Hiệu quả hợp tác quốc tế chính là điểm nhấn mà ngoại giao, trong đó có ngoại giao kinh tế cần hướng tới chứ không chỉ bằng số lượng các hiệp định hợp tác kinh tế ký kết.
Tới nay, Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), bao gồm 13 hiệp định đã có hiệu lực và đang thực thi cam kết, 2 hiệp định đã ký kết hoặc kết thúc đàm phán nhưng chưa có hiệu lực, 2 hiệp định đang đàm phán. Trong số các FTA mà Việt Nam tham gia có các FTA thế hệ mới và đã có hiệu lực như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU)-EVFTA. FTA thế hệ mới đòi hỏi những cam kết sâu rộng và toàn diện, bao hàm những cam kết về tự do thương mại và dịch vụ với mức độ cam kết sâu nhất (cắt giảm thuế gần như về 0%, có thể có lộ trình); có cơ chế thực thi chặt chẽ và gồm cả những lĩnh vực như lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ, minh bạch hóa, cơ chế giải quyết tranh chấp về đầu tư...
    |
 |
Ảnh minh hoạ/Baochinhphu.vn |
Việc đàm phán thành công và tham gia các FTA thế hệ mới đã chứng tỏ sự trưởng thành của nền ngoại giao, kinh tế Việt Nam, năng lực hội nhập kinh tế quốc tế của các doanh nghiệp nước ta. Tuy vậy, việc tham gia các FTA thế hệ mới cùng các nền kinh tế hàng đầu thế giới và khu vực mới chỉ là bệ phóng tốt để phát triển kinh tế. “Trái ngọt” từ các cơ hội hợp tác này vẫn chờ những doanh nghiệp có đủ năng lực để tham gia tích cực, chủ động hơn vào “sân chơi” kinh tế quốc tế thời đại mới. Bởi vậy, văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “Tận dụng tối đa các cơ hội từ quá trình hội nhập mang lại, nhất là các hiệp định thương mại tự do đã ký kết”. Thống kê sơ bộ sau hơn hai năm tham gia CPTPP sẽ giúp chúng ta rút ra những bài học để tận dụng các cơ hội của các FTA thế hệ mới.
CPTPP có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14-1-2019. Hơn hai năm CPTPP có hiệu lực cũng là thời điểm căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, xu hướng bảo hộ và đặc biệt là dịch Covid-19 gây ra những hệ lụy chưa từng có trong thương mại thế giới, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc tận dụng CPTPP của doanh nghiệp. Tuy vậy, theo báo cáo công bố đầu tháng 4 vừa qua của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các đối tác CPTPP năm 2019 đạt tăng trưởng trung bình 7,2% so với năm 2018, trong khi nhập khẩu chỉ tăng nhẹ ở mức 0,7%. Xuất khẩu sang các thị trường mới trong CPTPP ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, khoảng từ 26% đến 36%. Trong bối cảnh hầu như tất cả các đối tác CPTPP đều giảm nhập khẩu năm 2019, việc Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng này cho thấy CPTPP đang ít nhiều tạo ra những tác động ban đầu tích cực.
Trong khó khăn của hai năm qua, những chuyển biến mà CPTPP mang lại cho nền kinh tế Việt Nam qua các con số thống kê là tích cực nhưng vẫn khiêm tốn, bởi chưa tận dụng hết những cơ hội mà CPTPP hay các FTA mới mang lại. Cũng theo báo cáo của VCCI, nhiều doanh nghiệp Việt Nam không biết nên chưa tận dụng được các ưu đãi thuế quan từ CPTPP: Cứ 4 doanh nghiệp tham gia khảo sát của VCCI về CPTPP thì chỉ có một đơn vị cho biết họ hiểu, nắm được lợi ích mà hiệp định này đem lại. Đã vậy, trong nhóm doanh nghiệp biết rõ về CPTPP lại là khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chứ không phải doanh nghiệp trong nước. Tất nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng bắt nhịp ngay để khai thác cơ hội mà CPTPP mang lại, nhưng việc biết và hiểu rõ về hiệp định này, như khảo sát của VCCI nêu, cũng là một điểm yếu cần khắc phục.
Đại hội XIII của Đảng diễn ra vào thời điểm đất nước vừa tổng kết 35 năm đổi mới và hội nhập. Kinh nghiệm đúc rút từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã được thể hiện rõ trong văn kiện của Đại hội XIII: “Xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Bảo vệ lợi ích chính đáng của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân Việt Nam trong các tranh chấp kinh tế, thương mại và đầu tư quốc tế”. Với quan điểm này và để tận dụng những cơ hội mà các FTA tạo ra, từ góc độ Nhà nước và doanh nghiệp cần phải có những hành động cụ thể để kịp thời thích ứng với tình hình mới. Về phía Nhà nước, cần đẩy nhanh quá trình hoàn thiện thể chế, chính sách gắn với việc thực hiện các cam kết hội nhập để nâng cao hiệu quả huy động, sử dụng vốn đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế theo lộ trình. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các cam kết, hiệp định mà Việt Nam tham gia đến từng ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân để các đối tượng có liên quan thực hiện hiệu quả các cam kết. Dù vậy, trách nhiệm của các cơ quan hữu trách đã được thể hiện rất rõ từ quá trình đàm phán các FTA mới. Việc còn lại nhưng rất quan trọng là phát huy vai trò của các địa phương, doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp đủ mạnh để tham gia vào sân chơi lớn toàn cầu mới là cái đích để các FTA thế hệ mới hướng tới và đó mới chính là “phát huy tối đa nội lực” về góc độ kinh tế như Nghị quyết Đại hội XIII đã nêu. Do vậy, ngoài việc các doanh nghiệp phải tự tìm hiểu về CPTPP hay các FTA thế hệ mới khác, họ cần tăng cường liên kết, tạo cơ hội đầu tư nhằm tăng sức mạnh cạnh tranh; chủ động xây dựng năng lực sản xuất, kinh doanh, cải thiện chất lượng, mẫu mã sản phẩm để nâng cao khả năng cạnh tranh và xây dựng thương hiệu; tăng cường đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, đầu tư vào các vùng trồng nguyên liệu để giảm thiểu phụ thuộc nguyên phụ liệu của các nhà cung cấp nước ngoài. Cụ thể hơn, chính các doanh nghiệp chứ không ai khác cần chủ động đáp ứng những điều kiện ngặt nghèo của các FTA thế hệ mới để hội nhập, tự mình phát triển và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Đất nước đã bước vào vận hội mới với những cơ hội và thách thức mới. Khi các chính sách đã giúp khơi thông cơ hội hợp tác, các doanh nghiệp cũng cần chủ động, khẩn trương hòa nhịp để thực sự phát huy hiệu quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống.
NGỌC HƯNG