Từ nhận thức

Khái niệm tự do cần được tìm hiểu trong sự đối lập với khái niệm tất yếu. Tuy nhiên, tự do là khái niệm vừa trừu tượng, vừa rất cụ thể, vừa thể hiện nhận thức và hành động lý trí, vừa bao hàm trạng thái tình cảm, cảm xúc thực tế của con người trong các mối quan hệ, trong các tình huống cụ thể của cuộc sống.

Đảng và Nhà nước tôn trọng và bảo đảm thực thi quyền tự do ngôn luận. Ảnh minh họa. Nguồn: tapchitaichinh.vn

Trong thực tế, không có hành vi nào của con người mà không bị cản trở bởi những điều kiện khách quan, và ngay chính bản thân sự hạn chế nhận thức của chính con người. Hegel đã đưa ra khái niệm nhận thức cái tất yếu. Ông cho rằng, tự do là “cái tất yếu được nhận thức”. Cái tất yếu theo quan niệm của Hegel chính là những quy luật của tự nhiên, xã hội và tư duy. Nhận thức cái tất yếu, là điều kiện cần-những quy luật của tự nhiên, xã hội và tư duy là tiền đề cơ bản, quan trọng để đạt được tự do, nhưng nếu chỉ nhận thức không thôi thì chưa thể có được tự do. Bởi vì, muốn chinh phục được cái tất yếu, ngoài nhận thức ra, cần phải có điều kiện đủ, là có năng lực và điều kiện chinh phục cái tất yếu. 

Như vậy, muốn đạt được tự do, con người phải nhận thức được “cái tất yếu” (điều kiện cần), đồng thời phải có năng lực và điều kiện (điều kiện đủ) để chinh phục “cái tất yếu” ấy. Nói cách khác, tất yếu là cái giới hạn, là đường ranh giới của tự do. Nhận thức, năng lực và điều kiện của con người chinh phục được đến đâu, đường ranh giới của tự do nới rộng ra đến đấy. Trong đời sống xã hội, cái tất yếu đó chính là pháp luật, điều kiện kinh tế và môi trường văn hóa, đạo đức do cộng đồng quan niệm và tạo dựng nên.

Trong cuốn “Tinh thần pháp luật”, Montesquieu đã định nghĩa “Tự do là quyền được làm tất cả những điều mà luật cho phép”. Như vậy, đối với mỗi cá nhân, tự do trước hết là sự nhận thức được chuẩn mực pháp lý, chuẩn mực đạo đức, văn hóa và thực hiện theo chuẩn mực ấy. Không thể và không bao giờ con người có tự do tuyệt đối bởi lẽ, con người không thể sống mà không phụ thuộc vào môi trường và không có mối liên hệ nào với cá nhân hay nhóm xã hội khác; cũng không ai có khả năng nhận thức được tất cả. Theo triết học Mác-Lênin, nhận thức của con người là vô hạn, nhưng đấy là nhận thức của con người triết học; còn khả năng nhận thức ấy tồn tại trong mỗi thế hệ, trong mỗi con người cụ thể lại luôn có giới hạn.

Như vậy, vấn đề đặt ra là, trong đời sống xã hội, tự do ngôn luận được thực hiện trong sự chế định bởi môi trường giao tiếp và tùy vào cấp độ, phạm vi biểu đạt ý kiến. Với tự do ngôn luận trong nhóm nhỏ, chuẩn mực phát ngôn được hệ giá trị đạo đức nhóm chi phối. Khi giao tiếp trên phạm vi nhóm lớn xã hội phải tương thích với hệ giá trị đạo đức cộng đồng và các định chế pháp luật trong không gian công cộng. Mà pháp luật trong xã hội dân chủ thể hiện ý chí nhà nước và nguyện vọng đông đảo nhân dân; do nhà nước ban hành và nhà nước có bộ máy công cụ bạo lực bảo đảm pháp luật được thực thi. Mỗi nước có pháp luật riêng của mình, do hoàn cảnh lịch sử, địa lý, trình độ phát triển và nền văn hóa của nước đó quy định.

