Sau khi dự buổi sinh hoạt, đồng chí bí thư cấp ủy cấp trên nán lại chuyện trò với một số cán bộ cơ quan X. Tỏ rõ sự phấn khởi, anh đặt câu hỏi như để thẩm định niềm tin của bản thân: “Chắc anh em ở đây đều đã đọc và nghiên cứu về nghị quyết cấp trên. Lần này, nghị quyết được trình bày ngắn gọn, súc tích nhưng nội dung có bước phát triển rất toàn diện, sâu sắc”.

Sau câu hỏi ấy, nhiều đồng chí tỏ vẻ tâm đắc nhưng không ai chủ động trả lời thẳng vào vấn đề là “học hay chưa học nghị quyết?”. Cảm nhận được điều gì chưa ổn, đồng chí bí thư chủ ý truy trao sâu hơn về các nội dung nghị quyết. Càng đặt ra những vấn đề cụ thể, mọi người càng tỏ rõ sự lúng túng, ấp úng.

Đoán được thực tế ở cơ quan X, đồng chí bí thư gắt giọng: “Các đồng chí phải hết sức trung thực: Trong cơ quan ta có bao nhiêu anh em đã học tập, nghiên cứu nghị quyết nhiệm kỳ mới?”.

Cuối cùng, các đồng chí có mặt phải thừa nhận rằng bản thân quá bận công việc, chưa có thời gian nghiên cứu nghị quyết nên chỉ nắm sơ bộ một số vấn đề cơ bản. Một số chỉ đọc lướt qua để nắm bố cục, chủ đề, đề mục... chứ chưa thể nghiên cứu sâu. Nghe đến đấy, đồng chí bí thư thở dài: “Thật đáng buồn, đáng trách! Nếu cán bộ chủ trì, chủ chốt lại không nghiên cứu kỹ nghị quyết nhưng vẫn “cao giọng” chỉ đạo, kêu gọi cấp dưới và quần chúng học tập thì có ích gì; sẽ kiểm tra đánh giá ra sao; lãnh đạo, chỉ đạo đưa nghị quyết vào cuộc sống bằng cách nào?”.

Không chỉ ở cơ quan X mà thực tế hiện nay cho thấy, việc học tập, nghiên cứu nghị quyết ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn chưa đi vào thực chất; chưa hình thành nên tính chủ động trong tự nghiên cứu ở mỗi người. Thậm chí, nhiều cán bộ dù chưa nắm chắc nội dung nghị quyết vẫn tỏ ra mình đã học tập, nghiên cứu kỹ, nắm chắc, hiểu sâu về nghị quyết; khi nói về nghị quyết thì như thể nội dung đã nằm lòng, nhưng thực ra đó chỉ là những vấn đề lý luận chung chung, là quan điểm, chủ trương của nhiều nhiệm kỳ trước. Thành thử khi những cán bộ này định hướng việc học tập, triển khai nghị quyết chỉ vận hành theo lối tung hô, sáo rỗng; chỉ đạo chung chung, kiểm tra phương phưởng, đánh giá cảm quan... Một số cán bộ chỉ đạo việc vận dụng nghị quyết lại không chọn đúng trọng tâm, trọng điểm, không sát với thực tiễn; cũng không bám sát chủ trương, giải pháp của nghị quyết nhiệm kỳ mới xác định.

Câu chuyện trên đòi hỏi mỗi cán bộ chủ trì, chủ chốt cần đổi mới nhận thức và tư duy về vai trò, vị trí của việc học tập nghị quyết; đề cao hơn nữa trách nhiệm trong việc thực hành tự học tập, tự nghiên cứu nghị quyết; phấn đấu trở thành những tấm gương sáng để cấp dưới soi vào, noi theo. Đó chính là cách thiết thực nhất, hiệu quả nhất để sớm đưa nghị quyết của các cấp ủy vào cuộc sống.

Ở từng cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương... cần tăng cường hơn nữa các hoạt động kiểm tra để phát hiện, ngăn ngừa bằng được căn bệnh “thùng rỗng kêu to”, đẩy lùi hiện tượng “tự ngụy tạo cho mình sự uyên thâm về chính trị” và thực trạng sáo rỗng, hình thức trong tổ chức học tập nghị quyết, nhất là ở cấp cơ sở. Cần thống nhất trong nhận thức và hành động ở mọi cán bộ, đảng viên rằng: Nghị quyết chỉ có thể thấm ngấm theo phân cấp, đi từ trên xuống dưới, rồi mới có thể lan tỏa về cơ sở, đi sâu vào thực tiễn cuộc sống!

NGUYỄN TẤN TUÂN