“Cán bộ trên cây”!
Tại buổi làm việc với Tỉnh ủy Gia Lai, chúng tôi được tiếp cận với một khái niệm mới lạ, đó là cụm từ “cán bộ trên cây”. Thuật ngữ này từng được đồng bào tại nhiều thôn, buôn ở Gia Lai sử dụng từ những năm 90 của thế kỷ 20.
“Cán bộ trên cây” để ám chỉ cán bộ ở cơ sở tiến hành công tác tuyên truyền, giáo dục quần chúng thông qua hệ thống loa phát thanh, được lắp đặt trên những cây cao, trụ điện ở các buôn, làng... Thực chất, đây là một trong những phương pháp tuyên truyền cơ bản ở cơ sở mà đến nay vẫn được áp dụng và phát huy hiệu quả.
Thế nhưng vì sao đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) lại gọi là “cán bộ trên cây”? Lời giải cho câu hỏi này quả không hề đơn giản!
Theo giải thích của một số cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai, xét theo một mặt định tính, cách gọi này phản ánh thái độ không hài lòng của đồng bào về thực trạng cán bộ làm công tác tuyên truyền theo lối áp đặt một chiều. Có nghĩa, cán bộ chỉ đọc các nội dung tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh mà không về với đồng bào để phân tích, giải thích cặn kẽ, sâu sắc để dân biết, dân hiểu; cũng không tiếp xúc, đối thoại để lắng nghe dân nói. Hơn thế, cán bộ tuyên truyền đa phần là người chưa thông thạo tiếng DTTS, do đó không thể chuyển tải hết các nội dung tuyên truyền tới đồng bào.
 |
Các già làng Tây Nguyên trao đổi kinh nghiệm tuyên truyền, vận động đồng bào. |
Theo đồng chí Tống Thới Mốc, Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai, do đồng bào bị “mù” thông tin chính thống, cũng không có điều kiện bày tỏ, phản ánh tâm tư, nguyện vọng nên những trăn trở, bức xúc dần “tích tiểu thành đại”, sinh ra những phản ứng tiêu cực khó kiểm soát và dần hình thành các điểm nóng trong dư luận và cộng đồng. Thậm chí, ngay cả khi FULRO có dấu hiệu hoạt động mạnh, với nhiều thủ đoạn tinh vi thì công tác tuyên truyền, giáo dục của hệ thống chính trị cơ sở cũng không kịp thời đấu tranh với những hoạt động ấy. Đồng bào bị thiếu thông tin chính thống, đại bộ phận nhận thức chưa rõ giữa đúng và sai, cán bộ lại không nắm chắc cơ sở nên lúng túng trong xử lý các tình huống.
Qua khảo sát, trao đổi trực tiếp với những người đứng đầu cấp xã, huyện của các tỉnh Gia Lai, Đắc Lắc, Kon Tum... các ý kiến đều cho rằng, nguyên nhân dẫn đến những hạn chế của công tác tuyên truyền theo lối một chiều trước hết bắt đầu từ phía đội ngũ cán bộ cơ sở, nhưng phần khác lại xuất phát từ chính những yếu kém trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp. Đồng chí Nguyễn Bá Thạch, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Chư Pưh (Gia Lai), phân tích: “Cho đến năm 2001, công tác bồi dưỡng về kỹ năng, kiến thức tiến hành công tác giáo dục, tuyên truyền nói riêng, công tác vận động quần chúng nói chung vẫn chưa được các cấp quan tâm đúng mức; nhiều nơi còn phó thác cho cán bộ cơ sở...”.
Nhận thức rõ những sai lầm đó, sau năm 2001, các tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên đồng loạt tiến hành rút kinh nghiệm trong toàn hệ thống chính trị; đồng thời quan tâm nhiều hơn đến công tác đào tạo, tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ tuyên truyền, mà trước đó chưa làm được và còn xem nhẹ.
Về với dân, hòa vào dân
Trong khuôn viên trụ sở UBND xã Chư A Thai (Phú Thiện, Gia Lai), một bảng tin khổ rộng được đặt ở vị trí dễ quan sát. Khi chúng tôi đến khảo sát, có đông đảo bà con đứng xung quanh tìm hiểu các loại văn bản hướng dẫn thủ tục hành chính, các chính sách mới ban hành... được treo trên bảng tin. Ngay sau đó vài phút, một đồng chí cán bộ xã đã chủ động đến với bà con trò chuyện, tìm hiểu những khúc mắc, rồi giải thích cặn kẽ, chi tiết từng vấn đề mà người dân quan tâm.
Vào buổi trưa hôm đó, các loa phát thanh được lắp đặt hai bên con đường bê tông kéo từ UBND xã Chư A Thai về các thôn, bản phát đi bản tin về tình hình diễn biến của dịch Covid-19. Ngôn ngữ thể hiện nội dung bản tin này chính là tiếng Ba Na, khác với bản tin lúc sáng sớm được phát đi bằng tiếng phổ thông (tiếng Việt). Được biết, vẫn với nội dung này, bản tin buổi chiều tối sẽ được thể hiện bằng tiếng Gia Rai... Nội dung tuyên truyền trên loa phát thanh được biên tập hết sức ngắn gọn, dễ hiểu, giúp đồng bào có thể ghi nhớ, thuộc được ngay.
 |
Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân vùng biên giới. |
Theo kết quả khảo sát cho thấy, công tác tuyên truyền thông qua hệ thống loa phát thanh chỉ là một trong nhiều phương pháp, hình thức để hướng đến cùng một nội dung tuyên truyền trọng tâm đã xác định từ trước. Trong đó, phương pháp tuyên truyền miệng (TTM) được cho là có nhiều lợi thế và thu nhiều kết quả thiết thực. “Phương pháp TTM có thể nói mọi lúc, mọi nơi. Nói trong lúc cùng đồng bào làm rẫy, lúc uống rượu, lúc sinh hoạt cùng đồng bào... Cái hay của TTM là vừa tuyên truyền, vừa nghe đồng bào giãi bày tâm tư, nguyện vọng để hiểu dân hơn, gần dân hơn”- đồng chí Nguyễn Quang Cường, Trưởng phòng Tuyên truyền báo chí và Văn hóa văn nghệ, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai giải thích.
Bàn về giải pháp nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, đại diện lãnh đạo các ban tuyên giáo 5 tỉnh ở Tây Nguyên đều chỉ rõ, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải giải quyết bằng được khoảng trống thông tin trong đồng bào các DTTS. Bởi lẽ, dù Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy các tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo, huy động nhiều lực lượng vào cuộc nhưng khoảng trống vô hình ấy vẫn chưa được khỏa lấp triệt để; khi khoảng trống này được phủ đầy cơ bản, sẽ hình thành, xuất hiện những khoảng trống mới trong cộng đồng các DTTS.
Trên cơ sở đánh giá này, ngành tuyên giáo các tỉnh xây dựng và triển khai các chương trình, đề án xây dựng lực lượng nòng cốt TTM tại các thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn. Hằng tháng, cán bộ tuyên giáo tiến hành bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng và cập nhật nội dung tuyên truyền thật sát với đặc thù địa bàn và đối tượng tuyên truyền. Cách thức tuyên truyền bắt đầu từ người thân, gia đình, dòng họ, bạn bè ở mọi lúc, mọi nơi; sau đó là “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, tuyên truyền trong cộng đồng dân cư thông qua nhiều hình thức khác nhau.
Từ kết quả đạt được trong thực hiện đề án xây dựng lực lượng nòng cốt TTM tại các thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai tham mưu cho Tỉnh ủy lãnh đạo triển khai 17/17 huyện, thị xã, thành phố với hơn 130 xã, phường, thị trấn xây dựng được lực lượng nòng cốt TTM với hơn 2.500 tuyên truyền viên. Theo đó, mỗi thôn, buôn, làng, tổ dân phố chọn hai người có uy tín trong cộng đồng dân cư để đưa vào lực lượng TTM. Nội dung tuyên truyền trên cơ sở Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy định hướng, Ban Tuyên giáo huyện xây dựng nội dung. Hằng tháng, cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trực tiếp về cơ sở, cung cấp thông tin tới từng xã do ban phụ trách và thông qua lực lượng TTM để kết nối với bà con.
Hiểu dân mới làm cho dân tin, dân yêu
Cùng với đẩy mạnh công tác TTM, việc phát huy hiệu quả tuyên truyền trên không gian mạng cũng được cấp ủy, chính quyền các cấp ở Tây Nguyên đặc biệt quan tâm chỉ đạo, đạt nhiều kết quả. Khác với thời điểm từ năm 2015 trở về trước, khi có các thông tin, luận điệu chống phá của thế lực thù địch trên không gian mạng thì hầu hết cán bộ, đảng viên đều gần như “ngồi im”. Khoảng 5 năm trở lại đây, nhờ làm tốt công tác định hướng, khuyến khích nên cả hệ thống chính trị đã thực sự vào cuộc một cách mạnh mẽ, tích cực tham gia đấu tranh tư tưởng trên không gian mạng. Đông đảo cán bộ, đảng viên không còn ngần ngại thể hiện chính kiến, mạnh mẽ đấu tranh, phản bác lại các thông tin chống phá của các thế lực thù địch và cả những biểu hiện tiêu cực, yếu kém, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong chính đội ngũ cán bộ.
Tại Gia Lai, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thường xuyên tổ chức lực lượng theo dõi và chia sẻ các bài viết trong chuyên mục "Làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình” và chuyên mục "Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên Báo Quân đội nhân dân. Các bài viết trong hai chuyên mục này và nhiều bài viết chuyên luận của các đài, báo Trung ương được thường xuyên cập nhật, chia sẻ trên website, cổng thông tin điện tử của các tỉnh, huyện ở Tây Nguyên, tạo sức lan tỏa trên mạng xã hội để cán bộ, đảng viên và quần chúng đọc, học, nghiên cứu.
