DLXH là sự phản ánh tâm trạng xã hội, phản ánh sự quan tâm của người dân đối với các vấn đề phát sinh trong đời sống xã hội. Trong đó, tham nhũng, tiêu cực vốn là những vấn đề gây nhiều bức xúc, thường xuyên thu hút sự quan tâm của quần chúng. Do đó, việc thực hiện tốt công tác nắm và định hướng dư luận sẽ góp phần quan trọng hạn chế tình trạng hiểu sai, hiểu không đúng, dẫn đến sự bức xúc, mất lòng tin vào công cuộc đấu tranh PCTNTC. Hai nhiệm vụ của công tác dư luận là nắm và định hướng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, cùng hướng tới mục đích chung là tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội đối với công tác đấu tranh PCTNTC.
Có thể thấy rõ, phản ứng của người dân Thủ đô với các vụ việc tham nhũng, tiêu cực, nhất là những vụ việc đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại các tập đoàn lớn, các vụ việc liên quan đến sai phạm của cán bộ trong thời gian qua được hình thành khá nhanh. Sức lan tỏa các phản ứng trong cộng đồng còn được nhân lên nhanh chóng thông qua báo chí, truyền thông và mạng xã hội. Do đó, việc chủ động nắm được từ sớm các phản ứng của cộng đồng để tham mưu và có giải pháp xử lý phù hợp là rất quan trọng.
Trong quá trình chủ động nắm tâm trạng xã hội, ngành tuyên giáo TP Hà Nội thường xuyên chú ý tới việc xác định phản ứng của các nhóm khác nhau trong cộng đồng để có giải pháp thông tin phù hợp. Việc chủ động nắm DLXH sớm, định hướng thông tin nhanh góp phần quan trọng để các vấn đề liên quan đến tham nhũng, tiêu cực không trở thành chủ đề bị lợi dụng, xuyên tạc, kích động. Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác nắm dư luận, định hướng thông tin sẽ phát huy được chức năng của DLXH là giáo dục, điều chỉnh hành vi của các cá nhân...
|
|
Lãnh đạo TP Hà Nội trao bằng khen tặng các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên giáo năm 2023. Ảnh: PHẠM CƯỜNG |
Hiện nay, việc chủ động nắm DLXH trên địa bàn Thủ đô được thực hiện bởi mạng lưới đội ngũ cộng tác viên có kiến thức, kinh nghiệm và trải đều trên các lĩnh vực, địa bàn, giúp phản ánh kịp thời tâm trạng chung của xã hội ngay sau khi có các vấn đề phát sinh. Trên cơ sở chủ động nắm chính xác dư luận trong cộng đồng và từng nhóm đối tượng, việc thực hiện định hướng thông tin về công tác đấu tranh PCTNTC được TP Hà Nội quan tâm thực hiện.
Dưới sự chỉ đạo của Thành ủy, các cấp, ngành có liên quan thực hiện trao đổi, cung cấp thông tin về vụ việc để định hướng dư luận. Việc sớm nắm dư luận đi liền với thông tin định hướng giúp chính quyền các cấp chủ động tuyên truyền về kết quả đấu tranh PCTNTC. Hiện nay, việc thông tin định hướng trên địa bàn TP Hà Nội được thực hiện đồng bộ qua các kênh như: Bản tin sinh hoạt chi bộ, trang tin điện tử, sổ tay đảng viên điện tử, hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền viên... qua đó cung cấp thông tin chính thống, tạo sự đồng thuận cho cán bộ, đảng viên, từ đó có sự lan tỏa tới cộng đồng.
Tuy nhiên, việc nắm dư luận và định hướng thông tin trong công tác đấu tranh PCTNTC trên địa bàn TP Hà Nội vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định. Trong đó có yếu tố khách quan là các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đẩy mạnh hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước và thành quả công tác PCTNTC. Sự bùng nổ của các ứng dụng công nghệ, mạng xã hội cũng là yếu tố ảnh hưởng tới quá trình thực hiện công tác tư tưởng, nắm và định hướng DLXH, tham gia đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng...
Trong thời gian tới, để làm tốt công tác nắm DLXH và định hướng thông tin trong công tác đấu tranh PCTNTC, ngành tuyên giáo TP Hà Nội cần phát huy tốt vai trò của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở; coi đây không chỉ là công việc của riêng ngành tuyên giáo mà phải được thực hiện tốt ngay từ các cơ quan, đơn vị. Từng bước ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong triển khai thực hiện nắm tình hình tư tưởng. Chủ động cung cấp thông tin về công tác đấu tranh PCTNTC cho đội ngũ cộng tác viên DLXH trên địa bàn, làm căn cứ để phát huy vai trò định hướng thông tin ở cơ sở.
Mặt khác, cần tổ chức tốt việc nắm thông tin trên môi trường không gian mạng; xác định rõ sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, của mạng xã hội, đang đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi việc nắm tình hình tư tưởng phải có những thay đổi để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Thông qua việc chủ động nắm thông tin trên môi trường mạng, sớm phát hiện các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, đồng thời chủ động đấu tranh bằng nhiều biện pháp. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường đối thoại với người dân để giải quyết những vấn đề nóng, phức tạp nảy sinh trên địa bàn. Qua tổ chức đối thoại, trao đổi thông tin hai chiều làm cho mối quan hệ giữa cán bộ các cấp và nhân dân gần gũi hơn, tạo sự đồng thuận trong giải quyết những vấn đề nảy sinh từ cơ sở, đồng thời phát hiện, điều chỉnh những chính sách chưa phù hợp.
Bài và ảnh: ANH TUẤN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.