Báo Quân đội nhân dân Điện tử đã ghi lại những ý kiến tâm huyết của các đảng viên xin gửi tới bạn đọc.

Đại úy Doãn Hồng Quang, Bí thư Chi bộ, Chính trị viên Trạm Biên phòng cửa khẩu cảng Tiên Sa (Biên phòng cửa khẩu cảng, Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng): Tích cực tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên ở đơn vị

Là cán bộ ở đơn vị cơ sở, bản thân tôi rất tâm đắc và đồng thuận cao với những điểm mới tại hai Quy định của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Đối với Quy định số 37, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã kế thừa, bổ sung và phát triển về những điều đảng viên không được làm. Quy định có nhiều điểm mới so với những quy định cũ: Như thêm từ “viết” vào Điều 1: “Nói, viết, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, quy chế, quyết định của Đảng; làm những việc mà pháp luật không cho phép”. Hay như tại Điều 2 bổ sung cụm từ “Không chấp hành các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng” - một trong những vi phạm phổ biến của đảng viên, nhất là người đứng đầu trong thời gian qua là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ.

Về Quy định 41, qua nghiên cứu các nội dung, bản thân tôi nhận thấy, văn hóa từ chức là một văn hóa chính trị, văn hóa ứng xử dựa trên lương tâm và trách nhiệm, cho thấy sự hiểu biết về trách nhiệm bản thân của người nắm giữ chức vụ. Có thể thấy, sự tự nguyện từ chức và những người có đủ dũng khí, lòng tự trọng, tự nguyện từ chức nên được khuyến khích và cũng nên tuyên truyền dư luận không nên nặng nề đối với những người tự nguyện từ chức.

Là bí thư chi bộ, thời gian tới, bản thân sẽ tích cực tuyên truyền trong đơn vị về hai quy định trên để định hướng kịp thời cho cán bộ, đảng viên những điểm mới. Đây là những quy định rất cụ thể để mỗi đảng viên gương mẫu, thể hiện tinh thần hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. (VĂN CHUNG ghi)

leftcenterrightdel
 Phiên họp của Bộ Chính trị ngày 11-6-2021. Ảnh: TTXVN.

Đồng chí Nguyễn Văn Hải, đảng viên tổ dân phố 20, phường Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội: Đánh giá đúng thực chất trình độ, năng lực cán bộ chủ trì

Qua nghiên cứu nội dung Quy định số 41-QĐ/TW, tôi thấy Bộ Chính trị đã có quy định rất cụ thể các trường hợp miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Đây là nội dung rất cần thiết để xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng không ngừng lớn mạnh, gắn bó mật thiết với nhân dân, từng bước xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.

Theo tôi, quan niệm của người Việt Nam từ trước đến nay rất nặng nề đối với việc cán bộ từ chức. Trong dư luận, xã hội, gia đình, việc từ chức là một dạng của cách chức. Do đó, cần phải tuyên truyền rộng rãi để các tầng lớp nhân dân có quan niệm đúng về vấn đề này. Thực tế trong thời gian qua, vẫn có tình trạng cán bộ năng lực, trình độ hạn chế vẫn được bổ nhiệm ở vị trí cao hơn, chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị thấp nhưng cán bộ chủ trì vẫn tại chức hết nhiệm kỳ hoặc đủ tuổi mới nghỉ. Do đó, để quy định 41 được thực hiện nghiêm túc trong thực tế, cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng cần có giải pháp quản lý, giám sát chặt chẽ, định kỳ đánh giá đúng thực chất trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ chủ trì, kịp thời xem xét miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ không đáp ứng yêu cầu. (HẢI NGUYỄN ghi)

Ông NGUYỄN VIẾT LỢI, Đảng viên, tổ dân phố 2, phường Thống Nhất, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai: Quyết tâm thanh loại cán bộ

Miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ là vấn đề được dư luận và nhân dân rất quan tâm. Trên thực tế chúng ta chưa làm tốt vấn đề này, “văn hóa từ chức” vẫn còn là một cái gì đó rất xa xỉ trong hệ thống chính trị. Một số cán bộ phẩm chất, năng lực chưa đáp ứng được với chức trách, nhiệm vụ nhưng vẫn “giữ ghế” vì cho rằng mình được Đảng cử, dân bầu. Cũng có cán bộ khi lựa chọn thì "đúng quy trình" nhưng khi xảy ra vi phạm mới nhận ra không đúng người, đúng việc, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng. 

Vì vậy, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ được dư luận đồng tình, ủng hộ. Quy định nêu rõ những căn cứ để miễn nhiệm, từ chức; quy trình xem xét miễn nhiệm, từ chức và bố trí công tác đối với cán bộ sau khi từ chức... Điều đó cho thấy, Đảng ta quyết tâm thanh loại những cán bộ yếu kém theo cơ chế “có lên có xuống, có vào có ra”.

Quy định số 41-QĐ/TW sẽ góp phần khắc phục tình trạng cán bộ “ngồi nhầm ghế”. Muốn vậy, các cấp ủy phải quán triệt, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, xem việc miễn nhiệm, từ chức khi không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ là một tất yếu. Tổ chức thực hiện phải cương quyết, không có “vùng cấm”, nể nang, né tránh. Nên có cơ chế để đảng viên và nhân dân giám sát việc thực hiện Quy định, tránh tình trạng “trong nhà đóng cửa bảo nhau”, bao che, giấu giếm khuyết điểm cho cán bộ... (NGUYỄN ANH SƠN ghi)

Đồng chí Hà Văn Tuấn, tổ 11, phường Him Lam, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên: Ngoài năng lực chuyên môn thì uy tín trong tập thể cũng rất quan trọng

Nghiên cứu Quy định số 41-QĐ/TW của Bộ Chính trị đối với thực tiễn công tác cán bộ hiện nay tôi cho rằng, đây là bước thay đổi phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Tôi rất đồng tình với việc xem xét miễn nhiệm cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách nhưng uy tín giảm sút không thể đảm nhiệm chức vụ được giao. Cán bộ là người làm gương ngoài năng lực chuyên môn vững đảm đương nhiệm vụ chính trị thì uy tín trong tập thể cũng rất quan trọng. Một khi cán bộ đứng đầu mà uy tín đã giảm sút không thể đảm nhiệm chức vụ được giao thì có nghĩa họ cần phải ý tự ý thức về phẩm chất và năng lực của mình. Thực tế có nhiều cán bộ năng lực tốt nhưng do nhiều lý do như cấp dưới vi phạm dẫn đến liên đới, trong lấy phiếu tín nhiệm vẫn đạt trên 2/3 nhưng với trường hợp có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định thì cũng phải xem xét miễn nhiệm cán bộ. Hoặc cán bộ mà bị kỷ luật, khiển trách hai lần trở lên trong cùng một nhiệm kỳ hoặc trong thời hạn bổ nhiệm thì cũng có nghĩa cán bộ đó không sâu sát, không đảm đương được nhiệm vụ của mình trong quản lý dẫn đến sai sót. (THÙY NGÂN ghi)

Tiến sĩ Lâm Thanh Minh, Bí thư Đoàn Thanh niên, Bí thư Chi bộ Sinh viên 2, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh: Vừa cảnh tỉnh, vừa tạo động lực

Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ là hoàn toàn phù hợp với bối cảnh của đất nước ta trong việc xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển. Bản thân tôi, cũng như các đảng viên trong chi bộ rất đồng tình với quy định này. Để thực thi tốt, Quy định số 41- QĐ/TW cần được quán triệt sâu sát đến từng cán bộ, đảng viên, cũng như từ Trung ương đến cấp cơ sở. Tôi nghĩ, khi Quy định số 41- QĐ/TW được triển khai nghiêm túc, hiệu quả sẽ xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh hơn, cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trước những vụ việc gây bức xúc trong dư luận vừa qua, Quy định số 41- QĐ/TW được thực thi sẽ là lời cảnh tỉnh đối với những cán bộ, đảng viên thiếu rèn luyện năng lực công tác, buông lỏng đạo đức. Ở góc độ cá nhân, tôi nghĩ Quy định số 41- QĐ/TW sẽ là động lực cho mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phấn đấu cống hiến và phục vụ tốt hơn nữa. Bởi lẽ, đó là những điều rất cụ thể để mỗi người tự soi xét lại bản thân trong công tác và cuộc sống. Quy định số 41- QĐ/TW ban hành vừa có tính răn đe nghiêm khắc vừa giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn tự giác trui rèn năng lực, đạo đức, luôn sống có có tâm, có tầm để phục vụ cho tổ chức và đất nước. (HÙNG KHOA ghi)