Sự lãnh đạo của Đảng ngay từ đầu đã được bảo đảm bởi những điều kiện căn bản. Đó là có lý luận tiền phong hướng dẫn là Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng cách mạng sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc. Là Cương lĩnh chính trị, đường lối giải quyết những mâu thuẫn chủ yếu của một xã hội thuộc địa, phong kiến. Có hệ thống tổ chức đảng có tính kỷ luật từ Trung ương đến cơ sở hoạt động theo những nguyên tắc của Đảng cách mạng kiểu mới, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ. Cũng ngay từ đầu, Trung ương Đảng đã đặc biệt chú trọng nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện trong Đảng và quần chúng cách mạng, tổ chức hoạt động của ngành tuyên giáo.

Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản ấn hành cuốn sách Ngày Quốc tế đỏ mồng một tháng Tám (1930). Cơ quan cổ động tuyên truyền của Đảng chính thức hoạt động. Nói chính thức là vì trên thực tế công tác tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các chiến sĩ cách mạng tiền bối thực hiện bài bản khi chuẩn bị những điều kiện để thành lập Đảng, truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ các chiến sĩ cách mạng và quần chúng được coi trọng trước hết để tiến tới xây dựng các tổ chức cách mạng tiền thân của Đảng-Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và Tân Việt. Vai trò của sách báo là những định hướng, hướng dẫn rất quan trọng. Báo Le Paria (Người cùng khổ) 1-4-1922, Báo Thanh niên (21-6-1925) do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Cuốn Đường Cách mệnh của Nguyễn Ái Quốc do Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp Các dân tộc bị áp bức ấn hành (1927) và trước đó là cuốn Bản án chế độ thực dân Pháp (1925) của Nguyễn Ái Quốc.

Có thể khẳng định lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đi đầu và đặt nền móng vững chắc, định hướng cơ bản cho hoạt động của ngành tuyên giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau Ngày thành lập Đảng, cùng với xây dựng tổ chức, lực lượng làm công tác tuyên giáo, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng đã trực tiếp làm và chỉ đạo công tác tuyên giáo, đặc biệt chú trọng vai trò của báo chí. Tuyên truyền, giáo dục, vận động và tổ chức phong trào cách mạng cần thiết phải phát huy vai trò của các tờ báo, tạp chí. Thực hiện chỉ dẫn của V.I.Lênin: “Vai trò của tờ báo không phải chỉ đóng khung ở chỗ phổ biến tư tưởng, giáo dục chính trị và thu hút những bạn đồng minh chính trị. Tờ báo không những chỉ là người tuyên truyền tập thể và cổ động tập thể, mà còn là người tổ chức tập thể”(1).

Ngày 5-8-1930, Trung ương Đảng đã xuất bản Tạp chí Đỏ, sau đó đổi thành Tạp chí Cộng sản, cơ quan Trung ương của Đảng. Ngày 15-8-1930, Trung ương Đảng xuất bản Báo Tranh đấu. Từ tháng 8 đến cuối năm 1930, các xứ ủy và một số đảng bộ tỉnh, thành phố cũng có tờ báo riêng. Xứ ủy Bắc Kỳ có Báo Tiến lên, Xứ ủy Trung Kỳ ra Báo Người lao khổ, Xứ ủy Nam Kỳ có Báo Lao khổ. Công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, lý luận, đường lối của Đảng phát triển mạnh mẽ có vai trò tích cực trong hướng dẫn chỉ đạo đấu tranh của Trung ương Đảng và các tổ chức đảng địa phương, góp phần thúc đẩy cao trào cách mạng 1930-1931 và Xô viết Nghệ Tĩnh.

Hội nghị Trung ương tháng 10-1930 đã thông qua Luận cương chính trị do Tổng Bí thư Trần Phú soạn thảo, đổi tên Đảng thành Đảng Cộng sản Đông Dương, Trung ương cũng ban hành nghị quyết quan trọng. Về công tác tuyên truyền, Trung ương nhấn mạnh: “Đảng phải làm cho càng ngày càng đông quần chúng biết mục đích của Đảng và ý kiến của Đảng đối với các việc quan trọng xảy ra. Muốn được như thế thì Đảng phải mở rộng việc tuyên truyền cổ động ra (báo sách, truyền đơn, diễn thuyết v.v..). Tài liệu huấn luyện phải viết cho rõ ràng, dễ hiểu và in cho sạch sẽ”(2).

Cuối tháng 12-1930, Tổng Bí thư Trần Phú chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp tại Sài Gòn bàn về đẩy mạnh công tác tuyên truyền và giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên. Tại hội nghị, đồng chí Trần Phú nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, giáo dục đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thường vụ Trung ương cũng chủ trương xuất bản Báo Cờ vô sản và Tạp chí Cộng sản.

Năm 1930, những vấn đề căn bản về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức của cơ quan làm tuyên truyền, giáo dục, các ngành tuyên giáo đã định rõ và hoạt động theo sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương, Ban Thường vụ Trung ương và Tổng Bí thư.

Thành công nổi bật công tác tuyên giáo của Đảng những năm 1936-1939 là tranh thủ những cải cách dân chủ của chính quyền Pháp ở thuộc địa. Đảng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, báo chí, xuất bản sách chính trị, mít tinh, diễn thuyết, đấu tranh nghị trường, đã giác ngộ chính trị cho hàng triệu quần chúng, nâng cao trình độ nhận thức về đường lối, chủ trương của Đảng và về lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên. Đảng đã kiên quyết chống những thế lực phản động, thù địch, nhất là nhóm Tơrốtxkít phá hoại đường lối của Đảng và phong trào cách mạng.

Trong cao trào giải phóng dân tộc 1939-1945 dẫn tới thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám, đường lối của Đảng là giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết, đại đoàn kết toàn dân đấu tranh giành độc lập, giành chính quyền. Công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân phát huy tinh thần yêu nước, tự lực, tự cường, quyết “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, trở thành nội dung chủ yếu, xuyên suốt của Đảng và ngành tuyên giáo.

Cách mạng Tháng Tám 1945 thắng lợi, Đảng Cộng sản cầm quyền trên cả nước. Thực dân Pháp quay lại xâm lược Việt Nam (23-9-1945), quân Đồng minh kéo vào giải giáp quân Nhật. Trong tình thế giặc ngoài, thù trong “ngàn cân treo sợi tóc”, Đảng phải rút vào bí mật và vẫn lãnh đạo Nhà nước “kín đáo, khôn khéo”. Đường lối của Đảng là vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, triệt để lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù, thực hành nhân nhượng có nguyên tắc, để bảo vệ chính quyền cách mạng, giữ vững nền độc lập, hòa để tiến. Công tác tuyên truyền, giáo dục của Đảng hướng vào trọng tâm đó, tạo sự nhất trí về chính trị, thống nhất hành động trong Đảng, bộ máy chính quyền và nhân dân. Tăng cường công tác lý luận với vai trò của Hội nghiên cứu Chủ nghĩa Mác. Đấu tranh chống các thế lực phản động xuyên tạc đường lối của Đảng, chia rẽ nhân dân với Đảng, Chính phủ, chia cắt đất nước.

Khi những nhân nhượng để giải quyết cuộc chiến tranh bằng phương pháp hòa bình không thực hiện được và thực dân Pháp đã bộc lộ dã tâm xâm lược, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động toàn quốc kháng chiến từ đêm 19 rạng 20-12-1946. Đường lối của Đảng là kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài và dựa vào sức mình là chính. Trong điều kiện Đảng cầm quyền lãnh đạo kháng chiến và kiến quốc, bộ máy và lực lượng cán bộ làm công tác tuyên giáo không ngừng phát triển từ cấp Trung ương đến địa phương, các khu ủy, liên khu ủy, xứ ủy và Trung ương Cục miền Nam (1951). Tháng 10-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm nổi tiếng "Sửa đổi lối làm việc" đề cập sâu sắc công tác xây dựng Đảng về tư tưởng, lý luận, chính trị, tổ chức và rèn luyện đạo đức cách mạng. Nội dung cơ bản của công tác tuyên truyền, giáo dục trong Đảng là định hướng cơ bản cho công tác tuyên giáo.

Đại hội II của Đảng (2-1951) đưa Đảng ra hoạt động công khai lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam. Báo cáo chính trị do Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày và Chính cương Đảng Lao động Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh trình bày đã tổng kết sâu sắc lý luận và thực tiễn cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam, hoàn thành giải phóng dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Công tác tuyên giáo của Đảng tập trung tuyên truyền, giáo dục cương lĩnh, đường lối của Đảng.

