Tuy nhiên, Đảng ta nhận định: “Chất lượng và hiệu quả công tác tư tưởng, lý luận chưa cao. Chậm khắc phục có hiệu quả những hạn chế của công tác tư tưởng, như: Thiếu sắc bén, chưa thuyết phục. Đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” còn bị động, hiệu quả chưa cao. Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới”[1]. Chính vì vậy, Đảng ta đã yêu cầu “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng phục vụ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, phù hợp với từng giai đoạn, tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội”[2].
Hiện nay, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) hàm chứa sự thay đổi lớn lao, không chỉ biến đổi kinh tế mà cả văn hóa, xã hội, nhất là nhận thức, tư duy một cách toàn diện. Làn sóng công nghệ mới này đang diễn ra với tốc độ khác nhau ở các quốc gia khác nhau và tạo ra những tác động mạnh mẽ, ngày một gia tăng, tạo ra những tác động tích cực và cơ hội lớn cho sự vận động phát triển mọi mặt của đời sống xã hội; song cũng tạo ra những thách thức không nhỏ, đặc biệt là đối với những người làm CTTG trong giai đoạn hiện nay, khi mà việc truyền thông tin qua internet và mạng xã hội rất nhanh chóng và tạo hiệu ứng gần như tức thì.
Để có thể theo kịp, đáp ứng được những yêu cầu mới và tiếp tục phát huy vai trò của mình trong cuộc CMCN 4.0, CTTG của Đảng cần quan tâm và chủ động tham gia vào một số vấn đề sau:
Một là, cần hiện thực hóa được công thức “6 T” trong CTTG: Tiên phong, trí tuệ, trúng, thiết thực, thuyết phục, tiên tiến.
Tiên phong của CTTG là không bao giờ được lạc hậu với thời cuộc; luôn luôn phải đi đầu, định hướng, dẫn đường cho cán bộ, đảng viên và nhân dân biết phát huy lợi thế và thành quả đã có, vượt qua khó khăn thách thức, tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội.
Trí tuệ là yếu tố đầu tiên và chủ yếu nhất để hình thành tính tiên phong của CTTG. Trí tuệ của CTTG là phải biết phân tích, tìm ra và nắm vững đặc điểm thời đại và dân tộc, biết nhận định, đánh giá, thâu tóm được bản chất đích thực vấn đề đặt ra, qua đó đề xuất giải pháp khả thi, hữu hiệu để giải quyết.
Trúng là phải bao hàm được cả trên bình diện không gian và thời gian. Trên bình diện không gian, trúng của CTTG là phải phản ánh đúng được sự thật về sự việc, sự kiện hiện thực, về diễn biến đang xảy ra; trên bình diện thời gian là phải thông tin nhanh chóng, kịp thời, đúng thời điểm, không bị chậm trễ, đi sau về thông tin.
Thiết thực chính là nhận thức và tuân thủ nghiêm ngặt tính thực tiễn, nếu theo kịp thực tiễn thì CTTG có cơ sở vững chắc để tồn tại và phát triển; ngược lại, khi tính thực tiễn bị vi phạm, bị “lệch pha” thì CTTG đã bị xơ cứng, nghèo nàn, không phản ánh được và không phù hợp với thực tiễn và do đó, ít có giá trị. Do đó, tính thiết thực của CTTG là luôn luôn phải bám sát thực tiễn, sát hợp với thực tiễn để nắm bắt thực tiễn, phục vụ nhu cầu của thực tiễn; không nên và không được viển vông, huyễn hoặc, xa rời thực tiễn.
Tính thuyết phục của CTTG là góp phần đưa đường lối, chủ trương, cơ chế, chính sách, pháp luật được triển khai thực hiện hợp lòng người, đáp ứng được lợi ích cơ bản, lâu dài và trước mắt của các tầng lớp nhân dân và của toàn dân tộc; làm cho đảng viên nhất trí, toàn dân đồng thuận với Cương lĩnh, đường lối, tự giác tích cực thực hiện thắng lợi chủ trương, chính sách, pháp luật. Do đó, tính thuyết phục của CTTG là phải nắm được tâm lý, đi vào lòng người, không áp đặt, cưỡng cầu một chiều; không ngoa ngôn và cũng không ngụy ngôn.
Tiên tiến của CTTG là phải ứng dụng và sử dụng thành thạo những thành quả của cuộc CMCN 4.0, của internet, của mạng xã hội vào hoạt động của mình; biến những ưu thế tiên tiến đó thành lợi thế, thành hành trang nội tại, không thể thiếu trong “nghề” tuyên giáo.
Hai là, CTTG phải tham gia vào quá trình tiếp tục đổi mới tư duy.
Đổi mới tư duy là yêu cầu sống còn của sự nghiệp đổi mới đất nước. Hơn thế nữa, cuộc CMCN 4.0 đã làm thay đổi căn bản sự nhận thức thông thường, làm “đảo lộn tư duy”. Đảng ta đã nhấn mạnh: “Cuộc CMCN 4.0 yêu cầu phải đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, quản lý xã hội, xây dựng, hoàn thiện thể chế cho phù hợp. Cần có cách tiếp cận mở, sáng tạo, cho thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra, tạo mọi thuận lợi cho đổi mới sáng tạo”[3]. Để bảo đảm cho sự phát triển, những nhà lãnh đạo, những nhà hoạch định chính sách và những nhà quản lý sẽ phải chủ động đưa tư duy của mình thoát khỏi lối mòn.
Rõ ràng, đổi mới tư duy để có một tư duy mới, không theo lối mòn, không tuần tự nhằm bắt kịp và thích ứng với cuộc CMCN 4.0 là vấn đề đang đặt ra cho Việt Nam, nhất là cho các nhà lãnh đạo, cho đội ngũ quản lý các cấp và đội ngũ quản trị doanh nghiệp nước ta. Hơn ai hết, CTTG phải tham gia chủ động, tích cực vào quá trình đổi mới tư duy này.
Ba là, CTTG phải góp phần để đưa báo chí làm tốt sứ mạng là cầu nối giữa nhân dân với Đảng, là “diễn đàn của nhân dân”.
Báo chí cách mạng Việt Nam là tiếng nói của Đảng, các cơ quan Nhà nước, của các đoàn thể và là diễn đàn của nhân dân. Tiếng nói của báo chí không chỉ phán ánh kịp thời, đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống mà còn là kênh thông tin tin cậy để nhân dân “gửi gắm” tâm tư nguyện vọng, “vũ khí” giám sát của mình đối với Đảng và Nhà nước. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn các nhà báo: “Báo chí phải phục vụ nhân dân, chủ nghĩa xã hội, đại đoàn kết dân tộc và hòa bình thế giới. Người làm báo phải là chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa, tư tưởng”.
Để thực hiện tốt vai trò là diễn đàn của nhân dân thì báo chí phải luôn sống trong lòng nhân dân, phải kịp thời phản ánh, đánh giá các hiện tượng và sự kiện của đời sống xã hội, đại diện và bảo vệ cho quyền lợi của nhân dân, trực tiếp tham gia vào cuộc đấu tranh của nhân dân vì sự công bằng, dân chủ và tiến bộ xã hội. Rõ ràng, với chức năng và trọng trách của mình, CTTG phải là người lãnh đạo, là người dẫn dắt chính để cho báo chí làm tốt sứ mạng là cầu nối giữa nhân dân với Đảng, là “diễn đàn của nhân dân”.
Bốn là, CTTG phải góp phần hình thành triết lý giáo dục mới cho Việt Nam.
Cuộc CMCN 4.0 cũng đặt ra và đòi hỏi phải thay đổi triết lý giáo dục. Theo một số chuyên gia: “Trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo, khi kỹ thuật tiến hóa nhanh quá mà con người không theo kịp thì sẽ mất hết tự do, sẽ trở thành “nô lệ” của kỹ thuật, bị kiểm soát, bị điều khiển bởi những “ông trời” máy móc”[4].
Quả thật, từ nguy cơ hiện hữu đó, nền giáo dục mà hạt nhân của nó là triết lý giáo dục của mỗi quốc gia đều phải thay đổi cho tương thích và đáp ứng được với cuộc CMCN 4.0. Ở Việt Nam, các nhà giáo dục, các học giả khoa học cũng đã nhìn nhận ra vấn đề phải thay đổi triết lý giáo dục. Công nghệ thông tin đang từng bước thay thế dần chức năng truyền thụ kiến thức mà trước đây người thầy giáo trực tiếp làm.
Như vậy, với cuộc CMCN 4.0, nền giáo dục đang cần một triết lý giáo dục để định hướng cho tất cả các hoạt động giáo dục nhằm đào tạo ra những con người dám đột phá, sáng tạo, không lặp lại, có trách nhiệm và biết chấp nhận rủi ro trong khởi nghiệp. Thiết nghĩ, hơn lúc nào hết, trong giai đoạn hiện nay, CTTG cần góp phần để hình thành một triết lý giáo dục đích thực nhằm đưa nền giáo dục Việt Nam tương thích với thời đại CMCN 4.0.
Năm là, CTTG cần tham gia vào việc thúc đẩy đầu tư cho ý tưởng.
Từ thực tiễn hoạt động sản xuất của các nước công nghiệp tiên tiến trên thế giới đã cho thấy một sự thật, đầu tư cho ý tưởng khoa học mới là một trong những hướng đi chủ đạo để tạo ra sự bứt phá về công nghệ mới và sự sáng tạo trong cuộc CMCN 4.0. Theo các chuyên gia: “Xã hội càng hiện đại, càng đặt vai trò nhiều hơn cho sự sáng tạo... trong thế giới hiện đại ngày nay, người ta đã hiểu ra là sự sáng tạo rất quan trọng và qua đó, trí tưởng tượng cũng đóng vai trò quan trọng theo vì nếu không có sự tưởng tượng thì sẽ không có sự sáng tạo”[5].
Rõ ràng, từ thực tế trên thế giới, để đột phá trong phát triển ở thời đại CMCN 4.0, đã đến lúc, Việt Nam cũng phải thực thi đầu tư cho ý tưởng. Và ở đây, theo chúng tôi, CTTG có trọng trách rất lớn trong việc tạo lập và thực thi một phương thức đầu tư phát triển mới, phương thức đầu tư cho ý tưởng khoa học-công nghệ mới...
PGS, TS NGÔ ĐÌNH XÂY, nguyên Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương
[1] ĐCSVN-Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Văn phòng Trung ương Đảng, HN. 2016, tr. 192-193
[2] ĐCSVN-Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Văn phòng Trung ương Đảng, HN. 2016, tr. 200
[3]Xem: Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị “về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”
[4] Xem: My Lan-Kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo: Nếu không theo kịp, con người sẽ mất tự do, trở thành "nô lệ" của máy móc.
[5]Xem : TS Đặng Hoàng Giang: Đêm Ý tưởng 2018 - Đêm đề cao trí tưởng tượng (La Nuit des Idées).