8 chiến lược được nêu tên
Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam. V.I. Lê-nin, người thầy vĩ đại của cách mạng thế giới đã chỉ rõ: “Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nào nó biết tự vệ”. Để giữ nước, cần phải có kế sách, mưu lược. Đó cũng là khát vọng, là di huấn của cha ông ta để lại. Mùa Xuân năm Nhâm Tý (1432), sau khi dẹp xong cuộc nổi loạn của Đèo Cát Hãn ở Lai Châu làm phản, trên đường về kinh đô, vua Lê Thái Tổ đã sáng tác một bài khắc trên vách núi đá tại Hòa Bình,có câu: “Biên phòng hảo vị trù phương lược - Xã tắc ưng tu kế cửu an” , tạm dịch: Biên phòng phải lo sẵn phương lược - Giữ nước cần tính kế lâu dài.
Hai câu thơ ấy cho thấy cha ông ta rất quan tâm đến chiến lược giữ nước.
 |
Ảnh minh họa. |
Trên thế giới, chiến lược ban đầu xuất hiện trong lĩnh vực quân sự, sau áp dụng sang các lĩnh vực khác. Theo quan niệm ở Pháp, chiến lược là nghệ thuật quy đồng lực lượng để đạt tới mục tiêu chính trị, là sự điều hành và hiện thực hóa một ý định chính trị bằng biện pháp tốt nhất. Quan niệm ở Mỹ, chiến lược là cấp ở đó một quốc gia, thường là một nhóm quốc gia quyết định mục tiêu an ninh, đường hướng chỉ đạo phát triển và sử dụng các nguồn lực để thực hiện mục tiêu đó. Ở Nga, chiến lược là nghệ thuật quy tụ lực lượng nhằm đạt tới mục đích chính trị.
Ở Việt Nam, trước đây cha ông ta dùng “kế sách”, “mưu lược”, “phương lược”. Chiến lược được xuất hiện khi Đảng ta lãnh đạo cách mạng. Ở nước ta quan niệm, chiến lược là tổng thể các phương châm, chính sách và mưu lược được hoạch định để xác định mục tiêu, sắp xếp quy tụ lực lượng và đề ra các giải pháp nhằm đạt đến mục đích nhất định bằng con đường có lợi nhất, tạo trạng thái phát triển mới của một lĩnh vực, toàn xã hội hoặc toàn thế giới.
Nội hàm chiến lược bao gồm 3 vấn đề: Xác định mục tiêu chiến lược; quy tụ, sắp xếp, sử dụng lực lượng; lựa chọn giải pháp thực hiện. Trong nghệ thuật quân sự, Chiến lược gắn với nghệ thuật chiến dịch, chiến thuật và là bộ phận cao nhất.Trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, từ Đại hội VII của Đảng, Chiến lược mới xuất hiện trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (10 năm một lần) lần đầu tiên.
Có hai loại chiến lược là chiến lược quốc gia và chiến lược chuyên ngành. Trong chiến lược quốc gia có hai chiến lược bao trùm là Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc. Các chiến lược chuyên ngành có: Chiến lược quốc phòng, chiến lược an ninh, Chiến lược khoa học và công nghệ, chiến lược đối ngoại…
Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng nêu rõ:
“Cụ thể hoá và thực hiện có hiệu quả quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược bảo vệ Tổ quốc; trong các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; trong các vùng, miền, địa bàn chiến lược và trong từng nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch cụ thể.
“…Tiếp tục triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự, Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Chiến lược an ninh mạng quốc gia và các chiến lược quốc phòng, an ninh chuyên ngành khác”.
 |
Các chiến sĩ Vùng 2 Hải quân luyện tập phương án sẵn sàng chiến đấu. |
Như vậy, trong dự thảo đã đề cập, nêu tên 8 loại chiến lược. Đây là một điểm mới, điểm nhấn rất quan trọng vì lần đầu tiên trong một dự thảo báo cáo chính trị của Đảng, đề cập, nêu tên nhiều loại chiến lược như vậy.Điều này thể hiện sự phát triển trong tư duy lý luận là thực tiễn xây dựng các chiến lược để bảo vệ Tổ quốc của Đảng ta. Không chỉ có vậy, Đảng ta còn chỉ rõ định hướng, giải pháp để thực hiện hiệu quả các chiến lược đó.
Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử, Trung tướng, PGS, TS Trần Việt Khoa, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Giám đốc Học viện Quốc phòng nhận xét: “Đảng ta đã thể chế hóa một cách đồng bộ các quan điểm về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc bằng các văn bản, đảm bảo cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý, có tính khả thi cao. Các văn kiện trên không chỉ quán triệt, cụ thể hóa, thể chế hóa đầy đủ quan điểm, đường lối của Đảng, nhất là tư duy, quan điểm mới về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, mà còn cập nhật những vấn đề mới của pháp luật hiện hành về quốc phòng và thực tiễn đất nước, tạo nên hệ thống chiến lược quốc gia về lĩnh vực quốc phòng hoàn chỉnh, đồng bộ. Từ đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng, tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng để tăng cường sức mạnh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đây là bước tiến lớn, thể hiện tư duy chiến lược, nhạy bén, đột phá trong nhận thức và chỉ đạo hoạt động thực tiễn củng cố quốc phòng của Đảng, đánh dấu bước phát triển tư duy mới trong sự nghiệp, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, là cơ sở định hướng, chỉ đạo các cấp, các ngành, các lực lượng và địa phương triển khai thực hiện; là cơ sở xây dựng, củng cố lòng tin chiến lược với các nước, nhất là các nước láng giềng và bạn bè truyền thống, tạo thế và lực mới cho sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.
Xây dựng, hoàn thiện hệ thống chiến lược – thành tựu lớn về phát triển tư duy lý luận bảo vệ Tổ quốc
Phân tích về vấn đề này, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết: Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và chống đế quốc Mỹ, cứu nước, chúng ta mới chỉ thực hiện một số chiến lược về quân sự, chưa từng thực hiện một chiến lược nào về quốc phòng, nên khi đất nước hòa bình, chúng ta cần tiến hành sự nghiệp quốc phòng đích thực để bảo vệ đất nước thì chưa có đủ cơ sở khoa học để xây dựng Chiến lược Quốc phòng Việt Nam.
 |
Chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu tại Tiểu đoàn 114, Trung đoàn tên lửa 274, Sư đoàn Phòng không 377 (Quân chủng Phòng không-Không quân).
|
Trước tinh thần trách nhiệm cao với Đảng, Nhà nước và nhân dân, đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học đã làm việc tận tụy, trách nhiệm và thống nhất đưa ra khái niệm về Chiến lược Quốc phòng Việt Nam. Khái niệm này xuất hiện lần đầu tiên trong Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam (năm 1996), nhưng chưa trở thành nhận thức của mọi người, nhất là những người đã trải qua hai cuộc chiến tranh, nên ít nhiều cũng ảnh hưởng, tác động đến quá trình nghiên cứu, dẫn đến Chiến lược Quốc phòng chậm hoàn thành. Chính vì thế, trong ba kỳ Đại hội X, XI, XII của Đảng đều chỉ rõ: “Khẩn trương chỉ đạo xây dựng và ban hành các chiến lược quốc gia, Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược An ninh và các chiến lược chuyên ngành khác”. “Hoàn thiện các chiến lược quốc phòng, an ninh và hệ thống cơ chế, chính sách về quốc phòng, an ninh trong điều kiện mới...”.
Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, với vai trò, sự tích cực, chủ động, quyết liệt của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, hệ thống chiến lược theo chủ trương của 3 kỳ đại hội Đảng đã được hoàn thiện. Trước đó, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) và Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Ðây là hai chiến lược cơ bản, quan trọng hàng đầu của đất nước, đồng thời là chiến lược quốc gia bao trùm, văn bản pháp lý nền tảng mang tính chỉ đạo chiến lược đối với việc xây dựng và triển khai thực hiện các chiến lược chuyên ngành.
 |
|
Cụ thể hóa Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Bộ Chính trị (khóa XII) đã thông qua và ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 16-4-2018 về Chiến lược quốc phòng Việt Nam; Kết luận số 31-KL/TW, ngày 16-4-2018 về Chiến lược quân sự Việt Nam. Ngày 25-7-2018, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về “chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng”; Nghị quyết số 30- NQ/TW về “chiến lược an ninh mạng quốc gia”. Ngày 28-9-2018, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về “Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia”.
Theo Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019: Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc là mưu lược, kế sách quốc gia nhằm xác định mục tiêu, quy tụ lực lượng và lựa chọn giải pháp có tính khả thi, tạo nên sức mạnh tổng hợp để bảo vệ vững chắc Tổ quốc; là chiến lược tổng hợp quốc gia bao trùm, giữ vai trò chủ đạo, làm cơ sở cho việc nghiên cứu, hoạch định các chiến lược quốc phòng, quân sự, an ninh quốc gia, đối ngoại và các chiến lược chuyên ngành khác.
Chiến lược Quốc phòng Việt Nam là chiến lược phòng thủ quốc gia, bảo vệ đất nước, giữ nước từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy, sẵn sàng chống chiến tranh xâm lược; mang tính hòa bình, tự vệ bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; dựa trên nền tảng đường lối chính trị đúng đắn là nhân tố quyết định, sức mạnh quốc phòng là then chốt, sức mạnh quân sự là đặc trưng, trực tiếp là sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang, nòng cốt là Quân đội nhân dân; xây dựng, củng cố quan hệ, lòng tin chiến lược với các nước, nhất là các đối tác chiến lược, tạo thế để bảo vệ Tổ quốc; sẵn sàng đánh thắng mọi hình thái chiến tranh xâm lược nếu xảy ra. Chiến lược Quốc phòng Việt Nam là bộ phận chủ đạo, cụ thể hóa Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới…
Chiến lược Quân sự Việt Nam là nội dung nòng cốt của Chiến lược Quốc phòng, là nghệ thuật sử dụng sức mạnh quân sự nhà nước trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; chủ động ngăn chặn và đẩy lùi các hình thái chiến tranh của địch; tiến hành chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, sẵn sàng đánh thắng trên các môi trường tác chiến, địa bàn, khu vực trọng điểm. Chiến lược Quân sự Việt Nam còn thể hiện sự kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, ngoại giao; vừa chiến đấu, củng cố, phát triển lực lượng, vừa xây dựng, kiến thiết đất nước; tự lực, tự cường, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc với sự ủng hộ, giúp đỡ quốc tế, đánh bại ý chí xâm lược của địch, kết thúc chiến tranh trong điều kiện có lợi, khôi phục và xây dựng đất nước.
Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia là một chiến lược chuyên ngành quan trọng, cụ thể hóa các quan điểm, đường lối quốc phòng, an ninh, thể hiện rõ tư duy, tầm nhìn chiến lược của Đảng về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng là một bộ phận hợp thành chiến lược quốc gia, làm cơ sở để Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý Chính phủ điều hành, các bộ, ban, ngành, đoàn thể triển khai thực hiện nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, bảo vệ không gian mạng quốc gia an toàn, ổn định rộng khắp.
Chiến lược An ninh quốc gia là tổng thể các phương châm, chính sách và mưu lược của Đảng về an ninh quốc gia, để xác định những vấn đề cơ bản về mục tiêu, quan điểm, tư tưởng và các giải pháp có tính khả thi nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới…
 |
Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn phối hợp công tác với lực lượng hải quan và kiểm dịch y tế tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị.
|
Các giải pháp hiện thực hóa hệ thống chiến lược
Để hiện thực hóa các chiến lược để bảo vệ Tổ quốc, theo Trung tướng, PGS TS Trần Việt Khoa, phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:
Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội và Công an.
Tiếp tục hoàn thiện, chính sách, pháp luật về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc; tập trung xây dựng tiềm lực lực quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, chuẩn bị phòng ngừa và bảo vệ tổ quốc từ sớm, từ xa;... Đồng thời, phải quán triệt sâu sắc, tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thật tốt các chiến lược trên, tạo sức mạnh tổng hợp bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong mọi tình huống.
Các ban, bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các chương trình, kế hoạch, hành động về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Tiếp tục rà soát, bổ sung, sửa đổi và từng bước hoàn thiện các chính sách, cơ chế và đưa vào nền nếp để theo dõi, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.
Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chủ động, tích cực tham mưu cho Đảng, Nhà nước quy hoạch tổng thể về thế bố trí trong đó có một số quân chủng, binh chủng, lực lượng phòng thủ trên phạm vi cả nước và trên từng khu vực, địa bàn, nhất là trên các địa bàn chiến lược; bảo đảm xử trí kịp thời các tình huống về quốc phòng, đồng thời sẵn sàng đối phó với các tình huống an ninh phi truyền thống. Chủ động chuẩn bị về mọi mặt, sẵn sàng các phương án để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
 |
Cán bộ, chiến sĩ BĐBP An Giang và nhân dân địa phương tuần tra bảo vệ đường biên mốc giới. |
Đẩy mạnh thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh trên các vùng, địa bàn trọng điểm, nhất là biên giới, biển, đảo. Xây dựng kết cấu hạ tầng gắn với liên kết vùng để tạo ra sự phát triển cân đối, hài hòa giữa các vùng, miền trên cả nước; có cơ chế huy động nguồn lực từ địa phương và nguồn lực xã hội cho xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh. Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, nhất là trên các địa bàn chiến lược, địa bàn trọng điểm, biên giới, biển, đảo.
Quan tâm đẩy mạnh phát triển nền công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng tự chủ, tự cường, hiện đại và lưỡng dụng, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa vũ khí, trang thiết bị cho Quân đội, Công an đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của công nghiệp quốc gia. Có cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút và trọng dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao vào phục vụ trong Quân đội, Công an, vừa đóng góp cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh vừa đóng góp cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
(Còn nữa)
NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN ĐIỆN TỬ