Tiếng Việt kết nối các thế hệ kiều bào với quê hương
Tại hội nghị, chia sẻ bên lề phiên chuyên đề “Kiều bào-sứ giả văn hóa và ngôn ngữ tiếng Việt”, nhiều đại biểu kiều bào đau đáu phải làm sao để tiếng Việt có thể trở thành sợi dây kết nối bền vững các thế hệ sau với quê hương, ngấm được nhiều hơn văn hóa Việt, để tình yêu với Việt Nam ngày càng mạnh mẽ. Từ nỗi trăn trở đó, phong trào dạy và học tiếng Việt đã được cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hưởng ứng sôi nổi.
|
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính với các đại biểu kiều bào tại hội nghị. Ảnh: TRỌNG HẢI |
Bà Lê Thị Thương, Phó chủ tịch Liên hiệp hội người Việt Nam tại Nhật Bản cho hay, sau một thời gian tìm hiểu và biết được phụ huynh rất muốn cho con theo học tiếng Việt, trong khi những lớp nhỏ lẻ chưa đủ sức lan tỏa tinh thần và ham muốn học tập, Hội người Việt Nam ở Nhật Bản quyết định thành lập dự án cộng đồng mang tên Trường Việt ngữ Cây Tre. Sức hút từ dự án này cho thấy những thành công bước đầu, khi ngày càng có nhiều trẻ trong các gia đình người Việt tại Nhật Bản đăng ký tham gia học tiếng Việt, đồng thời ý thức được rằng tiếng Việt là văn hóa, là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam.
Tương tự, bà Trần Thị Hiền, kiều bào tại Hàn Quốc đã kết hợp với địa phương và trường học sở tại mở lớp dạy tiếng Việt cho các bé có bố hoặc mẹ là người Việt, dạy thêm kiến thức về văn hóa Việt Nam, tổ chức các cuộc thi bằng tiếng Việt dành cho các bé, giúp thế hệ trẻ có thêm nhiều trải nghiệm cũng như cơ hội thực hành tiếng Việt.
Các đại biểu đều chung nhận định, thời gian qua, cộng đồng người Việt trong và ngoài nước đã nỗ lực khơi dậy và lan tỏa tình yêu tiếng Việt. Qua đó không chỉ giúp bảo tồn và phát triển ngôn ngữ tiếng Việt mà còn giúp gìn giữ bản sắc văn hóa Việt Nam. Dù sống xa Tổ quốc, bà con kiều bào vẫn nuôi dưỡng, phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, nêu cao ý thức gìn giữ truyền thống văn hóa và hướng về cội nguồn, dòng tộc, hướng tới gia đình và quê hương.
Tài sản lớn nhất của Việt Nam là con người
Tiến sĩ Lê Viết Quốc, nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) tại tập đoàn công nghệ Mỹ Google cho biết, anh rời Việt Nam đi du học năm 19 tuổi. Tính đến nay, anh đã sống ở nước ngoài 23 năm. Song trong những giấc mơ của anh, tình yêu đất nước và hình ảnh Việt Nam vẫn luôn luôn hiện hữu. Đến thành phố nào trên thế giới, anh cũng tìm ăn món phở Việt Nam. Cũng đã tròn 20 năm hành trình của anh gắn liền với AI và anh ý thức rõ AI chính là chìa khóa mở ra những cuộc cách mạng tương lai.
Theo Tiến sĩ Lê Viết Quốc, Việt Nam cần nhìn nhận cuộc cách mạng AI “đang diễn ra như một cơn sóng ngầm và một ngày nào đó sẽ bùng nổ thành cơn sóng thần cuốn trôi tất cả”. Trong thập kỷ tới, đây sẽ là một thách thức lớn khi nhiều công việc truyền thống hoàn toàn được tự động hóa. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội vô cùng lớn cho Việt Nam. Trong khi nhiều quốc gia khác vẫn tiếp tục bị ràng buộc bởi các công việc hiện tại, Việt Nam có thể tiến thẳng lên và phát triển cùng AI. Tài sản lớn nhất của Việt Nam chính là con người, do đó, cần đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục AI, thậm chí, xây dựng một trường đại học tầm cỡ châu Á về AI, với các chương trình đào tạo chuyên sâu ngay từ những năm đầu. Tiến sĩ Lê Viết Quốc vui mừng cho biết, nhân dịp anh về nước lần này, Google đã quyết định đầu tư vào chương trình giáo dục AI tại Đại học Fulbright Việt Nam. Anh tin tưởng việc đầu tư này sẽ đặt nền tảng vững chắc cho sự đổi mới giáo dục trong lĩnh vực AI tại Việt Nam.
Cùng với đó, Tiến sĩ Lê Viết Quốc chia sẻ thêm, cần tìm cách tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao; tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp đa dạng và mạnh mẽ; tập trung phát triển các ứng dụng của AI; thành lập một hội đồng cố vấn cấp cao về chip bán dẫn và AI nhằm đưa ra những quyết sách nhanh chóng và chính xác trong các lĩnh vực mũi nhọn này.
HIỀN MINH - LINH PHƯƠNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.