Nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tập trung vào nhiều vấn đề được cử tri, nhân dân quan tâm, như: Công tác phòng, chống buôn lậu, hàng giả, quản lý giá điện, hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ nông sản, phòng, chống thiên tai, gìn giữ, phát huy nghệ thuật truyền thống, công tác sắp xếp đơn vị hành chính...
Giám sát đến cùng việc thực hiện các yêu cầu, kiến nghị
Phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, theo chương trình công tác năm 2024 của UBTVQH, tại Phiên họp thứ 36, UBTVQH tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn để xem xét việc thực hiện của Chính phủ, các bộ, ngành đối với 6 nghị quyết về chất vấn và giám sát chuyên đề của UBTVQH từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Đây là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, UBTVQH triển khai hoạt động “giám sát lại”, thể hiện trách nhiệm của UBTVQH trong việc giám sát đến cùng việc thực hiện các yêu cầu, kiến nghị của Quốc hội, UBTVQH; qua đó đánh giá một cách toàn diện, làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, từ đó có những giải pháp để tháo gỡ kịp thời, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan chịu sự giám sát. Đồng thời, cũng thể hiện sự đồng hành của Quốc hội, UBTVQH với Chính phủ trong việc thực hiện, triển khai các yêu cầu đã được UBTVQH đề ra trong các nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn.
|
|
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn Hà Nội) nêu vấn đề tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: PHẠM THẮNG |
Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các vấn đề, lĩnh vực UBTVQH giám sát chuyên đề, chất vấn đều là những nội dung quan trọng, được cử tri và nhân dân quan tâm. Qua các báo cáo và kết quả thực tế cho thấy, việc thực hiện các nghị quyết của UBTVQH đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, tạo sự chuyển biến tích cực, thể hiện sự quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ và các vị trưởng ngành, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và công tác đối ngoại, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, một số nội dung triển khai còn chậm, có nội dung hiệu quả, kết quả thực hiện chưa đạt yêu cầu.
Tại phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội đã tiến hành chất vấn hai nhóm vấn đề. Nhóm vấn đề thứ nhất liên quan đến lĩnh vực công thương; nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT); văn hóa, thể thao và du lịch. Nhóm vấn đề thứ hai liên quan đến lĩnh vực tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát.
Xóa khoảng cách bất hợp lý giữa các đối tượng sử dụng điện
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, đại biểu Chu Thị Hồng Thái (đoàn Lạng Sơn) nêu câu hỏi: Tình trạng hàng giả, hàng lậu không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn bày bán công khai ở nhiều nơi, thủ đoạn ngày càng tinh vi, có hệ thống và gần đây chủ yếu xuất hiện nhiều trên không gian mạng, Bộ trưởng sẽ có giải pháp về chế tài xử phạt như thế nào để đủ sức răn đe đối với các trường hợp vi phạm? Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, để nâng cao hiệu quả công tác này, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành nhiều cơ chế, chính sách. Bên cạnh đó, tăng cường hơn nữa việc truyền thông để hướng dẫn người tiêu dùng trở thành người tiêu dùng thông thái và xây dựng cơ sở dữ liệu cũng như chia sẻ thông tin với các cơ quan liên quan. Thời gian qua, đã xử lý hàng chục nghìn trường hợp vi phạm và thu về cho ngân sách nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng xử phạt vi phạm trong lĩnh vực gian lận thương mại.
Liên quan đến vấn đề giá điện, trong đó có việc tính giá điện theo bậc thang chưa phù hợp với nhu cầu của người dân, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, biểu giá điện bậc thang là mô hình phổ biến của các quốc gia nhằm khuyến khích khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Ở Việt Nam, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện bình quân gồm 6 bậc. Thực hiện nghị quyết của UBTVQH, Chính phủ đã chỉ đạo và Bộ Công Thương chủ trì sửa đổi, bổ sung quy định này. Theo đó, trong dự thảo trình Chính phủ giảm từ 6 bậc xuống còn 5 bậc và bậc đầu tiên nâng từ 0 đến 50kWh lên 0 đến 100kWh. Mục tiêu để hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Mặt khác, dần xóa khoảng cách bất hợp lý giữa các đối tượng sử dụng điện, điều chỉnh khung giá của các đối tượng sản xuất cũng như kinh doanh và sinh hoạt để tiệm cận gần hơn. Một số ngành sản xuất sẽ được điều chỉnh cho tương xứng với biểu giá trong lĩnh vực dịch vụ cũng như trong sinh hoạt để bảo đảm không bù chéo giữa các đối tượng sử dụng điện.
|
|
Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: PHẠM THẮNG |
Chú trọng sinh kế khi tái định cư người dân vùng chịu ảnh hưởng thiên tai
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đề nghị Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan có giải pháp và lộ trình để sắp xếp, di dời, bố trí lại dân cư vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở, vùng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của thiên tai. Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, thời gian qua đã bố trí được gần 27.000 hộ ở những vùng xung yếu, những vùng thiên tai, sạt lở, sụt lún, bờ sông, bờ biển, vùng đồi núi. Tuy nhiên, nhu cầu còn rất lớn, Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục làm việc với các địa phương để từ đó có chính sách đáp ứng nhu cầu và đòi hỏi thực tế về vấn đề này. Thời gian qua, có bố trí nhiều mô hình tái định cư cho người dân vùng thiên tai, vùng sụt lún nhưng bà con đến ở rất ít, lý do là không bảo đảm điều kiện sinh kế. Vì vậy, không chỉ cần chỗ ở mà còn là sinh kế hằng ngày cho người dân. Cùng với đó là việc phù hợp với phong tục, tập quán, nếp nhà, cộng đồng. Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với các địa phương để vừa có nguồn lực, vừa có tư duy mới về tái định cư cho người dân vùng đối phó với thiên tai, chịu rủi ro của thiên tai.
