Ý kiến khác nhau về thời hạn sử dụng đất 99 năm

Trong bối cảnh quỹ thời gian dành cho sự nỗ lực, cố gắng đưa nước ta thành nước công nghiệp, hiện đại, phát triển đang ngày càng ngắn dần, nguy cơ “chưa giàu đã già” đang hiện hữu, hầu hết các đại biểu Quốc hội đều khẳng định sự đồng tình, ủng hộ cao với việc tạo ra thêm những động lực mới thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh hơn, bền vững hơn thông qua việc ban hành Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.

Một trong những nội dung mà một số đại biểu còn băn khoăn là quy định về thời hạn sử dụng đất với những trường hợp đặc biệt do Thủ tướng quyết định có thể kéo dài tới 99 năm. Trước những ý kiến băn khoăn về việc thời hạn sử dụng đất 99 năm có thể bị lợi dụng để thế chấp, vay tín dụng, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) nêu quan điểm: Khi các doanh nghiệp đã đầu tư vào các đặc khu, nghĩa là họ đã phải rót vốn vào đó. Trong quá trình đầu tư, “nếu họ thực sự có nhu cầu vay vốn thì đây là điều tốt chứ không dở vì sẽ khai thác được nguồn vốn trong dân, vay được của ngân hàng”. Đại biểu phân tích, quy định thời hạn sử dụng đất có thể lên tới 99 năm là để bảo đảm tính vượt trội và đột phá, tránh để các nhà đầu tư so sánh với các nước khác đã có quy định như vậy.

Toàn cảnh phiên thảo luận. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) không đồng ý với quan điểm đó. Theo đại biểu, nhà đầu tư công nghệ cao ở thời đại 4.0 "không cần đến thời gian". Đại biểu đề nghị cần thận trọng với quy định như vậy, tránh việc đưa những đặc khu trở thành “nơi để di dân”, chỉ có các nhà đầu tư bất động sản hoặc đầu cơ bất động sản.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) thẳng thắn đề nghị bỏ thời hạn giao đất 99 năm, vì “không có dự án đầu tư nào hiện nay cần đến 99 năm. Thời hạn này thực chất là ưu đãi bổ sung để nhà đầu tư có thể được chuyển nhượng sau khi khai thác xong, hoặc thay đổi dự án giữa chừng mà không phải trả lại đất”. Đại biểu đánh giá, thời hạn này “ngang với 3-4 thế hệ con người, thực chất là hình thức nhượng địa mà hiện nay chỉ những đất nước nghèo đói lạc hậu và hoang sơ mới cần đến”.

Trước băn khoăn của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, thời hạn sử dụng đất 99 năm đã được nhiều nước áp dụng, trong đó có UAE, Malaysia... Quy định về thời hạn sử dụng đất 99 năm là một chính sách vượt trội. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trấn an các đại biểu: “Tuy nhiên, ta chỉ để mở nhưng vẫn đang ở điều kiện đặc biệt và phải được Thủ tướng ưu đãi. Như thế nào là đặc biệt và quy trình thủ tục như thế nào được xem xét sẽ thiết kế ở quy định sau cho rõ ràng và minh bạch, thận trọng”.

Đề nghị kết quả bầu chủ tịch UBND đặc khu phải được Thủ tướng phê chuẩn

Tuy đồng ý với việc quy định giao thẩm quyền lớn cho chủ tịch UBND đặc khu để tạo ra tính đột phá, năng động, kịp thời, nhưng một số đại biểu bày tỏ sự e dè nhất định khi cho rằng thẩm quyền quy định cho chủ tịch UBND đặc khu theo dự thảo luật là quá lớn. Tranh luận lại luồng ý kiến này, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) nêu suy nghĩ: Nếu những việc lớn, quan trọng mà chủ tịch UBND đặc khu không quyết được thì lại quay về với “cái không phải là đột phá, cái cũ như chúng ta hiện nay không phải ở khu kinh tế đặc biệt đang làm”. Theo đại biểu, điều quan trọng là Chính phủ phải tìm ra những người có kinh nghiệm và trình độ để giao giữ chức vụ chủ tịch UBND đặc khu.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhấn mạnh, người đứng đầu chính quyền đặc khu có nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền hạn vượt trội nên việc lựa chọn nhân sự người đứng đầu hết sức quan trọng, cần có định hướng từ cấp có thẩm quyền. Người này phải có đủ điều kiện đức, tài, có năng lực và thực hiện quản lý kinh tế giỏi để điều hành, thậm chí phải là chuyên gia đầu ngành của Trung ương. Đại biểu đề nghị, chủ tịch UBND đặc khu do HĐND đặc khu bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo giới thiệu của Bộ trưởng Bộ Nội vụ sau khi thống nhất với chủ tịch UBND cấp tỉnh và được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn. Quy định như vậy sẽ thuận lợi cho việc lựa chọn nhân sự, không nhất thiết phải là người địa phương.

Cho rằng quy định HĐND bầu chủ tịch UBND đặc khu được thực hiện theo quy định của Hiến pháp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi giải trình về nội dung này đã đề nghị Quốc hội cho được giữ nguyên như quy định tại dự thảo luật. Theo đó, “Chủ tịch UBND đặc khu do HĐND đặc khu bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo giới thiệu của chủ tịch UBND cấp tỉnh. Kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm chủ tịch UBND đặc khu phải được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn”.

* Chiều 23-5, Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc với việc nghe trình bày tờ trình và báo cáo thẩm tra về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến Luật Quy hoạch. Sau đó, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến Luật Quy hoạch và Dự án Luật Trồng trọt.

CHIẾN THẮNG