Những thông điệp từ Thủ tướng Phạm Minh Chính về các vấn đề hợp tác kinh tế, phát triển bền vững, an ninh, an toàn trên thế giới là rất rõ ràng, thẳng thắn, trên tinh thần xây dựng, cùng thắng. Đó là thông điệp từ đường lối đối ngoại đúng đắn, sâu sắc, nhân văn và đầy trách nhiệm của Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Tầm quan trọng của mối quan hệ ASEAN - Hoa Kỳ
Tại các cuộc tiếp xúc trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ, các nhà lãnh đạo nhất trí quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ phát triển năng động, mạnh mẽ trong 45 năm, cùng vượt qua không ít thử thách và đạt được nhiều thành quả quan trọng trong hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị-an ninh, kinh tế-thương mại, văn hóa-xã hội và hợp tác phát triển. Cả ASEAN và Hoa Kỳ đều khẳng định coi trọng vai trò của nhau cũng như tầm quan trọng của mối quan hệ đối tác ASEAN-Hoa Kỳ với hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.
 |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các nước ASEAN dự tiệc chiêu đãi do Tổng thống Joe Biden chủ trì tại Nhà Trắng. |
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden khẳng định coi trọng và mong muốn nâng tầm quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ, cam kết ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và Quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP). Lãnh đạo các nước ASEAN đánh giá cao và trông đợi Hoa Kỳ tiếp tục hợp tác tích cực, xây dựng cùng ASEAN thúc đẩy đối thoại, hợp tác, chung tay xử lý hiệu quả các thách thức tại khu vực. ASEAN cũng mong muốn, bên cạnh kinh tế, thương mại, hai bên sẽ mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực mới như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng bền vững, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống như dịch bệnh, biến đổi khí hậu... Trong mối quan hệ chung ngày càng được đề cao giữa các nước ASEAN với Hoa Kỳ, mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ có thêm những yếu tố thuận lợi, đặc biệt là khi Việt Nam đang là đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ trong ASEAN.
Tình cảm từ Hoa Kỳ đối với Việt Nam
Sự xuất hiện của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ở bất cứ sự kiện nào cũng được chào đón nồng nhiệt. Đó không chỉ là sự chào đón đối với cá nhân Thủ tướng Phạm Minh Chính-người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, mà chính là thể hiện tình cảm của quốc tế đối với Việt Nam.
Tại cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Nhà Trắng, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden chia sẻ rằng, cá nhân ông luôn dành nhiều tình cảm cho đất nước và người dân Việt Nam. Khi còn là Thượng nghị sĩ, ông đã cùng người bạn, người đồng nghiệp John McCain vận động chính giới Hoa Kỳ ủng hộ thúc đẩy quan hệ với Việt Nam.
Tại cuộc gặp ở Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ trên Đồi Capitol, Thượng nghị sĩ Patrick Leahy, Chủ tịch thường trực Thượng viện Hoa Kỳ đã nắm chặt tay Thủ tướng Phạm Minh Chính như nắm tay một người bạn quý lâu ngày gặp lại. Chủ tịch thường trực Thượng viện Hoa Kỳ Patrick Leahy cho biết, các thượng nghị sĩ có mặt tại cuộc gặp đều có tình cảm đặc biệt và lâu bền với Việt Nam. Ông đánh giá cao việc hai nước đã vượt qua những khác biệt và nỗi đau chiến tranh để cùng xây dựng tương lai tốt đẹp hơn.
Trong cuộc gặp gỡ, làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ do Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN (USABC) và Phòng Thương mại Hoa Kỳ (USCC) tổ chức, ông Ted Osius, cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, hiện là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc USABC nhấn mạnh, cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ coi Việt Nam là thị trường chiến lược ưu tiên, sẵn sàng đóng góp vào tăng trưởng và thịnh vượng của Việt Nam. Số lượng doanh nghiệp tham gia đông đảo trong sự kiện là minh chứng rõ ràng cho thấy mối quan tâm của doanh nghiệp Hoa Kỳ đối với Việt Nam.
Không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải
Bài phát biểu với chủ đề "Chân thành, lòng tin và trách nhiệm vì một thế giới tốt đẹp hơn" tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Hoa Kỳ (CSIS) của Thủ tướng Phạm Minh Chính gây tiếng vang lớn trong chính giới Hoa Kỳ, đặc biệt là những nhà nghiên cứu chiến lược.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ về 3 nội dung lớn: Cách nhìn của Việt Nam về thế giới hiện nay; vai trò của sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm trong thế giới nhiều biến động hiện nay; chúng ta cần phải làm gì để thể hiện sự chân thành, tăng cường lòng tin và trách nhiệm, vì một thế giới tốt đẹp hơn.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm có vai trò đặc biệt quan trọng để giải quyết những vấn đề đặt ra đối với thế giới hiện nay. Vì vậy, hơn lúc nào hết, cần đẩy mạnh xây dựng, củng cố sự chân thành, lòng tin giữa các quốc gia. Mỗi quốc gia cần hành xử một cách có trách nhiệm, thể hiện trước hết ở việc tuân thủ những cam kết của chính mình, tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng thể chế chính trị, đóng góp vào công việc chung của cộng đồng quốc tế tùy theo khả năng và sức lực của mình. Lợi ích của mỗi quốc gia, dân tộc cần hài hòa và tôn trọng lợi ích quốc gia, dân tộc chính đáng, hợp pháp của các quốc gia khác trên cơ sở luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ.
Bài phát biểu đã nêu rõ, trong một thế giới đầy biến động, cạnh tranh chiến lược và nhiều sự lựa chọn như hiện nay, Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ; bình đẳng, tất cả cùng có lợi, tất cả cùng chiến thắng. Giữa độc lập và phụ thuộc, Việt Nam luôn chọn độc lập với tinh thần "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; giữa thương lượng và đối đầu, Việt Nam chọn thương lượng; giữa đối thoại và xung đột, Việt Nam chọn đối thoại; giữa hòa bình và chiến tranh, Việt Nam chọn hòa bình; giữa hợp tác và cạnh tranh, Việt Nam chọn hợp tác và nếu cạnh tranh thì phải lành mạnh, bình đẳng, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhau. Việt Nam sẵn sàng đối thoại, hợp tác để xử lý các khác biệt, bất đồng, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của thế giới; đồng thời bảo đảm hài hòa lợi ích và giải quyết thỏa đáng các mối quan tâm của các đối tác, các quốc gia và cộng đồng quốc tế.
Quan điểm, cách nhìn đó của Việt Nam trong bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã được minh chứng trên thực tế, ví dụ như liên quan đến vấn đề Biển Đông, Việt Nam luôn chủ trương duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không; bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, giải quyết bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982); thực hiện hiệu quả và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), phấn đấu xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Là đất nước chịu nhiều đau thương, mất mát do chiến tranh, Việt Nam hiểu rõ giá trị của hòa bình. Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam là địa điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần hai, nhằm tìm kiếm hòa bình cho bán đảo Triều Tiên. Hay như với xung đột Nga-Ukraine, lập trường nhất quán của Việt Nam là tôn trọng Hiến chương LHQ và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các quốc gia; giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực. Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng tham gia vào các nỗ lực, sáng kiến của cộng đồng quốc tế trong việc tạo điều kiện để các bên đối thoại, tìm kiếm giải pháp lâu dài, bền vững.
Đối với lĩnh vực phát triển kinh tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam mong muốn xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng. Việt Nam đã đàm phán, ký kết 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), mở ra thị trường thương mại tự do rộng lớn với hơn 60 quốc gia, đối tác, bao gồm tất cả các nền kinh tế lớn trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ, thể hiện trách nhiệm của mình trong việc thực hiện bình đẳng và tự do thương mại.
Trong các cuộc tiếp xúc tại Washington DC (Hoa Kỳ), Thủ tướng Phạm Minh Chính luôn thể hiện rõ trách nhiệm của Việt Nam-một quốc gia đang phát triển còn nhiều khó khăn nhưng sẵn sàng đóng góp vào công việc chung của thế giới, thể hiện qua việc tham gia tích cực vào những cam kết trong Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của LHQ năm 2021 (COP26), điều mà nhiều quốc gia phát triển còn đắn đo. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn cho rằng, các nước phát triển như Hoa Kỳ cần tích cực hỗ trợ các nước đang phát triển như Việt Nam trong thực hiện cam kết. Điều này cũng là thể hiện lẽ phải, công bằng, công lý, vì trách nhiệm chung với thế giới.
Bàn đến những cơ hội tốt đẹp ở hiện tại và triển vọng tươi sáng trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, tuy nhiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đặc biệt quan tâm đề cập việc giải quyết những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ hai nước. Trong các cuộc gặp cấp cao, Thủ tướng đều bày tỏ mong muốn phía Hoa Kỳ tiếp tục công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, dành ngân sách khắc phục các điểm nóng về dioxin, bom, mìn, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, tìm kiếm, quy tập hài cốt bộ đội Việt Nam hy sinh trong chiến đấu... Trong bất cứ cuộc đối thoại nào, Thủ tướng sẵn sàng trả lời rõ ràng mọi câu hỏi để người nghe thấu hiểu quan điểm nhất quán của Việt Nam.
Chỉ mới là những ngày đầu tiên trong chuyến công tác tới Hoa Kỳ, nhưng những ấn tượng mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu Việt Nam để lại rất tốt đẹp. Đó chính là cơ sở để tin vào một chuyến đi thành công tốt đẹp, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển bền vững của Việt Nam, nâng cao vị thế đất nước trong thời gian tới.
HỒ QUANG PHƯƠNG
(Ghi nhanh từ Washington DC, Hoa Kỳ)