Từ năm 1927, trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”, Nguyễn Ái Quốc-Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất coi trọng giáo dục, rèn luyện “Tư cách một người cách mạng” cho thế hệ cán bộ đầu tiên của Đảng, nhằm đặt nền móng và định hướng chính trị đúng đắn cho cán bộ vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hiểm nguy, vững bước trên con đường cách mạng vô sản đầy hy sinh, gian khổ.

Sau hai năm cầm quyền kể từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức rất lớn, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động tăng cường chống phá Đảng và sự nghiệp cách mạng. Trong Đảng và một bộ phận cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) bộc lộ những sai lầm, khuyết điểm làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, cản trở công cuộc kháng chiến… Từ thực tiễn đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm xây dựng Đảng xứng đáng với tư cách của một đảng chân chính cách mạng cầm quyền.

Theo Người, “Tư cách của Đảng chân chính cách mạng” gồm 12 điều cơ bản sau: 1. Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng. 2. Cán bộ của Đảng phải hiểu biết lý luận cách mạng, và lý luận cùng thực hành phải luôn luôn đi đôi với nhau. 3. Khi đặt ra khẩu hiệu và chỉ thị, luôn luôn phải dựa vào điều kiện thiết thực và kinh nghiệm cách mạng ở các nước, ở trong nước và ở địa phương. 4. Phải luôn luôn do nơi quần chúng mà kiểm soát những khẩu hiệu và chỉ thị đó có đúng hay không. 5. Phải luôn luôn xem xét lại tất cả công tác của Đảng. Mọi công tác của Đảng luôn luôn phải đứng về phía quần chúng. Phải đem tinh thần yêu nước và cần, kiệm, liêm, chính mà dạy bảo CB, ĐV và nhân dân. 6. Mỗi công việc của Đảng phải giữ nguyên tắc và phải liên hợp chặt chẽ với dân chúng. Nếu không vậy, thì chẳng những không lãnh đạo được dân chúng mà cũng không học được dân chúng. Chẳng những không nâng cao được dân chúng, mà cũng không biết ý kiến của dân chúng. 7. Mỗi công việc của Đảng phải giữ vững tính cách mạng của nó, lại phải khéo dùng những cách thức thi hành cho hoạt bát. Nếu không vậy thì không biết nắm vững các cách thức tranh đấu và các cách thức tổ chức, không biết liên hợp lợi ích ngày thường và lợi ích lâu dài của dân chúng. 8. Đảng không che giấu những khuyết điểm của mình, không sợ phê bình. Đảng phải nhận khuyết điểm của mình mà tự sửa chữa, để tiến bộ, và để dạy bảo cán bộ và đảng viên. 9. Đảng phải chọn lựa những người rất trung thành và rất hăng hái, đoàn kết họ thành nhóm trung kiên lãnh đạo. 10. Đảng phải luôn luôn tẩy bỏ những phần tử hủ hóa ra ngoài. 11. Đảng phải giữ kỷ luật rất nghiêm từ trên xuống dưới. Kỷ luật này là tư tưởng phải nhất trí, hành động phải nhất trí. Kỷ luật này là do lòng tự giác của đảng viên về nhiệm vụ của họ đối với Đảng. 12. Đảng phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những nghị quyết và chỉ thị đó sẽ hóa ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng

12 điều Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra về “Tư cách của Đảng chân chính cách mạng” bao quát một cách toàn diện và sâu sắc những vấn đề cơ bản về xây dựng Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền. Đó là những vấn đề căn cốt nhất của công tác xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, thể hiện ở những điểm cơ bản sau:

Một là, mục tiêu cầm quyền của Đảng là giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng. Mục tiêu này chính là sự cụ thể hóa mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH. Đây là mục tiêu chủ đạo, định hướng cho hoạt động của Đảng, trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào cũng không được dao động và xa rời mục tiêu đó.

