Sinh thời, Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh những yêu cầu, những tiêu chí đối với người làm báo cách mạng Việt Nam. Trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng” đăng trên Tạp chí Học tập, số 12 năm 1958, với bút danh Trần Lực, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”(1) . Theo đó, nhà báo cũng là người làm cách mạng nên phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng để hoàn thành được nhiệm vụ vẻ vang. Tại Đại hội Hội Nhà báo lần thứ III (ngày 8-9-1962), Người nhấn mạnh: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng”(2). Chuẩn mực đạo đức cách mạng của nhà báo theo Chủ tịch Hồ Chí Minh cần có các tiêu chí cơ bản sau.
 |
Liên chi hội Nhà báo Báo Quân đội nhân dân tổ chức Tọa đàm "Nhà báo - chiến sĩ: Đam mê và trách nhiệm" năm 2018.Ảnh: Trọng Hải. |
Tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng và của dân tộc là chuẩn mực đạo đức hàng đầu, cao nhất và là tính Đảng của người làm báo, của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Đó là thấm nhuần mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Về vấn đề này, trong bài nói tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam ngày 16-4-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Báo chí là người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức chung, người lãnh đạo chung”(3), góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, cho nên: “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới. Chính vì thế cho nên tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành, v.v..) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng”(4).
Yêu lao động là chuẩn mực căn bản đạo đức của mỗi con người, trong đó có nhà báo cách mạng. Yêu lao động báo chí-loại hình lao động sáng tạo với thái độ đúng đắn trở thành thước đo, chuẩn mực cơ bản để đánh giá phẩm giá của một nhà báo. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà báo cách mạng chân chính cũng cần có thái độ đúng đối với lao động nghề nghiệp viết báo của mình, đó là: Cần cù, tự giác, sáng tạo, có chất lượng và hiệu quả cao; yêu quý lao động của mình và biết quý trọng lao động của người khác; khắc phục thái độ thụ động, lười biếng trong lao động… Về vấn đề này, Người phê bình và thực lòng động viên những nhà báo chưa tâm huyết, chưa toàn tâm toàn ý với nghề, thậm chí muốn bỏ nghề: “Sau khi nghiên cứu chỉ thị của Trung ương về báo chí, có một số đồng chí thì tiến bộ, nhưng cũng có một số vì trình độ văn hóa và chính trị còn kém thì đâm ra bi quan và muốn đổi làm nghề khác. Họ không biết rằng nghề nào cũng khó, không có nghề nào dễ... “Không có việc gì khó, có chí thì làm nên”. Câu nói đó rất đúng”(5). Và Người kết luận: “Tóm lại, trong lao động không có nghề gì là hèn, chỉ có lười biếng mới là hèn; làm tròn nhiệm vụ thì công tác nào cũng vẻ vang”(6).
Bút sắc là tiêu chí về năng lực cần thiết của nhà báo cách mạng, là cơ sở để xây dựng đạo đức nghề nghiệp của nhà báo. Mỗi tác phẩm báo chí là kết tinh trình độ, quan điểm và phẩm chất, nhân cách của người làm báo. Để có được những bài viết giàu tính Đảng, tính định hướng dư luận xã hội tích cực, Bác yêu cầu những người làm báo: Trước hết, cần xác định rõ chủ đề, đối tượng, mục đích của việc nói và viết; từ đó mới có thể tìm ra cách nói, cách viết cho phù hợp nhất với chủ đề, với đối tượng để đạt được mục đích đề ra. Bởi theo Bác: “Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu” (7). Theo đó, để có ngòi bút sắc, mỗi tác phẩm báo chí phải đạt những tiêu chuẩn, đó là:
 |
Biểu diễn văn nghệ chào mừng Hội Báo toàn quốc năm 2019. Ảnh: Trọng Hải. |
Tính chân thực. Mỗi bài nói, bài viết phải bám sát thực tiễn cách mạng, chuyển tải “hơi thở cuộc sống” của nhân dân. Một bài báo tốt của một nhà báo chân chính phải đem lại cho người đọc, người nghe lượng thông tin cao và chính xác. Chính tính chân thực làm nên sức thuyết phục cao của những bài nói, bài viết với người nghe, người đọc, cũng là một yếu tố quan trọng tạo sức hấp dẫn, làm nên “thương hiệu” của nhà báo, tờ báo. Vì vậy, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở: “1. Phải học cách nói của quần chúng. Chớ nói như cách giảng sách. Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng. 2. Phải luôn luôn dùng những lời lẽ, những thí dụ giản đơn, thiết thực và dễ hiểu. 3. Khi viết, khi nói, phải luôn luôn làm thế nào cho ai cũng hiểu được. Làm sao cho quần chúng đều hiểu, đều tin, đều quyết tâm theo lời kêu gọi của mình. Bao giờ cũng phải tự hỏi: “Ta viết cho ai xem? Nói cho ai nghe?”. 4. Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết. 5. Trước khi nói, phải nghĩ cho chín, phải sắp đặt cẩn thận... Sau khi viết rồi, phải xem đi xem lại ba, bốn lần. Nếu là một tài liệu quan trọng, phải xem đi xem lại chín, mười lần”(8)...
Ngôn ngữ báo chí ngắn gọn, trong sáng, giản dị, dễ hiểu là một tiêu chí và yêu cầu khắt khe trong cách nói, cách viết của nhà báo. Bác từng căn dặn những người làm Báo Quân đội nhân dân từ những ngày đầu thành lập báo: "Nói những điều thật thiết thực, đúng đường lối chính trị, ít tếu, viết ngắn, giản dị, vẽ dễ hiểu, trình bày rõ ràng, ít tiếp sang trang khác". Theo Bác, ngắn gọn có nghĩa là gọn gàng, rõ ràng, có đầu có đuôi, có nội dung thiết thực, thấm thía, chắc chắn. Đặc tính đó được thể hiện rõ trong phong cách báo chí của Hồ Chí Minh. Tư tưởng, thông điệp của bài viết theo Người cần được chuyển đến người nghe, người xem, người đọc bằng những ngôn từ, hình ảnh quen thuộc, dù đó là những vấn đề cụ thể của cuộc sống chiến đấu, lao động hằng ngày hay những vấn đề lớn của đất nước, của thời đại; tuyệt đối không viết kiểu “đếm dòng lấy tiền”. Vì vậy, Người huấn thị: “Có lẽ vì thế mà có lúc xem đến thì thấy cách viết thường ba hoa, dây cà dây muống; và hình như viết là để đếm dòng lấy tiền, có những bài nhạt nhẽo thế nào ấy”(9).
Dũng cảm, kiên quyết đấu tranh với mọi loại kẻ địch trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Lúc bình thường, mỗi nhà báo thường xuyên trau dồi chuyên môn nghề nghiệp, lấy ngòi bút sắc làm vũ khí tư tưởng để góp phần “chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”(10). Theo đó, người làm báo phải luôn nâng cao tính chiến đấu trong mỗi bài báo, thể hiện rõ tinh thần cách mạng tiến công, sắc bén trong xem xét nhận rõ bản chất của kẻ thù, kiên quyết đấu tranh với những tư tưởng thù địch, sai trái, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng. Nhà báo cũng phải kiên quyết và khôn khéo đấu tranh với kẻ địch giấu mặt là chủ nghĩa cá nhân-kẻ thù lớn nhất của đạo đức cách mạng của nhà báo. Vì vậy, Bác Hồ từng phê bình: “Có người chỉ muốn làm cái gì để “lưu danh thiên cổ” cơ. Muốn viết bài cho oai, muốn đăng bài mình lên các báo lớn. Cái đó cũng không đúng. Những khuyết điểm đó đều do chủ nghĩa cá nhân đẻ ra”(11).
Chuẩn mực đạo đức cách mạng của nhà báo theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những yêu cầu về đạo đức-nghề nghiệp cần nghiêm túc tuân thủ và rèn luyện; là kim chỉ nam cho việc xây dựng đội ngũ nhà báo thời kỳ mới để báo chí cách mạng Việt Nam làm tròn sứ mệnh vẻ vang của mình đối với Đảng, Nhà nước, Tổ quốc và nhân dân.
TS HÀ SƠN THÁI
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.601
(2) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 13, tr.466
(3) (4) (5) (6) (7) (9) (10) (11) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, tr.167; tr.166; tr.165; tr.165; tr.167; tr.164; tr.171; tr.165
(8) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, tr.345-346