Trong những năm gần đây, tình hình khu vực và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, đặt ra yêu cầu ngày càng cao hơn với công tác tham mưu chiến lược của Cục Đối ngoại. Đặc biệt, năm 2020, sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn vẫn diễn ra gay gắt cùng với sự xuất hiện và tác động tiêu cực khôn lường của đại dịch Covid-19 là những thách thức lớn cho việc giải quyết hài hòa các mối quan hệ, hợp tác về quốc phòng của Việt Nam, nhất là vừa hoàn thành trọng trách chủ nhà ASEAN 2020, vừa thực hiện cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ).

Công tác tham mưu chiến lược trong ĐNQP đã được thể hiện một cách linh hoạt, sinh động ngay từ đầu năm 2020 khi đại dịch Covid-19 chưa lan rộng. Khi Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) Hẹp được tổ chức ở Hà Nội, hội nghị đã ra Tuyên bố chung về hợp tác quốc phòng trong ứng phó dịch bệnh. Đây là tuyên bố chưa có tiền lệ và diễn biến dịch Covid-19 kéo dài đến nay cho thấy công tác tham mưu chiến lược đã thực sự hiệu quả, kịp thời.

Để tham mưu đúng, trúng, kịp thời, nhất là khi dịch bệnh và tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, những cán bộ làm công tác ĐNQP đã bám sát tình hình để điều chỉnh trong chương trình hoạt động ĐNQP. Thực tế cho thấy, kế hoạch tổ chức các hoạt động ĐNQP trong năm qua đã được thay đổi hằng tuần, thậm chí hằng ngày, bằng nhiều kịch bản, phương án tổ chức với phương châm quyết tâm cao nhất để tổ chức tất cả các sự kiện có thể tổ chức được theo phương pháp truyền thống. Đồng thời, một số hoạt động ĐNQP đã được tổ chức bằng hình thức điện đàm hoặc trực tuyến. Sau thành công của việc tổ chức theo hình thức này, hơn 20 hoạt động ĐNQP trực tuyến đã được tổ chức một cách linh hoạt và chủ động.

Trong công tác tham mưu, Cục Đối ngoại còn chủ trì giúp BQP xây dựng các khuôn khổ, văn bản hợp tác, các chiến lược, đề án liên quan đến ĐNQP. Chỉ tính từ năm 2000 đến nay, BQP đã ký hàng chục thỏa thuận quốc tế, trong đó có nhiều thỏa thuận quan trọng, tạo cơ sở để triển khai các lĩnh vực hợp tác ổn định, lâu dài với các đối tác, cả song phương và đa phương.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương và BQP, Cục Đối ngoại đã quán triệt sâu sắc đường lối đối ngoại của Đảng, xây dựng sự thống nhất cả về nhận thức lẫn hành động trong tham mưu, tổ chức các hoạt động đối ngoại của cấp chiến lược, đồng thời quản lý, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt công tác ĐNQP.

Đặc biệt, trong 15 năm trở lại đây, do yêu cầu phát triển mới của đất nước, Đảng, Nhà nước, BQP xác định ĐNQP không chỉ mang ý nghĩa chính trị, phục vụ lợi ích chính trị và các lợi ích cốt lõi của quốc gia-dân tộc, mà ĐNQP còn là phương thức bảo vệ Tổ quốc từ xa, bằng biện pháp hòa bình. Quan điểm và định hướng chiến lược đó đặt ra cho đội ngũ cán bộ đối ngoại toàn quân nói chung, Cục Đối ngoại nói riêng, những nhiệm vụ, yêu cầu mới rất nặng nề. Song, ý thức được trách nhiệm và nhiệm vụ, Cục Đối ngoại đã chủ động tham mưu, đề xuất giúp BQP thiết lập các cơ chế quan hệ, hợp tác, ký kết các thỏa thuận, lập các đường dây nóng cấp bộ trưởng, cơ chế đối thoại quốc phòng cấp thứ trưởng, cơ chế đối thoại ngoại giao-an ninh-quốc phòng, cơ chế tham vấn cấp làm việc với nhiều nước. Đặc biệt, Cục Đối ngoại đặt trọng tâm vào tổ chức các hoạt động đối ngoại cấp chiến lược của lãnh đạo BQP, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị cả ở trong nước và nước ngoài, đảm bảo thận trọng, chắc chắn, cân bằng, đan xen lợi ích với các nước, và quan trọng hơn, tăng cường sự hiểu biết và tin cậy giữa Quân đội nhân dân Việt Nam với quân đội các nước, qua đó giảm nguy cơ bất đồng, xung đột.

Đi đôi với công tác tham mưu, Cục Đối ngoại thường xuyên bám nắm chỉ đạo của thủ trưởng BQP, quản lý, hướng dẫn và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong triển khai các lĩnh vực, bảo đảm coi trọng cả lợi ích chính trị, quốc phòng, an ninh. Nhờ chỉ đạo sâu sát của Quân ủy Trung ương, thủ trưởng BQP, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị, quan hệ, hợp tác quốc phòng trở thành một trong những trụ cột quan trọng của quan hệ giữa Việt Nam với các nước.

Trên bình diện đa phương, ĐNQP cũng có nhiều bước đột phá, nổi bật là việc đóng góp tiếng nói và trách nhiệm vào các cơ chế hợp tác quốc phòng do ASEAN giữ vai trò chủ đạo và trong lĩnh vực Gìn giữ hòa bình của LHQ. Bằng những việc làm thiết thực đó, ĐNQP ngày càng khẳng định là mặt trận hợp tác và đấu tranh quan trọng, đóng góp không nhỏ vào việc bảo vệ nhân dân, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ XHCN; tranh thủ được nguồn lực từ bên ngoài để xây dựng quân đội; tăng cường sức mạnh quốc phòng quốc gia; nâng cao vị thế của đất nước và quân đội ta trên trường quốc tế.

Những kết quả đó khẳng định, đội ngũ cán bộ đối ngoại toàn quân đã nắm vững các bài học về ngoại giao đối với đối ngoại nói chung và ĐNQP nói riêng. Đó là bài học về phát huy sức mạnh tổng hợp, kiên trì đoàn kết quốc tế, thêm bạn, bớt thù, nêu cao tinh thần độc lập tự chủ; quán triệt sâu sắc đường lối đối ngoại, đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng, tư tưởng và phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh vào từng điều kiện, hoàn cảnh của đất nước. Đó còn là bài học luôn đặt lợi ích quốc gia-dân tộc làm mục tiêu hành động; là bài học về lòng quyết tâm, tinh thần chủ động, thái độ cầu thị, thể hiện sinh động phương châm đồng thời là thông điệp: Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Trong nền ngoại giao của Việt Nam, ĐNQP là một trong các trụ cột với những đặc trưng: Vừa hợp tác vừa đấu tranh để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh, lợi ích quốc gia-dân tộc; góp phần bảo vệ hòa bình, tạo môi trường thuận lợi, tranh thủ điều kiện quốc tế để xây dựng, phát triển đất nước; góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; tranh thủ điều kiện từ bên ngoài để xây dựng quân đội. Cục Đối ngoại-BQP đã hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ của mình, đặc biệt trong công tác tham mưu chiến lược, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu trên, góp phần thiết thực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

NGỌC HƯNG