Hai là, Đảng cầm quyền phải được vũ trang bằng lý luận tiên phong, lý luận đó phải gắn với thực tiễn. Thực chất của vấn đề này là sự khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với hệ tư tưởng, nền tảng tư tưởng của Đảng, đó là Chủ nghĩa Mác-Lênin. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, mỗi CB, ĐV phải ra sức học tập lý luận cách mạng, nâng cao trình độ trí tuệ để xác định đúng đắn đường lối, nghị quyết của Đảng và tổ chức thi hành chỉ thị, nghị quyết cho đúng.

Ba là, Đảng phải luôn gắn bó mật thiết với quần chúng, mọi công tác của Đảng luôn từ quần chúng và hướng vào phục vụ lợi ích, nguyện vọng chính đáng của quần chúng. Khi trở thành đảng cầm quyền, Đảng phải hết sức chú trọng củng cố, tăng cường mối quan hệ với quần chúng, kiên quyết đấu tranh chống bệnh quan liêu, xa rời quần chúng.

Bốn là, Đảng phải hết sức coi trọng thực hiện tốt tự phê bình và phê bình, không che giấu khuyết điểm mà phải có gan thừa nhận khuyết điểm của mình để sửa chữa và tiến bộ, trưởng thành.

Năm là, Đảng cầm quyền phải luôn quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, lựa chọn những người trung thành và hăng hái cách mạng thành nhóm trung kiên lãnh đạo.

Sáu là, Đảng phải luôn giữ nghiêm kỷ luật tự giác và nghiêm minh, kiên quyết tẩy bỏ những phần tử thoái hóa, biến chất ra khỏi Đảng...

Những điều tâm huyết của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Tư cách của Đảng chân chính cách mạng” có giá trị rất lớn, là tôn chỉ cho mọi hoạt động của Đảng trên cương vị là đảng cầm quyền, lãnh đạo sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, bảo đảm cho Đảng luôn xứng đáng với tư cách là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Đúng như Người khẳng định: “Muốn cho Đảng được vững bền/ Mười hai điều đó chớ quên điều nào”.

Nhìn lại chặng đường hơn 70 năm cầm quyền của Đảng, cách mạng Việt Nam đã trải qua những bước thăng trầm lịch sử, chúng ta càng thấm thía sâu sắc giá trị lịch sử và hiện thực những điều căn dặn của Hồ Chí Minh về “Tư cách của Đảng chân chính cách mạng”. Chính nhờ thấm nhuần tư tưởng đó, Đảng đã thực sự trở thành một đảng cầm quyền, "chèo lái" con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua mọi thác ghềnh với muôn vàn khó khăn, thử thách cam go, giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Từ một đảng cầm quyền còn non trẻ với một chính quyền cách mạng vừa mới ra đời trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã làm nên những kỳ tích lịch sử vĩ đại trong thế kỷ 20. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng lãnh đạo đất nước vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; giữ vững ổn định chính trị; phát triển kinh tế-xã hội, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tăng cường quốc phòng và an ninh; mở rộng quan hệ đối ngoại, nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Đảng ta xứng đáng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội. Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII khẳng định: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ và vị thế như ngày nay. Đó là kết quả sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó có sự hy sinh quên mình và đóng góp quan trọng của đội ngũ CB, ĐV. Chúng ta có quyền tự hào về bản chất tốt đẹp, truyền thống anh hùng và lịch sử vẻ vang của Đảng ta...

Tuy nhiên, hiện nay Đảng ta đang phải đối mặt với những nguy cơ, thách thức không thể xem nhẹ, đặc biệt tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận CB, ĐV đã ảnh hưởng rất lớn tới uy tín và thanh danh của Đảng. Kỷ niệm 70 năm tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” ra đời, CB, ĐV cần khắc sâu thêm lời căn dặn của Người về “Tư cách của Đảng chân chính cách mạng” để không ngừng ra sức học tập và rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng Đảng ta thực sự “là đạo đức, là văn minh” ngang tầm với đòi hỏi của sự nghiệp cách mạng trong tình hình mới.

Đại tá, PGS, TS ĐẶNG SỸ LỘC, Chủ nhiệm Khoa CTĐ, CTCT - Học viện Chính trị