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Việt Nam tạm thời chia làm hai miền với chế độ chính trị khác nhau. Đảng phải lãnh đạo tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng: Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, chống Mỹ, cứu nước để đi đến thống nhất Tổ quốc. Công tác tuyên giáo với trọng tâm là tuyên truyền, giáo dục đường lối cách mạng của Đảng ở hai miền do Đại hội III của Đảng (9-1960) đề ra. Nâng cao nhận thức trong Đảng về Chủ nghĩa Mác-Lênin, làm cho lý luận đó trở thành hệ tư tưởng của toàn dân, nêu cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Phát huy tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng và đoàn kết dân tộc để hoàn thành giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đấu tranh chống những quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ Chủ nghĩa Mác-Lênin và đường lối của Đảng. Lực lượng và tổ chức làm công tác tuyên giáo phát triển mạnh mẽ. Ban Tuyên giáo Trung ương và ban tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy là lực lượng nòng cốt trên mặt trận tư tưởng, tiến hành cách mạng tư tưởng và văn hóa đồng thời với cách mạng về quan hệ sản xuất và cách mạng khoa học-kỹ thuật. Ở miền Nam, Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục (từ 1961) đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp kháng chiến.

Nhờ tăng cường công tác giáo dục tư tưởng, chính trị, phê phán những quan điểm sai trái, đã tạo được sự thống nhất về chính trị, tư tưởng, quan điểm trong Đảng, lãnh đạo sự nghiệp cách mạng vượt qua nhiều thách thức, đi đến toàn thắng ngày 30-4-1975.

Sau khi đất nước thống nhất, Đảng lãnh đạo nhân dân cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội, khắc phục những hậu quả nặng nề do chiến tranh để lại, phải tiến hành chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, thực hiện nghĩa vụ quốc tế với Campuchia, khắc phục khủng hoảng kinh tế-xã hội và tiến hành công cuộc đổi mới từ năm 1986 đến nay. Công tác tuyên giáo đã luôn luôn đi đầu tuyên truyền, giáo dục đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao trình độ tư tưởng, lý luận, bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên, niềm tin của nhân dân, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức cả ở trong nước và quốc tế, giữ vững lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Cuối năm 1980, chủ nghĩa đế quốc đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình” làm thất bại chủ nghĩa xã hội không cần chiến tranh; chủ nghĩa xét lại một lần nữa phá hoại sự cầm quyền của các đảng cộng sản, đẩy các nước xã hội chủ nghĩa lâm vào khủng hoảng trầm trọng và toàn diện dẫn tới sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu 1989-1990 và ở Liên Xô 1991. Các thế lực chống cộng, chống chủ nghĩa xã hội thực hiện những thủ đoạn quyết liệt: Phủ nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin và thành quả to lớn của chủ nghĩa xã hội trong lịch sử loài người; hạ thấp và phủ định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, thúc đẩy chủ nghĩa đa nguyên chính trị (Political Pluralism) và chế độ đa đảng (Multy-Party regime) cổ vũ dân chủ hóa, công khai hóa hướng theo nền dân chủ tư sản phương Tây; đòi từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa; cổ động cho đạo đức, lối sống tư sản.

Đảng Cộng sản Việt Nam tỏ rõ quan điểm đúng đắn và bản lĩnh chính trị vững vàng trong xử lý tình huống hiểm nghèo. Hội nghị Trung ương 6, khóa VI (3-1989) đã đề ra 5 nguyên tắc chỉ đạo sự nghiệp đổi mới. Các nguyên tắc là “lá chắn thép” bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ con đường xã hội chủ nghĩa và cho đến nay vẫn nguyên giá trị. Hội nghị Trung ương 7, khóa VI (8-1989) đã ban hành Nghị quyết "Một số vấn đề cấp bách về công tác tư tưởng trước tình hình trong nước và quốc tế hiện nay". Nghị quyết nêu rõ: “Đảng ta luôn luôn trung thành với Chủ nghĩa Mác-Lênin, quán triệt bản chất cách mạng và khoa học của nó, vận dụng một cách sáng tạo vào điều kiện nước ta. Các tổ chức của Đảng phải hết sức quan tâm triển khai việc giáo dục Chủ nghĩa Mác-Lênin một cách rộng rãi trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, mở rộng và tăng cường trận địa tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Đấu tranh chống lại mọi luận điệu phủ nhận, xuyên tạc Chủ nghĩa Mác-Lênin”(3).

Đó là nội dung cơ bản, hàng đầu của công tác tư tưởng, công tác tuyên giáo. Cần chú ý rằng, ở thời điểm lịch sử đó, các thế lực phản động trong nước câu kết với lực lượng thù địch trong số người Việt lưu vong ở nước ngoài ra sức phá hoại về tư tưởng, chính trị, lĩnh vực văn hóa, văn nghệ với chiến dịch “chuyển lửa về quê nhà”, hàng ngàn đầu sách, báo phản động “sách báo đen”, “video đen”. Trong Đảng có một số cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cao cấp đã phụ họa với địch. Đảng đã kiên quyết xử lý để giữ vững ổn định tư tưởng, chính trị, bảo đảm cho sự nghiệp đổi mới phát triển đúng đắn theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Đại hội VII của Đảng (6-1991) thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội xác định rõ mục tiêu, đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam xây dựng. Cương lĩnh khẳng định nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hoạt động của Đảng là Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Ngày 28-3-1992, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 01 về công tác lý luận: “Công tác lý luận phải khẳng định và làm rõ những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin, làm rõ những vấn đề cần nhận thức cho đúng, những vấn đề cần tiếp tục bổ sung, điều chỉnh và phát triển trên cơ sở tổng kết và khái quát những kinh nghiệm thực tiễn mới và những thành tựu của khoa học hiện đại. Nghiên cứu một cách toàn diện và có hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng thời chú trọng nghiên cứu những tinh hoa trí tuệ của dân tộc”(4).

Năm 1992, Ban Bí thư quyết định biên soạn bộ giáo trình quốc gia các môn lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam để giáo dục, đào tạo trong toàn Đảng và hệ thống giáo dục quốc dân. Năm 1994, Đảng đã xác định 4 nguy cơ cản trở sự phát triển của đất nước trong đó có nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa và nguy cơ “diễn biến hòa bình”. Ngày 18-2-1995, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về một số định hướng lớn trong công tác tư tưởng hiện nay. 6 định hướng lớn chính là nội dung cơ bản của công tác tư tưởng, công tác tuyên giáo triển khai thực hiện một cách toàn diện. 

Trải qua gần 35 năm đổi mới, công tác tuyên giáo của Đảng đã đóng góp xứng đáng vào những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Hiện nay, công tác tuyên giáo tiếp tục thực hiện tốt hơn chủ trương của Đại hội XII, đổi mới mạnh mẽ công tác giáo dục lý luận chính trị, học tập nghị quyết của Đảng. Chủ động thực hiện tốt Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị ngày 15-5-2016 về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Trong diễn văn kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 / 3-2-2020), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Với những thành tựu to lớn đã đạt được, chúng ta có cơ sở để khẳng định rằng, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”. Thắng lợi to lớn, tiền đồ vẻ vang, song phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trên con đường phát triển, cơ hội và thách thức đan xen nhau. Nhiệm vụ của ngành tuyên giáo trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, hội nhập quốc tế là rất nặng nề.

Hoạt động của ngành tuyên giáo 90 năm qua gắn liền với thắng lợi vẻ vang của sự nghiệp cách mạng ở mọi thời kỳ do Đảng lãnh đạo. Có thể nêu lên một số kinh nghiệm. Một là, phải nắm vững bản chất cách mạng, khoa học của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị và vận dụng vào các lĩnh vực khác của công tác tuyên giáo. Hai là, luôn luôn xuất phát từ đường lối, Cương lĩnh của Đảng, nhiệm vụ chính trị, mục tiêu cách mạng của mỗi thời kỳ để đề ra nhiệm vụ, yêu cầu của công tác tuyên giáo bảo đảm sự nhất trí về chính trị trong Đảng và nhân dân, sự đồng thuận trong xã hội. Ba là, phương thức, cách thức hoạt động của công tác tuyên giáo vừa phải bảo đảm nguyên tắc, sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Đảng, vừa chú trọng sáng tạo, nâng cao hiệu quả; chú trọng lĩnh vực báo chí, truyền thông, văn hóa, văn nghệ. Bốn là, xây dựng hệ thống tổ chức và đội ngũ cán bộ của ngành tuyên giáo vững mạnh, tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng và dân tộc, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ, năng lực để hoàn thành mọi nhiệm vụ Đảng giao cho.

PGS, TS NGUYỄN TRỌNG PHÚC

(1) V.I.Lênin Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1975, tập 5, trang 12.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 1998, tập 2, trang 116.

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2007, tập 49, trang 748.

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2007, tập 52, trang 23.