Phóng viên (PV): Hôm qua (29-5), một trận mưa lớn ở Hà Nội gây ra ngập lụt, điều này có phải do có liên quan đến quy hoạch không, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Thời tiết hiện nay có nhiều biến đổi bất thường, nhiệt độ nóng lên trên phạm vi toàn cầu. Không phải chỉ Việt Nam mà ở các nước có hạ tầng phát triển như Mỹ, châu Âu… thì khi có một lượng mưa lớn, tập trung vào một điểm nhất định như vậy thì không có hạ tầng nào có thể "chống chịu" được.

Chỉ có điều, chúng ta cần phân biệt vấn đề dị thường của thời tiết, mưa lớn cực đoan với vấn đề đầu tư hạ tầng thiếu đồng bộ, thiếu tầm nhìn, thiếu dự báo. Đây là hai vấn đề nhưng đều gây ra nguy cơ gây ra ngập lụt ở các vùng đô thị.

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà: Phải nhìn lại toàn bộ quy hoạch hạ tầng các đô thị và vấn đề thiết kế các đô thị hiện nay.

PV: Vậy giải pháp cho vấn đề "cứ mưa là ngập", nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh là gì, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Tôi cho rằng, phải nhìn lại toàn bộ quy hoạch hạ tầng các đô thị và vấn đề thiết kế các đô thị hiện nay.

Khi thiết kế các đô thị thì điều quan trọng nhất là mỗi đô thị phải mang đặc trưng về địa hình; đặc biệt, phải có một hệ thống dự báo được tính cực đoan của khí hậu và thời tiết. Ngoài ra, hệ thống này cũng phải dự báo được số lượng dân cư ở các đô thị. Có như vậy mới giải quyết được vấn đề ngập úng ở vùng lõi đô thị.

Mặt khác, các hệ thống thu nước mưa, thoát nước mưa, xử lý nước thải phải đồng bộ, phải tính toán được mật độ dân cư, cùng với hạ tầng của chúng ta. Và câu chuyện dự báo này không chỉ mang tầm nhìn ngắn hạn mà phải mang tầm nhìn dài hạn từ 20, 30, thậm chí là 50 năm.

Thực tế, khi dân số tăng lên, kèm theo đó là phải có hạ tầng; trong đó, phải tính toán đồng bộ về hạ tầng tiêu thoát nước, bao gồm cả lượng nước mà con người sử dụng, lượng nước mưa trong trường hợp thời tiết cực đoan.

Cùng với đó, cần tính toán đến độ cao của các khu vực và khi thiết kế hệ thống thoát nước ngầm trong quá trình đô thị phát triển, thay đổi tầm nhìn để làm sao khu vực đó phải tự thoát được nước. 

Còn khu vực không tự thoát được nước thì phải sử dụng máy móc, thiết bị nhưng điều đó phải hạn chế. Trong trường hợp thời tiết cực đoan thì phải tính toán hệ thống để trữ nước.

Ví dụ, tại Nhật Bản, có khu vực người ta bố trí những đường ngầm ở dưới, gọi là hầm chứa lớn ở dưới, có tác dụng giữ lại lượng nước mưa để khi hạn hán thì có thể sử dụng để tưới cây. Thậm chí, cả một hệ thống dưới đường giao thông là các thùng chứa rất lớn để chứa nước…

Đó là giải pháp mà các nước làm, dù khá đắt đỏ, nhưng quan trọng là tầm nhìn, thiết kế và đầu tư hạ tầng bảo đảm rất đồng bộ.

leftcenterrightdel
Nhiều tuyến phố thuộc phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội ngập sâu. Ảnh: qdnd.vn 

PV: Hà Nội có nên có một dự án chống ngập trong quy hoạch đô thị như TP Hồ Chí Minh không, thưa Bộ trưởng? 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Hà Nội cần tăng cường dự báo, cũng như cần một dự án tổng thể, trong đó đánh giá một cách căn cơ và đưa ra những số liệu lịch sử và những số liệu hiện nay của thời tiết cực đoan.

Đặc biệt, theo tôi, Hà Nội cần nghiên cứu một cách kỹ càng để thiết kế theo hướng một đô thị thông minh, chống chịu được các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Dự án này, theo tôi cũng cần tiếp cận một cách tổng thể, xuất phát từ dự báo, quy hoạch tính toán để có một hạ tầng có thể chống chịu, thích ứng được với thời tiết cực đoan; đồng thời có thể kết hợp áp dụng các giải pháp mang tính chủ động. Đơn cử, ở các nơi khi lũ lụt lên thì có khu vực để chứa nước như cánh đồng, sân vận động, bể chứa nước…  

Tuy nhiên, quan trọng nhất là đặt dự án trong thiết kế tổng thể để làm sao có thể xây dựng được những đô thị có khả năng chống chịu được một cách bền vững.

THẢO PHƯƠNG