Cử tri ủng hộ Quốc hội tiếp tục đổi mới hoạt động
Phát biểu ý kiến tại hội nghị tiếp xúc cử tri, cử tri đánh giá rất cao sự thành công và kết quả Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, trong đó có vai trò chủ trì, điều hành rất nghiêm túc, thẳng thắn, linh hoạt, hiệu quả, sâu sát của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và tinh thần đổi mới trong hoạt động của Quốc hội; bày tỏ sự tin tưởng, ủng hộ cao với hoạt động của Quốc hội nói chung, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng nói riêng, cũng như những quyết sách, quy định mà Quốc hội đã ban hành và quyết tâm đổi mới hoạt động của Quốc hội. Cử tri đánh giá cao việc Quốc hội thông qua các nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố, trong đó có nghị quyết cho thành phố Hải Phòng, coi đây là điều kiện rất thuận lợi để Hải Phòng đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, tạo động lực phát triển cho cả vùng.
 |
Chủ tịch Quốc hội và cử tri quận Hải An, Hải Phòng. |
Cử tri kiến nghị quan tâm hơn tới công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhất là công tác tuyên truyền để củng cố niềm tin và tạo sự đồng thuận của nhân dân, củng cố hệ thống y tế ở cơ sở, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; đôn đốc, chỉ đạo, giám sát việc thực hiện nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Hải Phòng; kiểm soát lạm phát; quan tâm đầu tư xây dựng tuyến đường sắt mới Hà Nội-Hải Phòng, đường sắt ra Cảng Lạch Huyện và cầu Tân Vũ-Lạch Huyện giai đoạn 2; tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội; tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tăng cường hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công; tăng cường giám sát thực hiện việc xây dựng nhà ở cho công nhân; sớm ban hành văn bản quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; có cơ chế, chính sách đầu tư trang thiết bị phục vụ đào tạo nghề cho đối tượng là người khuyết tật; triển khai mạnh mẽ Chiến lược biển Việt Nam; tiếp tục phát động và thực hiện hiệu quả chương trình Sóng và máy tính cho em, hiện đại hóa hạ tầng cho giáo dục và đào tạo thực hiện chuyển đổi số hiệu quả; hoàn thiện pháp luật về đất đai…
“Sửa đổi lối làm việc”
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội cảm ơn cử tri đã đánh giá cao kết quả hoạt động của Quốc hội. Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ sự nhất trí với các vấn đề mà cử tri nêu ra.
Về vấn đề tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh lại tinh thần trong cuốn “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh; khẳng định, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đang tiếp tục nỗ lực đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, bảo đảm mọi quyết sách đều vì quyền lợi chính đáng của người dân, doanh nghiệp.
Đảng đoàn Quốc hội đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết 161/2021/QH14, trong đó có nội dung xây dựng và triển khai đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của Quốc hội.
Việc đổi mới tổ chức hoạt động của Quốc hội được tiến hành đồng thời trên cả 3 lĩnh vực hiến định là lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của quốc gia. Đề án cũng yêu cầu đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác ngoại giao nghị viện.
 |
Chủ tịch Quốc hội trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri. |
Chủ tịch Quốc hội nêu ví dụ, công tác dân nguyện trước đây chỉ báo cáo tại kỳ họp của Quốc hội mỗi năm hai lần, nhưng hiện nay đã được báo cáo hằng tháng tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có sự tham gia của Thanh tra Chính phủ, các cơ quan khối nội chính, tạo ra sự chuyển biến rất tích cực trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Về đổi mới tại kỳ họp Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo và được Quốc hội đồng ý thử nghiệm và đã thực hiện thành công việc họp trực tuyến bao gồm cả việc chia tổ thảo luận. Tại Kỳ họp thứ hai vừa qua, Quốc hội đã chia làm 72 tổ, trong đó có 10 tổ ở Nhà Quốc hội, 62 tổ ở 62 tỉnh, thành phố-trừ Hà Nội họp tại Nhà Quốc hội. Khi thảo luận tổ ở địa phương, đại diện các sở, ngành có thể tham dự và cung cấp thông tin cho đại biểu Quốc hội. Vì vậy, cử tri và nhân dân đánh giá kỳ họp vừa rồi thể hiện Quốc hội ngày càng gần dân hơn. Nhờ cải tiến này, hoạt động thảo luận tại tổ chưa bao giờ có nhiều ý kiến thảo luận như vậy, chỉ trong 8 phiên thảo luận tổ mà đã có 2.927 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu.
Trong hoạt động thảo luận tại tổ, công tác thư ký cũng có sự cải tiến. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng thư ký Quốc hội tuyển chọn 40 chuyên viên giỏi, có trình độ tại Văn phòng Quốc hội để đào tạo, tập huấn làm thư ký tổ. Đội thư ký tổ đã hoạt động liên tục, nhiều hôm làm việc xuyên đêm để tổng hợp ý kiến đại biểu, gửi các đại biểu Quốc hội, cơ quan trình và cơ quan thẩm tra.
Trên cơ sở đó, ngay sau ngày thảo luận tại tổ, cơ quan trình và cơ quan thẩm tra đã phối hợp báo cáo giải trình sơ bộ. Nhờ vậy, hoạt động thảo luận tại hội trường chỉ còn tập trung vào các nội dung quan trọng, còn ý kiến khác nhau, qua đó góp phần rút ngắn được thời gian họp.
Một nội dung cải tiến khác là Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình và Quốc hội đã đồng ý cho áp dụng hệ thống biểu quyết trực tuyến bằng hệ thống điện tử được cài đặt trên Ipad của đại biểu.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhất trí với đánh giá của cử tri rằng công tác chuẩn bị từ sớm, từ xa rất quan trọng để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp.
Trong công tác lập pháp, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 19-KL/TW và định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, trong đó nêu rõ 137 nhiệm vụ lập pháp cụ thể cần được thực hiện. Hiện nay, nhiều cơ quan đã bắt đầu triển khai thực hiện các nhiệm vụ lập pháp cho cả nhiệm kỳ.
Trong công tác giám sát, Quốc hội vừa tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai công tác giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội huy động cả 63 HĐND và 63 đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham gia các đoàn giám sát. Công tác giám sát không chỉ tập trung vào khâu thực thi pháp luật, mà còn tập trung cả vào việc ban hành các văn bản quy định chi tiết luật.
 |
Quang cảnh hội nghị tiếp xúc cử tri. |
Bước tiến về quan điểm phát triển thành phố Hải Phòng
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng được ban hành nhằm cụ thể hóa các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 5-8-2003 về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết 45/NQ/TW ngày 24-1-2019 về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chủ tịch Quốc hội phân tích, từ Nghị quyết 32 tới Nghị quyết 45 có sự thay đổi rất lớn. Nghị quyết 32 coi Hải Phòng là một cực tăng trưởng trong tam giác phát triển Hà Nội-Quảng Ninh-Hải Phòng. Nhưng Nghị quyết 45 đã đặt Hải Phòng ở một tầm vóc khác khi coi đây là động lực tăng trưởng của vùng Bắc Bộ và cả nước; sớm hiện đại hóa, công nghiệp hóa thành phố Hải Phòng, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở châu Á.
Chủ tịch Quốc hội nhất trí với kiến nghị của cử tri về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội đã đề nghị Chính phủ tổng kết kinh nghiệm, bài học trong nước và quốc tế, nâng cao năng lực phân tích, dự báo để khẩn trương hoàn thiện, ban hành và tổ chức triển khai hiệu quả, thông suốt, thống nhất Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch. Trong chiến lược tổng thể có kế hoạch phân bổ, sử dụng vaccine nói chung và cho trẻ em nói riêng để sớm đưa trẻ em trở lại trường học; tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống y tế; củng cố, hoàn thiện và phát triển mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng; xây dựng gói chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội…
Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận với các kiến nghị, đề xuất khác của cử tri, đề nghị HĐND, UBND thành phố Hải Phòng ghi nhận và tiếp thu các kiến nghị, đề xuất thuộc thẩm quyền của địa phương. Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố sẽ tổng hợp, báo cáo Quốc hội tiếp thu những kiến nghị, đề xuất thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Những kiến nghị, đề xuất thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng sẽ kiến nghị để Chính phủ giải quyết.
CHIẾN THẮNG