Đó là ngày mồng hai Tết, đầu Xuân Tân Tỵ. Trời chưa sáng, sương mù còn dày đặc, Bác và những người cùng đi đã rời Nậm Quang, một làng nhỏ sát biên giới Việt-Trung lên đường về nước.
Giờ phút đầu tiên đặt chân lên mảnh đất thiêng liêng, nơi địa đầu Tổ quốc, xiết bao cảm động đối với người con đã bao năm xa nước. Phút giây đó, sau này được Người kể lại: “Xa rời Tổ quốc đã hơn 30 năm. Đã mất bao nhiêu thời giờ và sức lực tìm liên lạc mà không được. Bao nhiêu năm thương nhớ, đợi chờ. Hôm nay mới bước chân về nơi non sông gấm vóc của mình. Khi bước qua cái bia giới tuyến, lòng Bác vô cùng cảm động”(1).
Được sự giúp đỡ của cán bộ và đồng bào địa phương, Nguyễn Ái Quốc chọn hang Cốc Bó (tiếng Nùng là đầu nguồn), một hang núi kín đáo ở thôn Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng (Cao Bằng), sát biên giới Việt-Trung làm nơi dừng chân đầu tiên. Từ ngày 8-2-1941, Người bắt đầu sống và làm việc tại hang này(2).
Người sống trong hang với tên gọi mới là Già Thu, trong bộ quần áo chàm giản dị của người Nùng. Đồ đạc không có gì, ngoài chiếc va li mây đựng tài liệu, cái máy chữ thân thiết và chiếc sàn nằm ghép lại bằng những cành cây nhỏ, trên trải một tấm phên. Cuộc sống của Người những ngày ở Pác Bó thật gian khổ. Khí hậu trong hang ẩm ướt, mùa đông gió lùa tê buốt mà Người chỉ có một tấm chăn mỏng, phải dùng lá khô lót chỗ nằm, có khi phải đốt lửa sưởi suốt đêm. Bữa ăn hằng ngày thường rất đạm bạc: Rau rừng, ốc suối, cháo bẹ, rau măng, thỉnh thoảng mới có một ít thịt kho mặn với muối ớt(3).
Cuối tháng 3-1941, Người rời Pác Bó qua Khuổi Nậm. Để chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương 8, theo đề nghị của Người, vào cuối tháng 4-1941, một cuộc hội nghị cán bộ tỉnh Cao Bằng được triệu tập để tổng kết kinh nghiệm về tổ chức thí điểm các hội quần chúng của Việt Minh trong tỉnh nhằm tiến tới thành lập Mặt trận Việt Minh trong toàn quốc(4). Đây là một trong những nội dung quan trọng sẽ được quyết định tại Hội nghị Trung ương 8 do Người chủ trì vào tháng 5-1941.
30 năm về trước, khi ra đi tìm đường cứu dân, cứu nước, ngày 5-6-1911, Nguyễn Tất Thành mới 21 tuổi, lúc trở về trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc với tên gọi mới “Già Thu” đã 51 tuổi. Tuổi xuân đã qua đi, Người đã dấn thân vào “đường cách mệnh”, đã tranh đấu, hy sinh và dâng hiến cả cuộc đời cho độc lập của Tổ quốc, tự do và hạnh phúc cho dân tộc và nhân dân mình.
“Đường cách mệnh” đã tìm thấy dưới ánh sáng của Chủ nghĩa Mác-Lênin, cách mạng Tháng Mười và thời đại mới. Đảng cách mạng chân chính do Người sáng lập và rèn luyện đã ra đời. Lúc Người trở về, Đảng mới 11 tuổi nhưng đã vượt qua bao thử thách, hy sinh, từng bước trưởng thành để lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, năm 1945 dưới ngọn cờ Mác-Lênin và ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh. Vào lúc đó, Đảng mới 15 tuổi. Đội ngũ của Đảng mới có gần 5.000 đảng viên.
Ngày Bác Hồ về nước đánh dấu bước ngoặt 30 năm trong cuộc hành trình tư tưởng của Người, cũng là bước ngoặt 30 năm trong lịch sử cách mạng giải phóng dân tộc, thay đổi số phận của dân tộc và nhân dân ta nhờ có Đảng và có Bác Hồ. Sau 3 tháng nắm tình hình và chuẩn bị, lấy danh nghĩa đại diện Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ ngày thành lập Đảng, đây là lần đầu tiên Hội nghị Trung ương được tổ chức ở trong nước với sự có mặt và trực tiếp lãnh đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, tại căn cứ địa của cách mạng mà nơi đây-đất và người Cao Bằng-quê hương của cách mạng với Cốc Bó đầu nguồn và Khuổi Nậm đã đi vào lịch sử.
Hội nghị Trung ương 8 với những quyết định lịch sử in dấu ấn thiên tài của Người. Đó là: “Cần phải thay đổi chiến lược. Sự thay đổi về kinh tế, chính trị Đông Dương, sự thay đổi thái độ, lực lượng các giai cấp Đông Dương buộc Đảng ta phải thay đổi chính sách cách mạng ở Đông Dương cho hợp với nguyện vọng chung của toàn thể nhân dân Đông Dương”. Hội nghị Trung ương 8 đã thể hiện sự vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin trong việc giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, dân tộc và dân chủ vào điều kiện cụ thể của xã hội Việt Nam, hoàn chỉnh thêm một bước sự chuyển hướng chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam được vạch ra từ Hội nghị Trung ương 6, tháng 11-1939. Về thực chất, đó là sự trở về với quan điểm của chính cương, sách lược vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc vạch ra từ khi sáng lập Đảng ngày 3-2-1930, trên cơ sở sâu sắc hơn. Sau hội nghị, ngày 6-6-1941, Nguyễn Ái Quốc viết thư “Kính cáo đồng bào” gửi đến các tầng lớp nhân dân cả nước, nhấn mạnh: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng”. Người cũng kêu gọi các chiến sĩ cách mạng, “Giờ giải phóng đã đến. Hãy phất cao cờ độc lập, lãnh đạo toàn dân, đánh tan thù chung”(5).
Hội nghị Trung ương 8 đã đi vào lịch sử biên niên của Đảng như một mốc son chói lọi, mở ra bước ngoặt vĩ đại dẫn tới cách mạng Tháng Tám và thắng lợi của cuộc cách mạng đó đã đưa lại nền độc lập của Việt Nam, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền dưới sự lãnh đạo sáng suốt của thiên tài Hồ Chí Minh.
Đã 80 năm đi qua, kể từ ngày Bác về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Thời gian càng lùi xa, tầm vóc của thiên tài tư tưởng và tổ chức của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh và ý nghĩa lịch sử của sự kiện này càng tỏa sáng.
Với Bác, quyết định trở về là sự tiếp tục thực hành mục đích, động cơ vĩ đại được xác định từ đầu, quyết tranh đấu cho Việt Nam độc lập, cho dân tộc và đồng bào mình có tự do, hạnh phúc. Người từng nói, khi tạm biệt các đồng chí của mình trong “Hội Liên hiệp thuộc địa” và Báo Người cùng khổ trước khi rời nước Pháp, tìm đường đến nước Nga Xô Viết vào ngày 13-6-1923: “... Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng, trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do, độc lập”(6). Người đã hết mình làm như vậy, trước đây cũng như từ khi về nước và cho đến tận cuối đời. Đó là sự nghiệp, lẽ sống của Người, một mẫu mực của đức hy sinh, dâng hiến toàn vẹn, trọn vẹn đời mình cho dân, cho nước, cho lý tưởng cộng sản.
Với Đảng, sự kiện lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước, ngày 28-1-1941 khởi đầu cho những quyết định lịch sử, với phương hướng chính trị rõ ràng, đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn, sáng tạo, đầy bản lĩnh ở những thời điểm bước ngoặt, dẫn tới thắng lợi của cách mạng Tháng Tám, Đảng cầm quyền, chính thể cộng hòa dân chủ ra đời, mở đầu thời đại Hồ Chí Minh-thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
Với nhân dân, Người về đem đến mọi niềm vui, báo hiệu sự đổi đời, từ đây, lãnh tụ đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, gắn bó trọn đời với nhân dân, chỉ lối dẫn đường cho dân làm cách mạng, “phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt”, đưa nhân dân từ thân phận nô lệ tới tự do và làm chủ, có cơm ăn, áo mặc, được học hành, thực hiện “quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” trong một nước độc lập, trong một xã hội dân chủ. Người đã là người của đồng bào và mãi mãi thuộc về đồng bào như điều Người dãi bày trước nhân dân. Bởi thế, Người mãi mãi sống trong lòng dân và trong trái tim nhân loại.
Khi vĩnh biệt Người, Đảng ta đã đánh giá tầm vóc lịch sử và công lao trời biển của Người: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”(7).
GS, TS HOÀNG CHÍ BẢO, Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương
(1). T.Lan, Vừa đi đường vừa kể chuyện, NXB Sự Thật, Hà Nội 1976, tr.73.
(2). Hồ Chí Minh, Tiểu sử, NXB Lý luận chính trị, H.2006, tr.271.
(3). Hồ Chí Minh, Tiểu sử, NXB Lý luận chính trị, H.2006, tr.272.
(4). Hồ Chí Minh, Tiểu sử, Sđd, tr.273-274.
(5). Hồ Chí Minh, Tiểu sử, Sđd, tr.279.
(6). Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, NXB Văn học, H.2001, tr.100-101.
(7). Đảng Lao động Việt Nam, Điếu văn tại Lễ truy điệu trọng thể Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 9-9-1969 (Hồ Chí Minh, Toàn tập, 15 tập, CTQG, H.2011, Tập 15, tr.627).