Người dân tin tưởng vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2018, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về PCTN tiếp tục được đẩy mạnh, từ đó hạn chế được những sơ hở, bất cập dễ làm nảy sinh tham nhũng, tiêu cực. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội và hợp tác quốc tế được tiến hành hiệu quả. Cùng với đó, các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng cũng được kiện toàn tổ chức, đẩy mạnh hoạt động. Với quyết tâm và sự vào cuộc mạnh mẽ, tích cực của cả hệ thống chính trị, nêu cao nguyên tắc “không có vùng cấm”, công tác PCTN đạt được nhiều kết quả tích cực.

Trong năm 2018, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành mới 4.128 văn bản hủy bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung 2.135 văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn; tiến hành 3.441 cuộc kiểm tra việc thực hiện, phát hiện 443 vụ việc vi phạm, số người vi phạm là 382, kiến nghị xử lý kỷ luật 89 người, kiến nghị thu hồi và bồi thường 92,9 tỷ đồng (đã thu hồi 74,08 tỷ đồng, đạt 79,7%). 56 người đứng đầu đã bị xử lý hoặc đang được xem xét để xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó 5 người bị xử lý hình sự, 45 người đã bị xử lý kỷ luật, 6 người đang thực hiện quy trình xử lý kỷ luật.

Toàn ngành thanh tra đã triển khai 7.379 cuộc thanh tra hành chính và 212.589 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra phát hiện vi phạm 46.447 tỷ đồng, 41.560ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 893 tập thể và nhiều cá nhân; ban hành 119.412 quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổ chức, cá nhân với số tiền 9.831 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 108 vụ, 116 đối tượng. Đã tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 3.883 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, qua đó đã xử lý, thu hồi được 20.259 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 68%), 33ha đất; cơ quan chức năng xử lý hành chính 1.594 tổ chức, 5.681 cá nhân; khởi tố 22 vụ, 30 đối tượng.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) phát biểu. Ảnh: HOÀNG QUỲNH.

Các cơ quan hành chính Nhà nước đã giải quyết 27.583 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 83,7%. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho tập thể, cá nhân 213,2 tỷ đồng, 97,2ha đất; khôi phục, bảo đảm quyền lợi cho 1.802 tập thể, cá nhân; kiến nghị xử lý vi phạm 462 người (đã xử lý 372 người), chuyển cơ quan điều tra 9 vụ.

Kiểm toán Nhà nước đã ban hành 269 báo cáo kiểm toán, kiến nghị xử lý tài chính 97.189,2 tỷ đồng. Trong đó, các khoản tăng thu: 19.053 tỷ đồng; các khoản giảm chi: 20.150,5 tỷ đồng; xử lý tài chính khác: 57.985,7 tỷ đồng. Chuyển 4 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sang Cơ quan Cảnh sát điều tra.

Cơ quan điều tra của lực lượng công an đã thụ lý điều tra 427 vụ án, 889 bị can; đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố 212 vụ, 488 bị can; thiệt hại trong các vụ án đã thụ lý, điều tra là hơn 4.764 tỷ đồng, hơn 300.000m2 đất; đã thu hồi hơn 2.267 tỷ đồng và nhiều tài sản. 

Đại biểu Trần Hồng Hà (đoàn Vĩnh Phúc) đánh giá, năm 2018 là năm có nhiều đột phá trong công tác PCTN. Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, đẩy lùi, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Nhiều vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng được đưa ra xử lý, xét xử nghiêm minh, được xã hội và nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Đại biểu Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên) cho rằng, tuy chỉ là kết quả bước đầu, còn nhiều việc phải làm, nhưng với tinh thần nói đi đôi với làm, đấu tranh PCTN đã trở thành phong trào, xu thế tất yếu. “Khi người dân đã phấn khởi, tin tưởng thì công tác đấu tranh PCTN của chúng ta sẽ lan tỏa sâu rộng và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân. Khi người dân có lòng tin thì chúng ta sẽ có tất cả”, đại biểu Nguyễn Thái Học nhấn mạnh.

Tuy nhiên, các ĐBQH cũng nêu rõ, tình hình vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải tiếp tục duy trì quyết tâm, quyết liệt trong công tác đấu tranh PCTN.

Tỷ lệ điều tra, phá án vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã trình bày báo cáo về tình hình, kết quả PCTP, vi phạm pháp luật năm 2018. Theo đó, công tác phòng ngừa, tấn công trấn áp tội phạm đạt được nhiều kết quả tích cực. Các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp tăng cường công tác quản lý Nhà nước, đẩy mạnh phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ, tấn công trấn áp tội phạm. Qua đó đã góp phần bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia, làm thất bại nhiều âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; xử lý kịp thời các vụ việc phức tạp liên quan đến biểu tình, gây rối, khủng bố, phá hoại. Lực lượng công an đã đấu tranh làm giảm 2,72% số vụ phạm pháp hình sự, tỷ lệ điều tra, khám phá đạt 81,33%, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra; án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 88,53%; giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố đạt 87,2%; triệt phá 3.580 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại; bắt, vận động đầu thú 6.360 đối tượng truy nã, trong đó có 1.389 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm.

Thảo luận tại hội trường, các ĐBQH đánh giá cao kết quả đạt được trong công tác PCTP, vi phạm pháp luật trong năm 2018. Kết quả này góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Tuy nhiên, các ĐBQH cũng nhắc tới một số thách thức trong công tác đấu tranh PCTP, vi phạm pháp luật trong thời gian tới.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) dẫn thống kê của tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol), trên thế giới, cứ 12 giây trôi qua lại có một vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng công nghệ cao được thực hiện trót lọt. Ở Việt Nam, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng đang diễn biến rất phức tạp với nhiều chiêu thức, thủ đoạn phạm tội mới và xảy ra ở hầu khắp các lĩnh vực. Tội phạm trong lĩnh vực này rất am hiểu công nghệ thông tin, dễ dàng xóa dấu vết chống phát hiện, trong khi nhiều dữ liệu được lưu trữ ở máy chủ nước ngoài nên hoạt động điều tra gặp không ít khó khăn. Từ đó, đại biểu đề nghị Bộ Công an thông tin đầy đủ đến người dân các phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này để người dân chủ động phòng tránh; các cơ quan tố tụng Trung ương tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cho cán bộ tố tụng; Tòa án Nhân dân Tối cao tổng kết công tác xét xử để ban hành án lệ.

Đại biểu Triệu Thanh Dung (đoàn Cao Bằng) nêu lại thực trạng tội phạm xâm hại trẻ em và cho rằng, nguyên nhân của xâm hại trẻ em là do sự suy đồi về đạo đức, lối sống; sự lơ là, mất cảnh giác, thiếu kiến thức của gia đình; sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong quản lý, giáo dục trẻ em chưa chặt chẽ; việc giáo dục trong nhà trường về giới tính, kỹ năng tự bảo vệ cho học sinh khi có nguy cơ bị xâm hại còn nhiều hạn chế…

Kết quả PCTN, tội phạm và vi phạm pháp luật trong năm 2018 thể hiện rất rõ quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước ta trong việc bảo vệ kỷ cương, công lý, làm trong sạch bộ máy, bảo vệ nguồn lực để phát triển đất nước, phục vụ nhân dân.

THÙY DƯƠNG