Nhiều năm duy trì cách đánh giá cán bộ không phù hợp
Xác định ý nghĩa quan trọng của khâu đánh giá cán bộ, nhiều văn bản, chỉ thị của Đảng đã yêu cầu phải có quan điểm, phương pháp đánh giá cán bộ một cách chặt chẽ, khách quan, khoa học. Sau Hội nghị Trung ương 9, khóa X, Đảng ta đã ban hành Kết luận số 37-KL/TW ngày 2-2-2009 “Về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cán bộ từ nay đến năm 2020”, trong đó yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng trước hết phải: “Đổi mới công tác đánh giá cán bộ, xây dựng mới tiêu chuẩn chức danh cán bộ và tiêu chí đánh giá cụ thể đối với từng chức danh, từng đối tượng cán bộ; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan, toàn diện, công tâm; lấy chất lượng, hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ làm thước đo chính”.
Quy định chặt chẽ như vậy, nhưng chưa được triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả trong thực tiễn. Thế nên mấy năm gần đây mới xảy ra hàng loạt cán bộ được bổ nhiệm “thần tốc”, tuy được biện minh là thực hiện “đúng quy trình” nhưng gây bức xúc trong dư luận xã hội. Bên cạnh nguyên nhân chủ quan là do nhiều cán bộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thao túng trong việc giới thiệu, xem xét, đề bạt người nhà, người thân, còn có lý do khách quan đã được lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương nhiều lần chỉ ra: Vẫn còn kẽ hở trong quy trình, phương pháp đánh giá cán bộ. Mặt khác, một trong những nguyên nhân của hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ kéo dài nhiều năm qua đã được Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 của Hội nghị Trung ương 7, khóa XII nêu rõ là: “Chưa có tiêu chí, cơ chế hiệu quả để đánh giá đúng cán bộ”.
 |
Ảnh minh họa: dantri.com.vn. |
Theo nhận định của PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), việc đánh giá cán bộ trong nhiều năm qua chưa bám sát thực tế với những biến đổi về cơ cấu, thành phần, đặc điểm và các mối quan hệ xã hội của đội ngũ cán bộ; chưa theo kịp tình hình phát triển của sự nghiệp cách mạng nước ta trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Trong khi có nơi, có lúc vẫn còn đánh giá cán bộ một cách hình thức, xa rời các nguyên tắc, quy định, quy chế công tác cán bộ của Đảng; chưa dựa vào đánh giá của tập thể nơi cán bộ công tác và ý kiến của người dân nơi cán bộ cư trú; chưa coi trọng chất lượng, hiệu quả công việc của cán bộ làm thước đo chủ yếu; lại có cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy đánh giá cán bộ thiên về bằng cấp, thành phần, hồ sơ lý lịch của cán bộ.
Mặt khác, do không xác định rõ ràng, minh bạch các tiêu chí cụ thể đối với từng chức danh cán bộ nên việc nhận xét, đánh giá cán bộ thiếu cơ sở, thiếu căn cứ thống nhất, từ đó dẫn đến thực trạng là cùng một đối tượng cán bộ nhưng ở nơi này có thể đánh giá đủ điều kiện để vận dụng bổ nhiệm, nhưng ở nơi khác lại có thể nhận xét chưa đủ tiêu chí nên không đề bạt. Đây chính là khe hở dễ bị lợi dụng, biến tướng. Bởi, nếu có tiêu chí rõ ràng và tổ chức thi tuyển cạnh tranh thật sự công khai, minh bạch thì có lẽ hai người con trai của ông Đinh Văn Thu (khi ấy đang là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam) là Đinh Văn Vũ (sinh năm 1982) và Đinh Văn Bảo (sinh năm 1988) không quá dễ dàng để được giới thiệu rồi đảm nhiệm các chức vụ quan trọng của một số cơ quan ở địa phương. Việc lợi dụng kẽ hở về tiêu chí chức danh cán bộ để đề nghị hai con trai được bổ nhiệm trong cùng thời điểm tháng 12-2016, là một trong những lý do chủ yếu khiến ông Đinh Văn Thu bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.
Phải đột phá vào khâu quan trọng đầu tiên của công tác cán bộ
Để khắc phục những bất cập đó, một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng được Đảng ta xác định tại Nghị quyết Trung ương 7, khóa XII về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, đó là: “Đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng: Xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị”.
Việc xác định đổi mới khâu đánh giá cán bộ trong công tác cán bộ là đột phá đầu tiên, chứng tỏ Đảng đã nêu trúng vấn đề bấy lâu nay dư luận xã hội quan tâm, đáp ứng kịp thời những yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn công tác cán bộ hiện nay. Là giải pháp của mọi giải pháp, chỉ khi nào thực hiện nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả khâu đánh giá cán bộ ở tất cả các cấp ủy, tổ chức đảng từ cơ sở đến Trung ương, Đảng ta mới có thể xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp thực sự đủ phẩm chất, năng lực, uy tín và ngang tầm nhiệm vụ; đồng thời mới có thể phòng ngừa, đẩy lùi những hạn chế, tiêu cực trong công tác cán bộ.
Tại sao phải đánh giá cán bộ theo hướng “xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương?”. Theo đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, đây chính là phương pháp xem xét khoa học, công cụ đo lường toàn diện, chính xác để góp phần nhận định, đánh giá đúng tài năng và đạo đức của cán bộ. Nếu thực hiện nghiêm túc, triệt để phương pháp đánh giá này, thì việc đánh giá cán bộ mới bảo đảm tính chính xác.
Đánh giá xuyên suốt, liên tục nhằm nhìn nhận cả chặng đường rèn luyện, phấn đấu, cống hiến của cán bộ từ khi giữ cương vị thấp đến cao. Đánh giá đa chiều nhằm có cái nhìn tổng hợp, toàn diện về chất lượng con người cán bộ thông qua việc kết hợp đánh giá từ trong nội bộ và đánh giá từ bên ngoài, đánh giá từ trên xuống và đánh giá từ dưới lên, trong đó cần coi trọng ý kiến đánh giá, giám sát của quần chúng. Đánh giá bằng sản phẩm nhằm lượng hóa kết quả, mức độ hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của cán bộ bằng những con số, công trình, đề án, chương trình, giải pháp, hiến kế, giải thưởng... được tập thể, Nhà nước, nhân dân thừa nhận, tôn vinh. Đánh giá thông qua so sánh với các chức danh tương đương thực chất là tìm ra, lựa chọn được những nhân tố nổi trội trong số các cán bộ có chức vụ, chức danh tương đương nhau để xem xét, bổ nhiệm người ưu tú nhất.
Có thể khẳng định rằng, cùng với hoàn thiện cơ chế, siết chặt quy trình công tác cán bộ, việc đổi mới đánh giá cán bộ theo hướng đột phá trên sẽ tạo ra "cú hích" trong việc nhận định, xem xét cán bộ khách quan hơn, toàn diện hơn, chính xác hơn làm cơ sở cho việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ một cách hiệu quả, bền vững. Thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ phương pháp đánh giá này còn góp phần khích lệ, thúc đẩy đội ngũ cán bộ-“bộ phận tinh hoa” ở các cấp, các ngành, các địa phương không ngừng nỗ lực rèn luyện, phấn đấu để vươn lên ngang tầm với vị trí, trọng trách được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho.
Để đánh giá chính xác chất lượng cán bộ, các cấp ủy, tổ chức đảng cần bám sát, thực hiện nghiêm túc Quy định số 89-QĐ/TW ngày 4-8-2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”. Muốn quy trình đánh giá cán bộ theo 3 bước đạt hiệu quả tốt hơn, cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy cần coi trọng lắng nghe dư luận, lắng nghe ý kiến của nhân viên, người lao động nơi cán bộ công tác và quần chúng nhân dân nơi cán bộ cư trú. Phải coi đây là kênh tham khảo quan trọng để góp phần chắt lọc những ý kiến xác đáng của quần chúng, từ đó có thêm nguồn thông tin tin cậy nhằm sàng lọc ngay từ đầu những cán bộ cơ hội, yếu kém để họ không “lọt” vào được các khâu khác của công tác cán bộ”. (Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở, Ban Tổ chức Trung ương) |
(còn nữa)
THIỆN VĂN