Tháng 2-1943, sau Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp bàn công tác khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, trên tinh thần nghị quyết của hội nghị này, Tổng Bí thư Trường Chinh đã soạn thảo Đề cương về văn hóa Việt Nam. Đề cương xác định văn hóa là một trong 3 mặt trận (chính trị, kinh tế, văn hóa) mà ở đó người cộng sản phải hoạt động, phải lãnh đạo cách mạng chính trị và cách mạng văn hóa (CMVH). Đề cương nêu bật những quan điểm tư tưởng chỉ đạo CMVH ở Việt Nam đó là phải hoàn thành CMVH mới hoàn thành được cuộc cải tạo xã hội. CMVH muốn hoàn thành phải do Đảng Cộng sản lãnh đạo. CMVH có thể hoàn thành khi nào cách mạng chính trị thành công. Nền văn hóa mà cuộc CMVH ở Việt Nam phải thực hiện là văn hóa xã hội chủ nghĩa (XHCN).

Tuy còn một số hạn chế nhất định nhưng trong bối cảnh lịch sử đầu những năm 40 của thế kỷ 20, với việc trình bày hệ thống những quan niệm, phạm trù, quan điểm chỉ đạo, mục tiêu phương châm nguyên tắc chỉ đạo cuộc vận động văn hóa, Đề cương về văn hóa Việt Nam, thực sự là đỉnh cao trí tuệ, là sự nhận thức về tình hình, là những dự báo khoa học về mục tiêu tính chất, nguyên tắc, nhiệm vụ cuộc vận động văn hóa đương thời nhằm tạo nên sức mạnh tinh thần vĩ đại mà cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đang rất cần.

Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, để thích hợp với tình hình mới, Hội Văn hóa cứu quốc được mở rộng và đổi tên thành Hội Văn hóa Việt Nam. Ngày 24-11-1946, thực hiện mưu đồ cướp nước ta một lần nữa, thực dân Pháp nổ súng tấn công Hải Phòng. Cùng ngày này, tại Thủ đô Hà Nội, khai mạc Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất. Sự kiện quan trọng này diễn ra giữa lúc đất nước đang trong tình cảnh nước sôi, lửa bỏng đã khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đặt vị trí của văn hóa quan trọng như thế nào trước sự tồn vong của đất nước. Trong diễn văn khai mạc đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định vị trí và nhiệm vụ của nền văn hóa mới đối với sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc. Người nói: “Chúng ta cần biến một nước dốt nát, cực khổ thành một nước văn hóa cao và đời sống tươi vui, hạnh phúc. Số phận dân ta ở trong tay ta, văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi. Đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ”(1).

Sau Chiến thắng Việt Bắc Thu-Đông năm 1947, dù phải tiến hành biết bao công việc chuẩn bị cho giai đoạn mới của cuộc kháng chiến, tháng 7-1948, Đảng ta tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ 2. Ngày 15-7-1948 trong thư gửi hội nghị, Người viết: “Trong sự nghiệp vĩ đại kháng chiến kiến quốc của dân tộc ta, văn hóa gánh một phần rất quan trọng. Từ ngày chính quyền dân chủ thành lập đến nay, các nhà văn hóa ta đã cố gắng và đã có thành tích. Song từ nay trở đi chúng ta cần phải xây đắp một nền văn hóa kháng chiến kiến quốc của toàn dân. Muốn đi đến kết quả đó, tôi thiết tưởng, các nhà văn hóa ta cần tổ chức chặt chẽ và đi sâu vào quần chúng. Nhiệm vụ của văn hóa chẳng những để cổ động tinh thần và lực lượng kháng chiến kiến quốc của quốc dân, mà cũng phải nêu rõ những thành tích kháng chiến kiến quốc vĩ đại của ta cho thế giới. Các nhà văn hóa ta phải có những tác phẩm xứng đáng, chẳng những để biểu dương sự nghiệp kháng chiến kiến quốc bây giờ, mà còn để lưu truyền cái lịch sử oanh liệt kháng chiến kiến quốc cho hậu thế”(2). Tại đại hội này, Tổng Bí thư Trường Chinh đã đọc báo cáo quan trọng: “Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam”. Báo cáo đã cụ thể hóa và phát triển hệ thống các quan điểm, nguyên tắc, phương châm của Đề cương văn hóa năm 1943 của Đảng. Đây là lần đầu tiên Đảng ta chính thức trình bày một cách hệ thống, toàn diện các quan điểm về văn hóa theo lập trường mác xít. Báo cáo này, có giá trị như cương lĩnh văn hóa của Đảng trong thời kỳ kháng chiến, kiến quốc.

Sau kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, cả nước ta thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở miền Bắc, đẩy mạnh cách mạng dân tộc, dân chủ ở miền Nam, thống nhất đất nước. Năm 1960, Đại hội III của Đảng đã quyết định đường lối thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược này. Về đường lối xây dựng CNXH ở miền Bắc, đại hội khẳng định: “Cách mạng XHCN ở miền Bắc không những là một cuộc cách mạng triệt để về kinh tế, chính trị mà còn là một cuộc cách mạng triệt để về tư tưởng, văn hóa và kỹ thuật(3). Con người là vốn quý nhất của CNXH muốn có CNXH trước hết phải có con người XHCN, xây dựng con người mới XHCN là trọng trách hàng đầu, nhiệm vụ trực tiếp của cuộc cách mạng tư tưởng, văn hóa, kỹ thuật(4).

Dưới ánh sáng đường lối Đại hội III của Đảng, nền văn hóa mang tính chất dân tộc và nội dung XHCN được xây dựng và phát triển sâu rộng, con người mới XHCN từng bước được hình thành và phát triển thông qua cuộc cách mạng tư tưởng, văn hóa, kỹ thuật được triển khai mạnh mẽ trên tất cả lĩnh vực: Giáo dục chính trị, tư tưởng rèn luyện phẩm chất đạo đức lối sống, đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục-đào tạo, phát triển mạnh mẽ văn học nghệ thuật và phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng. Báo chí cách mạng Việt Nam, như: Báo in, báo ảnh, báo nói (phát thanh, truyền thanh) phát triển sâu rộng.

Thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước không chỉ là thắng lợi của đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn, mà còn là thắng lợi của đường lối, chính sách văn hóa của Đảng ta. Sau Đại thắng mùa xuân 1975, cả nước ta bước vào kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập dân tộc và CNXH. Trong 45 năm qua, tư duy lý luận của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa con người trong sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc có bước phát triển rất sâu sắc và toàn diện.

Năm 1976, Đại hội IV xác định: “Nền văn hóa mới là nền văn hóa có nội dung XHCN và tính chất dân tộc. Nền văn hóa được xây dựng trên cơ sở Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng làm chủ tập thể XHCN. Nó vừa hấp thụ có chọn lọc những thành quả của nền văn minh loài người, những thành tựu văn hóa, khoa học hiện đại, vừa là sự kết tinh và nâng lên tầm cao mới những gì đẹp nhất trong truyền thống bốn nghìn năm của tâm hồn Việt Nam, của văn hóa Việt Nam..”(5). Đại hội xác định quan điểm chỉ đạo để xây dựng nền văn hóa mới và con người mới: “Tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng: Cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học kỹ thuật và cách mạng tư tưởng, văn hóa, trong đó cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt. Quá trình thực hiện 3 cuộc cách mạng ấy cũng là quá trình hình thành từng bước chế độ làm chủ tập thể XHCN, nền sản xuất lớn XHCN, nền văn hóa mới và con người mới XHCN”(6).

Dưới ánh sáng của đường lối của Đại hội IV và V của Đảng, cuộc cách mạng tư tưởng văn hóa đã được triển khai đồng thời với cuộc cách mạng quan hệ sản xuất và cách mạng khoa học kỹ thuật, nhân dân ta đã đạt được những thành tựu quan trọng trong công cuộc xây dựng CNXH và giành thắng lợi to lớn trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới và con người mới XHCN đã góp phần quan trọng trong thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược. Tuy nhiên, trong thời kỳ này, do Đảng ta phạm những khuyết điểm, sai lầm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đường lối kinh tế nhất là trong bố trí cơ cấu kinh tế, cả cơ cấu các ngành kinh tế và cơ cấu sản xuất đầu tư. Những khuyết điểm sai lầm trong tiến hành cải tạo XHCN và củng cố quan hệ sản xuất mới, và duy trì cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp nhất là những sai lầm trong thực hiện chính sách giá, lương, tiền, cùng với những yếu kém trong công tác tư tưởng văn hóa, cho nên từ đầu những năm 80, nền kinh tế nước ta lâm vào cuộc khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng, niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đối với con đường đi lên CNXH bị giảm sút.

Năm 1986, tại Đại hội VI của Đảng, Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, theo định hướng XHCN. Ngày 28-11-1987, triển khai thực hiện đường lối văn hóa của Đại hội VI của Đảng, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 05-NQ/TW về đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học nghệ thuật và văn hóa, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới. Nghị quyết xác định: “Văn hóa Việt Nam kết tinh tâm hồn, trí tuệ tài năng và đạo lý làm người của nhân dân ta trong lịch sử hàng nghìn năm giữ nước và dựng nước... Phải xem việc đầu tư cho sự nghiệp văn hóa để phục vụ con người, xây dựng con người mới XHCN”(7).

Tổng kết thực tiễn 12 năm đổi mới tư duy, đổi mới cách làm để thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa, xây dựng con người-một bộ phận trọng yếu của cách mạng tư tưởng văn hóa trong sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc. Tháng 7-1998, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương (khóa VIII) đã ra Nghị quyết về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" (Nghị quyết Trung ương 5). Nghị quyết quan trọng này được coi là Cương lĩnh văn hóa của Đảng ta trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Qua thực tiễn 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW (Nghị quyết Trung ương 9) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Đảng ta đã bổ sung, phát triển hoàn thiện mục tiêu chung xây dựng nền văn hóa con người Việt Nam là phát triển toàn diện, hướng tới chân-thiện-mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Nghị quyết Trung ương 9 có một nhận định rất quan trọng: “15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đã có chuyển biến tích cực, đạt kết quả quan trọng. Nhưng thành tựu trên lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng với thành tựu trên các lĩnh vực khác, nhất là chưa đủ để tác động có hiệu quả xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng gia tăng. Đời sống văn hóa và tinh thần ở nhiều nơi còn nghèo nàn, đơn điệu, khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với đô thị và trong các tầng lớp nhân dân chậm được rút ngắn. Môi trường văn hóa còn tồn tại tình trạng thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục, tệ nạn xã hội, tội phạm có chiều hướng gia tăng”(8). 

Công tác tư tưởng có phần trách nhiệm đối với những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm trên. Trách nhiệm đó là, từ những hạn chế yếu kém trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức học tập, nghiên cứu quán triệt, hướng dẫn hành động thực hiện nghị quyết, hoạt động kiểm tra phát hiện nhân tố mới để cổ vũ, động viên, nhân rộng, chỉ đạo, hướng dẫn đấu tranh khắc phục kịp thời những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm. Cho nên, như Nghị quyết số 04-NQ/TW (khóa XI) đã nhận định: “Công tác quản lý nhà nước về văn hóa chậm được đổi mới có lúc có nơi bị xem nhẹ, thậm chí buông lỏng kỷ luật, kỷ cương không nghiêm. Đầu tư cho lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng và còn dàn trải. Chưa nắm bắt kịp thời những vấn đề mới về văn hóa để đầu tư đúng hướng và có hiệu quả. Chưa quan tâm đúng mức công tác đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”(9).

Ngày nay, nhân dân ta đang tiến hành sự nghiệp đổi mới toàn diện và đồng bộ, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc “vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, là sự nghiệp xây dựng và sáng tạo to lớn của nhân dân ta, đồng thời là một quá trình cải biến xã hội sâu sắc đòi hỏi phát huy khả năng và trí tuệ ở mỗi con người Việt Nam. Trong điều kiện bùng nổ của cách mạng khoa học hiện đại; yếu tố quyết định cho sự phát triển là trí tuệ, là thông tin, là sáng tạo và đổi mới không ngừng. Do đó, để trở thành giàu mạnh không chỉ phụ thuộc vào nhiều hay ít lao động vốn kỹ thuật công nghệ, tài nguyên thiên nhiên mà chủ yếu là khả năng phát huy đến mức cao nhất tài năng sáng tạo của nguồn lực con người. Tiềm năng sáng tạo này nằm trong các yếu tố cấu thành văn hóa. Và văn hóa có khả năng khơi dậy, nhân lên mọi tiềm năng, sức sáng tạo của con người, tạo ra nguồn lực nội sinh quyết định sự phát triển bền vững của đất nước. Đội ngũ cán bộ tư tưởng văn hóa khoa giáo được nhận trọng trách là chiến sĩ tiên phong trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân-thiện-mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc nhân văn, dân chủ và khoa học, hơn lúc nào hết: Đội ngũ cán bộ tư tưởng phải đi đầu trong tiếp tục đổi mới, đổi mới tư duy, đổi mới cách nghĩ, đổi mới cách làm. Phải đổi mới cách tiến hành công tác tuyên truyền giáo dục để thực sự nâng cao nhận thức trong Đảng, trong hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam.

Sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra với tốc độ và quy mô chưa từng thấy, quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, mặt trái của cơ chế thị trường, các thế lực thù địch thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình" bạo loạn lật đổ, thúc đẩy hình thành các yếu tố để tạo ra “cuộc cách mạng màu” ở Việt Nam. Để có thể vượt qua các khó khăn, thách thức này và nhất là để khắc phục cho được nguyên nhân chủ quan của những yếu kém trên, Ban Bí thư Trung ương cần thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về xây dựng và phát triển nền văn hóa con người Việt Nam. Ban chỉ đạo cần tập trung chỉ đạo: Hoàn thành thể chế hóa Nghị quyết Trung ương 9 thành luật, pháp lệnh, các văn bản pháp quy, các cơ chế, chính sách. Các chương trình mục tiêu quan trọng, như: Chương trình phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với hoàn thiện thị trường văn hóa, chương trình xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Chỉ đạo tập trung nghiên cứu xây dựng hệ giá trị chuẩn của con người Việt Nam hiện đại để làm cơ sở định hướng cho hệ thống chính trị và các tổ chức, cơ quan, đơn vị hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa thực hiện trong tiến trình đào tạo con người từ khi lọt lòng...

PGS, TS ĐÀO DUY QUÁT

(1) Trường Chinh-Nhà văn hóa lớn của Việt Nam. Báo Nam Định, ngày 21-11-2019

(2) Hồ Chí Minh toàn tập-Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia-Tập 5-Trang 677

(3), (4) Văn kiện Đại hội Đảng toàn tập-Tập 21-Trang 549, 550, 556, 557

(5) Văn kiện Đảng toàn tập-Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia-Tập 37-Trang 501-503

(6) Văn kiện Đảng toàn tập-Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia-Tập 37-Trang 491

(7) Văn kiện Đảng toàn tập-Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Hà Nội 2011-Tập 48-Trang 842-846

(8) Nghị quyết số 33-NQ/TW Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI)

(9) Nghị quyết số 33/NQ-TW Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI)