Cuộc thi viết “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới” lần thứ nhất, năm 2021-2022, do Báo Quân đội nhân dân (QĐND) phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam và Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) tổ chức, cho thấy “Đảng ta, muôn vạn tấm lòng niềm tin” trong tình cảm, niềm tin yêu của người cầm bút. Thông qua cuộc thi đã góp phần xây dựng “đội ngũ ngày càng đông” trong cuộc “bút chiến” bảo vệ vị thế, thanh danh, uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam.

 “Đường càng đi đội ngũ càng đông”

Trong khoảng hai thập niên trở lại đây, Báo QĐND đã tổ chức nhiều cuộc thi viết có ý nghĩa, như: “Phóng sự về đề tài Quốc phòng toàn dân và lực lượng vũ trang nhân dân” (2001-2002); “Giáo dục quốc phòng và xây dựng lực lượng dân quân tự vệ thời kỳ mới” (2008); “Kỷ vật kháng chiến” (2010); “Quân đội anh hùng, Quốc phòng vững mạnh” (2019) “Những tấm gương bình dị mà cao quý” (duy trì hằng năm, từ 2011 đến nay)... Các cuộc thi không chỉ để lại dư âm, ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn đọc mà còn góp phần lan tỏa những thông tin tích cực để cổ vũ, khích lệ và nhân lên những giá trị tiến bộ, nhân văn trong đời sống xã hội.

Quang cảnh phiên họp Hội đồng chung khảo cuộc thi. Ảnh: TRỌNG HẢI 

Tiếp nối thành công của các cuộc thi nêu trên, từ tháng 4-2021, Báo QĐND phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam và Ngân hàng TMCP Quân đội chính thức phát động Cuộc thi viết “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới” lần thứ nhất. So với các cuộc thi trước đây, cuộc thi này mở rộng cả về quy mô, tầm vóc, đối tượng tham gia và có mức độ yêu cầu cao hơn về chất lượng tác phẩm báo chí dự giải. Hơn nữa, đề tài cuộc thi là “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới” với nội hàm vừa rộng vừa sâu, đòi hỏi những người viết bài dự thi cần có kiến thức khoa học lý luận chính trị nhất định mới có khả năng thể hiện tác phẩm một cách mạch lạc, chặt chẽ, sắc bén để thuyết phục bạn đọc. 

Sau một năm tổ chức, với sự cộng tác tích cực của đông đảo cộng tác viên, bạn đọc và các cơ quan báo chí trong cả nước, cuộc thi năm đầu đã gặt hái được những kết quả khả quan.

Với hơn 500 tác phẩm dự giải, trong đó, 425 tác phẩm đủ điều kiện chấm giải của 30 cơ quan báo chí cả nước, đây là cuộc thi có số lượng tác giả, tác phẩm tham dự lớn nhất từ trước đến nay do Báo QĐND tổ chức. Nhiều cơ quan báo chí đã lựa chọn hàng chục tác phẩm dự giải, tiêu biểu có: Tạp chí Tuyên giáo (55 tác phẩm), Báo Quốc phòng Thủ đô (34 tác phẩm), Báo Quân khu 7 (27 tác phẩm), Báo Hànộimới (21 tác phẩm), Tạp chí Lý luận chính trị (19 tác phẩm)...

Sức hút của cuộc thi không dừng lại ở số lượng tác phẩm dự giải, mà chính là ở thành phần tác giả có tác phẩm tham dự cuộc thi. Ngoài các cây bút chuyên nghiệp ở Báo QĐND và các cơ quan báo chủ lực, có ảnh hưởng trong xã hội và có số lượng độc giả lớn như các báo: Nhân Dân, Công an nhân dân, Hànộimới, Sài Gòn giải phóng, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam... cuộc thi còn thu hút nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà báo uy tín đến từ Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Lý luận Chính trị, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, Tạp chí Tuyên giáo, Tạp chí Xây dựng Đảng và tạp chí của các học viện, trường sĩ quan quân đội như: Học viện Chính trị, Học viện Biên phòng, Trường Sĩ quan Chính trị... 

Thành công đáng kể hơn là cuộc thi quy tụ nhiều anh tài trong lĩnh vực nghiên cứu lý luận, khoa học chính trị, khoa học xã hội nhân văn đã, đang công tác tại Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Tạp chí Cộng sản... Tiêu biểu có các chuyên gia: GS, TS Vũ Văn Hiền; GS, TS Trần Hữu Tiến; GS, TS Mạch Quang Thắng; PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc; PGS, TS Nguyễn Văn Dững; PGS, TS Trương Ngọc Nam; PGS, TS Tường Duy Kiên; PGS, TS Đặng Quang Định; PGS, TS Lê Văn Lợi; PGS, TS Phan Trọng Hào; PGS, TS Bùi Thị Kim Hậu...

Cuộc thi cũng có sức hút đối với nhiều tướng lĩnh như: Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Ngọc Hồi, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Quốc phòng toàn dân; Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Văn Bạo, Giám đốc Học viện Chính trị; Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Bá Dương, Phụ trách Nhóm chuyên gia 35 Quân ủy Trung ương; Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Hùng Oanh, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Chính trị; Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Thái Sinh, Chính ủy Học viện Biên phòng; Thiếu tướng, PGS, TS Phan Xuân Tuy, Hiệu trưởng Trường Đại học An ninh nhân dân; Trung tướng Lưu Phước Lượng, nguyên Phó tư lệnh Quân khu 9; Trung tướng Lương Đình Hồng, Chính ủy Học viện Quốc phòng; Thiếu tướng Nguyễn Văn Tháp, Phó chính ủy Học viện Chính trị.

Với gần 130 tác phẩm (chiếm 30%) của các chuyên gia, nhà khoa học, tướng lĩnh tham gia viết bài, gửi tác phẩm dự thi, thêm một lần khẳng định cuộc thi có sức hút, sức lan tỏa đối với đội ngũ tri thức, tướng lĩnh-một trong những bộ phận tinh hoa của đất nước, xã hội và LLVT nhân dân Việt Nam.

Nội dung đa dạng, cách tiếp cận phong phú, sâu sắc

Bám sát đề tài, các tác phẩm dự thi đề cập nội dung đa dạng, cách tiếp cận phong phú, sâu sắc. Nhiều tác phẩm đã đề cập những vấn đề có tính căn cốt, hệ trọng liên quan đến sự sống còn của Đảng và chế độ XHCN như: Bảo vệ và làm sáng tỏ tính cách mạng, tính khoa học, tính nhân văn, tính thời đại của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; bảo vệ và làm sáng tỏ Cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng; bảo vệ tính chính danh, tính hợp pháp, tính hợp lòng dân về vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; một số vấn đề lý luận về chủ nghĩa xã hội khoa học và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta... Cùng với đó, nhiều tác phẩm đi sâu, làm rõ những vấn đề luôn bị các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, chống phá dai dẳng, như các vấn đề về dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo...

Đặc biệt, nhiều tác phẩm đã bám sát thời sự, phản ứng nhanh nhạy, đấu tranh quyết liệt với những thông tin xấu độc xuất hiện trên mạng xã hội trong thời gian gần đây như xuyên tạc văn kiện Đại hội XIII; chống phá cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; xuyên tạc, phủ nhận thành quả phòng, chống dịch Covid-19 của Đảng, Nhà nước, quân và dân ta; xuyên tạc đường lối, chính sách quốc phòng, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội; bôi nhọ hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ... Ngoài ra, một số tác phẩm dự thi đã ghi nhận những cách làm thiết thực, hiệu quả của nhiều cơ quan, đơn vị, nhà trường... trong triển khai, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Bên cạnh các nhà báo chuyên nghiệp với thế mạnh là thông tin nhanh nhạy, kịp thời nhận diện, đấu tranh với các luận điệu sai trái, thù địch thông qua các bài viết mang tính thời sự cao và khai thác những vấn đề “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được dư luận xã hội quan tâm; những bài viết của các chuyên gia được phân tích, lý giải bằng một hệ thống luận cứ, luận chứng, luận giải một cách khoa học, mạch lạc, rõ ràng. Có thể ví đó như hai mũi tên hướng về một đích. Một mũi là những nhà báo xung trận đánh “giáp lá cà” với lời lẽ “bút chiến” kịp thời, sắc bén; còn một mũi là những chuyên gia, nhà khoa học xây dựng các tác phẩm theo thế trận “đánh chặn từ xa”, “tiêu trừ tận gốc” những luận điệu phi lý, ngụy biện, sai trái, nguy hại của các thế lực thù địch, phản động. Tất cả đều hướng tới mục tiêu chung là bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, làm cho hệ tư tưởng của Đảng thấm sâu vào đời sống chính trị, tinh thần xã hội và trở thành dòng chủ lưu tích cực, góp phần định hướng tư tưởng cho công chúng và xây dựng môi trường thông tin xã hội lành mạnh.

Phiên họp Hội đồng sơ khảo cuộc thi. Ảnh: HỮU TRƯỞNG 

Đó là chiều sâu, là ý nghĩa chính trị, ý nghĩa văn hóa, ý nghĩa báo chí của Cuộc thi viết “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới”.

Có thể khẳng định rằng, lần đầu tiên tổ chức cuộc thi với một đề tài tương đối đặc thù và thể loại báo chí khá “kén” người viết, nhưng Cuộc thi viết “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới” đã thành công trên nhiều phương diện. Ý nghĩa sâu sắc nhất của cuộc thi, như Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Tổng biên tập Báo QĐND, Trưởng ban tổ chức đã nhấn mạnh: “Cuộc thi góp phần khơi dậy, kết nối, huy động được nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà báo có uy tín và nhiều cơ quan báo chí trong cả nước tham dự, từ đó hình thành, phát triển mạng lưới rộng khắp, tạo sự lan tỏa thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Thông qua cuộc thi, những người cầm bút không chỉ bày tỏ tình yêu sâu sắc đối với quê hương, đất nước, yêu chế độ XHCN mà còn thể hiện lòng tin son sắt đối với Đảng Cộng sản Việt Nam-đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam-người dẫn dắt, tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam”.    

THIỆN VĂN