Đồng chí Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội vẫn giữ nguyên những ký ức tốt đẹp về đồng chí Nguyễn Phúc Thanh. Theo đồng chí Vũ Mão, trưởng thành từ môi trường quân đội nên khi đảm nhiệm cương vị Phó chủ tịch Quốc hội kiêm nhiệm Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội là công việc hoàn toàn mới mẻ đối với đồng chí Nguyễn Phúc Thanh. Tuy nhiên, phát huy bản chất Bộ đội Cụ Hồ, đồng chí Nguyễn Phúc Thanh luôn khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội, nghiêm túc học hỏi, trau dồi kiến thức, kỹ năng. Nhờ vậy, đồng chí rất nhanh chóng nắm bắt và thích nghi với công việc mới.

Bấy giờ, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội mới được thành lập từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX, còn rất non trẻ. Tiếp bước người tiền nhiệm là Trung tướng Đặng Quân Thụy, đồng chí Nguyễn Phúc Thanh đã dồn tâm huyết và công sức, góp phần tích cực xây dựng, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, trong đó tăng cường hoạt động giám sát và phối hợp tiến hành hoạt động giám sát. Bởi vậy, hiệu quả hoạt động giám sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh thời kỳ này được nâng lên rõ rệt, khắc phục từng bước tính hình thức trong hoạt động giám sát.

Đồng chí Nguyễn Phúc Thanh đã để lại những dấu ấn quan trọng trong công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao, đặc biệt trong việc xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Với những quan điểm sai trái, luận điểm xuyên tạc, đồng chí Nguyễn Phúc Thanh luôn tích cực đấu tranh, phản bác quyết liệt. Tuy nhiên, với những góp ý đúng đắn, mang tính xây dựng, đồng chí luôn trân trọng lắng nghe, tiếp thu. Đồng chí Vũ Mão nhớ lại: “Anh Nguyễn Phúc Thanh là người có đạo đức trong sáng, sống chân thành, giản dị, tình nghĩa; luôn quan tâm và tích cực đóng góp cho đồng chí, đồng đội, quê hương, cho Đảng và Nhà nước; là mẫu người luôn sẵn sàng đón nhận những điều mới mẻ nhưng đúng đắn và luôn quyết liệt đấu tranh chống lại những sai trái, tiêu cực trong xã hội cũng như trong cơ quan, tổ chức”.

Nói chuyện về đồng chí Nguyễn Phúc Thanh, một số nhà báo kỳ cựu vẫn nhắc tới những “viên gạch nền móng” đổi mới trong hoạt động của Quốc hội đã được đồng chí Nguyễn Phúc Thanh cùng các đồng chí lãnh đạo Quốc hội thời kỳ đó đặt ra. Chẳng hạn, ngày nay, Quốc hội đang đẩy mạnh các hoạt động tranh luận để làm rõ những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, từ đó tìm ra phương án giải quyết tốt nhất và đạt được sự đồng thuận cao nhất. Trước đó, đồng chí Nguyễn Phúc Thanh và các đồng chí lãnh đạo Quốc hội đã rất chú trọng các hoạt động tranh luận tại hội trường. Ví dụ, tại phiên họp ngày 7-6-2006, khi điều hành nội dung thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động, đồng chí Nguyễn Phúc Thanh đã đề nghị các đại biểu tranh luận để làm rõ nhiều vấn đề mới được nêu ra.

Trong quá trình điều hành các phiên họp, đồng chí Nguyễn Phúc Thanh cũng thường nhấn mạnh tinh thần xây dựng luật phải mang tính đồng bộ, phù hợp trong cả hệ thống pháp luật, tránh tình trạng xây dựng luật tạo ra sự xung đột trong hệ thống pháp luật, gây khó khăn trong quá trình triển khai thi hành sau này. Nhiều nhà báo rất ấn tượng với phương pháp điều hành khoa học, có tính thuyết phục cao của đồng chí Nguyễn Phúc Thanh. Chẳng hạn, khi điều hành phiên thảo luận chiều 26-10-2006 về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bình đẳng giới, có đại biểu cho rằng dự luật không có điểm gì mới. Tuy nhiên, trên cơ sở dự thảo và các ý kiến phát biểu, đồng chí Nguyễn Phúc Thanh đã bày tỏ chính kiến của mình và tranh luận rất thẳng thắn với từng đại biểu Quốc hội. Hay, tại phiên họp sáng 7-11-2006, khi Quốc hội thảo luận tại hội trường về đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề, đồng chí Nguyễn Phúc Thanh đã thẳng thắn đề nghị các đại biểu chỉ rõ những địa chỉ cụ thể, những hạn chế cụ thể, tránh tư tưởng ngại va chạm, né tránh, hữu khuynh. Trong quá trình điều hành, khi thấy các đại biểu phát biểu có phần dài dòng, trùng lặp, đồng chí Nguyễn Phúc Thanh cũng thẳng thắn nhắc nhở để nâng cao hiệu quả thảo luận, tạo điều kiện cho nhiều đại biểu được phát biểu ý kiến…

Đồng chí Nguyễn Phúc Thanh đã từ trần, nhưng những đóng góp của đồng chí với Đảng, Nhà nước, quân đội, nhất là với Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội sẽ vẫn luôn được nhắc đến sau này…

CHIẾN THẮNG