Trên cơ sở các khâu đột phá mà nghị quyết đại hội đã đề ra, hằng năm, Đảng ủy Quân sự (ĐUQS) tỉnh xác định các nội dung, chỉ tiêu cụ thể, nhằm từng bước cụ thể hóa các khâu đột phá, đồng thời, các cơ quan chức năng Bộ CHQS tỉnh tích cực chỉ đạo, hướng dẫn cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị thuộc quyền tiếp tục cụ thể hóa theo nhiệm vụ, tình hình thực tiễn của đơn vị mình. Trong năm 2016, ĐUQS tỉnh Thanh Hóa đã lựa chọn và tập trung vào hai khâu đột phá: Nâng cao năng lực trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp; nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu, xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật quân đội, pháp luật Nhà nước.
Sở dĩ ĐBQS tỉnh lựa chọn các khâu đột phá trên, thứ nhất, xuất phát từ việc quán triệt chủ trương, giải pháp của nghị quyết đại hội đã xác định; thứ hai, từ yêu cầu cấp thiết trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng (QS, QP), từ thực tiễn của ĐBQS và LLVT địa phương. Chúng tôi xác định, để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng, nâng cao năng lực làm tham mưu và triển khai, tổ chức thực hiện nhiệm vụ QS, QP địa phương, xây dựng đơn vị VMTD phải bắt đầu từ việc nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, thực sự coi cán bộ là “cái gốc của mọi công việc”, trước hết là với đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp.
Việc xác định đúng và triển khai thực hiện khâu đột phá trên đã tạo được hiệu quả và chuyển biến rõ nét trong toàn Đảng bộ, nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ QS, QP địa phương; tạo sự thống nhất về nhận thức, trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân trong LLVT địa phương; là cơ sở để tập trung mọi nguồn lực, thực hiện và hoàn thành mọi nhiệm vụ với quyết tâm cao.
Việc xác định đúng khâu đột phá đã phát huy được sức sáng tạo của từng đơn vị trong việc lựa chọn nội dung công việc, lựa chọn vấn đề trọng tâm để đột phá trong Đảng bộ, chi bộ, đơn vị; vừa khắc phục được những hạn chế, khuyết điểm nội tại của đơn vị, vừa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ QS, QP của địa phương; đồng thời tạo phong trào thi đua rộng khắp, gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” với Phong trào Thi đua Quyết thắng của LLVT địa phương.
Hằng năm, ĐBQS tỉnh lựa chọn xây dựng điểm toàn diện 4 Đảng bộ, qua đó tạo chuyển biến rõ nét trong toàn lực lượng; nâng cao chất lượng tổng hợp của LLVT địa phương; nhiều đơn vị nhiều năm liền đạt danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”. Bộ CHQS tỉnh luôn là đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua của địa phương; tham gia hội thi, hội thao đạt giải cao.Năm 2015 và 2016, Bộ CHQS tỉnh được Bộ Quốc phòng tặng Cờ thi đua, ĐBQS tỉnh được Tỉnh ủy Thanh Hóa tặng Bằng khen.
Việc lựa chọn đúng khâu đột phá và đơn vị xây dựng điểm đã tạo ra “hiệu quả kép”, bởi ĐBQS tỉnh xác định thực hiện nội dung này chính là thực hiện tinh thần của Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, gắn với thực hiện Cuộc vận động "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ".
Kết quả đạt được trong thời gian qua là cơ sở để ĐBQS tỉnh Thanh Hóa tiếp tục thực hiện những nội dung đột phá cho những năm tới. ĐBQS tỉnh xác định, đổi mới mạnh mẽ phương pháp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, hướng mạnh về cơ sở, nâng cao chất lượng từ cơ sở, tập trung đột phá vào các nội dung: Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, chi bộ; trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên; chất lượng xây dựng chính quy, quản lý và rèn luyện kỷ luật; chất lượng xây dựng và hoạt động của ban CHQS cấp xã và lực lượng dân quân tự vệ ở cơ sở; thực hiện thắng lợi nhiệm vụ QS, QP địa phương, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa khám, chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh minh họa: qdnd.vn.
Xây dựng đơn vị điểm để rút kinh nghiệm là cách làm không mới, nhưng làm thế nào để mang lại hiệu quả thiết thực mới là vấn đề khó. Vì vậy, ĐBQS tỉnh vừa làm vừa rút kinh nghiệm trong từng khâu, từng nội dung, biện pháp cụ thể để tạo sự đột phá; khắc phục khâu yếu, mặt yếu, đơn vị yếu. Trong đó, xác định phải quán triệt sâu sắc chủ trương, mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ; hằng năm cụ thể hóa được mục tiêu, chỉ tiêu, khâu đột phá, từ đó lựa chọn đơn vị điểm để đột phá; xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm để tập trung lãnh đạo. Việc xác định cụ thể nội dung đột phá cũng giúp cấp ủy ở từng cấp vận dụng linh hoạt vào điều kiện cụ thể ở từng cơ quan, đơn vị.
Từ kết quả đã đạt được cho thấy, lựa chọn và xây dựng đơn vị điểm cần sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh và sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; vai trò của cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên và cơ quan chuyên môn các cấp. Cần đánh giá đúng những thuận lợi, khó khăn của cơ quan, đơn vị và địa phương; xác định rõ cơ quan, đơn vị nào còn những khâu yếu, mặt yếu gì, từ đó lựa chọn để tập trung lãnh đạo, xây dựng điểm để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, từng bước khắc phục dứt điểm khâu yếu, mặt yếu. Làm theo cách này, vừa bảo đảm việc triển khai thực hiện nghị quyết có chiều sâu, vừa không rơi vào tình trạng dàn trải chung chung, kém hiệu quả.
Trong xây dựng điểm, trước hết phải tập trung nâng cao chất lượng lãnh đạo của các cấp ủy cơ sở, chi bộ; bố trí sắp xếp lại đội ngũ cán bộ chủ trì là những đồng chí trẻ, có năng lực, đồng thời hướng dẫn chỉ đạo việc xác định khâu đột phá nhằm “sốc lại” quyết tâm thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên đơn vị; phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chủ trì (người chỉ huy và chính ủy, chính trị viên). Tập trung đổi mới về nhận thức, tư duy, phong cách lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; theo dõi, kiểm tra, chỉ đạo quyết liệt các nội dung còn yếu kém, hạn chế của đơn vị; đầu tư xây dựng đồng bộ cả về đội ngũ cán bộ, cả về nguồn lực tài chính. Phải tạo được phong trào thi đua rộng khắp; quan tâm đầu tư xây dựng cơ quan, đơn vị có môi trường văn hóa tốt; phát huy tốt dân chủ, tạo sự đồng thuận, đoàn kết thống nhất cao của mọi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Đây chính là động lực giúp cán bộ, chiến sĩ vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Từ thực tiễn ở ĐBQS tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi xác định, quá trình chỉ đạo xây dựng điểm phải thực hiện tốt công tác kiểm tra. Đây là khâu hết sức quan trọng trong quy trình lãnh đạo nhằm đánh giá đúng những việc làm được, chưa làm được của đơn vị để kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh và tạo điều kiện giúp đỡ đơn vị khắc phục hạn chế; 6 tháng có kế hoạch khắc phục, sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm; cuối năm phải tổ chức đánh giá kết quả lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng điểm, qua đó làm rõ trách nhiệm của từng cấp, từng cá nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để rút kinh nghiệm. Chính nhờ sự chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở nên chất lượng thực hiện nhiệm vụ của đơn vị ngày càng đi vào chiều sâu và có tính bền vững, từ đó tạo sự chuyển biến rõ nét, khắc phục triệt để những mặt yếu kém nhất, những vấn đề tồn tại, bức xúc nhất.
ĐẠI TÁ ĐỖ VĂN MINH, Phó bí thư Đảng ủy Quân sự, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa.