Được thành lập vào năm 1976, G7 là liên minh gồm 7 nước có nền công nghiệp tiên tiến: Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Canada và Italy. Năm 2023, Nhật Bản đảm nhiệm vai trò Chủ tịch G7 và chủ trì tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G7 cùng Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tại thành phố Hiroshima.

Hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay được tổ chức từ ngày 19 đến 22-5 và là hội nghị đa phương quan trọng, diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế, an ninh thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, tác động nhiều mặt đến môi trường an ninh và phát triển của các nước.

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP

Trong khi đó, Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G7, diễn ra từ ngày 20 đến 21-5 với các khách mời là lãnh đạo cấp cao của 8 quốc gia và 6 tổ chức quốc tế. Hội nghị gồm 3 phiên, với các chủ đề: Hợp tác xử lý đa khủng hoảng (tập trung vào các vấn đề lương thực, y tế, phát triển, bình đẳng giới); nỗ lực chung vì một hành tinh bền vững (tập trung vào các vấn đề khí hậu, môi trường và năng lượng); hướng tới một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng (tập trung vào các vấn đề hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, hợp tác đa phương).

Đây là lần thứ 3 Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng và là lần thứ 2 tham dự theo lời mời của Nhật Bản. Điều này cho thấy sự coi trọng của Nhật Bản nói riêng và Nhóm G7 nói chung đối với vị thế, vai trò của Việt Nam trong khu vực. Sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng lần này còn khẳng định những đóng góp của Việt Nam cho nỗ lực chung nhằm thúc đẩy hợp tác, duy trì tăng trưởng và giải quyết các thách thức chung mà cộng đồng quốc tế phải đối mặt. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam triển khai mạnh mẽ đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XIII “độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; truyền tải thông điệp về một Việt Nam phát triển, năng động, đổi mới, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả; tham gia chủ động, tích cực, đóng góp trách nhiệm đối với hòa bình, phát triển và các quan tâm chung của cộng đồng quốc tế".

Thời gian qua, quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản phát triển mạnh mẽ, toàn diện với mức độ tin cậy chính trị cao. Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thường xuyên những chuyến thăm và tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam. Hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực, nhất là quốc phòng, an ninh, đầu tư, thương mại, ODA, y tế, nông nghiệp, khoa học-công nghệ, chuyển đổi số, giáo dục-đào tạo, ứng phó với biến đổi khí hậu... được triển khai tích cực. Hai bên phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương cũng như trong các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm.

Năm 2023, kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản, chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Nhật Bản nhằm góp phần tăng cường hơn nữa sự tin cậy, thúc đẩy quan hệ song phương ngày càng phát triển; thúc đẩy các nội dung hợp tác trọng tâm như kinh tế, thương mại, đầu tư, ODA thế hệ mới, cơ sở hạ tầng chất lượng cao, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng...

Chuyến tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng và làm việc tại Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam mang theo kỳ vọng về việc tiếp tục đưa các mối quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam với Nhật Bản và các nước đi vào chiều sâu, đóng góp nhiều hơn nữa cho hòa bình và phát triển; tranh thủ sự hợp tác, ủng hộ của các thành viên G7 và đối tác quốc tế trong những vấn đề khu vực và quốc tế gắn liền với lợi ích của Việt Nam, đồng thời thu hút các nguồn lực quốc tế phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

QĐND