1. Dấu ấn thể hiện tư tưởng lớn, tầm nhìn xa trong tư duy lãnh đạo của đồng chí Lê Duẩn thể hiện trước hết là khi đồng chí ở cương vị Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ thời kỳ đấu tranh dân chủ (1936-1939). Trong đấu tranh chống thực dân Pháp, đồng chí Lê Duẩn đã sớm nhận rõ và bày tỏ quan điểm không tán thành với hai khuynh hướng cực đoan, đó là chỉ hoạt động bí mật hoặc hoạt động công khai, mà chủ trương kết hợp hài hòa hai hình thức này. Tại Hội nghị Trung ương 6 (tháng 11-1939), đồng chí Lê Duẩn cùng với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chuẩn bị và chủ trì Hội nghị, với chủ trương tạm gác vấn đề ruộng đất, đưa ra khẩu hiệu chỉ tịch thu ruộng đất của đế quốc và địa chủ phản bội dân tộc; thay khẩu hiệu thành lập chính quyền Xô viết công-nông-binh bằng khẩu hiệu lập chính quyền cộng hòa dân chủ; tập trung mũi nhọn của cuộc đấu tranh vào đế quốc tay sai để “dự bị những điều kiện bước tới bạo động làm cách mạng giải phóng dân tộc”.
Đồng chí Lê Duẩn đứng trên mảnh đất Vĩnh Linh nhìn sang bên kia sông Bến Hải (tháng 2-1973). Ảnh tư liệu.
Giải thích về lý do dẫn tới bước ngoặt quan trọng đó, đồng chí Lê Duẩn nói: Nghị quyết Trung ương 6 không phải bỗng dưng trong óc nghĩ ra mà là kết quả tổng kết phong trào cách mạng từ khi có Đảng đến năm 1939, là kết quả phân tích cụ thể tình hình đất nước và thế giới khi Chiến tranh thế giới lần thứ II đã bắt đầu và Mặt trận bình dân ở Pháp không còn tồn tại… Đảng ta sáng tạo ở chỗ, trong khi kiên trì chiến lược cách mạng phản đế, phản phong “nhưng vì tình hình lúc bấy giờ chúng ta cần đặt lại vấn đề dân tộc một cách đầy đủ hơn. Công - nông phải nêu cao hơn nữa ngọn cờ dân tộc, phải đặt quyền lợi dân tộc thành quyền lợi tối cao…”(1)
Nghị quyết Trung ương 6 (năm 1939) với sự góp phần quan trọng của đồng chí Lê Duẩn có ý nghĩa vô cùng quan trọng với những bước thành công của cách mạng Việt Nam sau này. Điều đó cho thấy tư duy ấu trĩ ban đầu đã bị vượt xa, thể hiện sự sáng tạo và linh hoạt, bản lĩnh chính trị của các nhà cách mạng. Giữa Nghị quyết Trung ương 6 (năm 1939) với Nghị quyết Trung ương 8 sau đó (5-1941) là cùng một quỹ đạo tư duy chính trị nhất quán.
2. Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết năm 1954, đồng chí Lê Duẩn nhận được lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở lại miền Nam cùng với Xứ ủy Nam Bộ lãnh đạo phong trào cách mạng. Bằng sự nhạy bén chính trị, sắc sảo trong tư duy, đồng chí đã sớm dự đoán Mỹ và ngụy quyền tay sai đang mưu đồ phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng trong biển máu và âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Theo đồng chí Lê Duẩn, chủ trương “đấu tranh hòa bình đòi thi hành Hiệp định” của Trung ương là không còn phù hợp, nhất là khi thời hạn Tổng tuyển cử tháng 7-1956 đã qua đi. Vì thế, đồng chí đã chủ động sáng tạo, xác định hướng đi cho cách mạng miền thông qua “Đường lối cách mạng miền Nam Việt Nam”, sau đổi thành “Đề cương cách mạng miền Nam” (tháng 8-1956).
Trong “Đề cương cách mạng miền Nam”, sau khi phân tích ba nhiệm vụ của cách mạng cả nước, đồng chí chỉ rõ: “Nhân dân ta ở miền Nam chỉ có một con đường là vùng lên chống lại Mỹ - Diệm, để cứu nước và tự cứu mình. Đó là con đường cách mạng. Ngoài con đường đó, không còn con đường nào khác”. Những quan điểm mang tính chân lý của “Đề cương cách mạng miền Nam” đã thực sự mang tính đột phá và sau này trở thành kim chỉ nam hành động của cách mạng miền Nam. “Đề cương cách mạng miền Nam” không những chỉ ra mục đích, đối tượng và nhiệm vụ của cách mạng miền Nam mà còn chỉ ra phương pháp đấu tranh và khả năng phát triển của cách mạng miền Nam là phải linh hoạt, vừa chọn con đường đấu tranh hòa bình, vừa đấu tranh vũ trang. Trong đấu tranh chính trị có vũ trang tự vệ, đồng thời phải chuẩn bị khả năng đi đến đấu tranh vũ trang toàn diện.
Mặc dù bản “Đề cương cách mạng miền Nam” với nhiều điểm đột phá, phản ánh đúng thực trạng và nhu cầu về con đường cách mạng miền Nam lúc bấy giờ, nhưng không phải chân lý bao giờ cũng được chấp nhận ngay. Mặc dù Hội nghị Bộ Chính trị tháng 6-1956 đã xác định “đấu tranh chính trị không có nghĩa là loại trừ hoàn toàn vũ trang tự vệ trong những hoàn cảnh nhất định” và bản Đề cương cách mạng miền Nam với tinh thần tiến công mạnh mẽ đã được gửi ra Trung ương từ tháng 8-1956, nhưng Hội nghị Trung ương lần thứ 10 mở rộng (25-8-1956 đến 5-10-1956) vẫn nhấn mạnh chủ trương đấu tranh pháp lý.
Trước những diễn biến mới, đầy phức tạp khi ngày 6-5-1959, chính quyền Sài Gòn thông qua Luật 10/59 về việc thành lập “Tòa án quân sự đặc biệt” để sát hại những người cộng sản với phương châm “giết nhầm còn hơn bỏ sót”, đã gây tổn thất nặng nề cho cách mạng. Xứ ủy Nam Bộ đã phải gửi 3 bức điện cho Trung ương, trong đó nhấn mạnh: “Sự đàn áp khốc liệt của địch làm cho nhân dân Nam Bộ không còn con đường nào khác phải vùng lên chống lại đế quốc Mỹ và tay sai”. Trong tình thế “nước sôi lửa bỏng” đó, Hội nghị Trung ương lần thứ 15 đã họp tiếp đợt 2 (10 đến 15-7-1959) và lần này mới thông qua được Nghị quyết Trung ương lần thứ 15 (khóa II) - đánh dấu việc xác định phương hướng cho cách mạng miền Nam và tạo ra phong trào đồng khởi trong những năm 1959-1960.
Nghị quyết khẳng định phải dùng bạo lực cách mạng của quần chúng nhân dân, kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang để đánh đổ chính quyền của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền nhân dân. Nghị quyết này đã đáp ứng được mong mỏi của nhân dân, sát với tình hình cách mạng, theo tinh thần của bản Đề cương cách mạng miền Nam. Như vậy, chính đồng chí Lê Duẩn là người đầu tiên đề xuất Cương lĩnh chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam. Sau này, khi tổng kết ưu, khuyết điểm của Đảng trong chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đảng ta thừa nhận: “Trong một thời gian khá dài, khi cả miền Nam tràn ngập trong nước sôi lửa bỏng, Đảng ta đã chậm tìm ra phương pháp đấu tranh chuyển thế để địch thẳng tay khủng bố, tàn sát, gây tổn thất không kể xiết cho nhân dân miền Nam, đưa cách mạng lâm vào tình trạng rất hiểm nghèo”. Điều này càng cho thấy giá trị tầm nhìn xa trong tư duy lãnh đạo của đồng chí Lê Duẩn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh tại Đại hội lần thứ III của Đảng (tháng 9-1960). Ảnh tư liệu.
Tại Đại hội lần thứ III của Đảng (1960), đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng. 15 năm (1960-1975) trên cương vị này, trong bối cảnh có nhiều biến động phức tạp, đồng chí đã cùng Bộ Chính trị và Trung ương Đảng kiên định đường lối cách mạng, tiến hành thắng lợi cuộc chiến tranh chống Mỹ xâm lược và tay sai, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đồng chí Lê Duẩn đã góp phần quan trọng vào chủ trương đồng thời phải tiến hành hai cuộc cách mạng: Cách mạng XHCN ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, nhằm thực hiện mục tiêu chung là hoàn thành giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, góp phần bảo vệ hòa bình thế giới.
Bấy giờ, trong phong trào cộng sản quốc tế và một số đồng chí lãnh đạo của Đảng ta cũng có những đánh giá trái chiều về sức mạnh của đế quốc Mỹ. Khuynh hướng đánh giá thấp sức mạnh của Mỹ dẫn đến chủ quan, nhận định coi thường kẻ thù. Trái lại, một số người lại đánh giá quá cao tiềm lực, sức mạnh của Mỹ, dẫn đến tư tưởng lo sợ xung đột khu vực sẽ dẫn đến chiến tranh thế giới, muốn giữ hòa bình bằng mọi giá. Bằng tư duy chính trị sắc bén, tầm nhìn sáng suốt, đồng chí Lê Duẩn đã đánh giá chính xác tình hình và sức mạnh thực sự của đế quốc Mỹ, từ đó có những chiến lược, sách lược đúng đắn, khoa học để lãnh đạo cách mạng Việt Nam trong công cuộc chống Mỹ, cứu nước.
Đồng chí Lê Duẩn rất coi trọng tình đoàn kết quốc tế, nhưng cũng hết sức đề cao tính chủ động, độc lập, sáng tạo của cách mạng Việt Nam. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của nhân dân ta, đồng chí thấy rõ sự ủng hộ của Trung Quốc, nhưng không rập khuôn máy móc theo sự gợi ý của bạn về con đường trường kỳ vũ trang, lấy nông thôn bao vây thành thị, “lửa đom đóm thiêu cháy cánh rừng”. Đồng chí Lê Duẩn nhận rõ: Con đường tiến lên của cách mạng miền Nam “là có khởi nghĩa bộ phận, lập căn cứ địa có chiến tranh du kích rồi tiến lên tổng khởi nghĩa”; và “Đánh địch bằng cả hai lực lượng chính trị và quân sự, tiến tới tổng khởi nghĩa, tổng công kích để giải phóng miền Nam”.
Tư tưởng lớn, tầm nhìn xa trong tư duy lãnh đạo của đồng chí Lê Duẩn còn thể hiện cả ở khả năng làm chủ cuộc chiến tranh. Đồng chí là người biết khởi sự, điều hành và kết thúc chiến tranh đúng lúc sao cho có lợi cho cách mạng nhất. Sau khi Mỹ buộc phải ký Hiệp định Pa-ri (1973), đồng chí Lê Duẩn nhận định: “Lúc này chúng ta đang có thời cơ chiến lược để giải phóng miền Nam. Hai mươi năm chiến đấu mới tạo được thời cơ này, chúng ta phải nắm lấy để đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn... Ngoài cơ hội này không có cơ hội khác nữa,...”.
Thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là chiến công vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX, trong đó có sự đóng góp rất to lớn của đồng chí Lê Duẩn. Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã viết: “Suốt hai mươi năm chống Mỹ, có thể nói, trong mỗi quyết sách chiến lược đối nội cũng như đối ngoại, trong mỗi thắng lợi của tiền tuyến cũng như ở hậu phương, trên chiến trường cũng như trên bàn đàm phán, trong giai đoạn mở đầu cũng như giai đoạn kết thúc chiến tranh, ở đâu cũng có dấu ấn tư duy độc lập, trí tuệ sáng tạo và nghị lực phi thường của Anh Ba”.
3. Sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, cả nước cùng tiến lên CNXH, đồng chí Lê Duẩn đã góp phần cùng Trung ương Đảng làm sáng tỏ nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn nhằm xác định đường lối cách mạng XHCN ở nước ta phù hợp với đặc điểm xuất phát và những điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam.
Luận điểm cho rằng phải “tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng, trong đó cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt” đã thể hiện sự nhạy bén trong việc nhìn nhận vai trò của khoa học ký thuật trong xây dựng XHCN ở nước ta. Luận điểm này cho thấy nội dung cơ bản của đấu tranh giai cấp, đấu tranh giữa hai con đường ở Việt Nam là đưa sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn. Nội dung cơ bản của luận điểm này đến Đại hội IX của Đảng vẫn được thể hiện.
Trong tư duy chiến lược về cách mạng XHCN của đồng chí Lê Duẩn, vấn đề xây dựng và phát triển văn hóa con người giữ vị trí hết sức quan trọng. Đồng chí cho rằng: Con người ta không chỉ sống với miếng cơm manh áo mà còn có đời sống tình cảm, đời sống văn hóa, những cái đó gắn liền với dân tộc. Khi nói tới văn hóa, thường nhấn mạnh lao động, lẽ phải và tình thương. Đồng chí căn dặn các nhà sư phạm, các thầy cô giáo: Phải xuất phát từ những tư tưởng, tình cảm của thời đại và những vốn đã có của dân tộc và trên cơ sở ấy mà xây dựng tri thức, tình cảm cho học sinh phù hợp với giai đoạn mới của lịch sử. Đây là những quan điểm trong tư duy sáng tạo của đồng chí Lê Duẩn trên lĩnh vực phát triển văn hóa và con người.
“Say mê” trước chiến thắng, một số cán bộ của Đảng sinh ra chủ quan, tự mãn; cộng với nhận thức sai lầm, mang tư duy, cung cách quản lý thời chiến sang áp dụng quản lý xã hội, quản lý kinh tế trong thời bình đã làm cho đất nước lâm vào trì trệ, khó khăn. Trước thực trạng đó, một lần nữa, tư duy sáng tạo, đổi mới của đồng chí Lê Duẩn đã in dấu ấn sâu đậm vào sự thành công của công cuộc đổi mới đất nước. Khái niệm “bước đi ban đầu” đã cho thấy tư duy sáng tạo, đổi mới của đồng chí Lê Duẩn. Tuy nhiên, trong không khí say sưa chiến thắng, khái niệm này đã không được ghi nhận tại đại hội IV (1976). Phải đến đại hội V của Đảng (1982) thì tư tưởng về “bước đi ban đầu” mới được trở lại cùng với sự tự phê bình về khuyết điểm chủ quan nóng vội trong xây dựng và phát triển, bảo thủ trì trệ trong quản lý kinh tế. Tư duy đổi mới đó của Đảng thể hiện bước ngoặt trong đại hội VI của Đảng (1986). Đến đại hội VII, Đảng ta đã vạch ra đường lối chung cơ bản cho toàn bộ sự nghiệp cách mạng XHCN, từ đó chỉ đạo cho công cuộc đổi mới, với Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, trong đó tư tưởng “bước đi ban đầu” dưới thuật ngữ “chặng đường đầu tiên” được đánh giá cao với nội dung có phát triển mới, và đến Đại hội VIII thì những mục tiêu của chặng đường này đã được thực hiện.
TS NGUYỄN XUÂN TRUNG - Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng