Trong bản viết vào năm 1965 và năm 1969, Người đều khẳng định: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể sẽ kéo dài mấy năm nữa. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn. Còn non, còn nước, còn người/ Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay. Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam, Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà…” Niềm tin và ý chí của Bác trong Di chúc là rất mãnh liệt, được Người 4 lần nhấn mạnh cụm từ “nhất định” trong một đoạn ngắn.
Tháng 5-1968, Bác tiếp tục viết Di chúc, đọc và sửa chữa những phần đã viết. Với niềm tin chiến thắng giặc Mỹ xâm lược, Người căn dặn thêm nhiều điểm cụ thể về những công việc sau khi kháng chiến thắng lợi. Đoạn viết thêm vào Di chúc năm 1968, Bác dặn: “Ngay sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi, công việc toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phải ra sức làm là mau chóng hàn gắn vết thương nghiêm trọng do đế quốc Mỹ gây ra trong cuộc chiến tranh xâm lược dã man. Đó là một công việc cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn. Chúng ta phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo, để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm. Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”.
 |
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm đơn vị công binh bắc cầu phao ban đêm (tháng 2-1966). Ảnh tư liệu. |
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta ở thời điểm sau Chiến dịch Mậu Thân 1968 chịu nhiều hy sinh, tổn thất, gặp muôn vàn khó khăn, gian khổ. Nhưng, chính vào thời điểm ấy, Bác vẫn tin tưởng: “Cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ nhất định thắng lợi”. Và ngay khi mở đầu Di chúc của lần viết cuối vào tháng 5- 1969, Người đã viết bổ sung những lời căn dặn đồng bào và chiến sĩ cả nước: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”. Điều đó chứng tỏ niềm tin tất thắng và ý chí quyết tâm của Người ngày càng mãnh liệt hơn.
Niềm tin và ý chí quyết tâm giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của Bác không phải là mong muốn chủ quan, mà xuất phát từ những cơ sở khoa học. Khi nhân dân ta phải bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đã có nhiều nước anh em, bạn bè trên thế giới khuyên chúng ta không nên đối đầu với đế quốc Mỹ, vì Mỹ là cường quốc số một của thế giới. Đặc biệt, sau thất bại trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, nhằm cứu vãn chế độ Sài Gòn, đế quốc Mỹ đẩy mạnh chiến tranh xâm lược Việt Nam, ồ ạt đưa quân đội, vũ khí trang bị vào miền Nam Việt Nam, thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ”. Ở miền Bắc, không quân Mỹ ném bom phá hoại đường sá, cầu cống, nhà máy, xí nghiệp, nhằm khuất phục ý chí độc lập thống nhất của nhân dân ta. Vậy mà, trong hoàn cảnh đó, trong Di chúc Người viết: “Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng 2 đế quốc to - là Pháp và Mỹ; và đã góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc”. Đó không chỉ là ý chí, niềm tin mà còn là một dự báo tương lai hoàn toàn chính xác của bậc vĩ nhân với tầm nhìn xa, trông rộng.
Niềm tin và ý chí của Người được xây dựng trên cơ sở nắm vững lý luận khoa học Mác - Lênin, cùng với sự từng trải trong thực tiễn đấu tranh cách mạng. Nếu so sánh lực lượng giữa ta và địch về quân sự và kinh tế là quá chênh lệch, ta gặp nhiều khó khăn. Nhưng thiên tài của Hồ Chí Minh ở chỗ, chính Người đã nhìn thấu suốt được sức mạnh vĩ đại mà nhân dân Việt Nam có được. Sức mạnh này, trước hết bắt nguồn từ, đường lối kháng chiến, kiến quốc, độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta; nhất là đường lối chính trị, quân sự, biểu hiện tập trung ở đường lối quốc phòng toàn dân, đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện; đường lối xây dựng LLVT nhân dân. Là ý chí quyết tâm, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh của đồng bào, chiến sĩ trên cả hai miền Nam, Bắc vì mục tiêu giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là sự kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; sức mạnh của tình đoàn kết chiến đấu của nhân dân ba nước: Việt Nam, Lào, Campuchia và sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Sức mạnh của truyền thống kết hợp với sức mạnh hiện tại, sức mạnh của tiền tuyến lớn miền Nam và hậu phương lớn miền Bắc XHCN. Cốt lõi của sức mạnh ấy là ý chí quyết tâm của cả dân tộc: “Thà chết không chịu làm nô lệ”, “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.
Thực hiện Di chúc của Bác, cả nước sôi sục khí thế quyết tâm, tạo nên một khí thế cách mạng cao, quyết giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Ngoài chiến trường, bộ đội thi đua giết giặc lập công; ở hậu phương thực hiện khẩu hiệu: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Quân và dân hai miền Nam - Bắc luôn kề vai sát cánh đánh thắng và làm thất bại từ “chiến tranh đơn phương”, “chiến tranh đặc biệt”, “chiến tranh cục bộ”, đến “Việt Nam hoá chiến tranh”, buộc đế quốc Mỹ phải rút quân về nước. Nắm lấy thời cơ có một không hai, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta thực hiện “đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30-4-1975, thực hiện trọn vẹn mong ước của Người.
Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước là thắng lợi của đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn, sáng suốt của Đảng ta; là thắng lợi của niềm tin sắt đá và ý chí cách mạng tiến công; là quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện Di chúc và lời hứa trước anh linh của Người. Di chúc bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi là nguồn sức mạnh tinh thần dẫn dắt toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trên con đường cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Đại tá, PGS, TS NGUYỄN VĂN SÁU (Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng)