Tập trung vận động chủ doanh nghiệp

Tại huyện Quỳnh Lưu, việc thành lập tổ chức Đảng, các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp tư nhân (DNTN) rất khó khăn. Với 278 DN trên địa bàn nhưng đến nay chỉ thành lập được 8 tổ chức cơ sở đảng. Toàn huyện hiện có 20 DNTN có đảng viên nhưng chưa thành lập được tổ chức Đảng.

Ở TP Vinh, công tác phát triển đảng viên, tổ chức đảng gặp nhiều khó khăn khi phần lớn số DN đăng ký trên giấy phép kinh doanh có số lượng lao động nhiều nhưng thực tế khảo sát có rất ít lao động làm việc tại trụ sở. Theo báo cáo của Ban Tổ chức Thành ủy Vinh, trên địa bàn thành phố có 6.153 DNTN nhưng đến nay chỉ thành lập được 18 chi bộ. Đáng chú ý, thời gian qua đã có 3 chi bộ phải giải thể do DN chuyển đổi vị trí, công ty ngừng hoạt động và đảng viên nghỉ việc nên không đủ số lượng đảng viên sinh hoạt.

Khu công nghiệp Nam Cấm (Nghi Lộc, Nghệ An) có 41 DN nhưng chỉ 10 DN có tổ chức cơ sở đảng. Đảng bộ huyện có 1 tổ chức cơ sở đảng là Chi bộ Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh Bãi Lữ và 2 tổ chức cơ sở đảng nằm trong Khu công nghiệp Nam Cấm (Chi bộ Công ty Cổ phần Khoáng sản Á Châu, Chi bộ Công ty Cổ phần Lương thực Vật tư nông nghiệp Nghệ An). Trong đó, có 2 tổ chức cơ sở đảng nhiều năm nay không phát triển được đảng viên.

Lễ kết nạp đảng viên tại Chi bộ Bệnh viện Đa khoa Minh An (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An). 

Việc thành lập tổ chức cơ sở đảng và gieo “hạt giống đỏ” trong các DN ngoài nhà nước rất gian nan. Đồng chí Đinh Thị Hạnh, Phó trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Nghi Lộc bày tỏ: “Thường trực Huyện ủy, Ban Tổ chức Huyện ủy thường xuyên có các cuộc làm việc với lãnh đạo các DN, nhưng đa số đều không mặn mà với việc thành lập tổ chức đảng bởi tâm lý sợ ảnh hưởng đến hoạt động SXKD. Hơn nữa, hoạt động của DN ít liên quan đến chính quyền địa phương nên khó khăn trong việc tiếp cận, phối hợp để phát triển tổ chức đảng”.

Hiện nay, đa phần chủ DN không phải là đảng viên nên nhận thức về việc thành lập tổ chức đảng hạn chế, trong khi hoạt động của các tổ chức đoàn thể chưa thực sự tạo sức hấp dẫn đối với chủ DN, từ đó khó khăn cho công tác phát triển đảng viên trong DN. Một thực trạng chung là hiện nay, DNTN chỉ quan tâm đến lợi nhuận kinh doanh mà không "mặn mà" đến việc phát triển đảng viên. Cùng với đó, theo quy trình kết nạp Đảng, quần chúng phải học lớp đối tượng đảng, các thủ tục xác minh lý lịch; sau khi được kết nạp Đảng phải tham gia lớp học bồi dưỡng đảng viên mới... Những vấn đề đó đều liên quan đến tiền lương, tiền thưởng, thời gian, rất khó khăn để được DN ngoài nhà nước quan tâm bố trí, sắp xếp; đời sống kinh tế của một bộ phận công nhân còn thấp nên vấn đề họ quan tâm chủ yếu là việc làm, thu nhập để cải thiện cuộc sống; tâm lý ngại học tập chính trị, hội họp, đóng đảng phí còn tồn tại ở một số NLĐ. 

Nhiều cuộc vận động “hành lang”

Trước việc các DN không mặn mà thành lập tổ chức đảng, Huyện ủy Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã thành lập 3 tổ công tác thường xuyên làm việc, đối thoại, vận động các DN thành lập tổ chức cơ sở đảng. Đồng chí Lê Xuân Kiên, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Quỳnh Lưu nói: “Ngoài các kế hoạch, những buổi làm việc chính thức, lãnh đạo huyện còn phải vận dụng các mối quan hệ, thực hiện nhiều cuộc vận động "hành lang”, thường xuyên trao đổi, hỗ trợ tối đa các DN về thủ tục hành chính để tạo sự gần gũi, tiến tới thành lập tổ chức cơ sở đảng. Nhờ vậy, năm 2022, huyện Quỳnh Lưu phát triển được 2 tổ chức đảng và 15 đảng viên; trong đó có 1 đảng viên là chủ DN”.

Song song với quá trình gặp gỡ vận động các DN, việc tổ chức chọn lựa, giới thiệu quần chúng ưu tú kết nạp Đảng và cách tổ chức lớp học bồi dưỡng nhận thức về Đảng cũng thay đổi phù hợp với thực tế của NLĐ tại các DN. Theo quy định, lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng diễn ra trong thời gian liên tục, nhưng tại huyện Quỳnh Lưu, Trung tâm Chính trị huyện đã linh hoạt thay đổi cách học để phù hợp với đặc thù của NLĐ trong các DN ngoài nhà nước, bố trí thời gian học ngắn hơn và vào ngày nghỉ, sau đó hướng dẫn học viên tự ôn luyện. 

Tại huyện Nghi Lộc, để tạo thuận lợi cho công tác phát triển đảng trong DN, Huyện ủy Nghi Lộc duy trì hiệu quả nhóm Zalo chung của các tổ chức cơ sở đảng, kịp thời chuyển tải văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác tổ chức xây dựng Đảng. Huyện ủy cũng tích cực rà soát, nắm chắc số đảng viên đang làm việc ổn định trong các DN nhưng sinh hoạt đảng ở nơi khác, nếu có đủ 3 đảng viên chính thức trở lên và DN làm ăn ổn định thì chỉ đạo chuyển sinh hoạt đảng của số đảng viên đó về DN để thành lập tổ chức đảng. Ở những DN chưa có đảng viên hoặc có đảng viên nhưng chưa đủ điều kiện thành lập tổ chức đảng, cấp ủy cơ sở nơi DN đóng trụ sở chính phân công cấp ủy viên và đảng viên có kinh nghiệm đến làm việc, chỉ đạo, phối hợp với các đoàn thể trong DN tiến hành bồi dưỡng quần chúng, phát triển đảng viên, tạo tiền đề, điều kiện để thành lập tổ chức đảng. Vừa qua, 71 công nhân thuộc Công ty May Nghi Lâm và Công ty TNHH Thiên Phú đóng trên địa bàn xã Khánh Hợp đã được bồi dưỡng nhận thức về Đảng. Huyện ủy Nghi Lộc tập trung chỉ đạo Đảng ủy xã Khánh Hợp phối hợp với Công ty TNHH Thiên Phú tiến hành các thủ tục theo quy định thành lập chi bộ trực thuộc Đảng bộ xã Khánh Hợp.

Quá trình hình thành tổ chức cơ sở đảng trong các DN không phải ngày một, ngày hai mà đó là một chặng đường dài. Vì vậy, cấp ủy các cấp phải kiên trì thuyết phục chủ DN và NLĐ để họ thấy được vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, là động lực để phát triển SXKD. Cùng với công tác vận động và linh hoạt trong quy trình kết nạp đảng viên, các cấp ủy đảng ở Nghệ An cũng phát huy vai trò quản lý nhà nước, sự phối hợp của các tổ chức trong hệ thống chính trị đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nhân, DN hoạt động; ngăn ngừa, đẩy lùi những hiện tượng móc nối, trục lợi, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà đối với doanh nhân, DN trong quá trình kinh doanh; tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, đối thoại với chủ DN để tìm giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả SXKD; DN hoạt động trong khuôn khổ pháp luật bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho NLĐ và chủ DN. (còn nữa)

Bài và ảnh: HOÀNG HOA LÊ