* Phê chuẩn nhân sự Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Tổng thanh tra Chính phủ
Một trong những nội dung của dự thảo luật được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là quy định kiểm soát đặc biệt với tổ chức tín dụng yếu kém. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, băn khoăn của người dân trong việc tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, phải đưa vào diện kiểm soát đặc biệt là có sử dụng ngân sách Nhà nước hay không và tác động thế nào đến ngân sách Nhà nước. “Chúng ta thực hiện tái cơ cấu phải minh bạch, không nên né tránh, tác động, ảnh hưởng hay hiệu quả đạt được như thế nào sau khi tái cơ cấu TCTD phải cho cử tri, nhân dân biết”-đại biểu Trương Trọng Nghĩa bày tỏ.
Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong điều kiện không sử dụng trực tiếp ngân sách Nhà nước để cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của các TCTD yếu kém, cần thiết phải có các biện pháp hỗ trợ để giúp các TCTD có triển vọng phục hồi, tránh nguy cơ đổ vỡ gây mất an toàn hệ thống. Việc quy định các TCTD được kiểm soát đặc biệt ngoài được vay của Ngân hàng Nhà nước còn được vay của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, Ngân hàng Hợp tác xã và các TCTD khác là phù hợp với chủ trương huy động nguồn lực từ bên ngoài. Đại biểu Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam-VietinBank (đoàn Hà Nội) đề nghị, cân nhắc cho phép Chính phủ được sử dụng nguồn lực Nhà nước khi TCTD lâm vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, có nguy cơ phá sản. Bởi nếu không sử dụng nguồn lực Nhà nước thì việc thực hiện biện pháp cho vay đặc biệt khi tái cơ cấu các ngân hàng này sẽ khó thực hiện được.
Một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị tránh để xảy ra tình huống TCTD bị phá sản bởi có thể dẫn đến đổ vỡ dây chuyền của hệ thống. Nếu buộc phải phá sản TCTD cần có giải pháp cụ thể hơn và cần được quy định trong dự thảo luật. Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) lưu ý đến tình huống nếu ngân hàng âm vốn điều lệ, nguy cơ phá sản, bắt buộc phải chuyển giao nhưng không có ai nhận chuyển giao thì cũng không thể cho phá sản vì ảnh hưởng đến lợi ích của người dân, những người đã gửi tiền vào ngân hàng. Để bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, cần xem xét lại mức bảo hiểm tiền gửi, như quy định hiện nay, bảo hiểm tiền gửi tối đa là 75 triệu đồng/người gửi tiền, trong khi có những người gửi hàng trăm tỷ đồng nên mức bảo hiểm này không có ý nghĩa thực tiễn. Đối với phương án cho phá sản TCTD, báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, dự thảo luật quy định việc phá sản chỉ áp dụng sau khi đã thực hiện các biện pháp khác nhưng không thành công, đồng thời quy định rõ việc quyết định thực hiện phương án phá sản TCTD thuộc thẩm quyền của Chính phủ để bảo đảm quyết định một cách kỹ lưỡng, thận trọng, chặt chẽ...
Giải trình một số vấn đề liên quan đến dự thảo luật, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo phối hợp với cơ quan thẩm tra đã bổ sung, chỉnh sửa nhiều nội dung, trong đó có quy định về can thiệp sớm các TCTD có dấu hiệu suy yếu, sửa đổi, bổ sung về tỷ lệ sở hữu cổ phần tại một TCTD, bổ sung một số quy định để ngăn ngừa sở hữu chéo, đầu tư chéo...
Trong thời gian làm việc sáng 26-10, Quốc hội đã tiến hành phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Tổng thanh tra Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín. Theo kết quả công bố chiều cùng ngày, Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Thể giữ chức Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; bổ nhiệm ông Lê Minh Khái giữ chức Tổng thanh tra Chính phủ với đa số phiếu đồng ý. Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết về phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Tổng thanh tra Chính phủ.
Cũng trong chiều cùng ngày, Quốc hội đã nghe Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về nội dung này.
MẠNH HƯNG