Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập Nhà nước Việt Nam. 24 năm trên cương vị đứng đầu nhà nước, Người để lại dấu ấn sâu đậm về phong cách lãnh đạo, trở thành chuẩn mực cho các thế hệ người Việt Nam. Người xác lập cơ sở, nền móng pháp lý cho tổ chức, hoạt động của Nhà nước ta. Những cơ sở pháp lý đó là nền tảng tư tưởng để tổ chức, xây dựng, hoàn thiện nhà nước qua các giai đoạn cách mạng của dân tộc được tiếp nối liền mạch thể hiện trong nội dung Hiến pháp năm 2013 và văn kiện, nghị quyết của Đảng qua các kỳ đại hội. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà nước pháp quyền kiểu mới ở Việt Nam phải là một nhà nước dân chủ triệt để và Người đã khắc họa rõ nét những đặc trưng này, bao gồm: Dân là chủ của nhà nước; dân làm chủ nhà nước; nhà nước phục vụ nhân dân.

Ảnh minh họa / TTXVN 
Từ những đặc trưng cơ bản nêu trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo xây dựng nhà nước, cơ quan quyền lực nhà nước phải là của dân, do dân là chủ. Nhà nước mới theo Chủ tịch Hồ Chí Minh trước hết phải là nhà nước của cả dân tộc, tiêu biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân, tập hợp được đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức và tài năng tham gia vào công cuộc xây dựng nhà nước. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, độc lập, thống nhất đất nước không tách rời với tự do, hạnh phúc của nhân dân. Do vậy, khi đã tìm được con đường giải phóng dân tộc, lựa chọn mô hình nhà nước mới cho nhân dân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đảng và toàn thể nhân dân bắt tay ngay vào xây dựng "Nhà nước dân chủ, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân". Ngay những ngày đầu xây dựng chính quyền nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh về bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, tạo cơ sở cho việc hình thành chính quyền cách mạng ở các cấp, xác định rõ quyền lực nhà nước là ở tay nhân dân lao động; nguồn gốc quyền lực, sức mạnh của nhà nước là ở nhân dân; nhân dân là chủ thể duy nhất của quyền lực nhà nước đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Nước ta là nước dân chủ; địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ; bao nhiêu quyền hạn là của dân; quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. Quan niệm toàn bộ quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân thể hiện rõ nhất tính dân chủ triệt để của Nhà nước ta, trở thành nguyên tắc cơ bản tổ chức bộ máy quyền lực nhà nước và phải được thể hiện rõ trong các văn bản pháp lý mà đạo luật cao nhất là Hiến pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi người cầm quyền, cán bộ, công chức nhà nước là "đầy tớ", "công bộc" của dân. Làm công bộc của dân là một trách nhiệm rất vẻ vang, nhưng rất khó khăn, nặng nề. Muốn vậy, người cầm quyền phải gần dân, sát dân, hiểu dân, thương dân, tin dân và biết sử dụng sức mạnh của dân. Tác phong của người cầm quyền phải là: Óc nghĩ, mắt thấy, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Người nhiều lần nhắc nhở: Ở nước ta từ Hồ Chủ tịch trở xuống là đầy tớ của nhân dân; dân đặt ở đâu thì làm ở đó; người làm Chủ tịch nước cũng là nhận sự trao quyền, ủy thác của nhân dân.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà nước dân chủ phải do dân làm chủ; nhà nước phải tin dân và dựa vào dân. Nội dung quyền làm chủ nhà nước của dân rất rộng, trước hết thể hiện ở chỗ: Nhân dân là người tổ chức nên các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương thông qua thực hiện chế độ tổng tuyển cử phổ thông, trực tiếp, bỏ phiếu kín bầu các đại biểu xứng đáng vào các cơ quan quyền lực nhà nước. Nhân dân có quyền tham gia công việc quản lý nhà nước; các quyết định của cơ quan nhà nước đều xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của nhân dân; phê bình, kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, các đại biểu do mình cử ra. Mọi nguồn lực mà nhà nước có để hoạt động đều được huy động từ dân. Theo đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu cán bộ, công chức phải thường xuyên thực hiện phê bình và tự phê bình, lắng nghe ý dân, làm công tác quản lý nhà nước sao cho tốt hơn. Nhà nước phải dựa vào dân và phải thực hiện "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", để người dân tham gia vào công việc nhà nước một cách đầy đủ và thực sự.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nhà nước dân chủ nhân dân là nhà nước phục vụ nhân dân, đem lại lợi ích cho dân. Mọi hoạt động của chính quyền phải nhằm mục tiêu mang lại quyền lợi cho nhân dân; trách nhiệm của nhà nước trước hết là nhằm thỏa mãn các nhu cầu thiết yếu nhất của nhân dân, trong đó phải: "Làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc, làm cho dân có chỗ ở, làm cho dân có học hành".

Một nhà nước đặt lợi ích của dân lên trên hết, nhà nước đó phải có các đường lối, chủ trương, chính sách phục vụ cho lợi ích của dân. Công việc gì của nhà nước mà có lợi cho dân là phải làm ngay, việc có hại thì phải tránh. Năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng để dặn dò: "Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh".

Bên cạnh việc đem lại lợi ích cho dân, chăm lo mọi mặt đời sống nhân dân, nhà nước phải biết kết hợp, điều chỉnh các loại lợi ích khác nhau giữa các giai cấp, tầng lớp xã hội, các bộ phận dân cư để luôn được mọi người dân ủng hộ, xây dựng. Để phục vụ tốt nhân dân, nhà nước phải thật sự liêm khiết, trong sạch, tránh quan liêu, tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi...

Bản chất dân chủ của Nhà nước ta theo tư tưởng Hồ Chí Minh được Đại hội X của Đảng xác định: Nhà nước là đại diện quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời là người tổ chức thực hiện đường lối chính trị của Đảng. Mọi đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đều phải phản ánh lợi ích của đại đa số nhân dân. Nhân dân không chỉ có quyền mà còn có trách nhiệm tham gia hoạch định và thi hành các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định: Tiếp tục hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của Nhà nước theo quy định của Hiến pháp năm 2013, đáp ứng các đòi hỏi của Nhà nước Pháp quyền XHCN, trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Báo cáo chính trị Đại hội XII của Đảng cũng chỉ rõ: Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Phân định rõ hơn vai trò và hoàn thiện cơ chế giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường...

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân về bản chất là nhà nước mang bản chất giai cấp công nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Nhà nước ta là nhà nước dân chủ nhân dân, dựa trên nền tảng liên minh công-nông, do giai cấp công nhân lãnh đạo". Như vậy, nội hàm khái niệm "dân" của Chủ tịch Hồ Chí Minh mang nội dung xã hội, giai cấp với "cái lõi" của nó là công nhân, nông dân và tầng lớp lao động trí óc.

Ở Nhà nước ta, bản chất giai cấp công nhân bao giờ cũng thống nhất chặt chẽ với tính nhân dân và tính dân tộc. Đây là một quan niệm hết sức đặc sắc, độc đáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự thống nhất này dựa trên các căn cứ khách quan mà quan trọng nhất là sự thống nhất lợi ích của giai cấp công nhân với lợi ích của nhân dân lao động và lợi ích của toàn dân tộc: Độc lập cho dân tộc; khát vọng dân chủ của toàn thể dân tộc; cuộc sống no đủ, sung sướng, hạnh phúc của tất cả mọi người dân Việt Nam. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà nước pháp quyền là nhà nước mà mọi người được tôn trọng, dân chủ được mở rộng, người dân sống và làm việc theo luật định. Nhà nước pháp quyền là nhà nước phải thể hiện được việc điều hành và quản lý xã hội bằng pháp luật. Từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức rất rõ vị trí, vai trò của pháp luật trong điều hành và quản lý xã hội. Trong bản "Yêu sách của nhân dân An Nam", Người đã nêu ra 4 điều liên quan đến pháp quyền. Tư tưởng pháp quyền này xuyên suốt trong quá trình tổ chức và hoạt động của Nhà nước Việt Nam độc lập, tự do, dân chủ. Trong "Việt Nam yêu cầu ca", Người nhấn mạnh: "Bảy xin Hiến pháp ban hành. Trăm điều phải có thần linh pháp quyền". Mọi quan hệ xã hội, mọi lĩnh vực của đời sống đều chịu sự chi phối của pháp luật. Pháp luật là cơ sở bảo đảm thực hiện các quyền tự do, dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân.

Theo Người, luật pháp của ta phải dựa hẳn vào lực lượng nhân dân, lực lượng lao động làm nền tảng để xây dựng nhà nước, xây dựng xã hội. Đó là nội dung quyết định bản chất luật pháp của Nhà nước ta và luật pháp của chúng ta dựa vào đó để xây dựng. Từ việc xây dựng các thể chế dân chủ cộng hòa, xây dựng quân đội, bộ máy kinh tế trên cơ sở của chế độ sở hữu toàn dân, đến các thiết chế văn hóa đều phải tuân thủ các quy định của luật pháp. Trong quá trình thực thi pháp luật, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải bảo đảm tính khách quan, công bằng, bình đẳng. Luật pháp cho mọi người cùng thực hiện, luật pháp không chỉ bênh vực các tổ chức nhà nước mà còn bênh vực quyền lợi của người lao động.

Nổi bật trong ý tưởng trị nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa "pháp trị" và "đức trị". Người nhận rõ: "Luật pháp phải dựa vào đạo đức". Chúng ta biết, do nhu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội nên cần có những quy tắc phù hợp; nhà nước phải ban hành các quy phạm. Hệ thống quy phạm đó từng bước được hình thành cùng với việc thiết lập hoặc thực hiện tổ chức nhà nước. Nhà nước sử dụng pháp luật để tổ chức xã hội và dùng quyền lực cưỡng chế đối với hành vi vi phạm pháp luật. Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi pháp luật của ta phải thẳng tay trừng trị kẻ bất liêm, bất kể kẻ ấy có địa vị nào, làm nghề nghiệp gì. Đồng thời, pháp luật làm căn cứ để tổ chức và hoạt động nhà nước là cơ sở pháp lý cho đời sống xã hội, là phương tiện để nhân dân giám sát, kiểm tra hoạt động của nhà nước. Vì vậy, bên cạnh việc giáo dục ý thức pháp luật, cần đẩy mạnh giáo dục đạo đức, nâng cao giác ngộ lý tưởng cách mạng cho cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân, kết hợp chặt chẽ cả đạo đức và pháp luật để "trị nước".

Tư tưởng "pháp trị" và "đức trị" trong tư tưởng Hồ Chí Minh không loại trừ nhau mà thống nhất thành chỉnh thể thường xuyên bổ sung, hỗ trợ nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng "đức" để cảm hóa, ngăn cản những thói hư tật xấu. Người thưởng, phạt rõ ràng, ai có công phải được khen thưởng, ai có tội phải bị pháp luật trừng trị. Có như thế mới mở rộng được dân chủ, pháp luật mới nghiêm, mọi người đều bình đẳng như nhau, mới ngăn chặn được cái xấu, cái ác, khuyến khích, phát huy cái tốt, cái thiện vốn có trong mỗi con người để xây dựng một xã hội trong sạch và an bình.

Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng ta khẳng định: Cải cách nền hành chính nhà nước là vấn đề trọng tâm của việc xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước trong điều kiện mới. Mục tiêu cải cách hành chính nhà nước là nhằm xây dựng, củng cố nền hành chính trong sạch, vững mạnh, đủ năng lực, sử dụng đúng quyền lực và hiệu quả công việc của nhà nước, thúc đẩy xã hội phát triển.

Với trình độ dân trí ngày một được nâng cao và điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa-xã hội có những bước phát triển nhất định, quyền lực của nhân dân sẽ được phát huy, mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh sẽ được thực hiện một cách tốt đẹp. Đây chính là sự trở lại trên một trình độ mới về nhận thức lý luận và tổng kết thực tiễn giá trị cốt lõi nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.

PGS, TS PHẠM NGỌC ANH, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh