Đồng chí ĐỖ VĂN CHIẾN, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam:
Huy động sức mạnh nhân dân
Theo số liệu điều tra dư luận xã hội mới đây do Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện, có 93% số người được hỏi bày tỏ tin tưởng vào công cuộc đấu tranh PCTN, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta. Nhiều ý kiến nhận xét, Trung ương thi hành kỷ luật với hình thức cao nhất là khai trừ ra khỏi Đảng hai Ủy viên Trung ương trong cùng một vụ án không chỉ khiến dư luận trong nước “bàng hoàng”, mà dư luận nước ngoài cũng “dậy sóng” vì quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong công cuộc đấu tranh PCTN, tiêu cực; không bao che, dung túng cho bất cứ ai, ở bất cứ vị trí nào.
Với trách nhiệm của thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam các cấp sẽ phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, nỗ lực cao nhất, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, huy động sức mạnh của nhân dân tích cực tham gia công cuộc đấu tranh PCTN, tiêu cực.
 |
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh:TTXVN |
Tập trung hoàn thành đề án cơ cấu tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan Trung ương MTTQ Việt Nam trình Bộ Chính trị xem xét, phê duyệt, trong đó có một ban chuyên trách theo dõi công tác giám sát, phản biện xã hội, PCTN, tiêu cực; tham mưu trình Ban Bí thư ban hành chỉ thị tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác giám sát, phản biện xã hội; tham gia ý kiến làm sâu sắc, đậm nét thêm mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ trong Chiến lược xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Bên cạnh đó, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung Luật MTTQ Việt Nam theo hướng mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội; nghiên cứu xây dựng, ban hành Luật Giám sát của nhân dân; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở...
Cùng với phát huy vai trò nòng cốt của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận để nhân dân làm chủ, thực hiện đúng đắn, thực chất hơn nữa phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng", cần thực hiện tốt chỉ đạo của Bộ Chính trị, với yêu cầu: Nâng cao chất lượng công tác phản biện xã hội đối với quy trình lập pháp và giám sát việc thực hiện pháp luật; chú trọng bản lĩnh, ý thức chính trị, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào trong quá trình giám sát, phản biện xã hội. Trong đó, chú trọng hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật, huy động sức mạnh của nhân dân tham gia PCTN, tiêu cực.
----------------------------------
Đồng chí PHAN VĂN MÃI, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh:
Tập trung rà soát, khắc phục những kẽ hở, bất cập
Mặc dù có nhiễu nỗ lực và đạt được một số kết quả nhưng Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhận thấy công tác phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng trên địa bàn vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Trong đó, công tác tự phát hiện tham nhũng, tiêu cực ở từng cơ quan, đơn vị chưa cao; công tác xử lý một số vụ án, vụ việc còn kéo dài, hiệu lực chưa nghiêm; công tác dự báo, phát hiện chưa được quan tâm đúng mức, chưa theo kịp tình hình.
Để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao hiệu quả trong công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực, Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh tập trung quán triệt đến người đứng đầu các cấp, nhất là người đứng đầu các cơ quan nội chính về quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo, nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, để từ đó nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, sự cần thiết của công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.
Đồng thời, tiếp tục đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của cán bộ, đảng viên vào nền nếp, thường xuyên và thực chất; gắn với tiếp tục thực hiện việc trình bày chương trình hành động khi nhận nhiệm vụ, xem đây là cam kết chính trị đối với Đảng và nhân dân, là danh dự của người cán bộ.
Việc quan trọng là lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy, các cơ quan nội chính phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng của cán bộ cơ quan, đơn vị mình; chú trọng PCTN, tiêu cực trong các cơ quan có chức năng PCTN, tiêu cực; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các ngành, lĩnh vực, địa phương dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ quan nội chính trong công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm tham nhũng, kinh tế, chức vụ; kịp thời xem xét, xử lý trách nhiệm nếu có vi phạm.
Thành phố chú trọng tổ chức lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ các cơ quan nội chính về công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực; phát huy vai trò tự giám sát, tự phát hiện, giám sát của các cơ quan dân cử, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, tổ chức chính trị-xã hội, báo chí và nhân dân, giúp phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Thành phố cũng tập trung vào công tác rà soát, khắc phục những kẽ hở, bất cập và triển khai các giải pháp phòng ngừa, đồng thời làm tốt công tác điều phối, kiểm tra, đôn đốc xử lý các vụ việc, vụ án.
---------------------------------------
Đồng chí LÊ MINH TRÍ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao:
Khắc phục hậu quả, thu hồi tài sản tham nhũng
Đấu tranh PCTN, tiêu cực là góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm tốt sẽ được dân tin, đồng tình ủng hộ. Đây là yếu tố quyết định thành công của cách mạng nên dù khó khăn, phức tạp, chúng ta cũng phải làm. Do đó, cần phải tiếp tục xử lý nghiêm những đối tượng cố ý tham nhũng, tiêu cực, gây hậu quả nghiêm trọng để răn đe, giáo dục; ban hành, bổ sung kịp thời chính sách, pháp luật về quản lý và chế tài trách nhiệm trong quản lý, nhất là các lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, dễ tham nhũng, tiêu cực nhằm kiểm soát chặt chẽ, bịt các lỗ hổng.
Thực tế cho thấy, chính sách, pháp luật phục vụ phát triển chưa nhiều so với chính sách, pháp luật quản lý, kiểm soát, nên cần ban hành nhiều chính sách, pháp luật tạo động lực phát triển, thu hút nguồn lực và khuyến khích năng động, sáng tạo; đồng thời phải bảo đảm có quy định hành lang pháp lý an toàn, hạn chế rủi ro đối với người thực hiện. Nếu có khoảng trống thì kẻ xấu sẽ lợi dụng vi phạm; còn không có hành lang pháp lý bảo đảm an toàn thì người tốt sẽ có tâm lý lo sợ rủi ro, không dám năng động, sáng tạo, không có động lực phấn đấu trong thực hiện nhiệm vụ.
Ngày 22-9-2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, nhưng buộc tội thì bằng pháp luật, có chương, có điều khoản cụ thể nên Kết luận 14 cần tiếp tục chỉ đạo cụ thể hóa hơn nữa để đạt được mục đích đề ra.
Đấu tranh PCTN, tiêu cực là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, cần đồng bộ về quan điểm, chủ trương, nhận thức, cách làm và thậm chí cần đổi mới, bổ sung quan điểm, cách làm mới để đạt hiệu quả tốt hơn. Cụ thể làm sao để có thể thu hồi tài sản nhà nước bị tham nhũng, chiếm đoạt, thất thoát và khắc phục hậu quả tốt hơn nữa; đồng thời tăng tính phòng ngừa và giảm xử lý hình sự đối với người vi phạm, khi đó cuộc đấu tranh PCTN, tiêu cực sẽ thành công hơn.
Kết quả công tác PCTN, tiêu cực đạt được trong 10 năm qua đáng trân trọng và cần tiếp tục phát huy chủ trương, cách làm tốt. Qua tổng kết cần lắng nghe ý kiến nhiều chiều của cán bộ, đảng viên, người dân để bổ sung cách làm mới, có quan điểm, chủ trương mới, từ đó cụ thể hóa bằng quy định của pháp luật, có phân công nhiệm vụ trong thực hiện để đạt hiệu quả tốt hơn.
--------------------------------------
Đồng chí TRẦN VĂN RÓN, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương:
Tăng cường quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương
Tình hình vi phạm của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) ngày càng diễn biến phức tạp, tinh vi trong các vi phạm, nghiêm trọng hơn về mức độ, nguy cơ gia tăng về số lượng; các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm, lạm quyền, lộng quyền, vi phạm nguyên tắc tổ chức của Đảng còn nghiêm trọng ở nhiều cấp, nhiều ngành.
Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương nhận thấy cần tổ chức thực hiện hiệu quả Kết luận 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm CB, ĐV suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực, lãng phí để giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Đồng thời, khắc phục sơ hở, bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật trên nhiều lĩnh vực, trong đó có một số lĩnh vực đang nóng hiện nay, như: Việc định giá, đấu giá tài sản, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần khẩn trương rà soát, sửa chữa, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật, nhất là pháp luật về đấu giá, đấu thầu, quản lý, sử dụng đất đai, tài chính, chứng khoán...
Bên cạnh những nội dung trên, cần thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm nêu gương của CB, ĐV, nhất là người đứng đầu; tăng cường quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu để xảy ra các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị thuộc trách nhiệm phụ trách và quản lý.
Việc phối hợp giữa UBKT với các cơ quan, đơn vị có liên quan như thanh tra, kiểm toán, điều tra tố tụng, các cơ quan có chức năng để giám định cũng cần chặt chẽ, nhuần nhuyễn. Trong phát hiện, xử lý tổ chức đảng và đảng viên vi phạm, về việc thu hồi, xử lý việc quản lý, sử dụng tiền vi phạm, cần có sự kiểm tra của cấp ủy và UBKT các cấp nhằm thu hồi, trả lại cho ngân sách nhà nước tài sản đã bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế tiêu cực.