Quả đúng vậy, thời gian qua, nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực và các biểu hiện suy thoái, biến chất của cán bộ được phát hiện, xử lý đều có sự đóng góp ít nhiều của quần chúng. Chính vậy mà Đảng, Nhà nước, cơ quan chức năng luôn ghi nhận, từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích và bảo vệ người dân để họ dấn thân vào cuộc chiến chống “giặc nội xâm”.
 |
Người dân tham gia trực chốt. Ảnh: QĐND. |
Dân không chỉ tham gia vào đẩy lùi tiêu cực, phanh phui các vụ đại án, mà trong cuộc sống, chức năng giám sát của nhân dân cũng thể hiện rõ ràng, thiết thực. Gần như mọi sự, mọi việc trên đời này dân đều biết cả. Cán bộ nào có nhà đẹp, xe sang, con cái học trường nào, làm gì, quan hệ với những ai... hỏi dân là ra hết. Cán bộ nào nhập nhằng “đen-trắng”, sống thiếu tử tế, quan cách, nhiễu nhương... dân cũng biết cả. Có điều là họ chẳng buồn nói ra, hoặc chưa đủ bản lĩnh nói ra, hoặc chưa thấy hội đủ yếu tố thành thời cơ để phơi bày sự thật.
Tất nhiên cũng có những cán bộ vốn dĩ tinh quái, luôn đề cao cảnh giác, lại có tài “biến hình”, cất giấu mọi sự trước ánh nhìn của nhân dân. Nhưng chắc chắn, làm sao một cá nhân, hay nhóm lợi ích, lại có thể qua mắt được tập thể và quần chúng một cách dễ dàng. Có chăng là ở một quãng thời gian nhất định nào đó, sự thật chưa hiện nguyên hình, nhưng rồi tất yếu “cái kim trong bọc sẽ có ngày lòi ra”. Bởi thế mới có chuyện, một số người đứng đầu và tập thể cấp ủy cơ quan, đơn vị, địa phương của nhiều khóa trước, nhiệm kỳ trước mắc sai lầm, khuyết điểm, thì đến nay mới bị người dân phản hồi thông tin, bị cơ quan chức năng “sờ gáy”, bị kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước trừng trị thích đáng.
Vậy nên, cán bộ không nên phiền lòng về sự giám sát của nhân dân; đừng tức giận trước sự kìm kẹp của khuôn phép đạo đức cách mạng và tiêu chí làm người. Chính nhờ tai mắt của quần chúng mới giúp mỗi cán bộ đi đúng đường, thường xuyên soi lại mình, gột rửa những yếu kém, hạn chế, triệt tiêu mầm bệnh của chủ nghĩa cá nhân ngay từ lúc sơ khai. Cán bộ hãy biết mang ơn quần chúng vì những điều họ góp ý và càng phải nhận rõ hơn trách nhiệm phụng sự, yêu thương, lắng nghe dân, chứ không thể tìm cách mị dân, trốn tránh ánh nhìn chân chính. Nếu thế thì tất yếu "không trước thì sau" sẽ nhúng chàm, bị quần chúng khinh rẻ, xem thường và nhất là phải đối diện với sự phán xét của tòa án lương tâm.
Nói như vậy không có nghĩa là cán bộ phải theo đuôi quần chúng, mà phải dùng tài, đức của mình, nhất là sự minh bạch, trong sạch trong công việc và đời tư để giáo dục, thuyết phục, cảm hóa quần chúng. Một khi cán bộ thật sự được quần chúng yêu thương, tin tưởng thì đó là nền tảng vững chắc cho những thành công trong hành trình làm người, làm cán bộ.
Cũng cần nói thêm, cán bộ không phải ai cũng tốt tuyệt đối, trong mỗi con người luôn có mặt này, điểm nọ-có thế mạnh, chỗ yếu. Ấy nhưng, cán bộ phải cố gắng sống làm sao cho thật tử tế, sạch sẽ ở mức có thể. Cố gắng "lấy cái đẹp dẹp cái xấu", nhất là phải bằng mọi giá bảo vệ cái tốt để nó trở thành cái chủ đạo trong đời sống xã hội và môi trường sống, công tác. Phải bảo vệ cái tốt để dân họ còn tin vào giá trị chân chính và sự công bằng đúng nghĩa; trên cơ sở đó mà toàn tâm toàn ý tham gia hiến kế, đóng góp công sức vào sự nghiệp cách mạng. Bằng không, khi đã mất niềm tin từ quần chúng, thì tất yếu sẽ mất tất cả!
NGUYỄN TẤN TUÂN