Thao túng, vi phạm dân chủ trong nhận xét, đánh giá cán bộ

Thực tiễn những năm qua cho thấy, trong số các khâu của công tác cán bộ, đánh giá cán bộ là khâu dễ bị “bẻ cong” nhất và được biểu hiện rất tinh vi, bị lèo lái bởi những người nắm giữ quyền lực chính trị ở các tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương và bởi nhóm lợi ích can thiệp, chi phối.

Tập trung dân chủ là nguyên tắc hàng đầu chi phối tổ chức, hoạt động, sinh hoạt Đảng ở tất cả cấp ủy, tổ chức đảng. Theo quy định của Đảng, bất cứ cán bộ nào trước khi bổ nhiệm, đề bạt cũng phải được đưa ra xem xét, đánh giá tại ban thường vụ, cấp ủy theo quy định. Nhiều vị trí chức danh còn phải lấy ý kiến, lấy phiếu tín nhiệm của cán bộ chủ chốt (cấp vụ, phòng, ban) và ý kiến quần chúng của các tổ chức, cơ quan, đơn vị trực thuộc. Quy trình đánh giá cán bộ tương đối toàn diện và nếu thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, thì khó có trường hợp “con voi lọt qua lỗ kim”.

Tranh minh họa. Nguồn: vov.vn

Tuy nhiên, thời gian qua, ở một số cấp ủy đảng, nguyên tắc tập trung dân chủ hoặc bị thực hiện hình thức, đưa ra cho có, nhắc lại cho đủ; hoặc chỉ là tấm bình phong che đậy những biểu hiện, động cơ thiếu lành mạnh của người đứng đầu cấp ủy. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Cái hay của chúng ta là tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Nhưng người đứng đầu mà độc đoán, chuyên quyền thì hỏi liệu có dân chủ được không?”.

Sự vi phạm dân chủ thấy khá rõ trong việc đánh giá cán bộ để đưa vào quy hoạch, bổ nhiệm. Theo ông Hà Hữu Đức, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Nghiên cứu (Ủy ban Kiểm tra Trung ương), để chứng minh về một trường hợp nhân sự nào đó trong nhóm lợi ích của mình, bí thư cấp ủy đồng thời là người chủ trì thường vụ, cấp ủy luôn ở vị thế “thượng phong” trong việc “trau chuốt, đánh bóng” hình ảnh nhân sự có lợi nhất cho mình. Bí thư cấp ủy có thể thiên biến vạn hóa trong vận động, thuyết phục, hướng lái các thành viên trong cấp ủy biểu quyết, bỏ phiếu cho trường hợp nhân sự do mình chủ động giới thiệu, đưa ra. Thậm chí có trường hợp bí thư cấp ủy lợi dụng vị trí công tác, quyền hạn để áp đặt, lôi kéo nhằm tạo ra “áp lực mềm” khiến nhiều thành viên trong cấp ủy phải miễn cưỡng tuân theo.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc ông Nguyễn Xuân Anh bị thôi chức Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, bị cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng là do vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; chủ trì xem xét, đánh giá, quyết định một số nhân sự có biểu hiện áp đặt. Là người nắm giữ quyền lực cao nhất ở Thành ủy và HĐND TP Đà Nẵng, dù hai thiết chế này được vận hành, hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, nhưng ông Nguyễn Xuân Anh đã làm trái nguyên tắc cốt yếu này của Đảng trong việc nhận xét, đánh giá một số cán bộ thuộc quyền quản lý của Thành ủy Đà Nẵng, gây phân tâm trong dư luận cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương.  

Ông Nguyễn Phong Quang, nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cũng đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác nhân sự, trực tiếp ký bổ nhiệm hơn 30 trường hợp không đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục, điều kiện và tiêu chuẩn. Trong đó có ông Vũ Minh Hoàng tuy mới 26 tuổi nhưng được bổ nhiệm Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, vì ông Nguyễn Phong Quang ưu ái nhận xét, đánh giá ông Vũ Minh Hoàng là “cán bộ trẻ, trình độ cao, giỏi ngoại ngữ, có thể mang lại nhiều lợi ích cho cơ quan”.

Một trường hợp được dư luận nhắc đến nhiều là bà Trần Vũ Quỳnh Anh được bổ nhiệm “thần tốc” do được ông Ngô Văn Tuấn, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa “nâng đỡ”. Trong 5 năm (2010-2015), lợi dụng vị trí người đứng đầu Sở Xây dựng, ông Ngô Văn Tuấn đã can thiệp làm đẹp hồ sơ lý lịch và “hô biến” bà Trần Vũ Quỳnh Anh từ một nhân viên lao động hợp đồng sớm trở thành phó trưởng phòng, rồi Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa, thậm chí được quy hoạch vào vị trí phó giám đốc sở trong khi bà này thiếu nhiều điều kiện, tiêu chuẩn.

Nhắc lại mấy vụ việc nêu trên để thấy, nếu các ông: Nguyễn Phong Quang, Ngô Văn Tuấn giới thiệu, đánh giá đúng nhân sự, không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thao túng công tác cán bộ, thì những sự việc đó sao có thể diễn ra được.

Can thiệp, “đánh bóng” nhân sự theo nhóm lợi ích

PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, hệ lụy từ những vụ việc đánh giá cán bộ không đúng sẽ còn kéo dài nếu như chúng ta không chấn chỉnh khâu này một cách khẩn trương, nghiêm túc. Một khi khâu chính yếu đầu tiên, quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến việc thực hiện các khâu khác trong công tác cán bộ mà bị coi nhẹ, buông lỏng, biến tướng sẽ dẫn đến có những cán bộ được xếp nhầm chỗ, thậm chí có cả đối tượng thoái hóa, cơ hội, sẵn sàng tìm mọi cách để “chui sâu, leo cao” vào bộ máy công quyền.

Vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh từng mắc rất nhiều sai phạm trong quá trình quản lý doanh nghiệp mà vẫn được Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương, trực tiếp là ông Vũ Huy Hoàng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương lúc đó nhận định, đánh giá là một cán bộ “đủ trình độ, năng lực, điều kiện” đề nghị quy hoạch vị trí Thứ trưởng Bộ Công Thương và sau đó đã được luân chuyển giữ chức Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, là bài học đắt giá về việc không chấp hành đúng các quy định của Đảng và Nhà nước trong công tác đánh giá cán bộ. Nếu người có trách nhiệm như ông Vũ Huy Hoàng không vụ lợi trong việc nhận xét, “đánh bóng” cá nhân ông Trịnh Xuân Thanh, thì không có chuyện ông này hãnh tiến trên hành trình quan lộ, thậm chí còn được giới thiệu, đề cử và đã trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021.

Thời gian qua, dư luận không khỏi bức xúc vì công tác đánh giá nhân sự ở nhiều nơi chưa chấm dứt tình trạng thiên vị “yêu nên tốt, ghét nên xấu”. Khi muốn cất nhắc một nhân sự nào đó thuộc cánh hẩu của mình, người đứng đầu cấp ủy ra sức khuếch trương kết quả, thổi phồng thành tích, mà rất ít, thậm chí cố tình bỏ qua những khuyết điểm, yếu kém của nhân sự được đánh giá. Nhưng khi không ưa thích những nhân sự dù đủ tiêu chuẩn, tiêu chí, uy tín, thì người đứng đầu cấp ủy lại tìm cách đưa ra những nhận xét bất lợi khiến người được đánh giá rất khó có cơ hội vào các khâu tiếp theo trong công tác cán bộ.

Ngoài ra còn có tình trạng đánh giá cán bộ cả nể, dễ người, dễ ta. Thực chất đó là hành vi móc ngoặc, dàn xếp, chia chác quyền lực trong ban thường vụ, cấp ủy. Vì quyền lợi cục bộ, bè phái, một số cán bộ lãnh đạo trong thường vụ, cấp ủy cùng trao đổi kín, thống nhất ngầm là khi giới thiệu quân anh, quân tôi vào vị trí này, chức vụ kia, thì khâu đánh giá cán bộ vẫn được tiến hành công khai trong ban thường vụ, cấp ủy, nhưng họ cùng thực hiện phương châm “đôi bên cùng có lợi”. Thậm chí có người đứng đầu cấp ủy tìm mọi cách để mua chuộc, vỗ về thành viên cấp ủy có những lời nhận xét, đánh giá có lợi nhất cho người cùng phe phái của mình có cơ hội được giới thiệu vào nguồn quy hoạch, bổ nhiệm.

Chính sự thỏa thuận ngầm này thực chất là “bẻ cong” thước đo đánh giá cán bộ. Khi sự đo lường thiếu chuẩn mực, không chính xác, thì cán bộ không đủ sức đảm đương chức vụ được giao, từ đó tác động không thuận đến chiều hướng phát triển lành mạnh của tổ chức, cơ quan, đơn vị, thậm chí làm mất đoàn kết nội bộ. Nhưng mất mát lớn nhất là người giỏi, người tài không được giới thiệu, trọng dụng, còn người nhà, người thân, người cùng cánh hẩu của cán bộ lãnh đạo lại có cơ hội tung hoành trong bộ máy công quyền.

Đối với người đứng đầu cấp ủy “... không được có biểu hiện vận động, tranh thủ, dẫn dắt, thao túng, áp đặt ý kiến chủ quan, tác động, gây nhiễu thông tin, gây sức ép để người khác nhận xét, đánh giá, biểu quyết, bỏ phiếu, quyết định nhân sự theo ý mình”. (Khoản 2, Điều 5, Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23-9-2019 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền)

THIỆN VĂN       

 (còn nữa)