Do đó, không có tự do ngôn luận chung chung, trừu tượng, mà nó tồn tại hiện hữu trong môi trường cụ thể, ở mỗi xã hội cụ thể. Tự do, dân chủ hay nhân quyền đều cần xem xét trong bối cảnh lịch sử, văn hóa và điều kiện cụ thể của trình độ phát triển. Không thể khẳng định rằng, ở một nước có nền kinh tế giàu mạnh và xã hội phát triển trình độ cao là đã có tự do ngôn luận hoàn toàn; cũng khó có thể khẳng định ở một nước có chế độ chính trị tiến bộ so với nền kinh tế và trình độ kém phát triển hơn mà đã có tự do ngôn luận ở trình độ cao. Mọi sự ngộ nhận đều có thể dẫn đến sai lầm, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển bền vững và tiến bộ xã hội; đồng thời, áp đặt tự do ngôn luận của nước này lên nước khác là tư duy lỗi thời, cũng khó có thể chấp nhận được.

Mặt khác, tự do là mục đích hay phương tiện để thực hiện mục đích? Dẫu biết rằng, tự do ngôn luận, quyền được nói là quyền thiêng liêng, cao cả của mỗi con người, mỗi cộng đồng; và để đạt được mục tiêu phát triển thì không thể thiếu tự do ngôn luận như một phương tiện đạt tới mục đích. Nhưng sử dụng quyền được nói để làm gì, hay đạt được tự do ngôn luận là đích cuối cùng của mỗi con người, mỗi cộng đồng?

Thời kỳ bắt đầu sự nghiệp cải tổ của Liên Xô giữa những năm 80 của thế kỷ 20, thông điệp đích của các lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô lúc đó là “công khai và dân chủ hóa đời sống xã hội”. Đúng là trong điều kiện lúc bấy giờ, khẩu hiệu “công khai và dân chủ hóa” được nêu ra, xã hội Xô viết như được cởi trói; nhưng “công khai và dân chủ hóa xã hội” để làm gì? Vấn đề không phải là công khai để mà công khai, dân chủ để mà dân chủ. Mỗi con người cần có tự do ngôn luận để bày tỏ chính kiến, mỗi dân tộc cần có độc lập nhưng đích đến của mỗi con người và xã hội nói chung phải là “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” như mục tiêu được Đảng, Nhà nước Việt Nam nêu ra. C.Mác đã khẳng định: “Không nên bàn đến có hay không có tự do; tự do bao giờ cũng có, vấn đề là tự do cho ai và tự do để làm gì”. Trong xã hội còn phân chia giai cấp, còn khác biệt lợi ích giữa các giai cấp và các nhóm xã hội, thì tự do cho giai cấp này, cho nhóm xã hội này, có nghĩa là có thể hạn chế tự do của giai cấp khác, nhóm xã hội khác.

Trong cuốn “Một nền báo chí không có tự do của chúng ta; 100 năm phê bình truyền thông”, các học giả Hoa Kỳ đã lên tiếng: “Cuộc khủng hoảng truyền thông ở Hoa Kỳ không phải bắt nguồn từ những nhà báo hay ông chủ tham nhũng, bất tài mà là hệ quả của một hệ thống truyền thông hoạt động lấy lợi nhuận cao làm mục tiêu hàng đầu. Kết quả là nó dần tàn phá nền báo chí và không thể cung cấp những thông tin mà một xã hội tự do đang thèm khát tuyệt vọng. Nền báo chí của chúng ta không tự nhiên sinh ra, cũng không phải sản phẩm của thị trường tự do, mà được hình thành bởi các chính sách tham nhũng và các khoản tiền trợ cấp bí mật của các tập đoàn quyền lực và những kẻ buôn bán chính trị ở Washington.D.C”. Và: “Một nền báo chí dân chủ phải thỏa mãn các yếu tố như, là cơ quan giám sát nghiêm ngặt những người cầm quyền và những người mong muốn được cầm quyền; phải giới thiệu một cách rộng rãi các quan điểm có trí tuệ về những vấn đề cấp bách hàng ngày; và phải có khả năng phơi bày những sự dối trá và đưa sự thật lên trên hết. Nhưng hệ thống báo chí của chúng ta đang trở thành thiên đường của những kẻ lừa dối, ở đó, giá của sự xuyên tạc, bóp méo đã xuống quá thấp” (1). Ở Mỹ có tự do báo chí và tự do ngôn luận, nhưng tự do ấy không phải lúc nào cũng dành cho số đông và phải phục vụ lợi ích của Hoa Kỳ, trước hết là lợi ích của Chính phủ Mỹ. Ở Hoa Kỳ, hai công cụ chủ yếu được dùng để điều phối tự do thông tin báo chí là sức mạnh quyền lực chính trị và tài chính. Hai gọng kìm này được coi là công cụ mềm dùng để điều chỉnh các chủ báo và tự do ngôn luận của công dân nói chung.

Đến thực tế

Ngày nay, tự do ngôn luận trên báo chí thậm chí bị lấn át bởi tự do ngôn luận được thể hiện qua nhiều kênh trong TTXH và MXH. Trong MTTTS, nền tảng kỹ thuật-công nghệ số đang tạo ra những khả năng siêu việt, như siêu kết nối và siêu tương tác xã hội, hệ dữ liệu lớn (big data), công chúng chủ động và hệ sinh thái truyền thông online. MTTTS tạo khả năng cho đông đảo công chúng xã hội thể hiện tự do ngôn luận, quyền được nói, được tìm kiếm và chia sẻ thông tin. Không thể phủ nhận sức mạnh của tự do ngôn luận mà nhờ đó nhiều vấn đề được quan tâm giải quyết thấu đáo hơn; nhưng cũng từ đây nảy sinh nhiều điều phiền nhiễu cho chính bản thân quyền được nói. Ở các nước phương Tây thường xuyên xuất hiện tin giả (fake news) làm khó cho cộng đồng, gây phiền nhiễu cho quá trình phát triển. Ở các nước đang phát triển, cư dân gia nhập hệ sinh thái truyền thông online như ruộng hạn gặp mưa rào, nhưng cũng đang nảy ra lắm vấn đề bất trắc, không chỉ nạn tin giả mà còn là nạn cố tạo tin giả, xuyên tạc sự thật, chí ít cũng “có bé xé ra to”, “có ít xuýt ra nhiều”, hoặc “té nước theo mưa”, “đục nước béo cò”, hay “xúm vào” bảo vệ lợi ích nhóm … Ở Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Chúng ta biết rằng, tự do ngôn luận trên báo chí, phần chủ yếu ưu tiên cho cơ quan ngôn luận của cơ quan báo chí; còn tự do ngôn luận trên hệ sinh thái truyền thông online nói chung là dành cho cư dân MXH và nhân dân nói chung. Vậy nên, khi tham gia ngôn luận trên hệ sinh thái truyền thông online, nếu cư dân nào cứ cho mình cái quyền “tự do vô biên” hay biến “tự do ngôn luận” thành “ngôn luận tự do” mà bất chấp giá trị văn hóa, đạo lý và pháp luật, là không phù hợp. 

Trên MXH, những người dẫn dắt quan điểm (KOLs) và cộng đồng mạng thả sức đăng đàn, trong khi nhiều cán bộ, công chức hoặc là không xuất hiện, hoặc là im lặng theo cách “đúng không dám like, sai không dám comment”, cho nên quá trình tích cực hóa văn hóa truyền thông, giao tiếp trên MXH tiến triển chậm chạp; hoặc có những sự kiện, vấn đề đáng lẽ giúp công chúng quên nhanh càng tốt, thì báo chí hay KOLs lại xới lên, làm to chuyện. Không ít trường hợp văn hóa truyền thông trên MXH chưa phản ánh được quan niệm giá trị của cộng đồng. Vậy nên, trong khi nhà nước, theo quy định pháp luật, bảo đảm cho “quyền được nói” của công dân, thì mỗi công dân trong khi thực hiện ấy, cần tuân thủ chuẩn mực văn hóa, đạo đức và pháp lý.

Tự do ngôn luận hay quyền được nói là quyền tự nhiên của con người trong quá trình phát triển, là quyền hiến định; nhưng mỗi công dân thực hiện quyền này phải phù hợp với hệ giá trị văn hóa của cộng đồng và môi trường pháp lý hiện nay, vì mục đích phát triển bền vững của đất nước, chứ không vì để thỏa mãn nhu cầu “buôn chuyện” cá nhân và xâm hại lợi ích công.

PGS, TS NGUYỄN VĂN DỮNG - Học viện Báo chí và Tuyên truyền

(1) Nichols, J. & McChesney, R. W. (2005), Tragedy & Farce: How the American Media Sell Wars, Spin Elections, and Destroy Democracy, the New Press, New York, p.12.