Đưng K’Nớ là một trong những xã xa xôi và khó khăn nhất của huyện Lạc Dương (Lâm Đồng). Dân cư chủ yếu là người Cơ-Ho, sinh sống biệt lập trong những thung lũng giữa Vườn Quốc gia Biduop-Núi Bà. Cách trung tâm huyện khoảng 70km, vài năm trở về trước, nếu muốn đi vào Đưng K’Nớ, chỉ có cách duy nhất là... đi bộ. Đây cũng là địa phương mà tỷ lệ đói nghèo, nạn mù chữ, dịch sốt xuất huyết thuộc diện cao nhất toàn tỉnh. Tình trạng di cư tự do, phá rừng, truyền đạo trái phép diễn biến phức tạp cũng từng biến khu vực này trở thành điểm nóng về an ninh trật tự. Tuy nhiên, đến với Đưng K’Nớ những ngày này, du khách có thể dễ dàng nhận thấy cuộc sống bình yên, no ấm đang dần hiện diện trong mỗi nếp nhà. Chặng cuối của tuyến đường Trường Sơn Đông mới mở đã phá thế cô lập của Đưng K’Nớ với thế giới bên ngoài. Những ngôi nhà, trường học, trạm y tế mới xây đã thay thế những ngôi nhà, công trình tạm bợ, dột nát; những đồi cà phê trĩu quả, hệ thống đường liên thôn bằng bê tông mới mở nối liền các thôn buôn, giúp việc đi lại của người dân và vận chuyển hàng hóa thuận tiện, dễ dàng. Tính đến tháng 6-2019, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm 25% so với cách đây 3 năm; hoàn thành 12/19 tiêu chí về nông thôn mới, 100% hộ dân được dùng nước hợp vệ sinh, được dùng điện lưới, độ che phủ rừng đạt 90%, hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và THCS. Dẫu vẫn còn nhiều thua kém so với mặt bằng chung của toàn tỉnh, nhưng so với “xuất phát điểm” của chính mình thì những kết quả trên là rất đáng mừng. Đồng chí Thân Văn Hữu, Bí thư Đảng ủy xã Đưng K’Nớ chia sẻ: “Cùng với các chương trình đầu tư của Nhà nước, hằng năm Đảng ủy xã ban hành nghị quyết lãnh đạo sát đúng. Theo đó, chúng tôi tập trung ưu tiên giải quyết triệt để những vấn đề bức xúc, nổi cộm; nhưng cũng quan tâm đến các yếu tố căn cơ, lâu dài. Tăng cường vận động nhằm thay đổi nhận thức của người dân. Đẩy mạnh phát triển sản xuất, nhất là cây cà phê. Phát huy vai trò gương mẫu của người đứng đầu, của chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng. Điều này mang tới sự thay đổi đáng khích lệ về mọi mặt”.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng.

Theo Quyết định số 582/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, năm 2017, tỉnh Lâm Đồng có 70 xã thuộc diện khó khăn (vùng II và vùng III). Đây cũng là địa bàn cư trú chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm 20,1% dân số toàn tỉnh. Do đó, quan tâm đầu tư cho đối tượng này chính là đầu tư cho vùng sâu, vùng xa. Đồng chí Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Trên cơ sở các nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12-3-2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc, những năm gần đây, Tỉnh ủy Lâm Đồng và cấp ủy các cấp trong toàn đảng bộ đã ban hành nhiều văn bản, nghị quyết chuyên đề phát triển toàn diện vùng khó khăn, vùng đồng bào DTTS, điển hình, như: Công văn số 87-CV/TU ngày 9-11-2015 của Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào DTTS”, Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 8-10-2018 của Tỉnh ủy về “Phát triển vùng đồng bào DTTS tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030”. Hằng năm, các nghị quyết phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đều ưu tiên nội dung phát triển khu vực này".

Nét nổi bật của các văn bản, nghị quyết là luôn xác định phát triển vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS là nhiệm vụ trọng tâm, cần phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; ưu tiên phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển nguồn nhân lực; tổ chức định canh, định cư; xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp nhằm huy động nguồn lực, đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng; bảo đảm an sinh xã hội; quan tâm đào tạo nghề, hỗ trợ phát triển sản xuất có trọng tâm, tránh dàn trải; xác định mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn. “Để phát triển kinh tế, chúng tôi ưu tiên thực hiện nhóm giải pháp, gồm: Phát triển hạ tầng nông thôn, thực hiện chính sách chi trả môi trường rừng, hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao và cà phê chất lượng cao”, đồng chí Phạm S nêu ví dụ.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng, giai đoạn 2015-2019, toàn tỉnh đã thực hiện xây dựng 8 điểm định canh, định cư; xắp xếp, bố trí ổn định 1.171 hộ đồng bào DTTS tại chỗ và 4.331 hộ đồng bào DTTS di cư tự do. Hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình cho 12.137 lượt hộ. Trợ giá 3.859 tấn giống lúa, ngô và 6.368ha cây trồng các loại; 7.897 hộ DTTS được giao khoán và hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng với mức thu nhập 200.000-400.000 đồng/ha/năm; 908.205 lượt người được cấp thẻ bảo hiểm y tế, hơn 19.000 lượt học sinh, sinh viên được hỗ trợ kinh phí học tập. Hệ thống đường giao thông, trạm y tế, trường học, nhà văn hóa… được đầu tư khang trang, đồng bộ. Nhiều vùng sâu trước đây kém phát triển thì này đã hình thành vùng chuyên canh rau, hoa, cà phê, cây ăn trái, lúa... mang lại hiệu quả kinh tế cao, tiêu biểu như: Vùng nông nghiệp công nghệ cao tại các xã: Lát, Đạ Sar, Đa Nhim thuộc huyện Lạc Dương; vùng chuyên canh rau và bò sữa tại các xã Đạ Ròn, Ka Đô, Ka Đơn thuộc huyện Đơn Dương; vùng cà phê chất lượng cao tại các xã Gung Ré, Đinh Trang Hòa, Đinh Trang Thượng thuộc huyện Di Linh.

Tính đến tháng 6-2019, 100% xã khó khăn tại Lâm Đồng đã có điện lưới quốc gia, có đường ô tô đến trung tâm xã, đạt từ 12 đến 19 tiêu chí về xây xây dựng nông thôn mới, 25 xã đặc biệt khó khăn đã đạt chuẩn về nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS hằng năm giảm 1,25%/năm, hiện chỉ còn 8,65%. Những “nghị quyết của đồng bào” với nội dung thiết thực, giải pháp đúng đắn là động lực quan trọng giúp nhiều vùng quê xa xôi, nghèo khó của Lâm Đồng chuyển mình, khởi sắc.  

VŨ ĐÌNH ĐÔNG