Đặc biệt, với sự nêu gương của đội ngũ cán bộ các cấp trong đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn chống phá của kẻ thù, trong thực hành “tự soi, tự sửa” và tích cực cống hiến cho cộng đồng đã tạo sức lan tỏa sâu rộng ra toàn xã hội. Khi chúng tôi về thăm gia đình ông A Gôm-người từng có gần 25 năm là già làng ở thôn Đăk Ơ Nglăng, xã Đăk Tờ Re (Kon Rẫy, Kon Tum), đi trên con đường bê tông phẳng lỳ, rộng rãi mới cảm nhận đầy đủ hơn về điều đó. Bởi lẽ, để có con đường này, nhiều cán bộ địa phương, trong đó có thôn trưởng Y Doak, già làng A Huêng đã tiên phong hiến đất, tự nguyện góp thêm công sức để giám sát, chỉ đạo thi công con đường. Bằng hành động nêu gương đó, nhiều đồng bào DTTS đã không ngần ngại làm theo, cùng chung sức, đồng lòng dựng nên con đường của ý Đảng, lòng dân.
Được biết, Đăk Ơ Nglăng trước đây từng là địa bàn trọng điểm của "tà đạo Hà Mòn", khi có tới hơn nửa dân làng đi theo “cơn gió độc” hết sức nguy hại này; trong đó có cả vợ và con A Gôm. Bản thân ông, từ khi còn là già làng đến nay vẫn thường xuyên đi vận động từng hộ dân, nhà dân từ bỏ tà đạo. Trong cuộc họp thôn nào ông A Gôm cũng tranh thủ lồng ghép các nội dung vận động bà con. Ngày vợ và con từ bỏ tà đạo, ông mổ hẳn một con bò để ăn mừng và mời bà con trong xóm đến chung vui. Với giọng nói chắc nịch, A Gôm khẳng định: “Đăk Ơ Nglăng giờ đây đã giảm đáng kể người theo tà đạo, bà con tin tưởng vào cán bộ, tin tưởng vào chính quyền và nhiệt tình tham gia các chương trình do địa phương phát động, như vậy là bà con đã biết vâng lời Bác Hồ, đã sống xứng đáng hơn với tình cảm Bác Hồ dành cho đồng bào Tây Nguyên”.
Trong chuyến khảo sát trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, chúng tôi nhận thấy các địa phương đã phát huy rất hiệu quả vai trò của người có uy tín trong cộng đồng, nhất là vùng đồng bào DTTS trong việc tuyên truyền, vận động quần chúng. Theo đồng chí Phạm Thị Lan, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Gia Lai, phương pháp tuyên truyền cũng như nắm bắt tư tưởng đồng bào hiệu quả nhất trong những năm qua được Mặt trận Tổ quốc các cấp áp dụng đó là phát huy vai trò của người uy tín tiêu biểu trong cộng đồng dân cư, nhất là ở các thôn, làng đồng bào DTTS. Đồng chí Phạm Thị Lan nhớ lại: “Khi bạo loạn xảy ra đầu năm 2001, cán bộ các xã, thôn, làng bị các đối tượng khống chế. Lúc đó thấy rằng vai trò của người uy tín hết sức quan trọng. Để chuyển tải thông tin đến với đồng bào thì con đường ngắn nhất là thông qua các già làng, cá nhân tiêu biểu có uy tín. Có những vấn đề cán bộ không tiếp cận được nhưng thông qua các già làng, người có uy tín thì thông tin chuyển tải hết sức hiệu quả”.
Hiện trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 44 DTTS sinh sống, trong đó người Ba Na và Gia Rai chiếm đa số. Do đó, các tài liệu tuyên truyền trong đồng bào DTTS đều được dịch ra chữ đồng bào Ba Na và Gia Rai. Bên cạnh đó, tỉnh hết sức quan tâm đến vấn đề nắm bắt tư tưởng các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đồng bào DTTS. Trước các sự kiện lớn, ngành tuyên giáo đều tổ chức điều tra xã hội học, thẩm định thông tin qua internet và phát huy hiệu quả vai trò của lực lượng cộng tác viên dư luận xã hội để dự báo, nắm bắt, định hướng tư tưởng, dư luận cộng đồng.
Sau bạo loạn năm 2001, cả hệ thống chính trị các tỉnh vùng Tây Nguyên đã nỗ lực không ngừng để củng cố trận địa tư tưởng và "thế trận lòng dân". Mặc dù vẫn còn những khoảng trống thông tin nhất định chưa được khỏa lấp nhưng hệ thống tuyên giáo các cấp trong toàn vùng Tây Nguyên đã chuyển động tích cực, hướng về cơ sở; quyết liệt chỉnh đốn để có đội ngũ “cán bộ dưới đất” luôn “3 bám, 4 cùng” với đồng bào. Từ đây, hệ thống chính trị ở cơ sở cũng được củng cố và tăng cường, từng bước lấy lại niềm tin từ quần chúng nhân dân.
(còn nữa)
NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN