Không khí ở cánh đồng hoa chùng xuống. Nhiều người nước mắt sụt sùi. Đồng chí cán bộ cũng không giấu được vẻ mặt buồn, mở lời nghèn nghẹn động viên bà con. Lúc bấy giờ, ai nấy đều bày tỏ thiện cảm và sự kính trọng đối với một cán bộ biết lo nghĩ cho dân, biết thương dân.

Thế nhưng, sau khi chia tay bà con, rời cánh đồng hoa chưa xa, đồng chí cán bộ bỗng thay đổi thái độ. Giọng anh oang oang nói với các đồng chí đi cùng: “Dịch thế này thì ai cũng phải chịu ảnh hưởng là đúng thôi. Mấy ông doanh nghiệp, kinh doanh nhà hàng, khách sạn... còn gặp khó khăn gấp bội mà có ai kêu khóc như kiểu mấy ông trồng hoa nhà ta đâu". 

Giọng anh cán bộ khiến nhiều người chạnh lòng. Thế nhưng cũng không ít người cổ xúy, a dua, thậm chí còn cười rộ lên hưởng ứng.

Chứng kiến câu chuyện ấy, tôi thấy lòng quặn thắt. Đúng là làm cán bộ mà không thật lòng thương dân, không hiểu dân thì mọi điệu bộ, cử chỉ thể hiện sự quan tâm cũng chỉ là mị dân, lấy lòng dân một cách dối trá!

Nghĩ đến đấy, tôi chợt băn khoăn. Lâu nay, cả hệ thống chính trị đã và đang dốc sức rèn luyện tác phong sâu sát dân, gần dân cho cán bộ. Ở nhiều cấp đẩy mạnh thực hiện hiệu quả nhiều chủ trương, giải pháp rèn luyện để cán bộ gần gũi, nở nụ cười thân thiện khi tiếp xúc với dân, phục vụ nhân dân. Thế nhưng, dường như có một nội dung mà chúng ta đã quên hoặc xem nhẹ, hoặc chưa quan tâm đúng mức, ấy là dạy và rèn cho cán bộ biết cách khóc thật lòng trước dân.

Tất nhiên, khóc ở đây được hiểu theo nghĩa đen của nó. Có nghĩa là phải biết thương dân, biết khóc, biết đau trước nỗi đau của dân, chia sẻ những khó khăn, vất vả mà người dân phải gánh chịu; là rơi nước mắt thật lòng từ chính tình yêu thương chứ không phải sự lừa bịp, gượng ép bằng những cử chỉ, điệu bộ "diễn" trước dân.

Phải chăng đã đến lúc chúng ta không chỉ dạy cán bộ biết mỉm cười trước dân mà phải "xới" lên thông điệp về việc cán bộ phải học cách biết khóc thật lòng với dân.

NGUYỄN TẤN TUÂN