối mở bụi bặm về mùa khô, lầy lội vào mùa mưa. Người dân từ những bản xa cách trung tâm xã tới hơn 10km, như: Nậm Nghẹp, Giạng Phổng, Nà Tâu, Phày, Đông Xuông, Khua Vai… có việc muốn về được Trung tâm xã chỉ có cách duy nhất là đi bộ mất thời gian một ngày cả đi và về. Hệ thống cơ sở hạ tầng thấp kém, cùng với những hủ tục từ lâu đời là những rào cản làm chìm đắm bức tranh kinh tế, xã hội của Ngọc Chiến trong những đêm sương lạnh giá.
 |
Sôi động vui tươi các lễ hội ở xã Ngọc Chiến. |
Với quyết tâm hiện thực hóa chủ trương, Nghị quyết của huyện ủy vào cuộc sống nơi thôn, bản, Ban Thường vụ Đảng ủy xã Ngọc Chiến đã họp và xác định biện pháp tiên quyết là: Ngọc Chiến phải phát huy được nội lực, tự lực vươn lên bằng cách phải dựa vào dân, xây dựng được ý thức vươn lên của nhân dân; tập hợp, vận động nhân dân phát huy trách nhiệm với cộng đồng. Muốn được vậy, cán bộ, đảng viên của xã phải thực sự gần dân, để nghe dân nói, hiểu lòng dân, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin gắn với thực hiện hỗ trợ, cầm tay chỉ việc, giúp đỡ chi bộ thôn, bản thực hiện các nhiệm vụ.
Theo đó, Ban Thường vụ Đảng ủy xã thành lập 15 “tổ công tác ngày thứ 7 với dân” gắn với 15 bản trên địa bàn. Mỗi tổ gồm 5-7 đồng chí, có nhiệm vụ thay mặt và chịu trách nhiệm toàn diện về mọi mặt tại bản phụ trách với Ban Thường vụ Đảng ủy xã, thực hiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo các thôn, bản thực hiện các chủ trương, đường lối trong phát triển kinh tế, văn hóa xã hội; thực hiện kiểm tra, giám sát, đánh giá và quản lý chặt chẽ với nhau giữa cán bộ xã và cán bộ bản.
Ngày đầu triển khai, theo quy định hằng tháng vào ngày thứ Bảy của tuần thứ 4, các tổ công tác bắt buộc phải có mặt ở bản phụ trách; cùng chi bộ bản tháo gỡ những khó khăn đang đặt ra... và tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã đề ra các chủ trương để tạo đà phát triển cho kinh tế, văn hóa, xã hội thôn, bản. Đến nay, vai trò của tổ công tác đã trở nên rất quan trọng và hầu như ngày nào cũng có cán bộ của tổ công tác sát cánh với chi bộ thôn, bản để cùng lo cho nhân dân. Nếu cán bộ, đảng viên bận một, Ban Thường vụ Đảng ủy xã bận mười. Vì, dù có những chiếc điện thoại thông minh để giúp các anh nắm bắt tình hình công việc, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, từng thành viên của Ban Thường vụ như con thoi, trực tiếp đến từng bản để phối hợp với tổ công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các công trình, phần việc “dệt” ấm no cho cuộc sống dân sinh.
Phát huy vai trò chủ thể của nhân dân
Trên con đường vào bản Lướt, đồng bào trong bản và tổ công tác của chính quyền xã đang đoàn kết dựng cầu treo dân sinh vượt suối Chiến, nối bản Lướt với khu sản xuất rộng hơn 100ha ruộng, nương của bản. Trước kia, dân bản bắc một cây cầu treo ván gỗ để đi lại. Nhưng do ảnh hưởng của cơn bão số 3, cây cầu đã bị phá hủy. “Biến đau thương mất mát thành hành động”, với chủ trương phải xây dựng cây cầu mới to đẹp và chắc chắn hơn; chính quyền xã đã vận động xã hội hóa và vận động nhân dân trong bản cùng đóng góp đủ kinh phí 500 triệu đồng để mua nguyên vật liệu xi măng, sắt, thép để làm cây cầu mới.
Bên cạnh đó, ngoài vai trò là “chủ đầu tư”, người dân trong bản còn là “đơn vị thi công”, giám sát chất lượng tiến độ công trình cầu treo. Anh Lò Văn Hặc, Bí thư kiêm trưởng bản Lướt nói: "Mọi việc của bản đều được chi bộ, Đảng bộ xã xin ý kiến của nhân dân, theo mục tiêu lấy nhân dân làm gốc, nhân dân là chủ thể để hướng đến - chủ thể trực tiếp thực hiện, chủ thể hưởng thụ, chủ thể trực tiếp quản lý và có trách nhiệm bảo vệ thành quả cách mạng".
Tranh thủ lúc anh Thoa đang xắn tay vào việc xây dựng cầu, chúng tôi đề nghị anh Hặc đưa đi tham quan các “thành quả cách mạng” của đồng bào bản Lướt. Bản Lướt nằm ở độ cao hơn 1.600m so với mực nước biển, có 342 hộ với gần 1.900 nhân khẩu; nằm lọt thỏm giữa núi đồi và những thửa ruộng bậc thang uốn lượn. Điểm độc đáo ở đây là những căn nhà nghỉ dưỡng khang trang xinh đẹp có bể nước khoáng nóng bốc khói nghi ngút… Công trình đầu tiên chúng tôi gặp là chiếc cổng chào hoành tráng, với dòng chữ: "Bản du lịch cộng đồng - bản Lướt kính chào quý khách". Tiếp đó là các con đường bê tông bằng phẳng, sạch sẽ…
Ông Lường Văn On, dân bản Lướt đang thu gom lá cây rơi rụng trên đường trước cổng nhà vui vẻ nói: "Đường bản, ngõ bản đều được đổ bê tông, đi lại thuận tiện, bà con dân bản ai cũng phấn khởi. Phấn khởi hơn, đó là những con đường đó đều do bà con dân bản góp công, góp sức xây dựng cả đấy".
Anh Hặc phấn khởi: "Có ai ngờ bản tôi đẹp thế này mà cách đây vài năm lại là một trong những bản nghèo; năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 35%. Nhiều hộ gia đình thiếu đói quanh năm, trông chờ sự cứu trợ của chính quyền và xã hội. Nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Đảng ủy xã, chi bộ đã vận động nhân dân, tranh thủ sự hỗ trợ phần nào của cấp trên; tập trung đóng góp sức người, sức của để sửa sang môi trường, đường đi lối lại trong bản theo hướng phát triển du lịch. Bản làng sạch, đẹp góp phần thu hút du khách đến tham quan, lưu trú. Từ đó, nhiều hộ gia đình vươn lên làm ăn khá giả; hiện giờ tỷ lệ hộ nghèo của bản còn khoảng 3%''.
 |
Đồng bào các dân tộc Ngọc Chiến luôn đoàn kết xây dựng quê hương. |
 |
Trẻ em Ngọc Chiến vui chơi trên miền quê đẹp như cổ tích. |
 |
Xã Ngọc Chiến chụp từ trên cao. |
Khi nghe chúng tôi trao đổi những điều mắt thấy tai nghe, Chủ tịch UBND Lò Văn Thoa, chia sẻ: "Tùy thuộc vào điều kiện thực tế của từng bản, Đảng ủy, chính quyền xã hướng dẫn chi bộ trước khi sinh hoạt phải xác định rõ nhiệm vụ, mục tiêu; họp dân để nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân để cùng thống nhất và mang lại tính khả thi cao cho các chương trình hành động, xây dựng nghị quyết hằng tháng của chi bộ".
Điển hình là: Trong việc giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, Đảng ủy, chính quyền xã lãnh đạo, chỉ đạo các chi bộ các bản sau khi lấy ý kiến của nhân dân, triển khai thực hiện xã hội hóa, xây dựng thành công các khu tâm linh phục vụ nhân dân gắn với phát triển du lịch trên địa bàn xã, như các nhà thờ truyền thống: Đon Hó, bản Mường Chiến; thờ cây thần Sa Mu, bản Nà Tâu; Xủ Công, bản Lướt; Cốc Nố Xí Tu, bản Phày. Trong đó, nhân dân đã hiến đất, nhân lực và vật lực để xây dựng các khu tâm linh: Nhà thờ tổ Đon Hó 1.500m2; cây đôi thiêng 1.200m2; nhà thờ cây Sa Mu 2.000m2, nhà thờ Xủ Công bản Lướt, nhà thờ Cốc Nố Xí Tu bản Phày. Diện tích mỗi nhà thờ 150m2, tổng trị giá khoảng 6 tỷ đồng...
Khi tham gia vào hoạt động các giá trị văn hóa truyền thống, nhiều già làng trưởng bản xúc động tâm sự như được quay về với tuổi thơ qua các lễ, hội và các trò chơi dân gian truyền thống của đồng bào.
Từ thực tiễn công tác tâm huyết một lòng vì dân, hướng vào nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, Ngọc Chiến đã hoàn thành nhiều công trình, phần việc rất ý nghĩa trong việc đưa nghị quyết vào xây dựng cuộc sống ở cơ sở, ví như: Tuyên truyền, vận động nhân dân trồng được 40.000 cây ban, cây mai anh đào, cây lê Talung và hơn 20.000 cây phân tán, tổng trị giá 2,5 tỷ đồng; vận động nhân dân bản Phày xây dựng con đường đá lá đỏ hoa hồng thơm, suối thả cá Koi tuyến đường hai bên Nhà thờ Cốc Nố Xí Tu tạo cảnh quan đặc biệt để phát triển du lịch.
Bốn tuyến đường của bản Phày nhân dân đã bỏ toàn bộ tường xây và hoàn thành việc làm tường bằng đá cuội - vật liệu tự nhiên từ suối, với tổng chiều dài 4,5km, khánh thành và đưa vào sử dụng, tổng trị giá khoảng 2,1 tỷ đồng; vận động nhân dân bản Đông Xuông tạo hình bằng đá trên tường, con đường hoa mào gà đỏ trên các tuyến đường nội bản để tạo cảnh quan và phát triển du lịch.
Hiện nay tất cả các tuyến đường tại bản đã tạo hình và ghép bằng đá suối là những hình ảnh về đất nước, con người, phong cảnh con người Ngọc Chiến. Trong năm đã vận động bà con nhân dân bản Đông Xuông làm 400 chậu hoa mào gà, địa lan trồng khuôn viên nhà dân, tổng trị giá 1,1 tỷ đồng; vận động nhân dân bản Giạng Phổng xây dựng bản “con đường đá, đào cổ” với bức tường đá dài 3km, trồng 500 cây đào đang chăm sóc… Đây là những điểm tựa để Ngọc Chiến có những bước phát triển ngày càng vững chắc.
Bài, ảnh: VIỆT HÀ - DUY ĐÔNG - PHÚ SƠN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.