Phóng viên (PV): Qua nghiên cứu Quy định số 96-QĐ/TW, quan điểm của đồng chí về giá trị, ý nghĩa của chủ trương này như thế nào?
Đại tá, PGS, TS Lê Quang Phi: Tôi cho rằng, đây là một quy định có ý nghĩa rất to lớn đối với công tác cán bộ, là chìa khóa mở hướng cho việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác đánh giá cán bộ vốn được cho là khó và yếu.
Qua theo dõi dư luận xã hội, tôi thấy rằng cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước bày tỏ đồng tình, nhất trí cao với quy định của Trung ương về việc tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với đội ngũ cán bộ theo hướng công minh, nghiêm túc, dân chủ, thực chất.
Nói như vậy để thấy niềm vui và niềm tin là chủ đạo trong tiếp nhận Quy định số 96-QĐ/TW. Thế nhưng ở đâu đó trong đời sống xã hội vẫn xuất hiện không ít lo âu, quan ngại. Và ở đây, tôi chỉ xin đề cặp về những băn khoăn, khó, vướng trong quá trình triển khai quy định này.
    |
 |
Các đồng chí cán bộ Huyện ủy Trần Đề (Sóc Trăng) thăm hỏi, động viên nhân dân tích cực tham gia các phong trào của địa phương. Ảnh: THÚY AN |
PV: Đồng chí có thể chia sẻ cụ thể về những băn khoăn đó?
Đại tá, PGS, TS Lê Quang Phi: Trước hết, chúng ta rất lo ngại về tình trạng một số cá nhân vì động cơ không trong sáng, thiếu lành mạnh, có thể “biến” việc lấy phiếu tín nhiệm thành “sàn” đấu đá, hạ bệ lẫn nhau.
Quy định số 96-QĐ/TW với nhiều nội dung mới, chặt chẽ hơn, cụ thể hơn, là một bước tiến quan trọng, khẳng định sự quyết tâm, quyết liệt của Đảng trong lãnh đạo đổi mới công tác cán bộ ngay từ khâu đánh giá cán bộ. Thực hiện tốt quy định thì mỗi lá phiếu tín nhiệm sẽ thực sự phát huy giá trị trong công tác đánh giá cán bộ, phản ánh đúng chất lượng đội ngũ và từng đồng chí cán bộ.
Tuy nhiên, thời gian qua, phần việc quan trọng này đã và đang xuất hiện những biến tướng nguy hại. Một trong số đó phải kể đến là tình trạng bè cánh, ganh ghét cá nhân, lợi dụng việc bỏ phiếu tín nhiệm để đấu đá, hạ bệ cán bộ liêm chính. Chính những biểu hiện trên khiến kết quả lấy phiếu tín nhiệm không thực chất và hệ quả là không đánh giá đúng cán bộ, thậm chí làm mất cán bộ.
Đó là những cán bộ có trình độ năng lực tốt, có tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung nhưng lại không trong một “ê kíp”, hoặc không cùng lợi ích nhóm. Họ dám nói thẳng, nói thật nhưng cũng vì thế mà trở thành cái gai trong mắt nhiều người... Do đó, các cấp, các ngành, các địa phương cần phải có biện pháp quyết liệt, ngăn chặn từ sớm, từ xa, không để những hội nghị lấy phiếu tín nhiệm trở thành “sàn” đấu đá, hạ bệ lẫn nhau.
PV: Vậy liệu câu chuyện nêu trên có phải là lo ngại lớn nhất, thưa đồng chí?
Đại tá, PGS, TS Lê Quang Phi: Đó là một trong rất nhiều biểu hiện, hiện tượng cần sớm nhận diện, ngăn chặn. Một thực tế đáng lo nữa chính là tình trạng ngã giá, mua-bán phiếu tín nhiệm.
Bỏ phiếu là việc tôi bỏ cho anh, anh bỏ cho tôi. Do đó, việc làm này hoàn toàn có thể trao đổi, ngã giá, mua-bán nếu tổ chức không khéo tầm soát, nhận diện và ngăn chặn kịp thời; hoặc nếu cán bộ rơi vào tha hóa, biến chất, động cơ không trong sáng.
Thực tế cho thấy, việc lấy phiếu tín nhiệm ở nhiều nơi còn biểu hiện cảm tính, nể nang, dễ dãi, hình thức. Thậm chí, xét ở góc độ nào đó, lá phiếu tín nhiệm trở thành hàng hóa, được mặc cả, thỏa thuận với nhau từ những nhóm lợi ích. Những cuộc ngã giá, mua-bán phiếu tín nhiệm có vô vàn hình thức, biểu hiện. Trước hội nghị lấy phiếu tín nhiệm thì mời nhau ăn uống, tung hô, tặng quà giá trị... hòng mua phiếu trước. Sau hội nghị thì gặp gỡ, cảm ơn và hứa hẹn sẽ cất nhắc, đề bạt những người đã hiện thực hóa sự ủng hộ bằng lá phiếu...
Rõ ràng, những hiện tượng nêu trên tác động rất lớn đến kết quả tín nhiệm, ảnh hưởng trực tiếp đến sự nghiệp chính trị của người được lấy phiếu. Do vậy, phần việc này nhất thiết phải được tiến hành chặt chẽ, cẩn trọng ở từng khâu, từng bước để bảo đảm tính minh bạch, khách quan, trung thực. Các cấp cần quyết liệt chống bệnh hình thức, dối trá trong việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh việc mua-bán phiếu. Làm được điều đó chính là ngăn chặn một bước việc chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch trong công tác cán bộ và phát huy đúng giá trị của lá phiếu tín nhiệm.
PV: Cùng với nhận diện, khắc phục những hiện tượng nêu trên, để việc lấy phiếu tín nhiệm đạt hiệu quả thì nên vận hành những giải pháp nào thưa đồng chí?
Đại tá, PGS, TS Lê Quang Phi: Giải pháp thì có nhiều và tại Quy định số 96-QĐ/TW đã đề cập rất cụ thể. Ở đây, tôi nhấn mạnh đến việc nên công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm.
Thực tế cho thấy, kết quả lấy phiếu tín nhiệm dù thực chất, nhưng nếu không công khai thì rất dễ gây ra sự hoài nghi, thiếu tin tưởng trong dư luận cán bộ, đảng viên và quần chúng.
Để bảo đảm tính minh bạch, tôi cho rằng cần phải công khai thông tin lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và công khai kết quả bỏ phiếu tín nhiệm. Làm tốt phần việc này tức là đã cung cấp thông tin chính thống cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, từ đó tránh được việc hình thành những luồng dư luận tiêu cực, thông tin trái chiều về kết quả lấy phiếu. Đây cũng là biện pháp góp phần phát huy tính công khai, dân chủ trong công tác cán bộ của Đảng.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
ĐÔNG HẢI (thực hiện)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.