Liên quan đến giải pháp hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ, mở rộng thị trường nông sản, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, chủ trương mở cửa thị trường đã được nhất quán để tạo điều kiện cho dòng chảy của nông sản từ đồng ruộng tới người tiêu dùng, kể cả thị trường trong nước và nước ngoài. Bộ NN-PTNT cùng với Bộ Công Thương liên tục có những nghị định thư với các nước để tiêu thụ nông sản. Bên cạnh đó, cần chuẩn hóa các tiêu chuẩn chất lượng của nông sản, không thể nói tiêu thụ khi hàng hóa không đạt tiêu chuẩn của thị trường, cả trong nước và nước ngoài. Cần khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, xây dựng lại vùng nguyên liệu tập trung và liên kết để trở thành những hợp tác xã đủ mạnh. Đồng thời, thúc đẩy sản phẩm OCOP, một kênh để tiêu thụ các sản phẩm chế biến, tăng giá trị cho nông sản địa phương, giải tỏa được áp lực thị trường, tạo ra sinh kế, lao động, việc làm cho nông dân.
Lo ngại việc bảo tồn một số bộ môn nghệ thuật truyền thống
Nêu vấn đề với Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT-DL), đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội) bày tỏ lo lắng khi việc đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực nghệ thuật trên toàn quốc đang bị thu hẹp cả về quy mô, giảm về chất lượng, nhiều ngành, nhiều chuyên ngành không tuyển sinh được. Bộ trưởng Bộ VHTT-DL Nguyễn Văn Hùng thẳng thắn nhìn nhận, trong bối cảnh hiện nay nếu không có nhiều giải pháp quyết liệt, một số bộ môn nghệ thuật truyền thống sẽ bắt đầu khép lại, vì không có đầu vào để đào tạo. Trong bối cảnh nước ta hội nhập sâu, rộng với quốc tế, có những bộ môn nghệ thuật truyền thống đang đứng trước nguy cơ tác động nếu không có cách bảo tồn. Chính phủ đã có các quy định để khuyến khích, động viên bằng cách giảm học phí, các chế độ ưu đãi với các lĩnh vực này. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, giải pháp lâu dài, căn cơ là phải yêu văn hóa Việt Nam, coi truyền thống Việt Nam là hồn cốt, cần phải giữ gìn, lưu truyền, trao truyền và chỉ khi thực sự yêu thích, đam mê thì chắc chắn sẽ được khai thác, tăng thêm.
Quan tâm đến cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính
Chia sẻ với băn khoăn của nhiều đại biểu Quốc hội liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, về sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư giai đoạn 2019-2021, đến nay đã giải quyết được khá cơ bản và năm 2025 sẽ phải thực hiện xong. Đối với việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhìn nhận, số lượng sắp xếp rất lớn nhưng tiến độ còn chậm. Hiện nay, Bộ Nội vụ đã tiếp nhận 43 hồ sơ trên tổng số 54 địa phương cấp tỉnh nằm trong diện sắp xếp, đã hoàn thiện thẩm định 32 hồ sơ và trình UBTVQH 3 hồ sơ. Thời gian tới, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà mong muốn các địa phương cố gắng, nỗ lực, tập trung cao cùng với Bộ Nội vụ hoàn thành được nhiệm vụ này.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về vấn đề chậm ban hành văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, năm 2024, số lượng văn bản quy định chi tiết còn nợ chỉ chiếm hơn 17% (so với cùng kỳ năm 2023 là hơn 24%), trong đó, có 58 văn bản ban hành cùng lúc với luật, pháp lệnh có hiệu lực. Tuy nhiên, tồn đọng lâu nay về văn bản quy định chi tiết chưa được xử lý dứt điểm. Nguyên nhân do số lượng nhiều, có những văn bản nội dung khó. Về giải pháp, theo Phó thủ tướng Lê Thành Long, Chính phủ đang nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc của Chính phủ theo hướng quy định sát sao hơn và đôn đốc thực hiện tốt hơn quy trình giữa các cơ quan và Văn phòng Chính phủ. Các đồng chí lãnh đạo Chính phủ tăng cường kiểm tra, giám sát, làm việc trực tiếp để đôn đốc các bộ, ngành tích cực hơn nữa trong soạn thảo, ban hành văn bản quy định chi tiết.
Hôm nay (22-8), UBTVQH tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
MẠNH HƯNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.