Năm 1926, với khát vọng tìm đường cứu nước, cứu dân, đồng chí Võ Văn Tần đã tham gia và hoạt động tích cực trong tổ chức yêu nước của Nguyễn An Ninh. Tuy nhiên, chỉ đến cuối năm 1926, nhận ra những hạn chế của Hội kín Nguyễn An Ninh, Võ Văn Tần chuyển sang gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Đến năm 1929, ông gia nhập An Nam Cộng sản đảng. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đồng chí Võ Văn Tần đứng ra thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở làng Đức Hòa (ngày 6-3-1930). Đây là chi bộ được thành lập sớm nhất của tỉnh Chợ Lớn lúc bấy giờ. Tháng 5-1930, đồng chí được bầu làm Bí thư Quận ủy Đức Hòa, một trong số quận ủy đầu tiên trong tỉnh. Ngày 4-6-1930, đồng chí Võ Văn Tần cùng đồng chí Châu Văn Liêm (Bí thư Liên Tỉnh ủy Gia Định-Chợ Lớn) lãnh đạo nông dân tiến hành cuộc biểu tình chống Pháp lớn nhất ở Nam Kỳ tại quận lỵ Đức Hòa. Vì sự kiện này, Võ Văn Tần đã bị kết án tử hình vắng mặt. Những năm sau đó, đồng chí Võ Văn Tần được Đảng giao nhiều trọng trách: Bí thư Tỉnh ủy Gia Định (1932), cán bộ Xứ ủy (1933)... Với tài năng và uy tín của mình, năm 1937, đồng chí Võ Văn Tần được cử làm Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, sau đó được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, là Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng.
Đồng chí Võ Văn Tần đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho cách mạng. Tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của đồng chí được thể hiện trên các mặt cơ bản sau:
Thứ nhất, luôn gắn bó máu thịt với nhân dân. Trong mọi hoàn cảnh, đồng chí Võ Văn Tần luôn tin tưởng, lạc quan vào con đường mình đã chọn, vì quần chúng và dựa vào quần chúng để hoạt động. Thực hiện chủ trương của Liên Tỉnh ủy Chợ Lớn-Gia Định, ngày 4-6-1930, Võ Văn Tần cùng các đồng chí trong Quận ủy Đức Hòa tổ chức cuộc biểu tình lớn của nông dân chống sưu cao thuế nặng, chống đàn áp. Cuộc biểu tình như ngọn gió thổi bùng những đốm lửa đang cháy trong lòng người dân Đức Hòa thành một phong trào yêu nước mạnh mẽ. Với tác phong luôn sâu sát với phong trào quần chúng, lối sống giản dị, hết lòng vì bà con, đồng chí được các cơ sở và quần chúng tin yêu, hết lòng bảo vệ. Vì thế, sau sự kiện biểu tình chống sưu cao thuế nặng, mặc dù bị thực dân Pháp truy lùng gắt gao và tuyên án tử hình nhưng được quần chúng tin yêu chở che nên đồng chí vẫn an toàn và tiếp tục hoạt động cách mạng.
 |
Tượng đài đồng chí Võ Văn Tần ở Long An. Ảnh: conganquangbinh.gov.vn. |
Thứ hai, tấm gương về tinh thần đoàn kết. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, thương yêu đồng chí hết mình. Đồng chí luôn là nhân tố giải quyết những bất hòa trong quan hệ của Đảng cũng như trong cuộc sống. Vào những năm 30 của thế kỷ 20, Nam Kỳ là địa bàn hoạt động của nhiều đảng viên xuất phát từ các thành phần gia đình, giai cấp khác nhau. Vì thế, trong quá trình hoạt động, khó có thể tránh khỏi những mâu thuẫn, đố kỵ lẫn nhau, làm ảnh hưởng tiêu cực đến công việc của Đảng và phong trào cách mạng. Với uy tín cá nhân và lòng chân thành, luôn đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên hết, đồng chí Võ Văn Tần trở thành người trung gian hòa giải, giúp đồng chí, đồng đội hiểu và gắn bó với nhau hơn. Đồng chí thường giải thích cho mọi người và đảng viên hiểu rõ rằng có đoàn kết mới khắc phục được bệnh địa phương chủ nghĩa, cá nhân địa vị, tham ô, hủ hóa... Đồng chí còn luôn nhắc nhở cán bộ phải thường xuyên nêu cao cảnh giác trước những thủ đoạn dụ dỗ hay mua chuộc của kẻ thù.
Thứ ba, luôn nói đi đôi với làm. Đồng chí Võ Văn Tần thường nói với các đồng chí của mình: “Mình làm cách mạng mà không để cho nhân dân tin tưởng ở lời nói và việc làm của mình thì khó mà làm cách mạng được” (1). Bởi vậy, suốt những năm tháng hoạt động cách mạng, dù ở đâu, đến đâu hay trên cương vị công tác nào, đồng chí Võ Văn Tần cũng đều nhận được tình cảm trân trọng, quý mến, sự giúp đỡ vô tư chí tình của đồng chí, đồng bào, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng mọi người. Trong cuộc sống, đồng chí Võ Văn Tần sống rất giản dị, tôn trọng và gần gũi mọi người, là tấm gương mẫu mực đối với đồng chí, đồng đội và gia đình. Đồng chí Võ Văn Tần được đồng bào và đồng chí gọi thân mật là “Anh Hai Vườn Trầu” hoặc “Ông Già Trầu (2)”.
Thứ tư, không ngừng tự giác học tập, rèn luyện. Vốn là người có tố chất thông minh, ham hiểu biết, đồng chí Võ Văn Tần thấu hiểu không có tri thức cách mạng thì không thể hoạt động cách mạng hiệu quả. Vì vậy, trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Võ Văn Tần không ngừng tự học tập, phấn đấu và rèn luyện về mọi mặt. Đồng chí luôn kết hợp hoạt động với tự học tập, trau dồi nâng cao kiến thức về lý luận cách mạng cho mình. Cuộc đời của đồng chí Võ Văn Tần là một quá trình vừa học tập, vừa hoạt động cách mạng; học tập để hoạt động cách mạng, đạt được mục đích, lý tưởng của mình; qua hoạt động cách mạng, không ngừng học tập, hoàn thiện tri thức và nhân cách của bản thân.
Thứ năm, trung thành tuyệt đối với lý tưởng cách mạng. Hoạt động cách mạng trong thời kỳ Đảng mới thành lập, phong trào cách mạng liên tục bị kẻ thù khủng bố, cơ quan lãnh đạo của Đảng nhiều lần bị tan vỡ, bản thân bị kẻ thù truy lùng ráo riết, bất chấp hy sinh, gian khổ, đồng chí luôn kiên định con đường đã chọn, bền bỉ hoạt động gây dựng cơ sở cách mạng. Ngày 21-4-1940, giữa lúc đang tích cực cùng Xứ ủy Nam Kỳ lãnh đạo các cấp bộ đảng và toàn thể nhân dân triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ sáu thì đồng chí Võ Văn Tần bị địch bắt ở Hóc Môn. 16 tháng bị thực dân Pháp giam cầm, mua chuộc, dụ dỗ và dùng cực hình tra tấn dã man đến tàn phế; nhưng gông sắt, xiềng xích, đòn roi của địch không thể lay chuyển được ý chí bất khuất kiên cường và khí tiết cách mạng của đồng chí Võ Văn Tần. Không khuất phục được đồng chí, thực dân Pháp đã xử bắn đồng chí. Quyết tâm giữ trọn lời thề trung thành với Đảng, với cách mạng và nhân dân, đồng chí Võ Văn Tần đã bình thản đón nhận sự hy sinh vẻ vang, xứng đáng là nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và của cách mạng Việt Nam.
Cuộc đời đồng chí Võ Văn Tần là một tấm gương cao đẹp về lòng trung thành vô hạn với lý tưởng cộng sản, về ý chí và tinh thần cách mạng của một chiến sĩ cộng sản kiên cường, dũng cảm. Đồng chí là tấm gương sáng mãi về khí phách kiên cường và nhân cách cao cả cho các thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay và mai sau học tập và noi theo.
------------------------
(1) Dẫn theo sách: "Những hạt giống đỏ trên đất Long An", sđd, tr.68.
(2) Đồng chí Võ Văn Tần thường cải trang thành một ông già hay ăn trầu đi bán thuốc dạo nên nhân dân trong vùng thường gọi là “Ông Già Trầu”.
PGS, TS NGUYỄN XUÂN TRUNG, Trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh-Học viện Chính trị Khu vực I